Dinh dưỡng cho bà bầu ở tháng thứ 8 là vấn đề mẹ rất nên lưu tâm. Vì đã gần đến cuối thai kỳ, trong khi bạn và em bé vẫn cần được cung cấp đủ dinh dưỡng, thì bạn cũng cần lưu ý không để tăng cân quá nhanh. Vì cân nặng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và bé. Nó còn tác động lớn đến mức rủi ro khi sinh nở của mẹ. Vậy dinh dưỡng như thế nào ở tháng này là hợp lý, chúng ta hãy cùng tìm hiểu nhé.
Bạn đang đọc: Dinh dưỡng cho bà bầu ở tháng thứ 8 bạn cần lưu ý gì
Contents
1. Dinh dưỡng cho bà bầu ở tháng thứ 8 nên bao gồm những gì
Chúng ta đều biết các mẹ bầu cần có chế độ dinh dưỡng lành mạnh, cân bằng để đảm bảo sức khỏe và sự phát triển của thai nhi. Chế độ dinh dưỡng cho bà bầu ở tháng thứ 8 cũng không có yêu cầu gì đột biến. Bạn chỉ cần chú ý khẩu phần ăn cũng như hãy chia nhỏ bữa ăn của mình để việc tiêu hóa được dễ dàng hơn.
Bạn nên đảm bảo có đủ thực phẩm chứa các nhóm chất cần thiết trong chế độ ăn hàng ngày. Cụ thể đó là:
- Thực phẩm giàu sắt : sắt là khoáng chất vô cùng quan trọng khi bạn mang thai. Bạn không chỉ phải bổ sung đủ sắt trong tháng thứ 8 mà là cả trước khi mang thai, trong thai kỳ và kể cả sau khi sinh em bé. Sắt giúp bạn phòng ngừa nguy cơ thiếu máu và băng huyết sau sinh. Một tình trạng cực kì nguy hiểm đối với sức khỏe của bạn. Bạn có thể tiêu thụ các loại thực phẩm giàu sắt như: thịt, trứng, cá, sữa, các loại hạt và các loại đậu.
- Thực phẩm giàu canxi và phốt pho : đây là hai loại khoáng chất quan trọng giúp hệ xương của bạn và em bé được chắc khỏe. Các thực phẩm giàu canxi có thể kể đến như: thịt nạc, cá, rau lá xanh đậm, sữa và chế phẩm sữa, các loại hạt, chuối, trứng, nấm…
- Thực phẩm giàu kali : kali là loại khoáng chất giúp kiểm soát đường huyết, sự hoạt động của tế bào, và lưu chuyển chất lỏng trong cơ thể. Các thực phẩm chứa nhiều kali gồm rau lá xanh đậm, dưa hấu, chuối, sữa, các loại đậu,…
- Thực phẩm giàu protein : protein cũng là một dưỡng chất quan trọng đối với các mẹ bầu mang thai tháng thứ 8 . Bạn có thể tiêu thụ các loại thực phẩm như thịt nạc, cá, trứng, sữa, sữa chua, đậu phụ, sữa đậu nành, lòng trắng trứng,…để bổ sung protein.
- Thực phẩm giàu carbohydrates : chúng rất quan trọng trong việc tạo ra nguồn năng lượng cho các hoạt động của bạn và thai nhi. Bạn có thể đưa các loại thực phẩm như: quả mọng, rau củ, bánh mì, mì ống từ ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu, khoai lang,…vào chế độ ăn hàng ngày của mình.
- Thực phẩm giàu chất xơ : đến tháng thứ 8 của thai kỳ, có lẽ bạn đã ít nhiều trải qua tình trạng táo bón do tác động của sự thay đổi hormone cũng như sự chèn ép của tử cung lên bộ máy tiêu hóa. Vì vậy, tiêu thụ thực phẩm giàu chất xơ trở nên rất quan trọng. Chúng sẽ giúp hệ tiêu hóa của bạn hoạt động hiệu quả hơn, cũng như tình trạng bà bầu bị táo bón giảm đi. Tiêu thụ các loại rau xanh, trái cây, các loại đậu, ngũ cốc nguyên hạt sẽ rất tốt cho bạn lúc này.
- Thực phẩm chứa chất béo lành mạnh : bạn có thể ăn các loại hạt, cá béo, trứng, bơ đậu phộng,…để bổ sung chất béo lành mạnh cho cơ thể trong tháng thứ 8 này. Hãy lưu ý lượng chất béo bạn tiêu thụ không nên vượt quá 30% tổng lượng calories hàng ngày.
