Rối loạn ngôn ngữ ở trẻ em là tình trạng trẻ khó hiểu lời nói của người khác, hoặc khó diễn đạt suy nghĩ của mình. Hội chứng này gặp ở khoảng 5% trẻ em khiến trẻ gặp nhiều khó khăn trong học tập và giao tiếp xã hội. Để có thể giúp đỡ trẻ thì việc tìm hiểu về chứng rối loạn này là bước đầu tiên rất hữu ích cho cả bạn và con. Dù không đơn giản, nhưng chúng ta hãy cùng xem nguyên nhân và cách điều trị như thế nào nhé.
Bạn đang đọc: Hiểu đúng rối loạn ngôn ngữ ở trẻ em – vấn đề phức tạp hơn chúng ta nghĩ
Contents
- 1 1. Rối loạn ngôn ngữ là gì?
- 2 2. Một số loại rối loạn ngôn ngữ ở trẻ em thường gặp
- 3 3. Nguyên nhân của chứng rối loạn ngôn ngữ ở trẻ em
- 4 4. Các triệu chứng của rối loạn ngôn ngữ ở trẻ
- 5 5. Rối loạn ngôn ngữ ở trẻ em được chẩn đoán như thế nào?
- 6 6. Vậy các chuyên gia sẽ làm gì để điều trị cho trẻ bị rối loạn ngôn ngữ?
- 7 7. Những việc các cha mẹ có thể làm để giúp trẻ bị rối loạn ngôn ngữ tại nhà
1. Rối loạn ngôn ngữ là gì?
Rối loạn ngôn ngữ là tình trạng một trẻ gặp khó khăn trong việc dùng đúng từ ngữ và câu cú để diễn tả suy nghĩ của mình, hoặc khó khăn trong việc hiểu những gì người khác nói hoặc cả hai.
Nếu để ý, bạn sẽ thấy trẻ bị rối loạn ngôn ngữ chỉ nói được những từ vựng cơ bản hoặc câu ngắn, không đúng ngữ pháp và không hoàn chỉnh. Trong khi bạn đồng trang lứa trò chuyện hay nói đùa thì trẻ bị rối loạn ngôn ngữ có thể không theo kịp câu chuyện hay những lời nói đùa đó. Trẻ cũng có thể chỉ nói được những câu gồm 2 từ và gặp khó khăn trong việc trả lời một câu hỏi dù đơn giản.
Bạn cũng nên lưu ý rằng, trẻ bị rối loạn ngôn ngữ vẫn nghe và phát âm được từ. Trẻ chỉ gặp thách thức trong việc điều khiển và áp dụng các quy tắc ngôn ngữ như ngữ pháp. Trẻ mắc phải hội chứng này không đơn giản chỉ là “biết nói muộn”. Nếu không được can thiệp và điều trị, việc gặp vấn đề về giao tiếp sẽ tiếp diễn, ảnh hưởng tới sự phát triển về cảm xúc và khả năng học tập của trẻ.
2. Một số loại rối loạn ngôn ngữ ở trẻ em thường gặp
- Rối loạn tiếp nhận ngôn ngữ : là tình trạng trẻ gặp khó khăn trong việc hiểu những gì người khác nói.
- Rối loạn biểu cảm ngôn ngữ : là tình trạng trẻ gặp khó khăn trong việc dùng từ ngữ đúng để diễn đạt suy nghĩ của mình.
- Rối loạn hỗn hợp : khi trẻ mắc phải cả hai rối loạn trên
Mặc dù trẻ bị rối loạn ngôn ngữ thường biết nói muộn hơn các trẻ đồng tuổi, nhưng việc này không liên quan đến trí thông minh của trẻ. Các vấn đề về kỹ năng tiếp nhận hoặc biểu cảm (hoặc cả hai) ngôn ngữ thường biểu hiện trước khi trẻ được 4 tuổi.
3. Nguyên nhân của chứng rối loạn ngôn ngữ ở trẻ em
Hiện các chuyên gia vẫn chưa khẳng định được nguyên nhân chính xác dẫ đến việc trẻ bị rối loạn ngôn ngữ ở trẻ em. Tuy nhiên nhiều nghiên cứu cho thấy có một số yếu tố có thể liên quan đến tình trạng này đó là:
- Gene và di truyền
- Chế độ dinh dưỡng lúc mang thai: một số nghiên cứu cho thấy phụ nữ bổ sung đủ acid folic trong thai kỳ thì trẻ sinh ra ít gặp vấn đề về phát triển ngôn ngữ hơn.
- Các nguyên nhân khác: các hội chứng rối loạn phổ tự kỷ, down, khuyết tật trí tuệ và sinh non cũng gây rối loạn ngôn ngữ ở trẻ.
