Lựa chọn đồ chơi cho bé 6 tuổi luôn là việc không hề dễ dàng với nhiều ông bố bà mẹ. Ngày nay, đồ chơi ngoài lợi ích luôn mang lại niềm vui cho trẻ, nó còn mang tính giáo dục và phát triển cả trí não lẫn thể chất. Tròn 6 tuổi đồng nghĩa với việc những thiên thần nhỏ của chúng ta sẽ bước vào Tiểu học và không có nhiều thời gian để vui chơi thoải mái như trước nữa. Ngoài thời gian học thì những lúc giải lao là vô cùng quý báu, vậy nên, nếu ba mẹ biết cách lựa chọn đồ chơi vừa khiến trẻ vui vẻ thư giãn, vừa giúp trẻ phát triển toàn diện thì còn gì bằng đúng không. Hãy cùng Blogtretho.edu.vn tham khảo những cách chọn đồ chơi phù hợp cho bé 6 tuổi nhất nhé!
Bạn đang đọc: Chọn đồ chơi cho bé 6 tuổi phù hợp giúp bé chơi vui và phát triển toàn diện
Contents
- 1 1. Đồ chơi cho bé 6 tuổi và những lợi ích không ngờ
- 2 2. Tại sao nên chọn đồ chơi theo tuổi cho trẻ
- 3 3. Chọn đồ chơi thích hợp cho bé 6 tuổi
- 4
- 4.1 3.1 Đồ chơi cho bé 6 tuổi giúp phát triển tư duy và sự sáng tạo
- 4.2 3.2. Đồ chơi giúp bé phát triển khả năng vận động
- 4.3 3.3. Đồ chơi giúp bé tập kết nối và thể hiện cảm xúc
- 4.4 3.4. Đồ chơi cho bé giúp phát triển tính hợp tác
- 4.5 3.5. Đồ chơi giúp phát triển ngôn ngữ cho bé 6 tuổi
- 4.6 3.6. Đồ chơi bé tự chọn
- 5 4. Những lưu ý cho ba mẹ giúp bé 6 tuổi chơi đồ chơi một cách thông minh và an toàn
1. Đồ chơi cho bé 6 tuổi và những lợi ích không ngờ
1.1. Giúp bé tăng tính tự lập
Bước vào lớp 1, trẻ phải tự làm mọi thứ nhiều hơn, phải học cách quản lý thời gian và sắp xếp công việc hợp lý. Lựa chọn đồ chơi phù hợp cho trẻ vào giai đoạn này rất có ích trong việc thúc đẩy và hỗ trợ trẻ tăng tính tự lập. Trẻ sẽ biết cách cân bằng được thời gian học và chơi, biết khi nào thì nên nhờ người khác giúp đỡ, khi nào thì nên cố gắng tự giải quyết vấn đề của mình.
1.2. Hỗ trợ việc học tập của bé thêm hiệu quả
Vừa chơi vừa học cũng là một hình thức ôn bài hiệu quả cho trẻ 6 tuổi, giúp trẻ tiếp thu bài giảng trên lớp tốt hơn. Những kiến thức mà trẻ được giáo viên dạy trên lớp sẽ được tái hiện lại qua những món đồ chơi mang tính giáo dục. Việc vừa học vừa chơi cũng khiến trẻ có nhiều hứng thú hơn, bớt nhàm chán và giảm áp lực hơn cho trẻ.
1.3. Giúp bé phát triển các kỹ năng cần thiết
Những món đồ chơi sẽ kích thích trí tò mò và tưởng tượng của trẻ. Có những trò chơi đòi hỏi trẻ phải tập trung và kiên nhẫn, cũng có những trò cần trẻ phải nhanh nhẹn và nhạy bén. Đặc biệt những trò chơi theo nhóm sẽ giúp trẻ phát huy khả năng giao tiếp cũng như tương tác tốt với mọi người.
1.4. Góp phần hình thành nhân cách của bé
Việc trẻ hỏi và nhờ sự trợ giúp của ba mẹ về đồ chơi cũng kéo trẻ lại gần gia đình hơn. Ba mẹ sẽ dễ dàng hòa nhập vào thế giới của trẻ, từ đó việc dạy trẻ cũng hiệu quả hơn. Đồ chơi tốt cũng góp phần hoàn thiện nhân cách cho trẻ, trẻ sẽ biết chia sẻ đồ chơi của mình cho người khác hoặc khi ba mẹ hướng dẫn trẻ cách chơi, trẻ sẽ tự tin hướng dẫn lại cho các bạn khác.
