Rất nhiều gia đình trẻ hiện nay đang chọn phương pháp cho bé ăm dặm kiểu Nhật để hình thành nên thói quen ăn uống tốt cho con cái mình. Đồng thời, ăn dặm kiểu Nhật cũng là phương pháp ăn dặm được nhiều chuyên gia dinh dưỡng đánh giá cao. So với kiểu ăn dặm truyền thống hiện nay, việc tập cho bé ăn dặm kiểu Nhật mang đến nhiều lợi ích nổi bật: giúp con ăn uống ngon, thoải mái hơn, tiêu hóa tốt hơn và cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng.
Bạn đang đọc: Cho bé ăn dặm kiểu Nhật như thế nào là đúng chuẩn người Nhật?
Contents
- 1 1. Khái niệm ăn dặm kiểu Nhật đầy đủ nhất
- 2 2. Khi nào bố mẹ có thể tập cho bé ăn dặm kiểu Nhật?
- 3 3. Ăn dặm kiểu chuẩn theo 4 giai đoạn bố mẹ cần lưu ý
- 4 4. Những điểm cần chú ý khi tập cho bé ăn dặm kiểu Nhật
- 5 5. Cân bằng dinh dưỡng cho bé ăn dặm kiểu Nhật như thế nào?
- 6 6. Tập cho bé ăn dặm kiểu Nhật cần những dụng cụ chế biến nào?
1. Khái niệm ăn dặm kiểu Nhật đầy đủ nhất
Nếu như ăn dặm truyền thống Việt Nam là cách bố mẹ chuẩn bị sẵn thức ăn nhuyễn để đút tận miệng trẻ thì ăn dặm kiểu Nhật hoàn toàn ngược lại.
Cụ thể, trong quan điểm của người Nhật dù cho trẻ ăn dặm thì cũng phải giữ hương vị nguyên bản của mỗi loại thực phẩm. Do đó, ăn dặm kiểu Nhật trước hết là việc tách riêng từng loại thức ăn của trẻ, đặc biệt không có khái niệm “xay nguyễn” thành hỗn hợp. Sự khác biệt này mang đến nhiều lợi ích cho trẻ khi bắt đầu ăn dặm: trẻ được tạo cơ hội cảm nhận hương vị của từng món ăn, từ đây vị giác của trẻ được kích thích và sản sinh ra khái niệm “thèm ăn”. Điều này rất khác so với ăn dặm truyền thống: trẻ phải ăn theo một hỗn hợp nhiều mùi vị, và có những vị trẻ sẽ không phù hợp, sinh ra việc trẻ chán ăn.
Bên cạnh đó, ăn dặm kiểu Nhật là kiểu ăn thô, không phải kiểu ăn nhuyễn như người Việt Nam. Người Nhật cho rằng chính việc trẻ tự bốc, nhai thức ăn thô (dù ăn rất ít, rơi rớt nhiều, và khó tiêu hóa) sẽ giúp trẻ làm quen và “trưởng thành” trong việc cảm nhận thức ăn. Hơn nữa, việc trẻ tự nhai cũng giúp hệ tiêu hóa trẻ tiết các dịch vị cần thiết để trẻ biết thức ăn ngon hay dở. Qua đây có thể thấy người Nhật tập cho trẻ tính tự lập từ ngay thời kỳ ăn dặm, khác với người Việt thường có tâm lý “lo cho con” nên hay làm theo “suy nghĩ của chính mình”, không cho trẻ cơ hội tự phát triển.
Một đặc điểm nổi bật nữa trong khái niệm ăn dặm kiểu Nhật đó là việc không ép trẻ ăn. Nên tập cho trẻ ăn dặm kiểu Nhật dừng lại ở mức độ “tập” và “ăn dặm” – không “ép” thành “ăn chính”. Vì ở lứa tuổi trẻ ăn dặm thì sữa mẹ vẫn là nguồn cung cấp dinh dưỡng thiết yếu cho trẻ, ăn dặm chỉ là phần “phụ thêm” và cho bé làm quen với thức ăn mà thôi. Vì lẽ này mà khi tập cho trẻ ăn dặm, người Nhật trình bày món ăn cho trẻ cực kỳ bắt mắt, cốt là để trẻ thấy thích, rồi tự động “bốc ăn” mà không cần tác động bằng việc ép trẻ ăn cho bằng được.
