Chăm sóc trẻ sơ sinh 0-1 tháng là công việc đầy thử thách đối với các bậc cha mẹ, đặc biệt đối với những ai mới làm cha, mẹ lần đầu. Ngay cả khi không phải lần đầu tiên sinh con, thì tháng đầu tiên cũng không phải là khoảng thời gian dễ dàng. Vì mỗi trẻ đều khác nhau, và mỗi lần mang thai mẹ sẽ có trải nghiệm khác. Vậy bí quyết nào giúp mẹ vượt qua 30 ngày đầu tiên dễ dàng hơn, chúng ta hãy cùng tìm hiểu nhé.
Bạn đang đọc: Chăm sóc trẻ sơ sinh 0-1 tháng với những bí quyết hay dành cho mẹ
Contents
- 1 1. Quy tắc đơn giản khi chăm sóc trẻ sơ sinh 0-1 tháng
- 2 2. Bí quyết hay dành cho mẹ khi chăm sóc trẻ sơ sinh 0-1 tháng
- 2.1 2.1. Bí quyết trong vấn đề cho con bú khi chăm sóc trẻ sơ sinh 0-1 tháng
- 2.2 2.2. Bí quyết trong vấn đề cho con ngủ khi chăm sóc trẻ sơ sinh 0-1 tháng
- 2.3 2.3. Bí quyết trong vấn đề dỗ con khi chăm sóc trẻ sơ sinh 0-1 tháng
- 2.4 2.4. Tận dụng sự giúp đỡ của mọi người là yếu tố quan trọng
- 2.5 2.5. Chăm sóc tốt bản thân
- 2.6 2.6. Cùng con ra ngoài như thế nào khi chăm sóc trẻ sơ sinh 0-1 tháng
1. Quy tắc đơn giản khi chăm sóc trẻ sơ sinh 0-1 tháng
Có một điều chúng ta hãy luôn ghi nhớ khi chăm sóc trẻ sơ sinh 0-1 tháng đó là cuộc sống của con lúc này khá đơn giản. Một ngày của trẻ sẽ xoay các nhu cầu cơ bản: ăn, ngủ, tè ị và được vỗ về, ôm ấp. Vì vậy, khi trẻ quấy khóc , khó chịu, trước tiên chúng ta cần kiểm tra xem các nhu cầu này của con. Điều này sẽ giúp bạn xoa dịu con một cách nhanh chóng hơn, đồng thời bạn cũng có thể loại trừ các nguyên nhân bất thường khiến bản thân lo lắng không cần thiết.
Dưới đây là một số bí quyết khác khi chăm sóc trẻ sơ sinh có thể giúp bạn cùng con trải qua 30 ngày đầu tiên một cách dễ dàng hơn.
2. Bí quyết hay dành cho mẹ khi chăm sóc trẻ sơ sinh 0-1 tháng
2.1. Bí quyết trong vấn đề cho con bú khi chăm sóc trẻ sơ sinh 0-1 tháng
Bạn sẽ nhận thấy rằng các em bé mới sinh có thể “ăn” suốt ngày đêm. Mặc dù cơ thể chúng ta đã được thiết kế để đáp ứng đúng lượng ăn của con, nhưng vấn đề không phải lúc nào cũng đơn giản và suôn sẻ. Bạn có thể phải đối mặt với tình trạng căng sữa, nứt đầu vú, bị tắc tia sữa , hay trẻ khó ngậm đúng khớp bú. Lúc này thì việc cho con ăn có thể thật sự trở thành nỗi ám ảnh với bạn.
Dưới đây là một số bí quyết bạn có thể áp dụng trong vấn đề cho con bú khi chăm sóc trẻ sơ sinh 0-1 tháng. Chúng phần nào sẽ giúp bạn thấy dễ chịu và bớt khó khăn hơn:
- Hỏi thăm kinh nghiệm cho con bú thậm chí trước khi bạn sinh con. Bạn hãy trò chuyện với người thân, bạn bè để có thêm chỉ dẫn về cách cho con bú . Chúng có thể sẽ rất hữu ích đối với bạn sau này. Các bà mẹ tích cực tìm kiếm sự giúp đỡ sẽ có tỷ lệ thành công cao hơn trong vấn đề cho con bú khi chăm sóc trẻ sơ sinh 0-1 tháng.