2. Tại sao nên chọn đồ chơi theo tuổi cho trẻ
Theo Patricia Koh – Hiệu trưởng của một trường mẫu giáo tư nhân, “Trẻ em phát triển theo nhiều giai đoạn, nếu chúng bỏ qua một bước bất kỳ thì trong tương lai sẽ bị gián đoạn lại theo một cách nào đó thôi”. Nhiều chuyên gia giáo dục cũng lưu ý, những bậc cha mẹ đang nghĩ là mình đúng khi mua những món đồ chơi vượt quá độ tuổi của con cũng cần phải suy nghĩ lại. Ví dụ như, rất nhiều ba mẹ thường mua xe đạp cho con có kích thước lớn hơn cơ thể của trẻ hiện tại, để sau này không cần phải mua thêm một chiếc mới. Việc làm này có thể khiến trẻ gặp tai nạn khi sử dụng xe và để lại chấn thương nghiêm trọng vì trẻ quá nhỏ để có thể điều khiển được xe đạp cỡ lớn.
Nói như vậy không có nghĩa là nhất thiết ba mẹ phải chọn đồ chơi chính xác theo từng độ tuổi như nhà sản xuất đồ chơi ghi chú. Còn tùy theo tính cách và sự phát triển của trẻ em qua từng thế hệ, mà những người lớn đi trước sẽ lưu ý để đưa ra lựa chọn thích hợp. Lấy ví dụ như cách đây 10 năm, khi công nghệ chưa phát triển như bây giờ, trẻ dù đã vào tiểu học vẫn có thể không biết dùng điện thoại như thế nào, chứ đừng nói là chơi trò chơi điện tử trên điện thoại. Thế nên sự phát triển của trẻ ở mỗi thế hệ khác nhau cũng sẽ khác nhau. Tuy nhiên, các nhà sản xuất trò chơi cũng sẽ có những cập nhật kịp thời thôi nên ba mẹ vẫn nên tìm hiểu kỹ nhãn dán ghi chú độ tuổi và hướng dẫn sử dụng nhé!
3. Chọn đồ chơi thích hợp cho bé 6 tuổi
3.1 Đồ chơi cho bé 6 tuổi giúp phát triển tư duy và sự sáng tạo
6 tuổi là giai đoạn trẻ bắt đầu hình thành tư duy, bắt đầu phân tích và chọn lọc những vấn đề xung quanh mình. Trẻ bắt đầu tập đọc, tập viết cũng là lúc ba mẹ cần quan tâm để phát triển trí tuệ cho trẻ nhiều hơn. Việc chọn đồ chơi cho trẻ đúng và phù hợp sẽ giúp trẻ phát huy tốt khả năng sáng tạo và kích thích tư duy của trẻ.
3.1.1. Đồ chơi mô phỏng
- Các loại mô hình : Có nhiều loại mô hình khác nhau, cơ bản thì được chia làm hai loại là mô hình có sẵn và mô hình tự lắp ráp. Mỗi loại đều có những ưu điểm của nó và đều phát triển tư duy cũng như kích thích sáng tạo cho trẻ. Các trẻ sẽ thỏa sức sáng tạo với những mô hình dạng lắp ráp và không ngừng suy nghĩ, liên tưởng giữa mô hình và thực tế. Các mô hình mô phỏng lại những chiếc xe, trực thăng, máy bay luôn rất hấp dẫn đối với những bé trai, còn những bé gái thì lại thích mô hình nhà cửa, công viên, cây cối,… Tùy vào sở thích của trẻ mà bạn ba mẹ có thể chọn mô hình phù hợp.
- Bộ đất nặn : Đây là món đồ chơi phát huy được luôn cả năng khiếu của trẻ. Bên cạnh việc bé tự mô phỏng, sáng tạo hình dáng, màu sắc cho viên đất nặn, ba mẹ và trẻ còn có thể biết được cách nhìn của trẻ về thế giới như thế nào qua những thứ mà trẻ nặn được. Việc nặn đất sét cũng rèn luyện được tính kiên nhẫn và cẩn thận cho trẻ nữa!
