Cho bé bú nằm nghiêng là tư thế cho bú được khá nhiều mẹ áp dụng. Nhiều phụ nữ thấy rất thoải mái khi cho bé bú mẹ theo cách này. Trong khi đó, lại có những mẹ thấy lo lắng vì sợ bé bị đau, mỏi khi nằm nghiêng. Vậy khi nào thì tư thế này thực sự phù hợp với bạn. Và, kĩ thuật cho bú nằm nghiêng như thế nào để cả bạn và bé đều được thoải mái. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu nhé.
Bạn đang đọc: Cho bé bú nằm nghiêng mẹ nên áp dụng khi nào?
1. Khi nào thì cho bé bú nằm nghiêng là lựa chọn phù hợp cho bạn
Cho bé bú nằm nghiêng có thể là một lựa chọn bất cứ khi nào bạn định nằm cho con bú. Tuy nhiên, nó đặc biệt thuận tiện trong những trường hợp sau:
- Bạn đang còn nằm viện : khi bạn vẫn còn đang ở bệnh viện sau sinh, thì cho bé bú nằm nghiêng hoặc nằm ngả người là hai tư thế hoàn hảo có thể giúp bạn cảm thấy thoải mái hơn. Bạn hãy nhờ đến sự hướng dẫn, trợ giúp của y tá hay người thân, để có thể thực hiện tư thế cho bú này sớm. Bạn cũng đừng quên dựng thanh chắn giường của mình lên nhé.
- Bạn sinh mổ : Cho bé bú nằm nghiêng hoặc tư thế kẹp bóng sẽ rất phù hợp cho mẹ sinh mổ . Vì ở những tư thế này, việc cho bú sẽ không gây áp lực lên vết thương của bạn. Bạn cũng có thể kiểm soát được phần chân của bé để chúng không đụng vào vùng bụng dưới – nơi bạn đang bị đau.
- Bạn không muốn ngồi dậy khi cho bé bú vào ban đêm : Vào cữ đêm, cho bé bú nằm nghiêng là tư thế khá thuận tiện, đặc biệt khi bé nằm ngủ gần bạn. Mặc dù có khá nhiều mẹ cho bé ngủ cùng với mình trên giường và bé luôn được an toàn. Nhưng, các bố mẹ được khuyên không nên để con ngủ cùng mình vì bé có thể tăng nguy cơ bị mắc hội chứng SIDS ( hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh). Nếu không muốn cho bé nằm nôi/ cũi, bạn hãy cho con ngủ ở giường phụ gắn liền vào giường của bạn. Như vậy, bạn vừa có thể thường xuyên kiểm tra giấc ngủ của con, vừa cho con bú một cách thuận tiện mà vẫn đảm bảo an toàn cho con.
- Bạn có bộ ngực lớn : Bạn có thể sẽ gặp khó khăn khi cho em bé mới sinh của mình bú mẹ nếu bạn có bộ ngực lớn. Bạn sẽ thấy mình khó quan sát và điều chỉnh để bé ngậm đúng khớp bú. Và tư thế cho bé bú nằm nghiêng lúc này sẽ giúp bạn cho con bú dễ dàng hơn. Bạn hãy nhờ đến sự hỗ trợ của y tá để cho con bú được nhuần nhuyễn hơn.
- Bạn không thể ngồi dậy vì mệt mỏi : Nếu bạn vừa trải qua một khoảng thời gian phải ngồi và thấy mệt mỏi, thì tư thế cho con bú theo cách nằm nghiêng sẽ là giải pháp tuyệt vời để bạn được thoải mái hơn. Việc ngồi cho con bú lâu cũng có thể khiến bạn bị đau lưng, vai, cổ và cánh tay. Vì vậy, bất cứ khi nào bạn thấy bị quá sức, hãy nằm cho bé bú để tranh thủ nghỉ ngơi.
- Bạn bị ốm : Các bà mẹ không phải là siêu nhân, bạn sẽ trải qua những khoảng thời gian bị kiệt sức, thậm chí bị ốm. Những lúc như vậy, việc cho bé bú nằm nghiêng sẽ giúp bạn được giảm tải hơn.
- Em bé của bạn đang buồn ngủ : Khi bé yêu của bạn đang buồn ngủ, thì bú mẹ ở tư thế nằm nghiêng sẽ giúp con thức và bú được lâu hơn khi bạn bế bé cho bú. Vì khi được bạn bế trên tay và vỗ về trong khi bú, bé sẽ bị giấc ngủ “cám dỗ” vì hiệu ứng buồn ngủ của tư thế và hoạt động này khá cao.