- Tận dụng thời gian còn ở bệnh viện để yêu cầu sự giúp đỡ và hướng dẫn chuyên nghiệp từ các y tá, bác sĩ. Bạn cũng có thể tham gia các lớp học ngắn tại bệnh viện về kỹ thuật cho con bú.
- Hãy chuẩn bị một vài thứ cho bản thân trước khi cho con bú. Theo tâm lý chung, bạn sẽ muốn cho con bú ngay khi bé khóc đòi ăn. Tuy nhiên, để cữ bú trở thành khoảng thời gian thoải mái, vui vẻ cho cả hai mẹ con, bạn hãy chuẩn bị một số thứ trước, ví dụ như uống một cốc nước, chuẩn bị sẵn một quyển sách và nhất là đi vệ sinh trước.
- Hãy thử túi chườm nóng nếu bạn bị căng hay tắc sữa. Theo kinh nghiệm của một số mẹ thì làm nóng một chiếc gối vải lanh trong lò vi sóng rồi áp lên ngực đem lại cảm giác khá dễ chịu.
- Hãy thử túi chườm lạnh nếu đầu vú của bạn bị nứt sau khi cho con bú. Một số mẹ nhận thấy các túi đậu đông lạnh có tác dụng rất tốt đối với tình trạng này.
- Hãy giới thiệu bình sữa cho bé trước khi con được 3 tháng tuổi. Nếu bạn muốn trẻ vừa bú mẹ vừa bú bình thì thời điểm tốt để cho con làm quen với bình sữa là trước 3 tháng tuổi.
2.2. Bí quyết trong vấn đề cho con ngủ khi chăm sóc trẻ sơ sinh 0-1 tháng
Nếu em bé của bạn không phải đang ăn, thì phần lớn thời gian con sẽ dành để ngủ. Tuy vậy, mỗi quãng ngủ của con thường khá ngắn, nên bạn sẽ cảm thấy như đồng hồ báo thức luôn sẵn sàng reo bất cứ khi nào. Việc này làm cho cảm giác mệt mỏi, kiệt sức của bạn cũng tăng lên. Bạn có thể xem xét một số bí quyết trong vấn đề cho con ngủ khi chăm sóc trẻ sơ sinh 0-1 tháng như dưới đây:
- Hãy ngưng ám ảnh về việc bạn thấy mệt mỏi ra sao khi chăm con. Vì nhiệm vụ hàng đầu của bạn bây giờ là chăm sóc em bé. Chắc chắn bạn sẽ chưa thể có một giấc ngủ đúng nghĩa vào thời điểm này. Nhưng dù thế nào thì bạn vẫn không thay đổi được sự thật. Vì vậy, thay vì vừa giận dữ vừa mệt mỏi bạn có thể chọn chỉ mệt mỏi mà thôi, điều này sẽ dễ dàng hơn (dù nghe có hơi phũ phàng).
- Hãy đổi phiên với ba của bé. Hãy phân chia “ca” chăm sóc con với ba của bé. Ví dụ hôm nay bạn thức đêm để dỗ bé ngủ thì bạn sẽ ngủ thêm vào buổi sáng, và để việc dỗ con/ chăm sóc bé lớn cho ba của bé phụ trách. Anh ấy có thể ngủ bù vào buổi trưa sau.
- Hãy tranh thủ ngủ khi bé ngủ. Đây là lời khuyên hầu hết các bà mẹ nhận được khi chăm sóc trẻ sơ sinh 0-1 tháng tuổi, thậm chí vào những tháng sau này. Khi tranh thủ ngủ vào những lúc con ngủ, bạn sẽ thực sự được nghỉ ngơi một chút để lấy lại năng lượng cho những giờ hoạt động vất vả khác trong quá trình chăm con.
- Bạn chưa cần lo lắng về việc tạo thói quen ngủ xấu cho bé vào lúc này. Ở giai đoạn 0-1 tháng, một số em bé gặp khó khăn khi đi vào giấc ngủ. Để dỗ con, bạn có thể vỗ về, cho bé ngủ trên ngực bạn, ôm bé ngủ trên sofa,…Tất cả những gì bạn cần làm trong tháng đầu tiên này là “sống sót”. Hãy nghĩ đến việc luyện thói quen ngủ khi bé lớn hơn.