3.1.2. Đồ chơi đòi hỏi tính logic
Ở độ tuổi này, trẻ bắt đầu biết phân tích và liên kết các sự kiện hay vấn đề xảy ra trong cuộc sống. Hãy thúc đẩy những khả năng này của trẻ bằng cách cho trẻ chơi những đồ chơi cần sự logic và liên kết như:
- Lego : Vẫn là những mảnh ghép thần kỳ mà bất kỳ đứa trẻ nào cũng mê mẩn, nhưng mức độ khó hơn và phạm vi cũng rộng hơn.
- Rubik : Rubik có rất nhiều dạng khối khác nhau, nhưng cơ bản nhất là dạng hộp vuông. Hãy cho trẻ thử mày mò khối rubik xem sao, nếu trẻ thực sự có hứng thú với món đồ chơi này, điều đó sẽ giúp ích rất nhiều cho tư duy của trẻ.
3.2. Đồ chơi giúp bé phát triển khả năng vận động
- Bên cạnh việc phát triển trí tuệ, trẻ cũng cần vận động để phát triển thể chất. Ở độ tuổi này, khi trẻ đã bắt đầu vào tiểu học, việc kết bạn và vui chơi cùng bạn bè tại trường cũng tạo nhiều cơ hội cho trẻ vận động. Khi về nhà, ba mẹ có thể cho trẻ chơi những món đồ chơi mô phỏng các môn thể thao mang tính độc lập hơn như bộ đồ chơi ném bóng rổ, bộ đồ chơi bóng đá mini trong nhà,… vừa giúp trẻ giải tỏa căng thẳng, vừa phát triển chiều cao cho trẻ.
- Trẻ lên 6, ba mẹ hãy “cải tiến” những món đồ chơi giúp trẻ vận động bằng những dụng cụ thể thao để tạo thói quen chơi thể thao cho trẻ từ bây giờ. Nếu có điều kiện không gian, hãy cùng chơi với trẻ những môn như cầu lông, xe đạp, ván trượt, bóng bàn mini,… vừa kích thích trẻ vận động tăng cường thể chất, vừa giúp trẻ tìm ra sở thích tốt cho bản thân.
Ngoài lợi ích giúp trẻ vui chơi giải trí , phát triển thể chất, những đồ chơi kích thích trẻ vận động còn giúp rèn luyện phản xạ cho trẻ, giúp trẻ nhạy bén hơn rất nhiều.
3.3. Đồ chơi giúp bé tập kết nối và thể hiện cảm xúc
Trẻ lên 6 sẽ có nhiều nhu cầu được bày tỏ cảm xúc và thể hiện bản thân hơn, đồng thời trẻ cũng sẽ muốn tạo mối liên kết với những người xung quanh, muốn chia sẻ những suy nghĩ và sở thích với người khác. Giai đoạn này, ba mẹ nên chọn cho trẻ những loại đồ chơi giúp trẻ hình thành được lối suy nghĩ yêu thương, biết chia sẻ và tập được cho trẻ tính trách nhiệm. Ngoài ra, những món đồ chơi mang tính tập thể có thể tạo điều kiện cho trẻ kết nối với mọi người cũng vô cùng cần thiết.
3.3.1. Đồ chơi giúp bé tập kết nối
Những loại đồ chơi có thể kết nối trẻ với những người xung quanh có thể kể đến như:
- Bộ chơi cờ : Có rất nhiều loại cờ mà ba mẹ có thể dạy cho trẻ. Từ các loại cờ chơi để giải trí như cờ cá ngựa, cờ uno, cờ nhảy, cờ tỷ phú, đến những loại cờ đòi hỏi tư duy như cờ vây, cờ vua, cờ caro, cờ tướng. Tùy vào khả năng và sở thích mà ba mẹ có thể cùng trẻ chơi những loại cờ này, vừa giúp trẻ kết nối với mọi người, lại còn tập được cho trẻ tính trách nhiệm và biết sắp xếp, quản lý.
- Bộ đồ chơi dân gian : Những món đồ chơi trong bộ đồ chơi dân gian mô phỏng lại gần như hoàn hảo những trò chơi dân gian ngày xưa như chơi ô ăn quan, bộ xí ngầu, bộ bầu cua cá cọp, bộ banh đũa,… sẽ giúp trẻ hiểu rõ hơn về trò chơi truyền thống cũng như kết nối trẻ với ba mẹ, người thân, bạn bè thông qua những món đồ chơi rất đỗi quen thuộc này.
