Có nên tiêm phòng cúm cho trẻ hay không?

Rate this post

Có nên tiêm phòng cúm cho trẻ có lẽ là nỗi băn khoăn của rất nhiều bậc cha mẹ mỗi khi chuẩn bị bước vào mùa cúm hàng năm (thường là vào thời điểm cuối và đầu năm tùy khu vực). Đặc biệt khi điều kiện sống ngày càng cao, sức khỏe của trẻ được ưu tiên nhiều hơn. Bên cạnh đó, các phương tiện thông tin hiện đại khiến cho thông tin về dịch bệnh và hậu quả của nó được cập nhật một cách nhanh chóng khiến phụ huynh thêm phần lo lắng. Để trả lời câu hỏi quen thuộc này, chúng ta hãy cùng tham khảo một số thông tin về tình hình bệnh cúm năm nay ở vài khu vực phát triển nhé. 

Bạn đang đọc: Có nên tiêm phòng cúm cho trẻ hay không?

Có nên tiêm phòng cúm cho trẻ hay không?

1. Tình hình mùa cúm 2019-2020 tại Mỹ và Châu Âu

Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (Centers for Disease Control and Prevention – CDC) thì các triệu chứng giống như cúm bắt đầu tăng cao hơn vào đầu tháng 11 năm nay so với các mùa cúm trước. Cúm cũng đã xuất hiện và khiến nhiều trường tiểu học trên khắp miền Nam và miền Tây nước Mỹ (các bang như Texas, Idaho, Oregon và Alaska) phải đóng cửa. Riêng phần lớn vùng Đông Bắc – một điểm nóng truyền thống về dịch cúm – vẫn chưa có số liệu cụ thể cho đến nay.

Đồng thời mức độ nghiêm trọng của bệnh cúm năm nay là tương đối thấp. Số người tử vong vì viêm phổi và cúm trong tuần đầu tiên của tháng 12 thấp hơn đáng kể so với ngưỡng 6.4% được công bố vào thời điểm này trong năm.

Tất nhiên đây là một sự thay đổi đáng mừng kể từ hai năm trước, khi một mùa cúm dữ dội bắt đầu vào tháng 11 và duy trì mức đỉnh điểm cho đến tháng 1 và 2 năm sau. Một số bệnh viện đã quá tải đến mức phải dựng lều bệnh trong bãi đỗ xe. Kết quả là khoảng 61,000 người Mỹ đã chết khiến đây trở thành một trong những mùa cúm dài và nguy hiểm nhất trong nhiều năm.

Tại Châu Âu, hoạt động của cúm tiếp tục tăng trên toàn khu vực, với một số quốc gia báo cáo về sự gia tăng cả về cường độ và sự lan truyền địa lý. Phần lớn các phát hiện virus cúm trong khu vực là loại cúm A nhưng một số nước có báo cáo về cúm B cũng như cả hai loại trên. Tuy nhiên số liệu cho thấy tỷ lệ tử vong vẫn ở mức dự đoán cho thời điểm này trong năm. 

Có nên tiêm phòng cúm cho trẻ hay không?

2. Vì sao nhiều người bị cúm khá sớm vào năm nay và tại sao nó tương đối yếu?

Theo Lynnette Brammer, người đứng đầu chương trình giám sát trong nước của CDC cho biết, hoạt động hiện tại của cúm là hơi bất thường vào thời điểm này trong năm, vì loại cúm đang hoành hành là cúm B.

Cúm B có xu hướng tác động đến trẻ em và người lớn tuổi nhiều hơn, đặc biệt là người lớn tuổi. Người già có khả năng cao phải nhập viện và tử vong vì căn bệnh này.

Nếu mùa cúm năm nay gắn liền với cúm B thì đây có thể là một năm nhẹ nhàng đối với cả nước.

Tuy nhiên, đối với trẻ em thì việc nhập viện và tử vong vì cúm ở năm nay cũng sẽ tương tự như bất kì mùa cúm nào khác. Vì khi trẻ bị cúm thì loại B cũng có thể tệ như loại A vậy.

Mặc dù năm nay, cúm B là “kẻ” tấn công trước nhưng chúng ta không nên chủ quan vì theo sau các đợt lây lan của chủng loại yếu hơn này, có thể là một đợt bùng phát cúm A.

Theo ông Lay Oster – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và chính sách bệnh truyền nhiễm tại Đại học Minnesota – thì bất cứ ai cố gắng đưa ra dự đoán về bệnh cúm dựa vào những thông tin đầu mùa, là những người không hiểu rõ về căn bệnh này. Vì đây là một chủng bệnh rất khó đoán. Chúng ta không thể nói bất cứ điều gì về mức độ nghiêm trọng của nó.