- Thực phẩm giàu vitamin C : đây là loại vitamin giúp tăng cường sức đề kháng của bạn. Nó có chứa nhiều trong các loại trái cây như dâu, cam, nho,…và rau củ như bắp cải, cà chua, bông cải xanh,…
- Thực phẩm giàu axit folic : axit folic rất quan trọng ở giai đoạn đầu thai kỳ vì nó giúp giảm nguy cơ em bé bị dị tật nứt đốt sống. Và bạn vẫn nên duy trì bổ sung loại axit này trong tam cá nguyệt cuối cùng. Những loại thực phẩm giàu axit folic gồm: đu đủ, rau lá xanh, ngũ cốc, đậu lăng, măng tây, yến mạch, cam,…
Tìm hiểu thêm: Phái đẹp và 5 nỗi sợ mang thai điển hình
2. Những loại thực phẩm nào cần tránh trong chế độ dinh dưỡng cho bà bầu ở tháng thứ 8
Đối với chế độ dinh dưỡng cho bà bầu ở tháng thứ 8, bạn không chỉ phải lưu ý đến những loại thực phẩm cần có trong chế độ ăn hàng ngày, mà còn cần chú ý đến những loại nên tránh. Chúng bao gồm:
- Sữa chưa tiệt trùng và phô mai mềm : đây là nguồn thực phẩm dễ bị vi khuẩn xâm nhập và có thể gây nhiễm trùng cho bạn nếu gặp phải chúng. Vì vậy tốt nhất bạn nên tránh uống loại sữa này.
- Cà phê và đồ uống có cồn : đây đều là những thức uống không có lợi cho sức khỏe của bạn, đặc biệt là đối với em bé trong bụng. Chúng ảnh hưởng xấu đến thai nhi, thậm chí trong trường hợp nghiêm trọng có thể làm tăng nguy cơ sảy thai hoặc sinh non .
- Thực phẩm chế biến và đồ chiên rán : những loại thực phẩm này chứa nhiều muối và chất béo xấu, ảnh hưởng không tốt đến huyết áp của bạn.
- Các loại cá nước sâu : cá mập, cá kiếm, cá cờ, cá ngừ…chứa hàm lượng cao thủy ngân, một chất có hại cho sự phát triển hệ thần kinh của thai nhi. Vì vậy, dù đến tháng thứ 8, em bé đã phát triển tương đối hoàn chỉnh, nhưng bạn vẫn nên tránh tiêu thụ các loại cá này.
3. Bí quyết khi áp dụng chế độ dinh dưỡng cho bà bầu ở tháng thứ 8
Đối với chế độ dinh dưỡng cho bà bầu ở tháng thứ 8, bạn hãy lưu ý một số bí quyết sau để có thể đảm bảo sức khỏe và không bị tăng cân ngoài kiểm soát:
- Bạn chỉ tiêu thụ những thực phẩm thực sự đem lại giá trị dinh dưỡng hàng ngày cho bạn (nghĩa là không còn bánh sô cô la nữa nhé.)
- Uống thật nhiều nước vì nước giúp thúc đẩy lưu thông máu cũng như giúp bạn chống lại tình trạng táo bón. Bạn hãy uống nước giữa các bữa ăn và hãy uống 8 ngụm bất kì khi nào bạn trông thấy một bình nước.
- Uống các loại vitamin tổng hợp theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ. Việc này sẽ giúp bạn bổ sung các chất cần thiết trong trường hợp chế độ ăn hàng ngày của bạn chưa cung cấp đủ.
- Lượng calories bạn cần ở tháng thứ 8 là khoảng 2500 – 2700/ ngày. Bạn hãy kiểm soát chế độ ăn của mình để không vượt quá lượng calories cần thiết.
>>>>>Xem thêm: Dấu hiệu sinh non với những biểu hiện mẹ không nên bỏ qua
Dinh dưỡng cho bà bầu ở tháng thứ 8 dù không có yêu cầu khác biệt gì lớn về các nhóm chất cần thiết. Nhưng, bạn vẫn cần lưu ý để không bị thiếu hụt hoặc dư thừa chúng. Đồng thời, bạn cũng cần kiểm soát lượng calories và chia nhỏ bữa ăn để việc tiêu hóa được hiệu quả hơn. Đến lúc này bạn đã gần hoàn thành quãng đường thai kỳ khá dài và vất vả. Vì vậy, hãy cố gắng duy trì chế độ ăn uống lành mạnh và vận động điều độ để chuẩn bị sức khỏe tốt nhất cho việc sinh nở và chăm con sắp tới nhé.
Theo FirstCry Parenting & Styles at Life
Lily Nguyễn lược dịch