Dạy trẻ 9 tuổi là một việc không phải dễ dàng đối với các bậc cha mẹ. Vì ở độ tuổi này trẻ đã sẵn sàng cho sự chuyển đổi được xem là rất lớn của cuộc đời, đó là bước chuyển qua tuổi vị thành niên. Đây là quá trình diễn ra nhiều thay đổi cả về mặt tâm lý và sinh lý mà trẻ phải đối mặt. Theo nhiều cách, chúng vẫn được xem là trẻ em, nhưng lại đang trở nên độc lập hơn nhiều. Vậy chúng ta cần dựa vào đặc điểm độ tuổi này để dạy trẻ như thế nào, hãy cùng tìm hiểu nhé.
Bạn đang đọc: Dạy trẻ 9 tuổi dựa vào đặc điểm phát triển của con
Contents
1. Đặc điểm phát triển của trẻ 9 tuổi
Để dạy trẻ 9 tuổi, chúng ta cần dựa vào đặc điểm phát triển ở độ tuổi này của con. Đó là:
1.1. Sự phát triển về sinh lý của trẻ 9 tuổi
Sự phát triển về mặt sinh lý của trẻ 9 tuổi gồm các đặc điểm sau:
- Trẻ bắt đầu xuất hiện các dấu hiệu của tuổi dậy thì. Thông thường, các dấu hiệu ở trẻ gái thể hiện sớm hơn (vào khoảng 8 – 9 tuổi) so với trẻ trai (khoảng 10 – 11 tuổi).
- Trẻ tăng trưởng nhanh về mặt thể lý. Con có thể cao vượt trội và tăng cân nhiều hơn so với trước đó.
- Trẻ có thể kiên trì trong hoạt động thể chất để đạt được mục tiêu. Ví dụ như khi trẻ chơi trò chơi hoặc hoàn thành các thử thách về mặt thể chất.
Trẻ 9 tuổi sẽ bắt đầu đối mặt với vô số thách thức về thể chất và cảm xúc khi đến tuổi vị thành niên . Đó có thể là thời điểm thử thách với một số trẻ khi các bạn khác đồng tuổi bắt đầu phát triển với tốc độ hoàn toàn khác nhau.
Trẻ ở độ tuổi này cũng bắt đầu kiểm soát được cơ bắp của mình một cách mạnh mẽ và mượt mà hơn. Điều này cho phép chúng mở rộng các giới hạn và sở thích về thể chất của mình. Trẻ cũng sẽ độc lập và cá tính hơn trong việc quản lý vệ sinh cá nhân cũng như chải chuốt vẻ bề ngoài.
Là cha mẹ, điều quan trọng ở giai đoạn này là bạn phải thảo luận với trẻ về quá trình dậy thì để trẻ ý thức được về những thay đổi đang hoặc sắp diễn ra (hoặc chưa xảy đến với trẻ trong một số trường hợp).
1.2. Sự phát triển về cảm xúc của trẻ 9 tuổi
Để dạy trẻ 9 tuổi, việc nắm được sự phát triển về cảm xúc của con là rất quan trọng. Đặc điểm này thường gồm:
- Trẻ khăng khăng làm theo ý mình nhưng cũng sẵn sàng lắng nghe và làm theo điều đúng, điều hợp lý.
- Trẻ có thể hành xử một cách vô lý và thô lỗ khi mọi thứ không diễn ra theo kế hoạch nhưng cũng chịu nhìn nhận cái sai và biết xin lỗi.
- Trẻ có thể tìm kiếm một người bạn để cùng đối phó với cảm xúc khó chịu nhưng cũng có thể dựa vào chính mình.
Trẻ 9 tuổi có khả năng xử lý xung đột tốt hơn. Trẻ cũng ngày càng muốn khẳng định sự độc lập của mình bằng cách tìm kiếm các mối quan hệ khác ngoài gia đình.
Nhiều trẻ 9 tuổi sẽ có mong muốn mạnh mẽ được gia nhập và thuộc về một nhóm nào đó cũng như xác lập vị trí của mình trong trật tự xã hội ở trường. Kết quả là, nhiều trẻ sẽ trở nên bị phụ thuộc và dễ bị áp lực vì muốn gây ấn tượng với các bạn trong nhóm của mình.