Do vậy, lời khuyên được ông đưa ra là nếu bạn chưa tiêm phòng cúm theo định kì thì đây là thời điểm nên thực hiện, vẫn còn rất nhiều dịch cúm nữa. 

Có nên tiêm phòng cúm cho trẻ hay không?

3. Trở lại câu hỏi có nên tiêm phòng cúm cho trẻ?

Mặc dù hiệu quả của vaccine cúm thay đổi theo năm (do các chủng virus cúm xuất hiện hàng năm không giống nhau), nhưng các chuyên gia nhất trí rằng cả bạn và trẻ đều nên tiêm ngừa. Thật vậy, CDC khuyến cáo nên tiêm vaccine cúm cho mọi người kể cả trẻ nhỏ từ 6 tháng tuổi trở lên. Việc này đặc biệt quan trọng đối với trẻ dưới 8 tuổi vì hệ miễn dịch của chúng vẫn đang phát triển.

“Chúng ta hãy nghĩ như thế này”, bác sỹ Aaron Milstone, M.D., phó giáo sư về bệnh truyền nhiễm nhi khoa tại Đại học Y khoa John Hopskin, một trong sáu trung tâm xuất sắc về Nghiên cứu và Giám sát cúm nói, “Vaccine có thể không bảo vệ tất cả mọi người khỏi bệnh cúm, nhưng nó có thể làm giảm thời gian mắc bệnh và mức độ nghiêm trọng của nó. Tại sao chúng ta không làm gì đó để bảo vệ mình trước một loại virus có thể giết chết chúng ta. Có thể xem việc tiêm vaccine tương tự như việc thắt dây an toàn khi lái xe. Việc thắt dây an toàn không đảm bảo cứu chúng ta khỏi bị tai nạn, nhưng nó làm giảm rủi ro.”

Các nghiên cứu cho thấy nếu trẻ bị cúm và đã được tiêm vaccine thì sẽ giảm được một nửa khả năng phải nhập viện. Và bạn cáng sớm tiêm vaccine cho trẻ thì càng tốt.

Một nhà Cố vấn phụ huynh, bà Wendy Sue Swanson, M.D., thích phương châm này: “Nếu không phải vào Halloween, thì chắc chắn phải vào lễ Tạ Ơn (việc tiêm vaccine).” Vì vaccine cần hai tuần để có hiệu lực đầy đủ.

Nhưng nếu gia đình bạn chưa tiêm ngừa cúm thì hãy thực hiện ngay cũng chưa phải là quá muộn. Vào năm ngoái, cúm đã lan tràn và kéo dài đến tận giữa tháng 3 ở 26 tiểu bang và Puerto Rico. 

Có nên tiêm phòng cúm cho trẻ hay không?

4. Trẻ có thể dùng vaccine dạng xịt Flumist thay vì tiêm không?

Hai năm sau khi CDC khuyên không nên sử dụng vaccine dạng xịt Flumist (được cho là thân thiện với trẻ em) do có hiệu quả kém đối với một số chủng cúm nhất định, tổ chức này đã bật đèn xanh cho một phiên bản mới. Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ cũng đồng ý và thêm rằng đó là một lựa chọn tốt cho những trẻ em sợ kim tiêm. Tuy nhiên, một điều cần lưu ý là trẻ em dưới 2 tuổi, phụ nữ có thai và người lớn trên 50 tuổi, những người có hệ miễn dịch yếu và một số nhóm nhỏ khác được khuyên không nên sử dụng vaccine dạng xịt này.

5. Trẻ có nên được cho dùng Tamiflu không?

Tamiflu là loại thuốc chống virus cúm với cơ chế hoạt động là ngăn chặn một số protein làm lây lan virus cúm từ tế bào này sang tế bào khác và rút ngắn thời gian bị bệnh xuống khoảng một ngày. Mặc dù CDC khuyến nghị sử dụng Tamiflu cho những trẻ em có nguy cơ cao bị biến chứng do cúm, nhưng nhược điểm của nó là tác dụng không rõ ràng đối với những trẻ khỏe mạnh hơn. Số liệu thống kê cho thấy có khoảng 1/20 trẻ bị nôn sau khi uống Tamiflu. Và đối với nhiều trẻ em thì một ngày nằm nghỉ ngơi trên đi văng vẫn tốt hơn là một ngày phải làm bạn với nhà vệ sinh. Do vậy, quyết định cuối cùng là tùy thuộc vào bạn và bác sỹ của trẻ. 

Có nên tiêm phòng cúm cho trẻ hay không?