2. Khi nào bố mẹ có thể tập cho bé ăn dặm kiểu Nhật?
Với bất kỳ kiểu ăn dặm nào thì các chuyên gia dinh dưỡng cũng đều khuyên rằng: hãy cho bé tập ăn dặm khi tròn 6 tháng tuổi. Và trong thời gian bé từ 1 – 6 tháng tuổi sẽ là giai đoạn bé cần bú sữa mẹ hoàn toàn.
Việc của bố mẹ là kiên nhẫn chờ đợi cho đến khi con 6 tháng tuổi, lúc con đã có thể ngồi, cổ cứng và tiếp nhận thức ăn khác ngoài sữa mẹ, để tập cho bé ăn dặm kiểu Nhật.
Thời điểm 6 tháng tuổi luôn được xem là thời điểm vàng để bé ăn dặm kể cả ăn dặm theo kiểu Nhật. Bởi nếu bố mẹ tập quá sớm có thể ảnh hưởng đến tiêu hóa và thói quen ăn của trẻ, hoặc không tập cho bé ăn dặm kiểu Nhật lúc này thì sau đó sẽ khó đạt kết quả tốt nhất. Thậm chí với những bé ăm dặm quá muộn thì sẽ càng gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp nhận hương vị món ăn cũng như cách sử dụng dụng cụ ăn.
Việc ăn dặm kiểu Nhật cũng như các kiểu ăn dặm khác, đều có trường hợp ngoại lệ áp dụng cho những bé cần thiết phải bổ sung dinh dưỡng. Cụ thể, với những bé không có nguồn sữa mẹ dồi dào, có biểu hiện đói, tăng cân chậm thì bố mẹ có thể tập cho bé ăn dặm kiểu Nhật từ tháng thứ 5. Dù vậy, bố mẹ cũng cần ghi nhớ rằng, tập cho bé ăn dặm kiểu Nhật ở độ tuổi 5 tháng tuổi là những hợp không có lựa chọn khác, còn bố mẹ không nên áp dụng cho con mình khi nguồn sữa mẹ vẫn đủ cho bé nhé.
3. Ăn dặm kiểu chuẩn theo 4 giai đoạn bố mẹ cần lưu ý
Để tập cho bé ăn dặm kiểu Nhật một cách khoa học, bố mẹ cần lưu ý đến 4 giai đoạn ăn dặm như dưới đây.
Tìm hiểu thêm: Khi trẻ bị sốt mẹ nên chăm sóc bé như thế nào?
- Giai đoạn bé nuốt chửng ở 5 – 6 tháng tuổi : Ở thời gian đầu của việc ăn dặm kiểu Nhật, bố mẹ cần quan sát tình trạng của trẻ và bắt đầu cho trẻ ăn dần từ công thức: 1 ngày – 1 lần – 1 thìa. Giai đoạn này trẻ không cử động môi, lưỡi linh hoạt như người lớn, thay vào đó trẻ ngậm rồi đưa thức ăn vào cổ và nuốt chửng toàn bộ, do đó bố mẹ cần nhớ cho trẻ ăn thức ăn nhuyễn, dễ nuốt, và chỉ cho bé ăn khi bé đói, đòi ăn mà thôi.
- Giai đoạn bé nhai trệu trạo ở 7 – 8 tháng tuổi : Ở giai đoạn thứ hai này, bé bắt đầu có thể dùng lưỡi, hàm để nghiền nát thức ăn, tất nhiên chỉ những thức ăn dạng hạt mềm thôi. Và bố mẹ chú ý sẽ thấy bé ngai trệu trạo như kiểu đang “càu nhàu” người khác vậy. Ở giai đoạn này, bố mẹ có thể cho bé ăn một ngày hai lần, đặc biệt cần cho bé ăn nhiều loại thực phẩm khác nhau để trẻ cảm nhận đầy đủ mùi vị bằng lưỡi của mình nhé.