Trên thực tế, sự rối loạn ngôn ngữ ở trẻ có thể biểu hiện không rõ ràng, vì đôi khi chúng ta cho rằng trẻ đang trong quá trình phát triển. Vậy làm thế nào để chúng ta nhận biết trẻ bị rối loạn ngôn ngữ? Chúng ta hãy điểm qua những triệu chứng được trình bày ngay dưới đây nhé.
4. Các triệu chứng của rối loạn ngôn ngữ ở trẻ
Các vấn đề về giao tiếp bằng miệng là dấu hiệu phổ biến nhất của rối loạn ngôn ngữ ở trẻ. Trẻ sẽ gặp khó khăn trong việc hiểu được lời nói của người khác hoặc diễn đạt suy nghĩ của mình.
- Trẻ bị rối loạn tiếp nhận ngôn ngữ sẽ khó hiểu được những gì người khác nói. Trẻ cũng không theo kịp được những chỉ dẫn dù đơn giản từ người khác hay không sắp xếp được những thông tin nghe được một cách có ý nghĩa.
- Trẻ bị rối loạn biểu cảm ngôn ngữ thì thường chậm nói. Trẻ có thể bắt đầu nói lúc 2 tuổi. Khi được khoảng 3 tuổi trẻ nói được nhiều hơn nhưng khó hiểu và tình trạng này có thể kéo dài đến khi trẻ học mẫu giáo.
Ngoài ra, trẻ mắc chứng rối loạn ngôn ngữ còn có thể có những biểu hiện sau:
- Có vốn từ hạn chế so với trẻ cùng tuổi.
- Thường nói “um” và dùng những từ ngữ chung chung thay vì từ cụ thể.
- Gặp vấn đề trong việc nghe từ vựng mới.
- Bỏ qua những từ trọng tâm và dùng những cụm động từ gây khó hiểu.
- Dùng những cụm từ lặp đi lặp lại khi nói.
- Tỏ ra thất vọng vì không diễn đạt được suy nghĩ của mình.
- Có thể nói không nhiều hay thường xuyên nhưng hiểu những gì người khác nói.
- Có thể đánh vần nhưng nói những câu không có ý nghĩa.
- Dùng những cấu trúc câu hạn chế khi nói chuyện.
Tìm hiểu thêm: Đây là 5 nguyên tắc phòng bệnh tay chân miệng cho con hiệu quả mẹ nên thuộc lòng
Do hạn chế về việc tiếp nhận cũng như biểu đạt mà trẻ sẽ gặp nhiều khó khăn trong giao tiếp xã hội và học tập. Trẻ cũng sẽ khó kết bạn, xây dựng mối quan hệ với người khác hay giải quyết các vấn đề của mình do đó sẽ có xu hướng bị cô lập.
Vậy khi nào thì trẻ được xem là bị rối loạn tiếp nhận hay biểu đạt ngôn ngữ, bạn hãy tham khảo các mốc phát triển ngôn ngữ của trẻ dưới đây nhé.
5. Rối loạn ngôn ngữ ở trẻ em được chẩn đoán như thế nào?
Nhiều trẻ có thể chậm nói so với trẻ cùng tuổi nhưng dần dần sẽ bắt kịp tốc độ phát triển ngôn ngữ thông thường. Tuy nhiên nếu trẻ không đạt được các mốc quan trọng như dưới đây thì bạn nên tham khảo ý kiến bác sỹ hoặc chuyên gia. Trước tiên trẻ sẽ được đánh giá về khả năng nghe để loại trừ việc trẻ gặp vấn đề về kỹ năng này.
Trẻ có thể mắc rối loạn tiếp nhận ngôn ngữ nếu không đạt được các mốc như sau:
- Khi được 15 tháng tuổi, trẻ không nhìn hoặc không chỉ vào người hoặc vật mà ba mẹ/ bảo mẫu đã chỉ tên.
- Khi được 18 tháng tuổi, trẻ không làm theo những chỉ dẫn đơn giản ví dụ như “hãy lấy áo khoác của con”.
- Khi được 24 tháng tuổi, trẻ không chỉ vào một bức hình hay một bộ phận cơ thể mà ba mẹ/ bảo mẫu hỏi tên.
- Khi được 30 tháng tuổi, trẻ không trả lời to hay gật, lắc đầu hoặc đặt câu hỏi.
- Khi được 36 tháng tuổi, trẻ không làm theo những chỉ dẫn gồm 2 bước, và không hiểu những từ ngữ chỉ hành động.
Trẻ có thể mắc rối loạn biểu đạt ngôn ngữ nếu không đạt được các mốc như sau:
- Khi được 15 tháng tuổi, trẻ không nói được ít nhất 3 từ.