6. Triệu chứng ban đầu của cúm – hãy phân biệt với cảm lạnh

Mặc dù cúm là bệnh về đường hô hấp, nhưng nó lại có thể ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể. Một đứa trẻ có khả năng bị bệnh đột ngột với bất kì hoặc tất cả các triệu chứng sau:

  • Sốt, có thể sốt cao tới 39,4 độ C (103 độ F) đến 40,5 độ C (105 độ F)
  • Đau nhức cơ thể, có thể là đau dữ dội
  • Đau đầu
  • Viêm họng
  • Ho và ngày càng tồi tệ hơn
  • Mệt mỏi
  • Chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi

Trong một số trường hợp trẻ cũng có thể có các triệu chứng như:

  • Buồn nôn
  • Nôn
  • Tiêu chảy 

Tìm hiểu thêm: Mách mẹ 4 yếu tố quan trọng quyết định việc cho trẻ ăn dặm thành công

Có nên tiêm phòng cúm cho trẻ hay không?

Hầu hết trẻ sẽ khỏi bệnh trong vòng một tuần nhưng vẫn có thể cảm thấy mệt mỏi kéo dài đến 3-4 tuần sau đó.

Có một điều bạn cần lưu ý đó là hãy phân biệt cúm và cảm lạnh thông thường. Chúng ta có thể nhầm lẫn hai loại bệnh này, dù một vài triệu chứng có thể gần giống nhau nhưng mức độ nguy hiểm lại khác nhau hoàn toàn

Vậy làm thế nào để bạn nhận biết được trẻ bị cúm mà không phải cảm lạnh? Hãy tham khảo bảng so sánh triệu chứng của hai loại bệnh này như dưới đây:

Triệu chứng của cảm lạnh:

  • Sốt nhẹ hoặc không sốt
  • Đôi khi thấy đau đầu
  • Chảy nước mũi, nghẹt mũi
  • Hắt hơi
  • Ho nhẹ, ho húng hắng
  • Người đau nhức nhẹ
  • Cơ thể hơi mệt mỏi
  • Đau họng

Triệu chứng của cúm:

  • Sốt cao
  • Đau đầu trong hầu hết trường hợp
  • Không nghẹt mũi hoặc có trong một số trường hợp
  • Hắt hơi trong một số trường hợp
  • Ho và thường trở nặng
  • Đau nhức người dữ dội
  • Cơ thể rất mệt mỏi và kéo dài đến vài hoặc nhiều tuần
  • Đau họng trong một số trường hợp 

Có nên tiêm phòng cúm cho trẻ hay không?

Ở trẻ, bệnh cảm lạnh thường nhẹ và khỏi trong vài ngày. Nhưng nếu trẻ bị cúm, thì các triệu chứng sẽ nghiêm trọng và có thể dẫn đến biến chứng như viêm phổi, thậm chí tử vong. Vì những biểu hiện của cúm có thể tương tự như một số tình trạng sức khỏe khác, nên bạn không nên chủ quan mà hãy đưa trẻ đi khám sớm nhất để được chẩn đoán một cách chính xác.

7. Bạn có thể làm gì để giúp phòng ngừa cúm cho trẻ

Cách tốt nhất để phòng ngừa cúm là cho trẻ tiêm vaccine hàng năm. Mỗi năm, một loại vaccine cúm mới sẽ được cung cấp cho mùa cúm năm đó để phù hợp với chủng cúm mà các chuyên gia dự đoán sẽ phát triển trong năm đó. Trẻ từ 6 tháng tuổi đã có thể tiêm ngừa vaccine cúm. Ở lần chủng ngừa đầu tiên trẻ sẽ cần 2 mũi tiêm, mũi thứ hai cách mũi đầu tiên một tháng. Sau đó trẻ nên được tiêm định kì hàng năm.

Vaccine ngừa cúm được khuyên dùng cho tất cả trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên, nhưng một số đối tượng trẻ phải được tiêm phòng cúm, bao gồm:

  • Trẻ bị bệnh tim hoặc phổi mãn tính
  • Trẻ bị rối loạn nội tiết như bệnh tiểu đường
  • Trẻ bị rối loạn chức năng thận hoặc gan
  • Trẻ có hệ miễn dịch yếu do bị bệnh HIV/ AIDS hoặc do sử dụng steroid dài hạn
  • Trẻ bị tình trạng rối loạn về máu như bệnh hồng cầu hình liềm

Vaccine cúm cũng nên được dùng cho:

  • Trẻ có thành viên gia đình bị bệnh mãn tính
  • Trẻ em hoặc thiếu niên được chỉ định dùng aspirin như một liệu pháp dài hạn
  • Trẻ có cha mẹ hoặc người chăm sóc có nguy cơ cao bị biến chứng do cúm

Khi chích ngừa cúm, trẻ có thể bị một số tác dụng phụ giống như triệu chứng cúm nhẹ. Tuy nhiên bạn cần nhớ là bản thân vaccine không làm trẻ bị cúm. 