3.3.2. Đồ chơi giúp bé phát triển cảm xúc
- Thú nhồi bông : Món đồ chơi này quá đỗi quen thuộc không chỉ với trẻ con mà còn với người lớn chúng ta nữa. Theo Paul Donahue – nhà tâm lý học trẻ em ở New York cho biết, việc đóng các vai diễn với búp bê hoặc thú bông sẽ khiến các bé quản lý được cảm xúc của mình tốt hơn. Việc trò chuyện hay đóng vai với thú nhồi bông sẽ giúp điều chỉnh những cảm xúc tiêu cực, cáu gắt, giận dữ mà trẻ không thể nói được. Ba mẹ có thể tập cho trẻ biết chia sẻ và quan tâm đến cảm xúc của mọi người bằng cách chơi thú bông cùng trẻ, đặt những câu hỏi như “Con có muốn chia bánh cho gấu bông không nào?”, hay dạy trẻ thông qua món đồ chơi này “Nếu con cáu gắt thì gấu con sẽ buồn lắm đó!”.
Tìm hiểu thêm: Tâm lý trẻ mầm non và 5 điều đáng chú ý mẹ nào cũng nên biết
- Đồ chơi âm nhạc : Nếu bé có sở thích về âm nhạc, có thể chọn cho bé những loại nhạc cụ dành cho trẻ em như đàn organ, bộ trống đồ chơi, hộp phát nhạc,… Lợi ích tuyệt vời của âm nhạc đã được chứng minh đối với những trẻ còn đang trong bụng mẹ, và với trẻ lên 6 cũng không ngoại lệ. Cho trẻ chơi đồ chơi âm nhạc chẳng những đem lại lợi ích về sức khỏe mà còn đem lại lợi ích về tinh thần cho trẻ. Tự mày mò học cách chơi nhạc cụ và đắm mình trong âm nhạc sau khoảng thời gian học tập ở trường sẽ khiến trẻ thư giản, bớt căng thẳng và cáu gắt hơn. Trẻ cũng sẽ dễ dàng kết bạn với những người cùng sở thích và duy trì được tâm trạng vui vẻ, phấn chấn.
3.4. Đồ chơi cho bé giúp phát triển tính hợp tác
Trẻ vào tiểu học đồng nghĩa với việc vòng tròn giao tiếp xã hội của trẻ sẽ dần rộng hơn. Lúc này ba mẹ đã có thể dựa vào những câu chuyện, tình huống mà trẻ gặp phải ở trường lớp để dạy trẻ cách biết hòa nhập và phối hợp với mọi người. Thông qua những món đồ chơi hàng ngày, trẻ cũng có thể rèn luyện và học cách hợp tác ăn ý với đồng đội chơi cùng. Từ đó, trẻ cũng sẽ có xu hướng hoạt động nhóm tốt hơn, giải quyết được những vấn đề phát sinh trong nhóm và biết cách để trình bày ý kiến của bản thân.
Ba mẹ có thể tìm những bộ đồ chơi mang tính đồng đội cho trẻ như: bộ đồ chơi rút gỗ, bộ đá bóng bàn, domino, bộ xếp hình gỗ,… hay những đồ chơi thể thao theo nhóm, đều là những loại đồ chơi giúp trẻ có cơ hội hợp tác tốt với đồng đội. Ba mẹ cũng đừng quên trở thành người đồng đội mà trẻ luôn tin tưởng và có thể “sát cánh” mỗi khi chơi những trò chơi này nhé, trẻ sẽ vô cùng háo hức đó!