Trẻ ở tuổi lên 9 đã có khả năng đảm nhận nhiều công việc và trách nhiệm hơn trong nhà. Cũng như con sẽ muốn tham gia vào các quyết định ảnh hưởng đến gia đình.
Những đứa trẻ 9 tuổi có thể là hình mẫu của sự mâu thuẫn. Mặc dù hầu hết muốn mở rộng vòng kết nối xã hội của mình, trẻ vẫn sẽ tìm kiếm sự nương tựa nơi gia đình khi chúng thấy bất an. Lúc này, con vẫn chịu ảnh hưởng lớn từ cha mẹ.
Đây cũng là độ tuổi trẻ có thể thay đổi cảm xúc một cách nhanh chóng. Con có thể ủ rũ và khó chịu nhưng lại ổn ngay một phút sau đó.
Ngoài ra, trẻ 9 tuổi cũng nhận thức rõ hơn về những nguy hiểm và thảm họa trong thế giới thực. Nỗi sợ hãi về các sự kiện như tội phạm, thiên tai hoặc thậm chí là sự lo lắng mất cha mẹ một ngày nào đó, có thể thay thế nỗi sợ hãi trẻ con (như sợ quái vật,…).
1.3. Sự phát triển về mặt xã hội của trẻ 9 tuổi
Sự phát triển về mặt xã hội cũng có vai trò không nhỏ trong cách cha mẹ dạy trẻ 9 tuổi. Đặc điểm về mặt cảm xúc xã hội của trẻ độ tuổi này gồm:
- Biết truyền đạt nhu cầu và mong muốn theo cách phù hợp với tiêu chuẩn của xã hội.
- Biết hợp tác để làm việc cùng hướng tới mục tiêu chung.
- Biết chấp nhận quan điểm của người khác một cách nhất quán.
Các kĩ năng xã hội đặc biệt quan trọng đối với trẻ 9 tuổi vì lúc này, mối quan hệ đồng trang lứa đang đóng vai trò ngày càng lớn đối với trẻ. Trẻ có thể phát triển khả năng nhận thức sự khác biệt của tình bạn ở các mức độ khác nhau. Con cũng sẽ nhận ra áp lực từ mối quan hệ bạn bè có thể tác động tiêu cực đến cảm xúc lành mạnh của mình như thế nào.
Hiện nay, thế giới của một đứa trẻ 9 tuổi đang ngày càng mở rộng theo cách mà trước đây chúng ta không thể tưởng tượng nổi. Nhiều trẻ có thể sở hữu điện thoại thông minh và có mức độ nhạy bén cao trên mạng xã hội. Điều này, cùng với tính tò mò cố hữu, khiến trẻ dễ bị tác động bởi những thứ mà bạn khó có thể kiểm soát. Chúng bao gồm cả bắt nạt trực tuyến và nội dung web không phù hợp.
Hầu hết trẻ 9 tuổi đều có một người bạn thân nhất. Và chúng sẽ cảm thấy cô đơn, buồn bã khi bạn của mình đi vắng. Con cũng có thể nhận thấy có một tình bạn thân thiết sẽ tốt cho sự phát triển của bản thân.
Tìm hiểu thêm: 14 thực phẩm tăng chiều cao giúp trẻ phát triển tầm vóc tối ưu
1.4. Sự phát triển về nhận thức của trẻ 9 tuổi
Nhận thức của trẻ 9 tuổi có một số đặc điểm nổi bật:
- Trẻ tăng sự tập trung, chú ý nhưng có thể thay đổi sở thích một cách nhanh chóng.
- Trẻ học được khái niệm trung gian, rằng mọi thứ không hoàn toàn đúng hoặc không hoàn toàn sai.
- Thể hiện sự quan tâm đến các bộ sưu tập và sở thích khác nhau.
Dù là đọc sách, chơi thể thao hay xem một bộ phim yêu thích thì trẻ 9 tuổi cũng có khả năng tập trung cao hơn. Tuy vậy, sở thích của chúng cũng thay đổi khá nhanh chóng.
