Có nên chăm sóc da khi mang bầu có lẽ là một trong những thắc mắc thường gặp nhất của các bà mẹ tương lai. Tất nhiên, mọi phụ nữ đều muốn chăm sóc để có làn da khỏe mạnh và đẹp. Theo đó, nhiều loại mỹ phẩm đã được sử dụng để giúp họ thực hiện mong muốn này.
Bạn đang đọc: Có nên chăm sóc da khi mang bầu và chăm sóc như thế nào?
Đối với phụ nữ mang thai, dù vẫn có nhu cầu làm đẹp làn da, nhưng sự lo lắng sẽ ảnh hưởng đến em bé là một cản trở. Chính vì vậy, một vấn đề mà câu trả lời có hiển nhiên, lại trở thành câu hỏi khiến họ phải phân vân.
Vậy có nên chăm sóc da khi mang bầu hay không, chúng ta hãy cùng tìm hiểu nhé.
Contents
1. Khi mang bầu, làn da của bạn sẽ thay đổi như thế nào
Mang thai là một quá trình gây ra vô số những điều kì lạ cho cơ thể bạn. Một trong những điều đó chính là sự thay đổi về làn da. Nguyên nhân gây ra tình trạng này là do sự thay đổi hormone. Điều này diễn ra khác nhau ở mỗi phụ nữ nên sự thay đổi về da cũng khác nhau. Một trong số những biểu hiện phổ biến nhất bao gồm:
1.1. Rạn da
Đây là tình trạng rất phổ biến trong thai kỳ. Các vết rạn thường xuất hiện ở vùng bụng, đùi, mông. Những khu vực tăng kích thước nhiều nhất khi mang thai. Rạn da khi mang thai nhiều lúc còn kèm theo cảm giác ngứa ngáy gây khó chịu cho bạn.
1.2. Nám da
Da của một số mẹ bầu có thể bị nám đặc biệt khu vực gò má, đôi khi cả trán và cằm. Người ta thường gọi đây là “mặt nạ thai kỳ”. Nguyên nhân gây ra tình trạng này là do tăng sản xuất melanin ở lớp biểu bì. Ngoài nám da, những vết nốt ruồi của mẹ cũng có khi bị đậm lên. Nám da sẽ nhạt bớt sau khi mẹ sinh khoảng 3-6 tháng hoặc lâu hơn.
1.3. Da ửng đỏ
Một số phụ nữ có làn da ửng đỏ và sáng bóng khi mang thai . Nguyên nhân là do lượng máu lưu thông tăng lên, cộng với tăng tiết bã nhờn. Tất cả điều này khiến bạn “hồng hào” hơn bình thường. Tuy nhiên, bạn có thể được khen theo hướng tích cực nếu thuộc nhóm phụ nữ trong tình trạng này.
1.4. Mụn thịt dư
Cho đến khi mang thai, có thể bạn chỉ bắt gặp những nốt mụn thịt dư trên da bà hay dì của mình. Nhưng bạn đừng quá lo lắng, mụn thịt dư là một trong số những thay đổi thường gặp khi có bầu. Chúng là những mụn thịt nhỏ màu hồng hoặc nâu, không đau. Vị trí ưa thích của những vị khách không mời này là nách và bên dưới ngực.
Mặc dù lành tính, nhưng nếu bị cọ sát nhiều (ví dụ như do dây áo ngực) thì mụn thịt dư có thể khiến bạn khó chịu. So với những tình trạng da khác có thể xuất hiện trong thai kỳ, thì mụn thịt dư được xem là dễ nhìn nhất. Vì chúng thường nằm ở vị trí khuất nẻo với hình dạng và kích thước không đáng gây chú ý lắm.
1.5. Mụn bọc và mụn trứng cá
Do sự tăng tiết bã nhờn trong thai kỳ, nên khả năng xuất hiện mụn bọc và mụn trứng cá của bạn cũng cao hơn. Khá nhiều bà bầu gặp phải tình trạng này và một số trường hợp bị mụn suốt thai kỳ.
1.6. Lòng bàn tay và chân đỏ
Tình trạng này cũng do tăng lưu thông máu gây nên. Nhưng chúng chỉ thường tồn tại trong tam cá nguyệt thứ nhất mà thôi.
1.7. Khô da
Trái ngược với làn da bóng dầu, nhiều mẹ bầu lại bị khô da trong thai kỳ. Tình trạng này đôi khi khiến họ bị ngứa và khá khó chịu.