3.5. Đồ chơi giúp phát triển ngôn ngữ cho bé 6 tuổi
Tròn 6 tuổi, trẻ bắt đầu tập đọc, tập viết, tập làm các phép tính đơn giản. Bé đến trường sẽ muốn trò chuyện và chơi cùng thầy cô, bạn bè, còn khi về nhà sẽ háo hức muốn kể chuyện cho ba mẹ nghe. Chính vì vậy, việc chú ý hỗ trợ phát triển ngôn ngữ cho trẻ 6 tuổi là rất có ích cho khả năng diễn đạt của trẻ. Ba mẹ có thể chọn đồ chơi giúp trẻ có thêm kỹ năng ngôn ngữ, diễn đạt như bộ đồ chơi đếm số, bộ sách hình ảnh, bộ đĩa đọc truyện cổ tích,… hoặc những bộ đồ chơi phát nhạc đánh vần hay đếm số cũng giúp trẻ vừa nhớ dai vừa tăng thêm lượng ngôn ngữ cho trẻ. Nếu muốn nâng cao khả năng ngoại ngữ cho trẻ, ba mẹ có thể chọn thêm vài bảng từ tiếng nước ngoài có hình ảnh kèm phát âm cho trẻ, tạo cho trẻ hứng thú học thêm một ngôn ngữ mới cũng giúp trẻ tự tin diễn đạt hơn.
3.6. Đồ chơi bé tự chọn
Bên cạnh việc lựa chọn đồ chơi cho trẻ theo từng độ tuổi phù hợp, ba mẹ cũng hãy nhớ quan tâm đến sở thích của con mình nữa nhé! Vì trẻ con luôn có những món đồ chơi đi theo chúng suốt cả tuổi thơ, dù cho 6 tuổi hay 7 tuổi, nhiều trẻ vẫn còn giữ những món đồ chơi từ năm 4, 5 tuổi, đơn giản vì trẻ rất thích món đồ chơi đó. Hơn nữa, với những món đồ chơi yêu thích, trẻ có thể nâng cao kĩ năng và giới hạn của mình trong trò chơi đó, tìm ra được khả năng của bản thân. Việc cho trẻ tự chọn đồ chơi cũng tạo điều kiện cho trẻ được tò mò và khám phá thế giới xung quanh, nó còn là phương tiện giúp trẻ hòa đồng hơn với các bạn trang lứa. Với những món đồ chơi mới, ba mẹ nên tìm hiểu xem nó có an toàn với trẻ không và hãy tạo cảm hứng cho trẻ với trò chơi đó.
4. Những lưu ý cho ba mẹ giúp bé 6 tuổi chơi đồ chơi một cách thông minh và an toàn
4.1. Chọn đồ chơi an toàn cho bé
Cách đúng đắn nhất để chọn đồ chơi cho trẻ không phải nằm ở món đồ chơi thông minh hay sự đa dạng của đồ chơi, mà là ở mức độ an toàn đối với trẻ. Mỗi năm, bệnh viện tiếp nhận rất nhiều ca nhập viện của trẻ em bị thương có liên quan đến đồ chơi. Với số lượng và mẫu mã đa dạng như hiện nay, đồ chơi cho trẻ em rất khó lòng được kiểm soát chặt chẽ. Lúc này, chính ba mẹ sẽ là người giúp trẻ chọn được món đồ chơi an toàn nhất. Đọc kỹ thành phần và các chất làm nên món đồ chơi đó xem nó có thực sự tốt không, cũng như hướng dẫn sử dụng và bảo quản. Ba mẹ nên lựa chọn những món đồ chơi có xuất xứ rõ ràng, đảm bảo để tránh mua phải hàng kém chất lượng. Bên cạnh đó, ba mẹ cũng nên đi cùng khi trẻ tự chọn mua đồ chơi và hướng dẫn cho trẻ cách để nhận biết những món đồ chơi nào là không đảm bảo an toàn.
4.2. Dạy cho bé cách chơi đồ chơi an toàn
Đi cùng với việc chọn đồ chơi phù hợp cho trẻ là dạy trẻ cách chơi món đồ đó một cách an toàn với bản thân mình và những người xung quanh. Ví dụ bạn mua ván trượt cho con, hãy đảm bảo rằng con được đội mũ bảo hiểm và mang đầy đủ đệm đầu gối, cùi chỏ. Hay như với súng nước, ba mẹ hãy lưu ý trẻ không được chĩa súng và bắn vào người khác nếu chưa được sự đồng ý.
4.3. Kiểm tra đồ chơi của bé thường xuyên
Thường xuyên quan sát và kiểm tra đồ chơi của con mình, đảm bảo rằng đồ chơi không quá bẩn hay bị hư, bị vỡ gây nguy hiểm cho con. Đừng tiếc mà hãy mạnh dạn vứt những món đồ chơi bị hỏng quá nặng không thể sửa lại được nữa. Ba mẹ cũng nên dạy con cách để bảo quản và vệ sinh đồ chơi, tập cho con thói quen thu dọn đồ chơi của mình mỗi khi chơi xong.