- Giai đoạn bé nhai tóp tép ở tháng tuổi thứ 9 -11 : Giai đoạn thứ 3 của việc tập cho bé ăn dặm kiểu Nhật có nhiều đổi thay thú vị. Ở giai đoạn này bé bắt đầu ăn được những thức ăn cứng và biết dùng lợi để nghiền thức ăn (răng bé có thể chưa mọc). Giai đoạn này bố mẹ có thể cho bé ăn một ngày 3 lần, và cho bé ngồi ăn chung với các thành viên khác để bé biết không gian ấm cúng, vui vẻ trong bữa cơm gia đình nhé.
- Giai đoạn nhai thành thạo ở 12 – 18 tháng tuổi : Giai đoạn trưởng thành này bé ăn được nhiều đồ ăn cứng và có thể cho rất nhiều thức ăn vào miệng một lần, việc của bố mẹ là để bé tự ăn, dần dần bé sẽ hiểu cách cho một lượng thức ăn vừa phải vào miệng thôi. Bên cạnh đó, lúc bé 1 tuổi bé tự tay ăn những món bé thích, nên cần tạo cho trẻ không gian vui tươi bên các thành viên khác bố mẹ nhé.
Trong quá trình ăn dặm của bé, luôn có những thay đổi tuần tự để con thích ứng và tập thành công cho từng giai đoạn. Ăn dặm kiểu Nhật chuẩn theo 4 giai đoạn như đề cập có thể được xem là một trong những ghi nhớ quan trọng để việc ăn dặm của trẻ diễn ra suôn sẻ, có hiệu quả tốt.
4. Những điểm cần chú ý khi tập cho bé ăn dặm kiểu Nhật
Không chỉ riêng bé, mà với bố mẹ, giai đoạn tập cho bé ăn dặm kiểu Nhật cũng mang đến nhiều trải nghiệm đặc biệt. Dưới đây là 6 điểm bố mẹ cần chú ý khi tập cho trẻ ăn dặm kiểu Nhật nhé.
- Chú ý đến thể trạng của con : Mỗi đứa trẻ sẽ có một sự phát triển hoàn toàn khác nhau, do đó bố mẹ cần nhớ rằng chuyện ăn dặm sẽ khác nhau hoàn toàn. Vì thế, điểm lưu ý đầu tiên bố mẹ phải nhớ là không ép trẻ vào bất cứ một tiêu chuẩn ăn dặm nào cả.
- Tập cho bé ăn dặm kiểu Nhật không được “sốt ruột” : Dạy con ăn dặm luôn là một việc khó, do đó bố mẹ cần tránh những lo lắng, sốt ruột hay mất bình tĩnh. Chính những cảm xúc tiêu cực này sẽ ảnh hưởng đến bữa ăn của bố mẹ và bữa ăn dặm của trẻ đấy!
- Cân bằng dinh dưỡng cho trẻ: Không nhất thiết mỗi ngày phải cố gắng cân bằng dinh dưỡng cho trẻ khi tập ăn dặm kiểu Nhật. Thay vào đó, có thể 2 – 3 ngày bố mẹ hãy tính chuyện cân bằng dĩnh dưỡng một lần.
- Chú ý đến thái độ ăn dặm của trẻ : Khi cho trẻ ăn dặm , bố mẹ hãy chú ý đến những phản ứng của cơ thế bé khi ăn, đặc biệt là với những món mới. Bên cạnh đó, bố mẹ thử vừa cho trẻ ăn dặm vừa hỏi xem “con ăn ngon không?”, sau đó bố mẹ tự trả lời “ngon” để xem thái độ của bé trước món ăn nhé.