2.3. Bí quyết trong vấn đề dỗ con khi chăm sóc trẻ sơ sinh 0-1 tháng
Sẽ thật khó để bạn đáp ứng đúng được những gì bé cần trong những tuần đầu tiên. Vì vậy, việc bạn cần làm là học hỏi, thử và mắc lỗi, từ đó bạn mới rút được kinh nghiệm. Một số bí quyết có thể hữu ích với bạn trong vấn đề dỗ con khi chăm sóc trẻ sơ sinh 0-1 tháng:
- Mô phỏng không gian trong tử cung để xoa dịu bé khi bạn muốn dỗ con. Để làm điều này, bạn hãy quấn, địu, đung đưa, cho bé tự mút ngón tay hoặc cho bé bú và giữ con nằm nghiêng. Các hành động này sẽ giúp kích hoạt phản xạ làm dịu ở bé.
- Cho bé nghe nhạc. Bạn hãy quên những lý thuyết về việc âm nhạc giúp trẻ thông minh. Mục tiêu chính khi cho con nghe nhạc lúc này là để giúp con bình tĩnh hơn. Bạn hãy chọn loại nhạc êm dịu và mở cho bé nghe với âm lượng vừa phải.
- Hãy làm ấm các thứ lên. Một số em bé khá nhạy cảm đến nỗi việc cởi tã và bị lạnh mông khiến con cực kỳ khó chịu. Vì vậy, khi thay tã cho bé , lau mặt hay lau tay cho con, bạn hãy sử dụng khăn ấm, nước ấm để con thấy dễ chịu hơn.
- Hãy sử dụng những mẹo hiệu quả đối với bé. Mỗi bé sẽ thích một cách xoa dịu khác nhau, bạn có thể quan sát và nhận biết được cách phù hợp với con. Đôi khi chỉ là hành động bế vác con lên vai, hoặc ngồi trên gót chân và cúi xuống thật thấp để ôm bé.
- Tắm nước ấm giúp xoa dịu cả bạn và bé. Khi nhiều cách bạn thực hiện đều không có tác dụng, hãy thử cùng tắm nước ấm với bé (khi rốn của bé đã rụng). Ngâm mình trong nước ấm sẽ giúp bạn thư giãn. Một bà mẹ bình tĩnh và có tâm trạng thoải mái sẽ xoa dịu con một cách hiệu quả hơn.
Tìm hiểu thêm: Lưu ý chăm sóc trẻ sơ sinh dành cho những cặp đôi lần đầu làm cha mẹ
2.4. Tận dụng sự giúp đỡ của mọi người là yếu tố quan trọng
Chăm sóc trẻ sơ sinh 0-1 tháng tuổi là công việc có thể ngốn hết thời gian trong ngày của bạn và dễ khiến bạn mệt mỏi, kiệt sức. Vì vậy, bạn nên tận dụng sự giúp đỡ của mọi người, kể cả người thân hay bạn bè. Vì đây là yếu tố quan trọng giúp bạn chăm sóc trẻ sơ sinh 0-1 tháng tốt hơn.
- Hãy chia sẻ việc chăm con cùng ba của bé. Bạn hãy tin tưởng và để anh ấy cùng thực hiện trách nhiệm chăm sóc con trong khoảng thời gian đầu khó khăn. Việc này sẽ giúp tăng sự kết nối trong gia đình nhỏ của bạn. Nó cũng giúp anh ấy thấy được những khó khăn mà bạn đang phải trải qua.
- Hãy nhận sự giúp đỡ của những người xung quanh khi họ đề nghị chân thành. Bạn hãy nói chính xác điều bạn muốn người khác giúp đỡ, như vậy mọi thứ sẽ được tiến hành dễ dàng hơn. Tuy nhiên, bạn không nên nhờ mọi người giúp những việc nhỏ nhặt liên quan đến chăm sóc em bé. Hãy nhờ họ những công việc tốn nhiều thời gian và có thể ảnh hưởng đến việc chăm sóc con của bạn, ví dụ như nấu ăn, đi chợ, mua sắm đồ đạc hay dọn dẹp nhà cửa,…
2.5. Chăm sóc tốt bản thân
Việc chăm sóc trẻ sơ sinh 0-1 tháng rất quan trọng, nhưng để làm được điều đó một cách tốt nhất, bản thân bạn cũng cần khỏe mạnh và có tinh thần thoải mái. Bạn hãy:
- Lắng nghe lời khuyên của những người có kinh nghiệm trong việc làm cha mẹ , nhưng hãy bỏ qua hoặc từ chối những lời khuyên khiến bạn thấy khó chịu. Vì bạn là người cuối cùng quyết định mình sẽ làm gì. Không phải tất cả những kinh nghiệm của người khác đều phù hợp với bạn.