1.8. Da mẫn cảm
Bạn có thể chưa bị dị ứng da bao giờ cho đến khi mang bầu. Tình trạng này có thể xuất hiện ngay cả khi bạn sử dụng những sản phẩm quen thuộc như dầu gội hay dầu xả. Chưa kể đến nước hoa, thuốc nhuộm tóc hay các loại hóa chất, mỹ phẩm khác.
Tìm hiểu thêm: Hiếm muộn và nỗi đau của người trong cuộc
2. Bà bầu chăm sóc như thế nào cho an toàn
Chỉ cần nhìn qua những sự thay đổi về da mà bạn có thể gặp phải trong thai kỳ thì bạn chắc chắn nên trả lời có cho câu hỏi có nên chăm sóc da khi mang bầu không.
Vấn đề ở đây là chăm sóc da trong thai kỳ như thế nào để đảm bảo an toàn cho sức khỏe của bạn và sự phát triển của thai nhi. Một số lời khuyên sau có thể hữu ích cho bạn:
- Sử dụng lá lô hội, gel chiết xuất từ lô hội hoặc dầu Bio Oil để xoa dịu các vết rạn da. Cũng như giúp các vết rạn nhanh mờ hơn sau khi bạn sinh. Lô hội và Bio Oil được xem là an toàn cho phụ nữ mang thai.
- Sử dụng kem chống nắng, che phủ mặt khi ra ngoài và hạn chế tiếp xúc với ánh nắng trong khoảng thời gian từ 10 giờ sáng đến 3 giờ chiều. Điều này sẽ giúp bảo vệ da bạn và phần nào giảm tình trạng sạm da.
- Thay đổi sản phẩm sữa rửa mặt để giúp da sạch và bớt nhờn hơn. Bạn hãy sử dụng loại sữa dịu nhẹ với độ pH khoảng từ 4.0-7.0. Bạn hãy thận trọng khi có ý định sử dụng bất kì loại kem trị mụn hay sản phẩm chăm sóc da nào. Chọn mỹ phẩm cho bà bầu kể cả các loại trị mụn phù hợp. Hãy đọc kỹ hướng dẫn của nhà sản xuất và tham khảo ý kiến bác sĩ, dược sĩ trước khi sử dụng chúng.
- Tránh tắm nước nóng quá lâu để hạn chế bị khô da.
- Uống nhiều nước để giúp cơ thể và làn da của bạn được khỏe mạnh hơn. Lượng nước bạn nên uống ít nhất là 8 ly mỗi ngày.
- Hạn chế sử dụng hóa chất hoặc mỹ phẩm để tránh kích ứng da.
- Áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh để cung cấp đủ vitamin và khoáng chất cho cơ thể, bao gồm cả làn da.
- Tập thể dụng điều độ để có cơ thể khỏe mạnh hơn. Nhờ vậy, da của bạn cũng khỏe hơn.
3. Bạn có thể làm gì khác về sự thay đổi của làn da khi mang thai
Ngoài những cách chăm sóc da an toàn khi mang bầu, bạn có thể làm gì khác nữa?
- Hãy tự tin và ghi nhớ rằng hầu hết mọi sự thay đổi về da sẽ được giải quyết sau khi bạn sinh em bé. Điều này giúp bạn có tâm lý thoải mái hơn.
- Hãy thận trọng với bất kì phương pháp điều trị da nào bạn dự định sử dụng. Bạn cần hỏi ý kiến bác sĩ, dược sĩ cũng như tự tìm hiểu cho đến khi cảm thấy mình nắm được thông tin đầy đủ, trước khi quyết định bất kì điều gì.
- Đừng so sánh trải nghiệm của bản thân với những mẹ bầu khác. Vì mọi phụ nữ đều khác biệt, và thai kỳ cũng như vậy.
>>>>>Xem thêm: Dấu hiệu có thai khi đang cho con bú và cách ứng phó dành cho mẹ
Có nên chăm sóc da khi mang bầu quả thật là vấn đề gây mâu thuẫn cho mẹ bầu. Vì bản năng làm mẹ và làm đẹp lúc này đang cùng xuất hiện. Tuy nhiên, bạn đừng quá căng thẳng về vấn đề này. Vì, bạn hoàn toàn có thể chăm sóc da khi mang bầu một cách an toàn như đã đề cập ở trên. Hãy là một mẹ bầu đẹp và tự tin để có được năng lượng tích cực nhé. Như vậy, em bé của bạn cũng được hưởng lợi vì được truyền lại nguồn năng lượng ấy đấy.
Theo Huggies.com.au & Parents
Lily Nguyễn tổng hợp