- Không so sánh với con người khác : Mỗi đứa trẻ sẽ có một khẩu vị riêng, tương tự như người lớn có món thích món không ưa vậy. Do đó bố mẹ cần tránh việc so sánh với con nhà người ta nha. Hãy nhớ, chỉ cần nhìn con ăn ngon và có sức khỏe tốt, tỏ ra lanh lợi là thành công mỹ mãn rồi.
- Hãy tạo niềm vui cho con khi ăn dặm : Bữa ăn dặm kiểu Nhật đặc biệt quan tâm đến niềm vui của bé. Họ cho rằng, mỗi bữa ăn dặm là một khoảng thời gian hạnh phúc, do đó bố mẹ phải tạo niềm vui để bé có cảm hứng ăn uống. Mặt khác bữa ăn cũng cần có bầu không khí vui tươi, nên tắt tivi, điện thoại và cần trò chuyện với bé trong bữa ăn nữa.
5. Cân bằng dinh dưỡng cho bé ăn dặm kiểu Nhật như thế nào?
Càng lớn bé càng cần nhiều dinh dưỡng để phát triển, ăn dặm là bước đầu tiên để bổ sung năng lượng, dinh dưỡng cho bé trong khi sữa mẹ lẫn sữa bột không cung cấp đủ. Trong nguyên tắc ăn dặm kiểu Nhật, ở hai giai đoạn đầu tiên (trước 9 tháng tuổi) bố mẹ hãy coi trọng việc tập cho bé làm quen với thức ăn hơn là vấn đề dinh dưỡng. Nhưng đến giai đoạn thứ 3 (9 tháng tuổi trở lên) khi trẻ đã ăn đủ 3 bữa một ngày thì bố mẹ cần tính đến thực đơn cân bằng dinh dưỡng bao gồm công thức: Thực phẩm chính (tinh bột) + Thức ăn chính (chất đạm) + Thức ăn phụ (vitamin, khoáng chất) + canh, súp.
Người Nhật cũng cũng nhấn mạnh việc đưa các thực phẩm giàu chất sắt vào thực đơn, ví dụ các thực phẩm như gan, tảo nâu. Bởi các chuyên gia Nhật cho rằng, ở giai đoạn này trẻ sẽ bắt đầu nhận được ít lượng sắt từ cơ thể mẹ. Bên cạnh đó, trong thực đơn ăn dặm kiểu Nhật có sử dụng nhiều thực phẩm phong phú khác, và hạn chế dầu mỡ.
Lời khuyên của các chuyên gia Nhật khi lên thực đơn cho trẻ tập trung vào 4 lưu ý sau:
- Tập cho trẻ ăn nhạt, không dùng muối, giữ hương vị đặc trưng của nguyên liệu : Vì các cơ quan trẻ ở giai đoạn này chưa hoàn thiện hết nên không dùng muối để nêm vào thức ăn của trẻ ăn dặm. Nhất là trong giai đoạn nuốt chửng, hương vị tự nhiên của món ăn là quá đủ với trẻ. Các giai đoạn sau, bố mẹ cũng nên nấu nhạt, cố gắng giữ hết hương vị của từng thực phẩm.
- Chú ý cân bằng dinh dưỡng khi trẻ 9 tháng tuổi: Ở tháng tuổi này trẻ bắt đầu lấy năng lượng từ thức ăn, do đó bố mẹ cần cân bằng dinh dưỡng trong 3 bữa ăn nhé. Phải luôn đảm bảo có thức ăn chính gồm cháo, thịt cá, bên cạnh thức ăn phụ gồm rau xanh, và bổ sung canh, súp.
- Thực đơn cho bé ăn dặm cần nhiều màu sắc: Đây chính là cách tạo nên sức hấp dẫn cho bé trong bữa ăn. Bố mẹ có thể sử dụng các nguyên liệu nhiều màu sắc để làm những bữa ăn dặm đẹp mắt như: Màu đỏ của cà chua, cà rốt; Màu xanh của súp lơ; Màu vàng của lòng đỏ trứng; Màu trắng của đậu…
- Khuyến khích dùng ít dầu mỡ cho bé ăn dặm : Trong bữa ăn của bé bố mẹ cần hạn chế dùng dầu mỡ. Thay vào đó có thể tận dụng dầu mỡ từ chính thực phẩm như cá, thịt là đủ cho bé rồi. Nếu dùng, cũng cần sử dụng lượng vừa đủ và đúng loại dầu tốt phù hợp với trẻ.