Ở trường, trẻ sẽ hoạt động tốt theo nhóm và sẽ hợp tác để thực hiện một dự án hay hoạt động. Trẻ cũng sẽ muốn làm việc theo một chủ đề hoặc một phần cụ thể của chương trình học cho đến khi chúng thành thạo và nhuần nhuyễn.
Trẻ 9 tuổi cũng phải đối mặt với những thách thức học tập lớn hơn ở trường. Những đứa trẻ học tốt có thể bắt đầu bứt phá nhanh trong khi những trẻ gặp khó khăn có thể trở nên thất vọng với những yêu cầu từ trường lớp.
Chương trình toán học lúc này cũng sẽ tăng mức độ khó khiến nhiều trẻ phải nỗ lực để theo kịp bài vở. Khả năng đọc viết của trẻ ở độ tuổi này cũng đã tiến triển rất nhiều. Con có thể đọc, viết thành thạo cũng như diễn đạt ý tưởng của mình bằng cách sử dụng từ vựng phức tạp hơn.
Tùy thuộc vào hệ thống giáo dục ở từng khu vực, nhưng phần lớn trẻ 9 tuổi đã có khả năng thu thập thông tin, tài liệu từ thư viện hoặc internet để phục vụ cho việc học.
1.5. Những mốc phát triển khác của trẻ 9 tuổi
Ngoài khả năng nhận thức, sự phát triển về cảm xúc cũng như thể chất, nắm được một số mốc phát triển khác cũng sẽ vô cùng hữu ích cho quá trình dạy trẻ 9 tuổi của bạn. Chúng bao gồm:
- Trẻ có xu hướng mong muốn một mức độ tổ chức nhất định trong cuộc sống và thường sẽ theo dõi các hoạt động và lịch trình hàng ngày của mình
- Việc đi ngủ sớm trở nên khá khó khăn với trẻ, dù rằng con vẫn cần ngủ 10 – 11 tiếng mỗi đêm
- Trẻ thích tham gia hội nhóm, câu lạc bộ để giao lưu kết bạn cũng như làm việc vì một mục tiêu chung
2. Dạy trẻ 9 tuổi dựa vào đặc điểm độ tuổi như thế nào
Dựa vào đặc điểm phát triển, bạn có thể lưu ý một số điểm khi dạy trẻ 9 tuổi như sau:
- Về mặt sinh lý : dạy trẻ 9 tuổi về quá trình dậy thì. Đây là độ tuổi phù hợp để bạn trò chuyện một cách cởi mở với con về vấn đề này. Bạn hãy quan sát tỉ mỉ để xem trẻ đang ở giai đoạn nào của quá trình phát triển. Việc biết được mình có thể trải qua những thay đổi như thế nào sẽ giúp trẻ đối mặt với giai đoạn nhạy cảm này một cách dễ dàng hơn.
- Về mặt cảm xúc : dạy trẻ 9 tuổi cách xử lý các tình huống để kiểm soát cảm xúc của mình. Bạn cũng hãy cung cấp thông tin thực tế, phù hợp với lứa tuổi cũng như giải thích về những điều diễn ra trong cộng đồng. Bạn hãy tập trung vào những thứ đang diễn ra, đang được thực hiện xung quanh để giữ xã hội vận hành, phát triển và an toàn toàn cho mọi người. Việc cân nhắc mời trẻ tham gia vào một dự án đơn giản cũng giúp ích rất nhiều đối với sự hình thành và phát triển lòng bao dung của trẻ. Chẳng hạn như hoạt động viết thư cảm ơn những đội phản ứng đầu tiên trong các sự kiện bi thảm hoặc quyên góp cho các nạn nhân của thảm họa thiên nhiên.
- Về mặt xã hội : dạy trẻ 9 tuổi trở thành người có ích cho gia đình và cộng đồng. Đây là độ tuổi tuyệt vời để tận dụng khả năng nhận thức xã hội ngày càng tăng của trẻ. Những công việc trong gia đình phù hợp với độ tuổi của trẻ sẽ rất hữu ích để giúp trẻ rèn luyện tính độc lập, thói quen quan tâm và giúp đỡ người khác. Các dự án dịch vụ xã hội giúp đỡ người khác hoặc hỗ trợ về môi trường có thể là những cách tốt để giúp trẻ cảm thấy mình có đóng góp cho xã hội.