- Quên đi mớ việc nhà trong tháng đầu chăm con. Nếu có an phàn nàn về vấn đề vệ sinh nhà cửa hay những việc nhà khác, hãy mỉm cười và đưa cho họ máy hút bụi hoặc chai nước rửa chén.
- Dành thời gian cho riêng mình. Dù chỉ 5 – 10 phút mỗi ngày, bạn cũng nên dành riêng cho mình để thấy được thư giãn về cả thể chất lẫn tinh thần. Khoảng thời gian ngắn ngủi này sẽ giúp phục hồi năng lượng cho bạn.
2.6. Cùng con ra ngoài như thế nào khi chăm sóc trẻ sơ sinh 0-1 tháng
Việc ra ngoài cùng một em bé mới sinh chắc chắn sẽ khiến nhiều bà mẹ thấy lóng ngóng và lo lắng, đặc biệt là khi không có ông xã đi cùng. Vậy bạn nên làm thế nào?
- Bạn hãy đi cùng một người thân thiết đã làm mẹ. Bạn thân hoặc chị, em gái sẽ là người bạn đồng hành vô cùng lý tưởng trong chuyến đi ra ngoài đầu tiên của bạn và bé. Bạn sẽ có nhiều chủ đề để cùng chia sẻ cũng như sẽ nhận được sự hỗ trợ kịp thời khi đi cùng những bà mẹ dày dạn kinh nghiệm.
- Bạn hãy đến những địa điểm phù hợp với mẹ và bé. Thư viện hoặc nhà sách là những lựa chọn rất phù hợp cho chuyến ra ngoài đầu tiên của bạn và con.
- Bạn hãy chuẩn bị sẵn những món đồ cần thiết và “đóng gói” sẵn sàng. Việc này sẽ giúp bạn có thể nhanh chóng ra ngoài mỗi khi cần. Thật tệ nếu bạn phát hiện em bé đã sẵn sàng cho chuyến đi còn bạn thì chưa.
- Bạn hãy chuẩn bị cả đồ dự phòng cho mình khi ra ngoài cùng con. Đồ cho bé là những thứ bắt buộc bạn phải mang theo khi ra ngoài. Nhưng ngoài ra, bạn cũng không nên quên đồ dự phòng cho mình, vì bạn sẽ không biết được khi nào “tai nạn” bất ngờ như bé nôn, trớ hay tè ị sẽ xảy ra.
- Bạn hãy sẵn sàng tinh thần để hủy bỏ kế hoạch về chuyến đi. Bạn hãy chuẩn bị những kế hoạch thật đơn giản và sẵn sàng để hủy bỏ nó bất cứ lúc nào. Vì đây là tình huống cực kỳ dễ xảy ra khi bạn đang chăm sóc trẻ sơ sinh 0-1 tháng, thậm chí khi con lớn hơn. Việc sẵn sàng hủy kế hoạch sẽ giúp bạn không bị thất vọng hay bực mình khi nó xảy đến.
>>>>>Xem thêm: Trẻ sơ sinh bị nổi mụn nước – nguyên nhân và cách xử lý ra sao?
Chăm sóc trẻ sơ sinh 0-1 tháng là những bước đầu của hành trình chăm con rất dài sau này. Bạn hãy ghi nhớ câu thần chú “rất nhiều mẹ cũng giống mình và họ có thể vượt qua” và bạn cũng vậy. Dù mỗi bà mẹ chăm con nhỏ đều phải đối mặt với những khó khăn khác nhau, nhưng điều quan trọng nhất là bạn đủ sức mạnh cả về thể chất và tinh thần để vượt qua. Dù 30 ngày đầu tiên này có dễ dàng hay không, bạn cũng hãy cố gắng lấy trải qua cùng con một cách vui vẻ nhất. Vì rất sớm thôi, khi bạn trông thấy nụ cười của con, bạn sẽ thấy mọi thứ đều đáng giá.
Theo Parents
Lily Nguyễn lược dịch