6. Tập cho bé ăn dặm kiểu Nhật cần những dụng cụ chế biến nào?
Để có một bữa ăn dặm kiểu Nhật hoàn chỉnh cho bé, bố mẹ không chỉ cần biết về công thức mà còn cần biết sắm những dụng cụ chế biến hợp lý để nấu nướng, chế biến món ăn cho bé. Dưới đây là những dụng cụ cơ bản để chuẩn bị bữa ăn dặm kiểu Nhật cho bé bố mẹ nhé.
>>>>>Xem thêm: Cách đặt tên cho con gái năm 2018 hay và ý nghĩa
- Dụng cụ để vắt : Dụng cụ này để vắt nước trái cây cho bé, bố mẹ chỉ cần phải sắm một dụng cụ vắt đơn giản là được rồi.
- Nồi nấu nhỏ : Nồi nấu cho bé ăn dặm cần nồi riêng, và vì bé ăn ít nên hãy chọn mua nồi nhỏ thôi nhé. Tốt nhất bố mẹ hãy chọn những nồi có chống dính.
- Cốc đo lường : Chỉ cần một chiếc cốc đo lường loại 200ml là đủ. Đây là một dụng cụ cần thiết, tránh việc ước chừng lượng nước khiến thức ăn bé bị khô hoặc quá loãng nhé.
- Thìa đo lường : Với những món ăn cần lượng nước cực nhỏ (dưới 15ml) thì cần thìa đo lường. Bố mẹ hãy sắm một bộ 3 chiếc có sẵn trên thị trường nhé.
- Rổ vớt thức ăn cho bé : Bé ăn dặm bằng thức ăn riêng nên cần rổ riêng. Dụng cụ này sẽ rất hữu dụng với những món luộc cho bé
- Rây : Đây chắc chắn là dụng cụ cần cho bất cứ phương pháp ăn dặm nào rồi. Rây dùng để chắt thức ăn, lọc thực phẩm, loại bỏ dầu mỡ… cho bé.
- Chảo rán loại nhỏ : Để dễ chế biến các món ăn khác nhau cho bé, bố mẹ cần sắm ngay một chảo rán loại nhỏ để nấu riêng cho bé.
- Chày, cối: Một trong những dụng cụ dùng thường xuyên và lâu dài nên bố mẹ cần sắm loại nhỏ, gọn, dễ chùi rửa.
- Dụng cụ mài: Với một số nguyên liệu khá cứng để ăn sống như táo thì cần dụng cụ mài để bé tập ăn dặm.
Bên cạnh những dụng cụ chế biến, khi tập cho bé ăn dặm kiểu Nhật bố mẹ cũng cần sắm thêm những đồ dùng để bảo quản thức ăn cho trẻ như túi ni-lon có khóa, khay làm đá, hộp cháo, hộp đựng có nắp kín…
Sau cùng, ăn dặm là giai đoạn chuẩn bị để bé chuyển từ bú mẹ sang “nhai, nuốt” thức ăn. Do đó, dù tập cho bé ăn dặm kiểu Nhật hay bất cứ phương pháp ăn dặm nào khác bố mẹ phải nhớ rằng điều quan trọng nhất làm tạo niềm vui ăn uống cũng như giúp bé tự lập trong bữa ăn. Và để làm được điều này, Blogtretho.edu.vn cho rằng, trước hết bố mẹ cần “bình tĩnh”, chấp nhận những thách thức (như cách bé đang chấp nhận thách thức ăn dặm) và tạo cho bé lẫn gia đình một không khí đầm ấm, vui vẻ bố mẹ nhé.
Đức Lộc tổng hợp