Đẻ không đau là phương pháp gì, có lợi ích và những rủi ro ra sao?

Rate this post

Đẻ không đau có lẽ là điều mà mọi mẹ bầu đều mong muốn khi sinh con. Vì chúng ta đều biết rằng, sinh nở là một quá trình vô cùng vất vả và đau đớn. Có những nghiên cứu chỉ ra cảm giác đau khi chuyển dạ và sinh em bé tương đương với cảm giác đau khi bạn bị gãy xương sườn. Dù mọi sự so sánh đều là tương đối, nhưng đều để nhấn mạnh cơn đau về thể chất mà người mẹ phải gánh chịu khi sinh. 

Bạn đang đọc: Đẻ không đau là phương pháp gì, có lợi ích và những rủi ro ra sao?

Đẻ không đau là phương pháp gì, có lợi ích và những rủi ro ra sao?

Rõ ràng, sinh nở thực sự đau đớn, chính vì thế, đẻ không đau ngày càng được xem như một cứu cánh của các mẹ bầu. Tuy vậy, không phải ai cũng đã hiểu rõ những lợi ích và rủi ro mà phương pháp này mang lại? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu để biết chi tiết hơn nhé.

1. Đẻ không đau là phương pháp gì

Chúng ta vẫn thường nói đẻ không đau một cách gần gũi nhưng thực ra đây là phương pháp gây tê ngoài màng cứng . Đây là kĩ thuật truyền thuốc gây tê vào khoang ngoài màng cứng ở cột sống lưng qua một ống thông rất nhỏ.

Kỹ thuật này sẽ giúp ngăn chặn sự dẫn truyền thần kinh, giúp mẹ không cảm thấy đau trong quá trình chuyển dạ và sinh con. hưng mẹ vẫn có thể nhận biết được những gì diễn ra trong cuộc sinh và làm theo được hướng dẫn của bác sĩ khi cần thiết. 

Đẻ không đau là phương pháp gì, có lợi ích và những rủi ro ra sao?

2. Quá trình gây tê ngoài màng cứng để đẻ không đau được thực hiện như thế nào

Để có thể đẻ không đau, quá trình gây tê ngoài màng cứng thường được thực hiện bởi bác sĩ chuyên gây mê hồi sức, qua các bước:

  • Bạn được thăm khám để loại trừ các rủi ro về dị ứng thuốc gây tê.
  • Bạn được truyền dịch ở vị trí cánh tay (thường là cổ tay.)
  • Bác sĩ kiểm tra để xác định vùng khoang giữa đốt sống khi bạn ngồi hoặc nằm nghiêng để đặt ống truyền thuốc. Thao tác này được thực hiện khi bạn kết thúc một cơn co. Do vậy, điều quan trọng là bạn phải báo cho bác sĩ biết khi bạn bắt đầu cơn co thắt. Khu vực gắn ống truyền sẽ được sát trùng cẩn thận. Bạn sẽ được gây tê tại chỗ, sau đó gắn ống truyền, ống được cố định dọc theo lưng. Thuốc sẽ được truyền liên tục hoặc theo đợt tùy từng trường hợp cụ thể.
  • Khi được truyền thuốc tê, thường bạn sẽ mất cảm giác từ vùng bụng dưới xuống chân.
  • Thuốc tê sẽ mất khoảng từ 5 – 30 phút để phát huy tác dụng. 

Đẻ không đau là phương pháp gì, có lợi ích và những rủi ro ra sao?

3. Những lợi ích và bất lợi của phương pháp đẻ không đau

Cũng như bất kì phương pháp y tế nào khác, gây tê ngoài màng cứng giúp đẻ không đau cũng có mặt lợi ích và bất lợi.

3.1. Lợi ích của phương pháp gây tê ngoài màng cứng giúp đẻ không đau

Phương pháp gây tê ngoài màng cứng giúp đẻ không đau có mặt ở hầu hết các bệnh viện sản. Nó có những lợi ích sau:

  • Đem lại hiệu quả giảm đau khá cao.
  • Là phương pháp khá an toàn.
  • Bạn vẫn có thể nhận biết được mọi thứ trong quá trình sinh và thực hiện được yêu cầu của bác sĩ khi cần thiết.
  • Nếu cuộc chuyển dạ của bạn kéo dài, bạn có thể nghỉ ngơi để lấy lại sức.
  • Nếu bạn sinh mổ , bạn sẽ vẫn tỉnh táo để theo dõi cuộc sinh và bạn đời của bạn cũng có thể ở cùng. 