Tìm hiểu thêm: Em bé khỏe nhờ những động tác vận động đơn giản mẹ siêng thực hiện
2. Cho bé bú nằm nghiêng như thế nào
Bạn đã biết được những lúc nào là phù hợp để cho bé bú nằm nghiêng. Vậy thực hiện cách cho bú với tư thế này như thế nào? Bạn hãy:
- Bạn nằm xuống một chiếc gối thật thoải mái trên giường, nệm, tràng kỉ,…và nghiêng người qua một bên. Bạn có thể kê gối sau lưng và giữa hai đầu gối để thấy thoải mái hơn. Bạn cũng nên giữ lưng thẳng để tránh bị đau lưng về sau.
- Bạn đặt bé nằm cạnh và nghiêng người con nhẹ nhàng đối diện với bạn. Đầu bé ở ngang tầm ngực bạn, và miệng con ở ngang vị trí của đầu ngực bạn. Bạn cũng có thể đặt một chiếc gối phía sau để hỗ trợ lưng bé.
- Bạn kê cánh tay phía nằm sát nệm dưới đầu hoặc vòng qua đầu bé để vỗ về lưng con, hoặc bạn cũng có thể duỗi cánh tay phía trên đầu con. Bạn hãy chọn cách nào mình thấy thoải mái nhất. Bạn hãy dùng tay kia để nâng đỡ bầu ngực cho bé bú dễ dàng hơn nếu cần. Bạn lưu ý không đưa bầu ngực đến miệng bé, mà hãy kéo bé lại gần và hướng dẫn bé tìm đến ngực mẹ.
- Khi bạn đưa bé đến gần ngực mình, hãy đảm bảo miệng bé mở rộng và lưỡi con đang hạ xuống. Nếu bé không mở miệng lớn, bạn hãy dùng ngón tay hoặc đầu ngực cọ vào má bé. Động tác này sẽ kích thích phản xạ bản năng khiến bé mở miệng rộng hơn và sẵn sàng bú mẹ.
- Khi bé đã sẵn sàng, hãy kéo bé lại gần hơn cho miệng bé sát đầu vú và để bé tự ngậm vú mẹ.
- Bạn hãy quan sát vài giây để xem bé có ngậm đúng khớp bú hay không. Nếu bé chưa ngậm đúng, hãy dùng ngón tay để ngắt miệng bé ra khỏi ngực bạn rồi thử cho con bú lại. Nếu bé đã ngậm bú đúng, bạn hãy thả lỏng và tranh thủ nghỉ ngơi trong khi vẫn theo dõi bé bú.
Bạn có thể cảm nhận được bé đang nút sữa nhưng nếu quá mệt, bạn có khả năng ngủ quên trong khi bé ăn. Vì vậy, hãy nhờ người thân quan sát và kiểm tra quá trình bé bú mẹ khi bạn đang nằm cho bé ăn, để đề phòng trường hợp bạn ngủ quên.
Khi cho bé bú nằm nghiêng, bạn có thể kê một chiếc khăn mỏng dưới đầu để đầu bé cao hơn thân người một chút, hạn chế tình trạng bị trào ngược . Bạn cũng nên cho bé bú đổi bên thường xuyên để tránh tình trạng bé nằm lâu một phía khiến sự phát triển của xương sọ bị ảnh hưởng.
Nếu bé thường bị nôn trớ, trào ngược thì bạn nên hạn chế cho bé bú ở tư thế này.
Bạn có thể học cách cho bé bú nằm nghiêng ngay sau khi sinh với sự giúp đỡ của bác sĩ hoặc y tá tại bệnh viện. Nếu không, bạn vẫn có thể tự tập cách cho bú này với sự giúp đỡ của người thân. Nếu bạn thấy lo lắng, hãy trao đổi với bác sĩ để được tư vấn.
>>>>>Xem thêm: Bé tập đi – mẹ dạy bé như thế nào là đúng cách?
Cho bé bú nằm nghiêng là tư thế mẹ có thể áp dụng trong khá nhiều trường hợp. Đặc biệt khi bạn cảm thấy mệt mỏi và kiệt sức sau cuộc sinh nở hay chưa quen với việc chăm sóc bé sau sinh . Bạn đừng quá lo lắng, hãy thực hiện mọi thứ một cách từ tốn. Chắc chắn, bạn sẽ tìm được cách cho con bú thoải mái, an toàn và hiệu quả nhất.
Theo Verywell Family
Lily Nguyễn lược dịch