- Về mặt nhận thức : dạy trẻ 9 tuổi về cách thu thập, tìm kiếm thông tin một cách lành mạnh. Bạn có thể giới thiệu cho trẻ một số trang web thân thiện với trẻ em để làm công cụ giúp con học tập. Thư viện cũng là lựa chọn tuyệt vời để trẻ tìm hiểu và mở mang kiến thức cho bản thân cũng như tìm kiếm những thông tin về những thứ mà trẻ yêu thích
- Bạn hãy khuyến khích trẻ tham gia các hội nhóm, câu lạc bộ tại trường hoặc địa phương để giúp trẻ tăng khả năng hoạt động với tập thể, tạo mối liên hệ với bạn bè cùng trang lứa, cũng như rèn luyện tính kỷ luật và tinh thần vì cộng đồng.
3. Khi nào bạn cần lo lắng trong quá trình dạy trẻ 9 tuổi
Mỗi đứa trẻ ở mọi độ tuổi đều có tốc độ phát triển khác nhau. Trong quá trình dạy trẻ 9 tuổi , nếu con có vẻ phát triển chậm hơn trẻ khác cùng tuổi ở một lĩnh vực nào đó, thì khả năng lớn là con sẽ đuổi kịp bạn bè theo mốc của con.
Tuy nhiên, nếu trẻ dường như bị lỡ các mốc phát triển quan trọng, bạn hãy đến bác sĩ hoặc các chuyên gia để được tư vấn và giúp đỡ kịp thời.
Việc can thiệp sớm sẽ có ý nghĩa vô cùng lớn đối với sự học hỏi và hòa nhập của trẻ sau này.
Hầu hết trẻ em đều có thể vượt trội ở một vài lĩnh vực nhất định. Nếu trẻ gặp khó khăn về một môn học nào đó, có khả năng nguyên nhân vì trẻ chưa bắt kịp các hướng dẫn tại lớp, hoặc vì khối lượng bài tập về nhà vượt quá khả năng của trẻ. Lúc này, bạn hãy trò chuyện với trẻ để cùng con giải quyết tình trạng này theo hướng tích cực nhất đối với con.
Nếu trẻ gặp vấn đề nghiêm trọng trong học tập, có thể do con bị một khiếm khuyết nào đó về học tập khiến việc tiếp thu những kiến thức ở bậc cao hơn ngày càng khó khăn. Đây là lúc bạn cần đưa con đến gặp chuyên gia để được giúp đỡ.
Trong trường hợp trẻ gặp khó khăn với việc kết bạn hay kiểm soát cảm xúc của mình, bạn hãy trao đổi với bác sĩ của trẻ để được tư vấn và hướng dẫn. Vì sự thiếu hụt kỹ năng xã hội và các vấn đề sức khỏe tâm thần có thể trở nên tồi tệ hơn theo thời gian nếu không được giải quyết kịp thời.
>>>>>Xem thêm: 6 điều cha mẹ “cấm” làm trước mặt con cái nếu muốn tốt cho trẻ
Dạy trẻ 9 tuổi đòi hỏi bạn phải nhẹ nhàng và rất tinh tế. Trẻ ở độ tuổi này thường muốn chịu trách nhiệm những việc lớn hơn khả năng của mình. Vì vậy, bạn hãy giao việc nhà và phân công công việc gia đình cho trẻ. Đồng thời, bạn cần giám sát chặt chẽ trẻ đang làm gì trực tuyến cũng như con đang dành thời gian với những ai. Bên cạnh đó, bạn cũng cần theo dõi cẩn thận sự phát triển của trẻ 9 tuổi. Nếu thấy thắc mắc hoặc lo lắng về bất cứ điều gì liên quan đến trẻ, bạn đừng ngần ngại trao đổi với bác sĩ để xác định được những việc cần làm tiếp theo nhé.
Theo Verywell Family
Lily Nguyễn lược dịch