- Khi được 18 tháng tuổi, trẻ không nói được “Mama”, “Dada” hay một số tên khác.
- Khi được 24 tháng, trẻ không nói được ít nhất 25 từ.
- Khi được 30 tháng tuổi, trẻ không nói được cụm 2 từ bao gồm cả danh từ và động từ.
- Khi được 36 tháng tuổi, trẻ không có được ít nhất 200 từ vựng, không lặp lại được câu hỏi của người khác, không đòi đồ vật bằng gọi tên chúng, không nói được câu hoàn chỉnh hay có vẻ mất một số kỹ năng ngôn ngữ.
- Khi được 48 tháng tuổi, trẻ dùng từ không chính xác hay dùng những từ tương tự, có liên quan thay vì dùng từ chính xác để nói về một việc gì đó.
Nếu trẻ được chẩn đoán mắc rối loạn ngôn ngữ, bạn có thể đưa con đến gặp các bác sỹ, chuyên gia, các trường đại học có đào tạo các nhà bệnh lý học về ngôn ngữ, hoặc trung tâm trợ giúp trẻ khuyết tật ở địa phương, để được giúp đỡ và điều trị.
6. Vậy các chuyên gia sẽ làm gì để điều trị cho trẻ bị rối loạn ngôn ngữ?
Việc điều trị sớm cho trẻ bị rối loạn ngôn ngữ là rất quan trọng vì càng can thiệp sớm, trẻ sẽ càng nhanh được cải thiện về tiếp nhận và sử dụng ngôn ngữ. Một số biện pháp có thể giúp đỡ trẻ bao gồm:
- Liệu pháp ngôn ngữ cá nhân: chuyên gia trị liệu về ngôn ngữ có thể làm việc trực tiếp với trẻ để giúp cải thiện vốn từ vựng cũng như ngữ pháp cho bé. Đồng thời họ cũng sẽ hướng dẫn bạn cách làm việc với con tại nhà.
- Trị liệu tâm lý: nếu trẻ gặp các vấn đề về tâm lý do rối loạn ngôn ngữ, trẻ sẽ cần được trợ giúp để cải thiện cảm xúc.
- Đối với trường học, bạn có thể trao đồi cụ thể với nhà trường để có phương pháp giáo dục con một cách phù hợp.
Bên cạnh việc điều trị bởi các chuyên gia, cha mẹ có thể làm gì để giúp đỡ con?
7. Những việc các cha mẹ có thể làm để giúp trẻ bị rối loạn ngôn ngữ tại nhà
Có rất nhiều cách bạn có thể áp dụng để giúp đỡ trẻ tại nhà để điều trị chứng rối loạn ngôn ngữ này, trong đó bạn có thể tham khảo một số biện pháp sau:
- Hãy giao tiếp với con càng nhiều càng tốt: khi trẻ còn nhỏ hãy hát hoặc mở nhạc cho trẻ nghe. Hãy mô tả với trẻ những gì bạn thấy khi lái xe hay khi đi siêu thị. Hãy lắng nghe bé và cho con thật nhiều thời gian để trả lời câu hỏi nào đó hoặc bổ sung hoàn thiện câu nói của bạn.
- Hãy làm cho việc đọc sách trở thành những trải nghiệm thú vị và lôi cuốn: bạn hãy cùng trẻ thảo luận về những bức tranh, ảnh trong sách, đồng thời khuyến khích con tưởng tượng ra một kết thúc khác cho các câu chuyện. Khi đọc sách cho con nghe, hãy đọc thật diễn cảm để thu hút và tạo sự hào hứng cho trẻ.
>>>>>Xem thêm: Mách mẹ mẹo hay trị chứng “ho – sổ mũi” cho trẻ khi thời tiết thay đổi mà không cần dùng thuốc
Trong quá trình trị liệu của trẻ bạn có thể gặp áp lực hoặc khó khăn vì đây là một công việc không dễ dàng cho cả bạn và con. Bạn hãy cố gắng theo sát và hiểu con, vì càng hiểu trẻ bạn càng có thể giúp con tiến bộ. Bên cạnh đó bạn hãy liên lạc với những cha mẹ khác cùng cảnh ngộ để trao đổi kinh nghiệm cũng như được hỗ trợ.
Bạn có thể thấy rối loạn ngôn ngữ ở trẻ là tình trạng khá phức tạp mà để giúp trẻ cải thiện bạn cần thật kiên nhẫn. Hãy trở thành người bạn đồng hành cùng trẻ trong hành trình tìm lại “tiếng nói” cho con các cha mẹ nhé.
Theo Understood
Lily Nguyễn lược dịch