4.4. Không nên bày bừa đồ chơi
Đừng nên bày tất cả các món đồ chơi ra đầy phòng hay tràn ngập căn nhà. Ba mẹ nên quan sát và hỏi han con xem là con thường chơi những món đồ chơi nào thì giữ lại, còn những món con ít chơi hoặc đã lâu không chơi nữa thì mang cất vào kho hoặc tủ. Làm như vậy đảm bảo đồ chơi không dễ bị hỏng, nhà cửa không quá bày bừa, tạo không gian rộng rãi cho trẻ thỏa sức vui chơi.
4.5. Không nên mua quá nhiều đồ chơi cho bé
Vì phải cân bằng giữa thời gian học và chơi, đây lại mới chỉ là lúc trẻ bắt đầu thích nghi với môi trường Tiểu học, nên việc ba mẹ mua quá nhiều đồ chơi sẽ khiến trẻ bị mất tập trung và phân tán thời gian quá nhiều. “Mình phải chơi món nào?” hay “Mình muốn chơi hết đống đồ chơi này trước khi ngủ” sẽ là những suy nghĩ khiến trẻ mất tập trung vào bài học hay những sinh hoạt thường nhật. Trẻ sẽ không có đủ thời gian để chơi hết những món đồ chơi này và dễ bị chán nhanh vì không thực sự dành nhiều thời gian cho một món duy nhất nào.
4.6. Dành thời gian tự làm đồ chơi và chơi cùng bé
- Ba mẹ hãy thử một lần cùng con tự sáng tạo và làm ra một món đồ chơi xem, sẽ rất thú vị và món đồ đó nhất định trẻ sẽ rất trân trọng. Chọn một dịp nào đó như trung thu chẳng hạn, cả nhà cùng học cách làm lồng đèn trung thu với những nhân vật hoặc con vật mà trẻ thích. Hay vào lễ giáng sinh, hãy cùng con làm cây thông Noel và đồ vật trang trí chẳng hạn. Trẻ sẽ biết quý những món đồ chơi do mình làm ra cũng như học cách kiên trì làm việc gì đó đến cùng.
>>>>>Xem thêm: Giúp con tự tin thể hiện bản thân – cách dạy con thành công không phải mẹ nào cũng biết
- Và còn một điều nữa cũng rất quan trọng, chính là ba mẹ. Ba mẹ mới thực sự là “đồ chơi” tuyệt vời nhất của con. Con sẽ học đạp xe đạp từ bạn, học những phím đàn đầu tiên từ bạn, cũng chính những người làm ba làm mẹ ngồi xuống, chọn màu và tô vẽ bức tranh cùng với con. Những lúc con lay hoay mãi không ghép được mảnh lego nào đó, chính ba là người kiên nhẫn ngồi lắp cùng con, cùng con chơi cờ khi không ai chơi cùng. Đừng lúc nào cũng chỉ đưa đồ chơi hay thiết bị thông minh như điện thoại, máy tính bảng,… cho trẻ. Hãy bớt chút thời gian của bản thân để chơi cùng con, ba mẹ nhé!
Chọn đồ chơi cho bé 6 tuổi tưởng khó nhưng cũng lại dễ lắm. Ba mẹ chỉ cần bỏ chút thời gian tìm hiểu nhu cầu phát triển của con ở từng giai đoạn và biết con cần gì để lựa chọn đồ chơi phù hợp, an toàn cho con là được. Lựa chọn đồ chơi tưởng như chỉ để mang lại niềm vui cho con thôi nhưng lại là cả một nghệ thuật đó, ba mẹ phải thật sự quan tâm và tinh ý thì mới giúp con chọn được đồ chơi vừa bổ ích vừa thú vị. Trên đây là những cách chọn đồ chơi phù hợp với bé 6 tuổi, Chuyên mục Có con 1 – 12 tuổi hi vọng sẽ giúp cho những ông bố bà mẹ vẫn lay hoay chưa biết mua gì cho con khi con lên 6. Và ba mẹ ơi, đừng quên bỏ chút thời gian để dạy con học và vui chơi cùng con nữa nhé!
Nguồn tham khảo: Kidshealth
Ngọc Diệp tổng hợp