Có nên tiêm phòng cúm cho trẻ hay không?

Những tác dụng phụ mà vaccine cúm có thể gây ra gồm:

  • Đau nhức ở vị trí tiêm
  • Đau đầu hoặc sốt nhẹ một ngày sau tiêm

Trong một số ít trường hợp, một phản ứng dị ứng có thể xảy ra đối với trẻ bị dị ứng với trứng.

Ngoài việc tiêm phòng, bạn cũng có thể thực hiện một số việc khác để giúp giảm nguy cơ mắc bệnh cúm cho trẻ, như:

  • Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với những người mắc bệnh cúm (nếu có thể)
  • Cho trẻ rửa tay thường xuyên

Bạn cũng có thể giúp ngăn ngừa lây bệnh từ trẻ cho người khác bằng cách:

  • Hướng dẫn trẻ che miệng khi ho hoặc hắt hơi (trẻ có thể sử dụng khăn giấy hoặc dùng khuỷu tay che miệng khi hắt hơi)
  • Bạn rửa tay trước và sau khi chăm sóc trẻ
  • Giữ vệ sinh nhà cửa, đặc biệt những bề mặt mà người khác có thể chạm vào 

Có nên tiêm phòng cúm cho trẻ hay không?

8. Những việc có thể giúp trẻ thấy dễ chịu hơn khi bị bệnh

Khi trẻ bị bệnh thì việc nghỉ ngơi và thời gian là quan trọng nhất, nhưng bên cạnh đó, bạn có thể áp dụng một số cách để làm dịu triệu chứng và giúp trẻ cảm thấy tốt hơn, như:

  • Sử dụng thuốc acetaminophen hoặc ibuprofen để giảm sốt hoặc đau cơ : Bác sỹ Swanson cho biết đừng ngần ngại cho trẻ dùng một trong hai loại thuốc trên. Vì chúng có thể giúp trẻ thấy thoải mái hơn, và khi được dùng theo chỉ dẫn của bác sỹ thì không có nhược điểm nào.
  • Cho trẻ dùng mật ong (đối với trẻ trên 1 tuổi): một số nghiên cứu cho thấy một ít mật ong trước khi ngủ sẽ giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ của trẻ. Đồng thời, nó cũng có thể giúp thuốc kháng virus hoạt động chống lại cúm tốt hơn.
  • Cho trẻ uống nước bù điện giải : bạn hãy để trẻ lựa chọn loại nước với màu sắc chúng muốn vì như vậy sẽ lôi kéo trẻ uống dễ dang hơn. Bạn cũng có thể xem xét đánh thức trẻ vào buổi đêm và cho trẻ uống để tránh mất nước.
  • Cho trẻ ngậm kem đá : bác sỹ Katie Lockwood, M.D., một bác sỹ nhi khoa tại Bệnh viện nhi đồng Philadelphia gợi ý: bạn có thể cho trẻ ăn kem tự làm bằng nước và trái cây xay để giúp trẻ làm dịu cổ họng bị đau do ho. Hoặc bạn cũng có thể mua loại kem có chứa chất điện giải cho trẻ ăn.
  • Kẹo mút vị gừng : kẹo mút là món kẹo yêu thích của rất nhiều trẻ em, đặc biệt vị gừng còn giúp giảm buồn nôn và làm bụng dễ chịu hơn. Vì vậy, bạn hãy hào phóng cho trẻ ăn vài cây kẹo mút gừng hay các loại kẹo khác có vị gừng trong thời gian nghỉ ngơi dưỡng bệnh nhé. 

Có nên tiêm phòng cúm cho trẻ hay không?

>>>>>Xem thêm: Chữa cận thị bằng laser hết bao nhiêu tiền và chữa ở đâu đáng tin cậy?

Có nên tiêm phòng cúm cho trẻ hay không – qua những thông tin ở trên hy vọng các cha mẹ đã có câu trả lời chính xác cho mình. Bệnh cúm nghe có vẻ là một căn bệnh bình thường nhưng thực ra lại có thể rất nguy hiểm đối với trẻ. Vì vậy các cha mẹ đừng nên chủ quan mà hãy chủ động phòng bệnh cho con, điều này không những giúp trẻ mà còn cho cả chính bạn và gia đình phòng tránh thật hiệu quả khi đến mùa.

Nguồn tham khảo: Hopskin Medicine, Bloomberg & Parents.com

Lily Nguyễn tổng hợp

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *