Cho bé ăn dặm là một nhiệm vụ quan trọng đòi hỏi sự cẩn trọng cần thiết của mọi bà mẹ. Trong nhiệm vụ này, không chỉ có việc chọn thời gian cho bé ăn dặm, cách cho con ăn mà còn nhiều yếu tố liên quan khác mẹ cũng cần nắm rõ. Vì, điều này giúp quá trình ăn dặm của con diễn ra suôn sẻ, có tác dụng tích cực đến sự phát triển toàn diện của bé, cũng như mẹ không phải quá vất vả.
Bạn đang đọc: Cho bé ăn dặm và tất cả những thông tin cơ bản liên quan mẹ cần biết
Contents
- 1 1. Cho bé ăn dặm bắt đầu từ lúc nào?
- 2 2. Cho trẻ ăn dặm đúng cách
- 3 3. Những sai lầm cơ bản khi cho bé ăn dặm mẹ cần tránh
- 4 4. Thực đơn ăn dặm kiểu Nhật cho bé – sự lựa chọn của nhiều mẹ Việt khi chăm con ăn dặm
- 5 5. Thực đơn ăn dặm cho bé theo các bà mẹ phương Tây
1. Cho bé ăn dặm bắt đầu từ lúc nào?
1.1 Mẹ cần cho bé ăn dặm khi nào?
Theo cách chuyên gia, thời gian ăn dặm tốt nhất cho bé là từ 6 tháng tuổi. Mẹ cần cho bé ăn dặm bắt đầu từ lúc này để có tập làm quen với thực phẩm khác ngoài sữa mẹ, chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo, khi con lớn hơn, nhu cầu dinh dưỡng tăng, và cần được bổ sung thêm các vitamin cũng như dưỡng chất thiết yếu từ thức ăn khác ngoài nguồn sữa. Việc cho ăn dặm là bước chuẩn bị quan trọng, vì sữa mẹ sẽ không cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho sự phát triển nhanh chóng của trẻ qua mỗi tuần mỗi tháng nữa. Ngoài thời điểm cơ bản này, ở trẻ cũng sẽ xuất hiện các dấu hiệu, báo hiệu cho mẹ biết nhu cầu con đã tăng và con đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc ăn dặm, những biểu hiện đó cụ thể như sau đây:
- Bé đang dần trở nên cứng cáp hơn: Đây là một trong những dấu hiệu quan trọng vì bé chỉ ăn dặm được khi có thể kiểm soát được đầu và cổ. Đặc biệt khi bé có thể ngồi lên ngay nếu được ba mẹ giúp đỡ.
- Bé đói nhanh hơn: Nếu mẹ quan sát thấy bé thường xuyên đói bụng mặc dù vừa bú xong và có thể nuốt ngay thức ăn mà mẹ cho bé, thì đó là dấu hiệu bé cần thêm nguồn thực phẩm khác giúp bé no lâu hơn.
- Thường xuyên thức đêm: Đây cũng chính là một dấu hiệu cho thấy bé muốn được ăn dặm. Lúc này, mẹ cần bổ sung thêm các nguồn dưỡng chất khác ngoài sữa, để bé không cảm thấy đói và sẽ ngủ ngon giấc hơn.
- Miệng bé lúc nào cũng nhai chóp chép hoặc mút tay: Mẹ thường phát hiện miệng bé cứ nhai như thể đang ăn một thứ gì đó, hoặc lâu lâu bé lại mút và nhai nhai ngón tay, hay chăm chú theo dõi hành động của gia đình khi đang ăn cơm.
- Kiểm tra hành động của con: Khi mẹ lấy muỗng chấm vào đồ ăn và đưa đến gần miệng trẻ, nếu há miệng ngay thì chính xác là bé đã muốn được ăn dặm, bởi thông thường trẻ sẽ quay đi chỗ khác hoặc đẩy ra xa nếu ngửi thấy mùi đồ ăn lạ.
- Đưa mọi thứ bé có lên miệng: Lúc này bé có thể cầm nắm các vật một cách dễ dàng và đưa chúng ngay vào miệng.
Những hành động này rất dễ để mẹ có thể nhận biết được rằng, trẻ đã thực sự muốn ăn dặm hay chưa. Tuy nhiên, mẹ cũng cần lưu ý rằng, trong số các dấu hiệu muốn ăn dặm , thực chất cũng có những dấu hiệu xuất hiện từ sớm hơn 6 tháng như trẻ mút tay do con thích khám phá, chứ không hẳn là con đang có nhu cầu ăn dặm; hoặc con chăm chú quan sát mọi người lúc ăn, vì con tò mò về sự chuyển động và những cử động của mọi người, chứ cũng không hẳn là con đang có nhu cầu muốn ăn thêm. Như vậy, các dấu hiệu mẹ nhận biết, cũng cần phải xem xét kỹ các yếu tố liên quan khác, để tránh việc nhầm lẫn trong nhận biết thời điểm ăn dặm của con, dẫn đến tình trạng chọn thời điểm ăn dặm chưa thực sự phù hợp hoặc quá sớm, ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển, thậm chí có thể gây nên những tác hại cho trẻ nữa.
1.2 Cho trẻ ăn dặm sớm sẽ gây ra những tác hại gì?
Nhiều mẹ tỏ ra khá lo lắng khi bé nhẹ cân và muốn cho trẻ tập ăn bột, trái cây từ sớm để thúc đẩy cân nặng. Nhưng điều này không làm cho trẻ tăng cân, phát triển tốt, mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của bé.
Trẻ dưới 5 tháng tuổi có hệ tiêu hóa còn rất non yếu, chưa đủ sức để xử lý và dung nạp những nguồn thức ăn mới mẻ. Nếu tiếm nhận, có thể nguồn thức ăn này sẽ khiến trẻ dễ bị dị ứng thực phẩm, rối loạn tiêu hóa, suy dinh dưỡng hay béo phì. Ngoài ra, chức năng phản xạ nhai nuốt của trẻ còn vẫn chưa được phát triển hoàn thiện trong thời gian này nên rất dễ khiến trẻ dễ bị sặc, nghẹn. Nguy hiểm hơn là những vấn đề xảy ra khi ăn, con không thể tự xử lý được, có thể gây tắc nghẽn đường thở khi thức ăn tràn vào.
1.3 Cho trẻ ăn dặm trễ có những tác hại gì?
Ngược lại với những lo lắng con bị thiếu cân, hay cho con ăn dặm sớm , một số mẹ vẫn muốn duy trì việc bú sữa mẹ hoặc sữa công thức dẫn đến việc trẻ trên 8 tháng mới bắt đầu tập ăn dặm. So với mốc ăn dặm 6 tháng cần thiết, thì 8 tháng sẽ là một khởi đầu chậm/ muộn cho việc ăn dặm. Ăn dặm muộn cũng không tốt cho trẻ, vì điều này dẫn đến tình trạng trẻ bị suy dinh dưỡng do thiếu chất vì không được bổ sung đúng thời điểm cần thiết. Bên cạnh đó, tiến trình tuần tự cho việc tập nhai của con cũng gặp khó khăn hơn so với bình thường. Nhìn chung, việc ăn dặm muộn cũng ảnh hưởng lớn đến việc tập ăn vì ở thời điểm 8-9 tháng, vị giác của bé đã phát triển hơn trước, con sẽ khó chấp nhận các thực phẩm có mùi vị và độ đặc khác sữa, cũng như không thích thay đổi thói quen đã hình thành, không quen với cách ăn từ muỗng,…dẫn đến việc con chối từ ăn dặm và mẹ sẽ vất vả hơn rất nhiều.
2. Cho trẻ ăn dặm đúng cách
Việc lựa chọn thời gian ăn dặm cho bé đã là việc rất quan trọng, cho con ăn dặm đúng cách cũng quan trọng không kém. Việc cho bé ăn dặm đúng cách cần phải có những quy tắc nhất định.
2.1 Ăn dặm đúng cách
- Chỉ nên cho ăn khi bé có nhu cầu: Vì bé vẫn ở giai đoạn tập, nên với việc ăn dặm giai đoạn đầu, mẹ không nên ép bé ăn nhiều theo mong muốn của mẹ. Điều này sẽ khiến bé sợ hãi và căng thẳng trong mỗi lần ăn, tạo nên tình trạng biếng ăn và nôn trớ.
- Nguyên tắc ngọt – mặn: Mẹ nên tuân thủ nguyên tắc “ngọt – mặn” khi bắt đầu giai đoạn cho trẻ ăn dặm , thường thì bột ngọt sẽ là lựa chọn đầu tiên vì mùi vị “tương tự” hay nói cách khác là gần với sữa mẹ hơn, trẻ được cho ăn dặm bằng bột ngọt trước rồi sẽ làm quen với bột mặn sau đó, tiếp cận với nhiều thành phần dinh dưỡng hơn một cách từ từ. Như vậy, bé sẽ dễ chấp nhận vì sự thay đổi này diễn ra một các phù hợp.
- Nguyên tắc ít – nhiều: Hệ tiêu hóa của bé trong thời gian này đang dần quen với loại thức ăn mới, nên mẹ cần cho trẻ ăn với lượng ít rồi tăng dần, cụ thể như tháng đầu nên cho ăn 1 – 2 muỗng bột mỗi lần rồi tăng dần lên 1/3 chén, rồi nửa chén,… Điều này sẽ đảm bảo sự tiêu hóa, cũng như cung cấp đầy đủ năng lượng – dưỡng chất cần thiết cho nhu cầu tăng trưởng và phát triển của trẻ một cách phù hợp, đúng với giai đoạn thời kỳ mà thể chất yêu cầu cần có.
- Cho bé ăn từ loãng đến đặc: Đây là việc giúp hệ tiêu hóa của trẻ không bị “bất ngờ” khi tiếp xúc với loại thức ăn lạ và dễ dàng tiêu hóa. Độ loãng của thức ăn được tăng đặc dần dần là một cách giúp bé thích nghi thuận lợi những loại thức ăn phức tạp ngày càng tăng.
2.2 Cho bé ăn dặm đúng thời gian
- Trong giai đoạn từ 6 – 9 tháng tuổi: Bé có thể tập quen với các loại bột dinh dưỡng, thức ăn nghiền, xay nhỏ hoặc các loại thức ăn mềm dễ nhai, nuốt. Trong thời gian này, mẹ cần lưu ý quan sát kỹ, để biết một số thực phẩm có thể làm cho trẻ bị dị ứng bằng cách, cho con tập từng loại thực phẩm riêng lẻ, trước khi chế biến bất kỳ dạng hỗn hợp.
- Khi trẻ được 9 – 12 tháng: Giai đoạn này bé đã ăn được khá nhiều loại thức ăn, hơn thế, mẹ cũng đã xác định được các nhóm thực phẩm thân thiện với trẻ mà không dị ứng, nên việc ăn dặm cũng diễn ra khá dễ chịu hơn so với trước đó. Sự phát triển của hệ tiêu hóa, kỹ năng nhai, cầm nắm và nhu cầu dinh dưỡng lúc này cũng tăng, mẹ có thể nấu cháo hoặc chế biến thực phẩm ở dạng thô tăng dần, thêm thịt, cá và các loại rau củ ăn kèm với cháo, nhằm tăng tốc thích ứng và thúc đẩy sự phát triển từ khả năng xử lý thức ăn của hệ tiêu hóa, đến kỹ năng cầm nắm, nhai, phát triển vị giác của trẻ.
- Giai đoạn từ 1 tuổi trở lên: Khi trẻ đã có đủ 20 cái răng, lúc này, mẹ nên tập cho bé ăn cơm bằng cách nấu cơm nhão mềm rồi tăng dần đến bình thường, kết hợp với các loại súp rau củ cho trẻ ăn, cũng như tiếp tục chế biến thực phẩm dạng thô mà trẻ cầm nắm tốt như rau củ luộc, trái cây cắt miếng phù hợp, để trẻ luyện tập thêm kỹ năng nhai, cầm nắm cho thật nhuần nhuyễn và chính xác.
2.3 Ăn dặm như thế nào để đảm bảo chất dinh dưỡng
2.3.1 Mẹ nên cho bé ăn gì trong các giai đoạn ăn dặm
Thời gian đầu, mẹ nên cho bé ăn 1 bữa/ ngày với các loại rau củ có vị dễ tiếp nhận và dinh dưỡng phù hợp với độ tuổi non nớt của trẻ. Khi con quen dần, mẹ cho bé ăn dặm 2-3 bữa/ngày. Mẹ có thể tăng dần số bữa khi trẻ đang dần dần quen và theo nhu cầu của con. Trong suốt hành trình ăn dặm của bé từ khi con quen và nhu cầu tăng, mẹ vẫn phải đảm bảo có đầy đủ 4 nhóm thực phẩm dưới đây:
- Nhóm bột đường: Nhóm thực phẩm này cung cấp năng lượng cho cơ thể, tham gia vào quá trình cấu tạo nên tế bào. Chiếm 50% tổng nhu cầu năng lượng trong ngày của trẻ. Hãy bắt đầu cho bé ăn dặm nhóm bột đường với các dạng bột gạo hoặc bột ngũ cốc trộn với sữa cho bé. Một số mẹ có thể dùng gạo tẻ không trộn lẫn với nếp, nấu cháo loãng cho bé. Khi bé đã dần quen có thể thay thế các món bún, phở,…để tăng khẩu vị và giúp bé không nhàm chán.
- Nhóm chất đạm: Chất đạm ( protein ) là nguyên liệu chính xây dựng tế bào, cơ, xương,… Là nguyên liệu cho việc sản sinh các dịch tiêu hóa, men, hoóc môn và các kháng thế. Ngoài ra, chất đạm cũng giúp vận chuyển các dưỡng chất và cung cấp một nguồn năng lượng thiết yếu cho cơ thể bé. Thực phẩm giàu đạm được chia thành 2 nhóm nhỏ là đạm có nguồn gốc động vật (đạm cung cấp từ thịt, cá, tôm…) và đạm có nguồn gốc thực vật (đạm cung cấp từ các loại đậu, gạo, nếp…).Nhu cầu chất đạm của trẻ được tính theo tuổi: ở trẻ còn bú mẹ: Từ 2-2,5 g/kg cân nặng/ngày, trẻ lớn: 2-3 g/kg cân nặng/ngày.
- Nhóm chất béo: Vai trò của nhóm chất bé vừa là nguồn cấp năng lượng vừa là thành phần của màng tế bào và mô não cho trẻ. Ngoài ra, chất béo còn là dung môi giúp các vitamin A, D, E, K hòa tan, hấp thu vào cơ thể.Chất béo có nguồn gốc từ các động vật sống ở biển: chứa nhiều vitamin A, các acid béo không no, đặc biệt là acid arachíndonic rất tốt cho cơ thể.Chất béo có nguồn gốc thực vật mẹ nên chú trọng bổ sung trong thực đơn của con như dầu mè, dầu nành, dầu hướng dương… Các loại dầu này có các acid béo cần thiết, vitamin E, và hoàn toàn không có cholesterol. Loại chất béo này được khuyến khích sử dụng trong bữa ăn hàng ngày của trẻ.
- Nhóm chất xơ, vitamin và khoáng chất: Khi bé bắt đầu ăn dặm, mẹ nên cho khoảng 1 thìa rau củ bởi đây là nguồn giàu chất xơ, vitamin và khoáng chất. Sau đó, từ từ tăng dần lên 2 – 3 thìa vào 1 bát bột hoặc cháo. Vì đây là nhóm ít năng lượng nên cho nhiều quá sẽ khiến bé chậm lên cân. Nhưng cũng không nên cho ít quá để tránh tình trạng táo bón ở trẻ. Các chuyên gia khuyên bé trong độ tuổi ăn dặm nên làm quen với: rau mồng tơi, cần tây, cà tím, củ cải, cà rốt, bí xanh, súp lơ,…
2.3.2 Những loại thực phẩm cần tránh kho cho bé ăn dặm
Ở giai đoạn đầu cho bé ăn dặm, mẹ cần tránh một số loại đồ ăn mà hệ thống tiêu hóa của bé sẽ gặp nhiều khó khăn để xử lý. Chúng bao gồm:
- Các loại gia vị cơ bản, thực phẩm phổ biến: Muối, đường và mật ong. 3 loại này cũng không tốt cho sức khỏe trẻ nếu dùng sai cách, không sử dụng cho trẻ dưới 1 tuổi, vì vậy mẹ hãy thật cẩn trọng để không ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.
- Nước cam nguyên chất: Nhiều mẹ cho rằng cho bé uống nhiều nước cam thì càng tốt, nhưng loại nước ép này có nhiều axit gây hại đến hệ tiêu hóa yếu ớt của trẻ, đồng thời cũng không tốt cho men răng khi mới bắt đầu hình thành. Khi con uống được nước (trên 6 tháng tuổi) và cần được điều trị táo bón hay bổ sung vitamin trong các trường hợp cần thiết, mẹ có thể cho bé uống nước cam với điều kiện pha loãng với nước lọc ở tỉ lệ phù hợp.
- Cho bé ăn đồ ăn mặn: Ở giai đoạn này, thận của bé chưa phát triển đủ để tiêu hóa lượng muối lớn, nhu cầu của bé chỉ cần dưới 1 gram muối mỗi ngày. Lượng muối này hoàn toàn có đủ từ nguồn thức ăn tự nhiên cho bé. Vì vậy, mẹ không cần nêm nếm gì vào đồ ăn của bé cho tới khi bé 1 tuổi.
- Nên tránh dùng những bữa phụ hay thực phẩm có quá nhiều đường (làm hỏng răng) và có giá trị dinh dưỡng thấp, ví dụ: nước có gas, kẹo kem, kẹo que,…Các thực phẩm này dễ gây các bệnh rối loạn chuyển hóa sau này của con.
3. Những sai lầm cơ bản khi cho bé ăn dặm mẹ cần tránh
- Cho con ăn ít rau: Nhiều mẹ nấu bột cứ cho thật nhiều thịt, cá, trứng… và nghĩ như thế mới đủ chất, nhưng lượng đạm quá nhiều không những làm bé rối loạn tiêu hóa, mà còn dễ dẫn đến chứng biếng ăn ở trẻ. Mẹ cần bổ sung thêm các loại rau có lá màu xanh thẫm hoặc củ màu vàng nhé.
- Chỉ cho con ăn nước hầm: Có rất nhiều bà mẹ hầm xương, nghiền rau chỉ lấy nước bỏ cái để nấu bột cho con, vì mẹ nghĩ như thế cũng đủ chất rồi hay sợ trẻ bị hóc, ói. Thực ra, các chất dinh dưỡng, vitamin nằm trong phần xác thực phẩm vẫn còn rất nhiều đó các mẹ. Do đó, hãy cho con dùng cả cái với độ thô phù hợp, để sử dụng hết dinh dưỡng còn ở trong đó, cũng như chất xơ tốt cho trẻ.
- Nghiền nhuyễn mọi thứ: Với cách này vô tình mẹ đã tạo cho trẻ một thói quen lười nhai, chỉ biết nuốt trọn thức ăn, từ đó không cảm nhận được mùi vị dẫn đến bé ăn mau ngán. Việc nghiền nhuyễn còn hạn chế phát triển kỹ năng nhai của con, ảnh hưởng đến tiêu hóa lẫn sức khỏe răng miệng của con.
- Ép con ăn bằng mọi giá: Nhiều mẹ sẽ cảm thấy rất sợ khi thấy con biếng ăn , ăn chậm sẽ dẫn đến tình trạng bé bị suy sinh dưỡng, còi cọc nên hầu như mẹ nào cũng thường mắc phải sai làm là hay ép con ăn. Sự ép buộc diễn ra thường xuyên mà không tôn trọng lựa chọn của trẻ trong chuyện ăn uống sẽ dẫn đến kết quả rất tiêu cực. Việc làm này sẽ ảnh hưởng hông tốt đến tâm sinh lý và sự phát triển hệ thống các cơ quan của trẻ, khiến giảm cảm giác thèm ăn, thậm chí là không thèm ăn. Nhiều cuộc nghiên cứu cho thấy rằng, ép trẻ ăn liên tục thường không có hiệu quả, mà còn làm tổn thương tình cảm bố mẹ – con cái, ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ của các bé nữa.
Hãy để con tự quyết định thời gian và lượng thức ăn của mình, để trẻ có thể thoải mái với bữa ăn, mà không coi chuyện ăn uống là cuộc chiến với ba mẹ, mẹ nhé.
4. Thực đơn ăn dặm kiểu Nhật cho bé – sự lựa chọn của nhiều mẹ Việt khi chăm con ăn dặm
Như các đề cập ở trên, chọn thời điểm đúng, cho con ăn đúng cách và tránh các sai lầm thường đã mang lại hiệu quả rất tích cực trong chuyện ăn dặm của bé. Thực tế hiện nay, không chỉ dừng ở những thông tin hữu ích này, mà việc chấp nhận áp dụng một số cách ăn dặm có hiệu quả cao từ các bà mẹ trên thế giới, cũng giúp cho các bà mẹ Việt có thêm phương pháp, thêm sự lựa chọn và chính trẻ cũng có được cơ hội tiếp nhận một quá trình ăn dặm thú vị, nhờ tính khoa học cùng sự phù hợp của nó. Trong sự tiếp nhận mới về việc ăn dặm này, ăn dặm kiểu Nhật được đề cập đến đầu tiên.
Nếu mẹ muốn tìm hiểu và áp dụng cách ăn dặm trên, mẹ có thể theo dõi chi tiết một số thực đơn như Blogtretho.edu.vn chia sẻ dưới đây, để mỗi ngày trong hành trình ăn dặm của con, sẽ là một trải nghiệm mới thú vị nhé.
4.1 Thực đơn cho bé 5 – 6 tháng ăn dặm theo kiểu Nhật
Các bà mẹ Nhật cho con ăn dặm thường từ 5 tháng tuổi. Dù so với khuyến nghị của các chuyên gia và WHO nên cho trẻ ăn dặm từ 6 tháng tuổi, song do một phần văn hóa, các bà mẹ Nhật khởi động việc ăn dặm và rèn luyện cho con thói quen ăn uống từ rất sớm. Trường hợp con của các mẹ đủ cứng cáp và phù hợp để ăn dặm ở độ tuổi 5 tháng tuổi, thì mẹ có thể áp dụng cách ăn dặm này, song mẹ cũng không nên sốt ruột và hoàn toàn có thể đợi cho đến khi con sang tháng thứ 6 thì bắt đầu cho con tập. Và trong sự khởi động này, mẹ có thể bắt đầu với các món ăn đơn giản như dưới đây.
4.1.1 Cà rốt nghiền (thời gian thực hiện: 2 phút)
- Nguyên liệu: 2 thìa cà phê cà rốt nghiền + 2 thìa cà phê cháo trắng
- Cách làm: Mẹ cho cháo nghiền vào bát, đổ cà rốt nghiền lên trên. Khi ăn mẹ có thể xúc 1 thìa cháo trắng cho bé ăn trước, sau đó xúc 1 thìa cà rốt nghiền cho ăn sau. Hoặc, mẹ cũng có thể trộn chung 2 thứ và cho ăn cùng lúc.
- Chú ý: Mẹ luộc cà rốt tươi để giữ được hương vị ngon ngọt và vitamin tốt nhất cho bé nhé.
4.1.2 Súp bánh mì sữa (5 phút)
- Nguyên liệu: 1/2 cup sữa (60ml), 1/4 lát bánh mỳ gối
- Cách làm: Nếu là sữa bột thì cần pha theo đúng tỷ lệ theo hướng dẫn của nhà sản xuất để có được lượng trên. Bánh mỳ bỏ phần riềm cứng, xé nhỏ và cho vào sữa. Đun ở lửa nhỏ cho tới khi thấy súp sôi thì tắt bếp, để nguội và cho bé ăn từng ít một khi còn ấm.
- Chú ý: Chỉ đun cho tới khi hỗn hợp sôi, sau đó đậy vung kín để bánh mỳ mềm bằng hơi là được.
4.1.3 Cháo bắp/ cháo ngô ngọt (5 phút)
- Nguyên liệu: 2 thìa cà phê cháo trắng, 2 thìa cà phê ngô/bắp nghiền
- Cách làm: Nấu cháo cùng với hạt ngô cho tới khi mềm, sau đó nghiền nhuyễn, bỏ cặn chỉ lấy phần hỗn hợp nhuyễn mịn để cho bé dùng.
- Chú ý: Có thể nấu hạt ngô riêng, sau đó dùng máy xay cho nhanh, mẹ nhớ lọc hết bã ngô nhé.
4.1.4 Súp sữa chua dâu tây (2 phút)
- Nguyên liệu: 2 quả dâu tây, 2 thìa sữa chua trắng.
- Cách làm: Dâu tây xay nhuyễn, trộn với sữa chua là xong.
- Chú ý: Dâu tây là loại quả giàu vitamin C nhất, do đó dùng để giải nhiệt trong mùa nóng là rất hợp lý.
4.2 Thực đơn cho bé từ 7 – 8 tháng tuổi
Giai đoạn này mẹ có thể cho bé ăn thịt nạc hoặc cá thịt đỏ. Mẹ nên cho thêm từng ít một để có thể đa dạng thực đơn hơn cho bé. Cho bé ăn nhiều loại rau xanh. Những loại rau mềm như rau bina chỉ cần nấu mềm đi một nửa là vừa.
4.2.1 Cháo cá thịt trắng và cà rốt (20 phút)
- Nguyên liệu: 50g cà rốt, 30g nạc cá thịt trắng (thịt cá màu trắng), 1/2 thìa cà phê rong biển tươi (hoặc 1 thìa rong biển khô), 1/2 thìa cà phê bột gạo/ bột năng (làm trơn).
- Cách làm: Cà rốt gọt vỏ, cắt miếng khoảng 1mm, luộc chín trong 10p và nghiền nhuyễn. Rong biển rửa sạch, luộc ở lửa lớn trong 1 -2p cho mềm. Cá bỏ da, luộc/ hấp chín mềm trong 5p rồi lọc hết xương, dằm nhỏ. Mẹ cho nước súp vào nồi, cho 3 nguyên liệu mới chuẩn bị vào, đun sôi (khoảng 3p), cuối cùng cho bột gạo/ bột năng đã hòa tan vào, đợi sôi lại thì tắt bếp. Để nguội bớt rồi cho bé dùng khi còn ấm.
- Chú ý: Rong biển cần được rửa sạch kỹ với nước lạnh cho hết mặn, sau đó mới luộc bằng nước lạnh mẹ nhé.
4.1.2 Cháo đậu cô ve và vừng đen (10 phút)
- Nguyên liệu: 1 thìa đậu cô ve luộc chín, 4 thìa cháo trắng, 1 thìa nước súp nước rau củ hay nước hầm xương đều được, vừng đen rang chín giã nhỏ vừa đủ.
- Cách làm: Cho đậu cô ve vào nước dashi, luộc chín và nghiền nhỏ. Sau đó cho lên mặt chén cháo rồi rắc vừng đen lên.
- Chú ý: Mẹ dùng đậu đông lạnh hay đậu tươi đều được.
4.2.3 Đậu phụ nghiền nấu với nước sốt rau củ (15 phút)
- Nguyên liệu: 3 thìa canh đậu phụ bìa, 20g thịt ức gà, 10g hành tây, 60ml nước dashi, ½ thìa cà phê bột năng, 1 chút nước xì dầu.
- Cách làm: Hành tây luộc chín với nước dashi cho bớt hăng, bằm nhỏ tới độ thô bé ăn. Ức gà bằm nhỏ, cho vào nấu cùng với hành tây và xì dầu ở lửa nhỏ từ 2 – 3 phút. Cho bột năng vào để làm sánh hỗn hợp.
- Lưu ý: Đậu phụ luộc chín, nghiền nhỏ. Khi ăn thì rưới nước sốt lên đậu phụ.
4.3 Thực đơn ăn dặm kiểu Nhật cho bé từ 9 tháng trở lên
4.3.1 Mực và khoai môn viên (15 phút)
- Nguyên liệu: 30g khoai môn, 50g mực, ½ thìa cà phê bột chiên.
- Cách làm: Khoai môn cắt lát mỏng, hấp chín, thái hạt lựu khoảng 0,5mm. Mực xay nhuyễn, trộn với bột chiên cho mịn, viên thành từng viên nhỏ đường kính 1cm rồi lăn qua khoai môn cho khoai dính đều. Cho các viên mực vào nồi, hấp cách thủy cho chín.
Tìm hiểu thêm: Chiều cao chuẩn của bé và lưu ý liên quan mẹ nên biết
- Chú ý: Có thể hấp khoai môn trong lò vi sóng cho chín trong 2 phút.
4.3.2 Ức gà xào cải thảo và dầu vừng cho bé (10 phút)
- Nguyên liệu: 50g cải thảo, 30g ức gà, 1 thìa cà phê dầu vừng (mè), ½ thìa cà phê đường, ½ thìa cà phê xì dầu.
- Cách làm: Cải thảo luộc chín cả lá, thái con chì cỡ 1mm theo chiều ngang của lá. Ức gà thái quân cờ cỡ 5mm, hấp/luộc chín. Trộn hỗn hợp gồm dầu vừng, đường, xì dầu cho đều, cho cải thảo và ức gà đã làm chín vào xào thêm khoảng 2p là ok.
- Chú ý: Nếu miếng thịt gà vẫn to hơn khả năng ăn của bé, thì có thể dùng tay xé thành miếng bé hơn.
4.3.3 Sốt thịt bò và đậu hũ (10 phút)
- Nguyên liệu: 50 g đậu hũ, 20 g thịt bò băm nhỏ, 1 muỗng lớn hành tây, 1 gói nước sốt cà chua (thực phẩm em bé), 40 ml nước, một ít bột gạo.
- Cách chế biến: Đậu hũ gói trong giấy thấm cho ráo nước. Với thịt bò mẹ băm nhỏ, hành tây đánh tơi, cho nước và sốt cà chua vào nấu sôi 1 phút. Tiếp theo cho đậu hũ vào, sau đó cho bột gạo vào để tạo độ sánh.
- Lưu ý: Đậu hũ mẹ dùng tay bóp vụn sẽ ngon hơn.
5. Thực đơn ăn dặm cho bé theo các bà mẹ phương Tây
Nhiều bà mẹ phương Tây chăm con ăn cũng khá nhẹ nhàng, bởi ngoài sự lựa chọn thời điểm đúng, cách cho con ăn khoa học, họ còn xây dựng thực đơn khá đa dạng. Các bà mẹ phương Tây cũng khá mạnh dạn trong việc cho bé thử thường xuyên các món mới từ khi cho con ăn dặm , đây cũng là một điểm thú vị đáng tham khảo học hỏi, để mẹ có thể giúp bé phát triển vị giác một cách tốt nhất. Dưới đây, Blogtretho.edu.vn chia sẻ cùng mẹ một số thực đơn cho bé theo cách trên, mẹ có thể linh động áp dụng nếu muốn, để giúp con luôn có trải nghiệm mới về vị nhé.
5.1 Thực đơn cho bé 6 tháng
5.1.1 Táo và khoai lang nghiền
- Nguyên liệu : 1/4 quả táo, 1 miếng khoai lang khoảng 30-40g
- Cách làm : Táo rửa sạch gọt vỏ, cắt miếng nhỏ; khoai lang rửa sạch, gọt vỏ, cắt miếng nhỏ. Mẹ hấp chín hoặc luộc chiến cả 2 nguyên liệu, nghiền qua rây hoặc xay bằng máy xay sinh tố cho hỗn hợp nhuyễn mịn rồi cho bé dùng.
- Lưu ý : Nếu mẹ luộc, có thể dùng 160-180ml để luộc, dùng nước luộc này để pha loãng hỗn hợp sau rây. Nếu mẹ hấp, có thể dùng 60-80ml nước đun sôi để nguội pha loãng hỗn hợp cho bé dùng. Nếu mẹ xay bằng máy xay sinh tố, hãy để nguội nguyên liệu rồi xay để giữ nguyên mùi vị thơm ngon của thức ăn.
5.1.2 Hỗn hợp lê bí đỏ nghiền
- Nguyên liệu : 1/4 quả lê Nam Phi, 40g bí đỏ
- Cách làm : Lê rửa sạch, gọt vỏ, bỏ lõi, cắt miếng nhỏ; bí đỏ rửa sạch, gọt vỏ, cắt miếng nhỏ. Mẹ luộc chung 2 nguyên liệu với 160-180ml nước. Để nguội, nghiền nhuyễn qua rây hoặc xay nhuyễn và cho bé dùng.
- Lưu ý : Mẹ có thể tăng lượng lê nếu bé thích ngọt, hoặc tăng bí đỏ nếu nhu cầu của bé đã ăn nhiều hơn và đã ăn thức ăn đặc hơn.
5.1.3 Chuối sữa chua
- Nguyên liệu : 1/3 quả chuối tiêu chín vừa, 1 thìa canh sữa chua cho bé 6 tháng
- Cách làm : Mẹ nghiền chuối và trộn sữa chua rồi cho bé dùng.
- Lưu ý : Mẹ có thể dùng chuối sứ chín nhừ nếu con thích độ dẻo hơn độ bột.
5.2 Thực đơn cho bé 7-8 tháng
5.2.1 Yến mạch kiwi
- Nguyên liệu : 1 thìa canh yến mạch, 120-160ml nước, 1/2 quả kiwi vàng
- Cách làm : Mẹ ngâm yến mạch khoảng 10-15 phút cho mềm rồi nấu chín để nguội, nghiền qua rây. Mẹ lấy phần thịt kiwi chừa phần hạt và lõi, nghiền qua rây, trộn cùng yến mạch đã rây và cho bé dùng.
- Lưu ý : Mẹ có thể dùng kiwi xanh nếu con thích chua.
5.2.2 Xoài yến mạch
- Nguyên liệu : 1 má xoài chín, 1 thìa canh yến mạch, 120-160ml nước
- Cách làm : Mẹ ngâm yến mạch với nước khoảng 10-15 phút cho nở rồi nấu chín nghiền qua rây, để nguội. Dùng thìa lấy thịt xoài nghiền qua rây trộn cùng yến mạch đã rây và cho bé dùng.
- Lưu ý : Mẹ chú ý cắt phần má xoài không sát hột quá, cũng như lấy thịt xoài không sát vỏ quá để tránh nhựa xoài hoặc xớ xoài có thể khiến bé bị dị ứng ngứa.
5.2.3 Cháo cá hồi
- Nguyên liệu : 10g thịt cá hồi không da, 1 củ hành tím, 1 tép tỏi, 1-2 thìa cà phê dầu cải hoặc dầu hướng dương (hoặc dầu olive loại dùng để nấu) 2 thìa canh cháo đặc, 180ml nước
- Cách làm : Mẹ bóc hành tím rửa sạch băm nhuyễn, tỏi bóc vỏ rửa sạch băm nhuyễn, cá hồi rửa với nước cốt chanh cho bớt tanh. Mẹ phi thơm hành tỏi, sau đó vớt ra, cho cá hồi vào áp chảo cho chín tới. Cho cháo đặc cùng nước vào nồi nấu, cháo sôi lại mẹ cho cá hồi đã áp chảo vào nấu khoảng 5-7 phút, cho hành tỏi đã phi vàng vào và tắt bếp. Nghiền cháo và cá qua rây, hoặc để nguội rồi xay bằng máy xay sinh tố rồi cho bé dùng.
- Lưu ý : Nếu mẹ xay cháo bằng máy xay, nên để nguội cháo rồi xay, xay xong mẹ cho cháo vào nồi lại làm ấm rồi cho bé dùng. Làm cách này hơi mất công một chút nhưng cháo ngon thơm và con ăn không bị ngán.
5.3 Thực đơn cho bé 9 tháng trở lên
5.3.1 Trứng xốp cho bé
- Nguyên liệu : 1 trái trứng gà, 1 thìa canh sữa (sữa công thức hoặc sữa tươi đều được), 1 thìa cà phê bơ lạt
- Cách làm : Mẹ đập trứng và khuấy tan, cho sữa vào khuấy đều. Đun chảo nóng, cho bơ vào đun chảy rồi đổ trứng vào khuấy cho đến khi trứng chín thì tắt bếp, để nguội bớt và cho bé dùng.
5.3.2 Súp gà khoai tây
- Nguyên liệu : 1/4 củ khoai tây, 40-50g bông cải xanh, 30-40g cà rốt, 15-20g thịt ức gà, 1 củ hành tím, 1-2 thìa cà phê dầu cải/ dầu hướng dương/ dầu olive để nấu, 220-300ml nước
- Cách làm : Khoai tây mẹ rửa sạch, gọt vỏ, cắt hạt lựu; cà rốt cũng vậy. Bông cải xanh mẹ nhặt sạch ngâm nước muối loãng khoảng 10 phút, rửa lại nhiều lần rồi cắt nhỏ. Thịt ức gà mẹ rửa với nước muối loãng, rửa sạch lại nhiều lần với nước lạnh rồi băm nhuyễn. Hành tím mẹ bóc vỏ rửa sạch rồi băm nhuyễn. Nguyên liệu đã chuẩn bị xong hết mẹ bắc chảo lên bếp phi thơm hành để qua một bên. Bắc nồi nước lên bếp nấu sôi rồi cho cà rốt vào nấu chín, kế đến cho khoai tây vào nấu khoảng 5 phút, lúc này mẹ cho một chút nước lạnh vào thịt gà băm khuấy cho tan rồi đổ vào nồi khoai tây nấu cho thịt gà và khoai tây chín hẳn. Tiếp đến mẹ cho bông cải xanh, nấu cho đến khi bông cải chín nhừ. Cuối cùng, mẹ nghiền hành đã phi và cho vào nồi súp rồi tắt bếp. Mẹ để nguội bớt rồi cho bé dùng. Tùy theo mức độ ăn thô của bé mà mẹ có thể nghiền nhỏ hơn hoặc để nguyên súp cho bé dùng.
- Lưu ý : Mẹ có thể chuẩn bị thêm cho con một lát bánh mì ngũ cốc để con ăn chung với súp.
5.3.3 Bánh mì trứng và trái cây
- Nguyên liệu : 1 quả trứng gà, 2 thìa canh sữa (sữa công thức hoặc sữa tươi đều được), 1 lát bánh mì gối (bánh mì ngũ cốc), 1/3 quả chuối, 3 trái dâu, 1-2 thìa cà phê bơ lạt
- Cách làm : Mẹ đập trứng gà đánh tan rồi cho sữa vào khuấy tan rồi để một bên. Bánh mì mẹ bỏ rìa cứng, cắt miếng cỡ ngón tay hoặc gấp rưỡi ngón tay vừa cho bé cầm. Mẹ nhúng bánh mì vào hỗn hợp trứng sữa để ra đĩa. Bắc chảo nóng, cho bơ vào đun chảy rồi cho bánh mì vào áp chảo sao cho các mặt vàng đều, trứng chín là được. Bánh mì chiên xong nguội bớt mẹ dọn ra đĩa/ khay thức ăn của con cùng chuối cắt miếng, dâu cắt miếng vừa ăn rồi cho bé ăn.
>>>>>Xem thêm: 5 cách nấu sữa hạt cho bé phát triển thể chất lẫn trí não được nhiều mẹ áp dụng
Cùng bé bước vào một cuộc hành trình mới mang tên “Ăn dặm” tuy nhiều gian nan vất vả, bé sẽ trải qua cả những thời khắc biếng ăn, sẽ ngậm, phun đồ ăn ra ngoài,… nhưng, chỉ cần mẹ và bé cùng cố gắng thì mọi chuyện liên quan đến vấn đề ăn dặm sẽ trở nên tốt hơn, suôn sẻ rất nhiều. Cho bé ăn dặm hợp lý, đúng cách, khoa học không chỉ giúp mẹ cùng con đi qua thời kỳ này một cách nhẹ nhàng, dinh dưỡng được bổ sung đầy đủ kịp thời; mà còn là cơ hội tốt nhất cho bé khám phá nguồn thực phẩm mới lạ ngoài sữa mẹ, và trải nghiệm vị giác thú vị với những kết quả thật thành công như mẹ mong đợi.
Hiền Anh tổng hợp