Tìm hiểu thêm: Nền tảng thể lực của cha mẹ trước lúc thụ thai quyết định đến sức khỏe của trẻ về sau

Đẻ không đau là phương pháp gì, có lợi ích và những rủi ro ra sao?

3.2. Bất lợi của phương pháp gây tê ngoài màng cứng giúp đẻ không đau

Phương pháp gây tê ngoài màng cứng giúp đẻ không đau cũng có một số điểm bất lợi, bao gồm:

  • Vì các lý do y tế, không phải ai cũng có thể được áp dụng gây tê ngoài màng cứng.
  • Bạn có thể cần truyền dịch trong quá trình gây tê, và huyết áp của bạn cũng cần được theo dõi chặt chẽ.
  • Bàng quang của bạn cũng có thể mất cảm giác và bạn có khả năng phải gắn ống thông tiểu để đưa nước tiểu ra ngoài.
  • Chân bạn sẽ mất cảm giác trong vài giờ.
  • Quá trình chuyển dạ của bạn có thể kéo dài do thuốc làm giảm sự co bóp của tử cung.
  • Bạn có thể sẽ không rặn đẻ hiệu quả và cần được hỗ trợ trong quá trình sinh.
  • Em bé của bạn sẽ cần được theo dõi chặt chẽ hơn trong suốt cuộc chuyển dạ và sinh nở. 

Đẻ không đau là phương pháp gì, có lợi ích và những rủi ro ra sao?

4. Nguy cơ và rủi ro của phương pháp đẻ không đau

Phương pháp gây tê ngoài màng cứng giúp đẻ không đau cũng có một số nguy cơ và rủi ro mà bạn nên nắm rõ. Chúng bao gồm:

  • Một số phụ nữ sẽ có cảm giác lạnh hoặc ngứa ngáy.
  • Một số ít chị em có thể không giảm được cảm giác đau hoặc giảm rất ít.
  • Một số phụ nữ sẽ thấy chân mình rất yếu, càm giác này có thể cải thiện trong vài giờ .
  • Tăng nguy cơ cần sử dụng kẹp hoặc ống hút để trợ giúp bạn sinh.
  • Một số chị em bị đau đầu dữ dội sau khi được truyền thuốc khoảng 24 – 48 giờ.
  • Có một tỷ lệ nhỏ nguy cơ mẹ bị nhiễm trùng tại vị trí truyền thuốc.
  • Có một tỷ lệ rất nhỏ, hiếm gặp mẹ bị hư hại tế bào thần kinh vĩnh viễn (liệt chân hoặc ảnh hưởng cột sống). 

Đẻ không đau là phương pháp gì, có lợi ích và những rủi ro ra sao?

5. Khi nào thì phương pháp gây tê ngoài màng cứng được và không được áp dụng

Phương pháp đẻ không đau có mặt ở hầu hết các bệnh viện sản. Nó được sử dụng khi:

  • Là lựa chọn của sản phụ.
  • Khi sản phụ được chỉ định sinh mổ.
  • Khi sản phụ gặp các nguy cơ, biến chứng cần được áp dụng phương pháp này.

Một số trường hợp chống chỉ định với gây tê ngoài màng cứng gồm:

  • Mẹ đang bị sốt cao.
  • Mẹ bị nhiễm trùng tại vị trí dự định được truyền thuốc.
  • Mẹ bị rối loạn đông máu.
  • Mẹ bị bệnh lý về thần kinh, cột sống.
  • Mẹ đang bị chảy máu hoặc đang trong tình trạng cấp cứu.

Trường hợp mẹ bị thoát vị đĩa đệm, đau thần kinh tọa hay vẹo cột sống cần được xem xét kỹ lưỡng và cân nhắc, khi dự định thực hiện phương pháp này. 

Đẻ không đau là phương pháp gì, có lợi ích và những rủi ro ra sao?

>>>>>Xem thêm: Ốm nghén buồn nôn và những câu hỏi liên quan thường gặp nhất

Đẻ không đau là phương pháp ngày càng được sử dụng rộng rãi tại các bệnh viện sản ở khắp nơi. Phương pháp này được xem là khá an toàn đối với các bà mẹ. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích, vẫn có những bất lợi và rủi ro biến chứng cho sức khỏe. Vì vậy, khi dự định hoặc mong muốn lựa chọn gây tê ngoài màng cứng, mẹ hãy trao đổi với bác sĩ để được tư vấn và nắm rõ về các mặt lợi, hại và nguy cơ của nó đối với tình trạng sức khỏe cụ thể của mình nhé.

Theo Pregnancy Birth Baby & Healthline

Lily Nguyễn lược dịch

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *