Các chỉ số thai nhi trong thai kỳ hầu hết các mẹ bầu đều rất quan tâm. Vì, qua các chỉ số này sẽ giúp mẹ biết cụ thể hơn về việc em bé có đang phát triển tốt, khỏe mạnh hay không. Mặc dù nhận định chung là như vậy, song thực tế không hẳn tất cả chúng ta đều hiểu rõ các chỉ số này, ý nghĩa cũng như cơ sở nắm bắt để thực sự yên tâm. Để rõ hơn, Blogtretho.edu.vn mời mẹ cùng tham khảo những thông tin hữu ích liên quan ngay sau đây nhé.
Bạn đang đọc: Các chỉ số thai nhi và ý nghĩa của các chỉ số quan trọng mẹ nên biết
Contents
1. Về các chỉ số thai nhi
Các chỉ số thai nhi hay các chỉ số siêu âm thai là những con số rất cụ thể ghi nhận lại sự phát triển của em bé qua mỗi lần khám thai. Thông thường, các bác sỹ sẽ không giải thích nhiều hay rõ ràng nhất về từng chỉ số cụ thể, nếu em bé phát triển bình thường. Tuy nhiên, hầu hết chúng ta đều luôn thắc mắc về các chỉ số này, vì muốn bảo đảm mình cũng hiểu được, nắm được tình trạng phát triển của bé một cách chi tiết nhất.
Liên quan đến các chỉ số thai nhi, dưới đây là các ký hiệu hiển thị trên kết quả siêu âm hoặc khi khám thai mẹ sẽ thấy đề cập:
- GS (Gestational Sac): Túi thai
- TTD (Transverse trunk diameter): Đường kính ngang bụng của thai nhi
- APTD (Anterior-posterior thigh diameter): Đường kính trước và sau bụng
- BPD (Biparietal diameter): Đường kính lưỡng đỉnh (đường kính lớn nhất đo ngang qua xương thái dương theo chiều ngang)
- OFD (Occipito‐frontal diameter): Đường kính xương chẩm (đường kính được đo ở mặt cắt lớn nhất – từ trán ra sau gáy hộp sọ của thai nhi)
- CER: Đường kính tiểu não
- THD: Đường kính ngực
- AC (Abdominal circumference): Chu vi vòng bụng
- HC (Head circumference): Chu vi vòng đầu
- CRL(Crown-rump length): Chiều dài đầu mông
- FL (Femur length): Chiều dài xương đùi
- HUM (Humerus length): Chiều dài xương cánh tay
- Ulna ( Ulna Length): Chiều dài xương trụ
- Tibia (Tibia Length): Chiều dài xương chày
- Radius (Radius Length): Chiều dài xương quay
- Fibular (Fibular Length): Chiều dài xương mác
- AF (Amniotic Fluid): Nước ối
- AFI (Amniotic fluid index): Chỉ số nước ối
- BD (Binocular distance): Khoảng cách hai hốc mắt
- BCTC: Chiều cao tử cung
- EFW (An estimate of fetal weight ): Cân nặng thai nhi
- GA (Gestational age): Tuổi thai
- EDD (Expected date of delivery): Ngày dự sinh
- Ngôi mông: Mông em bé ở dưới
- Ngôi đầu: Em bé ở vị trí bình thường (đầu ở dưới)
- TT(+): Tim thai nghe thấy
- TT(-): Tim thai không nghe thấy
- Para 0000: Người phụ nữ chưa sinh lần nào (con so)
- VDRL(venereal disease research laboratory): Thử nghiệm tìm giang mai. Xét nghiệm được sử dụng để phá hiện có bị nhiễm vi khuẩn gây bệnh giang mai ( bệnh lây truyền qua đường tình dục ) hay không
- HIV (-): Xét nghiệm AIDS âm tính
- CCPT: Xương chẩm xoay bên phải, đưa ra đằng trước
- CCTT: Xương chẩm xoay bên trái, đưa ra đằng trước
- CCPS: Xương chẩm xoay bên phải đưa ra đằng sau
- CCTS: Xương chẩm xoay bên trái đưa ra đằng sau
2. Ý nghĩa các chỉ số thai nhi quan trọng nhất
Các chỉ số thai nhi khá nhiều như chúng ta thấy ở trên và đương nhiên không phải ai cũng có thể nhớ hết. Và thực sự, các bầu cũng không nhất thiết phải nhớ mọi chỉ số. Trong hàng loạt các chỉ số được ghi chú, sẽ có một số chỉ số khá quan trọng, nếu muốn, mẹ có thể nắm rõ và ghi nhớ cho yên tâm như dưới đây:
- GS (Gestational Sac) : Túi thai. Đây là dấu hiệu đầu tiên của thai kỳ sớm, thấy được khi siêu âm. Một trong các cách tính tuổi thai là phương pháp đo túi thai. Phương pháp ước tính tuổi thai này có thể được áp dụng trong khoảng từ tuần thứ 5 đến tuần thứ 8 của thai kỳ. Biên độ cộng để ước tính chính xác hơn là cộng hoặc trừ 3 ngày. Túi thai bao quanh phôi cũng như nước ối cho phép bác sỹ đo số tuần mang thai với biên độ cộng hoặc trừ 5 ngày.
- TTD (Transverse trunk diameter) : Đường kính ngang bụng của thai nhi. Đường kính này là một trong những dữ liệu cơ bản quan trọng để đánh giá sự phát triển của thai nhi.
- APTD (Anterior-posterior thigh diameter) : Đường kính trước và sau bụng. Người ta tìm thấy giữa đường kính trước và sau bụng với tuổi thai nhi có mối tương quan nhất định.
- BPD (Biparietal diameter) : Đường kính lưỡng đỉnh (đường kính lớn nhất đo ngang qua xương thái dương theo chiều ngang). Phép đo này sẽ đo đường kính trên hộp sọ của em bé đang phát triển của bạn, từ xương này qua xương kia. Đo đường kính lưỡng đỉnh là một trong nhiều phép đo được thực hiện trong quá trình siêu âm thai . Phép đo được sử dụng để ước tính trọng lượng của em bé và tuổi thai.
- OFD (Occipito‐frontal diameter) : Đường kính xương chẩm (đường kính được đo ở mặt cắt lớn nhất – từ trán ra sau gáy hộp sọ của thai nhi). OFD cũng là một phép đo khá quan trọng. Chỉ số đo được cho phép quan sát mối tương quan tuyến tính giữa đường kính chẩm và đường kính lưỡng đỉnh.
- AC (Abdominal circumference) : Chu vi vòng bụng. Cùng với đường kính lưỡng đỉnh, chu vi đầu và chiều dài xương đùi, chu vi vòn bụng là một trong những thông số quan trọng dùng để ước tính trọng lượng của thai nhi.
- HC (Head circumference) : Chu vi vòng đầu. Đây cũng là thông số sinh trắc học cơ bản được sử dụng để ước tính trọng lượng thai nhi.
- CRL(Crown-rump length) : Chiều dài đầu mông. Chỉ số này được sử dụng để ước tính tuổi thai.
- FL (Femur length) : Chiều dài xương đùi. FL là một trong 4 tiêu chí quan trọng trong siêu âm để đánh giá kích thước và tuổi thai. Chiều dài xương đùi cũng chỉ ra các thông số phát triển bình thường hay không (nhỏ/ lớn/ bất thường). Phép đo này được cho là chính xác nhất sau 14 tuần. Và để ước tính tuổi thai nhờ FL, sẽ có ít nhất 2 hoặc 4-5 lần đo.
Tìm hiểu thêm: 6 dấu hiệu “vàng” cho biết cơ thể bạn đang sẵn sàng để thụ thai
- AF (Amniotic Fluid) : Nước ối
- AFI (Amniotic fluid index) : Chỉ số nước ối. Chỉ số ước tính định lượng nước ối. Đây là một chỉ số quan trọng về sức khỏe của thai nhi. Chỉ số trong khoảng 8-18 được coi là bình thường.
- EFW (An estimate of fetal weight) : Cân nặng thai nhi. Ước tính trọng lượng thai nhi được tính bằng cách kết hợp các phép đo quan trọng trên. Chỉ số trọng lượng này có thể được vẽ trên bản đồ để giúp xác định xem thai nhi có kích thước là trung bình, lớn hay nhỏ hơn theo tuổi thai.
- GA (Gestational age) : Tuổi thai. Tuổi thai được tính từ ngày đầu tiên của kỳ kinh nguyệt cuối (LMP) và thường được biểu thị bằng tuần và ngày. Ngoài khái niệm GA, (CA Conceptional age) cũng sẽ được đề cập. CA là tuổi thai thực tính từ thời điểm thụ thai.
- EDD (Expected date of delivery) : Ngày dự sinh. Cách tính ngày dự sinh được tính từ kỳ kinh nguyệt cuối (LMP) hoặc qua siêu âm. EDD có thể được ước tính cộng hoặc trừ 5 ngày.
3. Tại sao có sự khác biệt giữa chỉ số bảng chuẩn và chỉ số trên kết quả siêu âm thai của mẹ
Có một thực tế cho thấy, đa phần các mẹ bầu sau khi nhận kết quả siêu âm thường rất lo lắng cho sức khỏe em bé trong bụng mình. Các bầu lo lắng là vì nhận thấy khoảng cách chênh lệch của các chỉ số siêu âm thai giữa dữ liệu mình tham khảo, biết được và chỉ số trên kết quả siêu âm đang cầm trên tay.
Cũng bởi những lo lắng này, khi tham khảo ý kiến bác sỹ, nhiều bà bầu càng hoang mang hơn hay rất hoài nghi nếu bác sỹ đưa nhận xét là bình thường. Vậy tại sao có sự khác biệt hay chênh lệch về chỉ số này?
3.1. Có thể bảng chỉ số mẹ tham khảo là bảng chuẩn của WHO
- Bảng chi số chuẩn do WHO cung cấp và là tiêu chuẩn chung cho thế giới.
- Từ 2017, WHO đã đang phát triển hướng dẫn cho phép các quốc gia phát triển biểu đồ tăng trưởng của thai nhi cụ thể cho quốc gia của mình. Điều này nhằm mục tiêu đánh giá được chính xác hơn biểu đồ tăng trưởng của thai nhi cụ thể ở từng quốc gia. Trong đó, ước tính trọng lượng của thai nhi chính xác dựa trên từng quốc gia cụ thể rất quan trọng. Vì, kích thước nhỏ của em bé khi sinh có liên quan đến tỷ lệ tử vong chu sinh và tỷ lệ mắc bệnh ở trẻ em, cũng như các rủi ro về sức khỏe lâu dài của trẻ cho đến khi trưởng thành.
3.2. Có thể bảng chỉ số mẹ tham khảo là bảng chuẩn của một quốc gia khác
- Bảng mẹ tham khảo có thể là bảng chuẩn của một quốc gia cụ thể. Phổ biến nhất, các bảng chuẩn chỉ số thai nhi hay bảng chuẩn cân nặng trẻ sơ sinh được tham khảo nhiều nhất hiện nay là bảng chuẩn của Canada, UK và Hoa Kỳ.
- Bảng chỉ số của các nước được tham khảo nhiều như của Canada, UK hay Hoa Kỳ so với các nước ở khu vực châu Á, các nước đang phát triển hoặc các nước không có bảng chuẩn của riêng mình, đều có khoảng cách và chênh lệch.
Như vậy, bảng chỉ số chung mà mẹ tham khảo có thể rơi vào một trong hai trường hợp trên. Nên, sự chênh lệch hay có khoảng cách giữa bảng tham khảo và kết quả siêu âm thai của mẹ là điều hiển nhiên. Và, điều này hoàn toàn không phải là yếu tố quyết định hay cơ sở kết luận chỉ số em bé của mẹ là đáng nghi ngờ.
3.3. Việc ước tính trọng lượng của thai nhi
Như đã đề cập, việc ước tính tuổi thai và trọng lượng của thai nhi qua chỉ số siêu âm thai là vô cùng quan trọng. Trong đó, ước tính trọng lượng của thai nhi phản ánh sự phát triển của em bé để chúng ta có thể theo dõi được cụ thể, việc con có khỏe không, có đang phát triển bình thường không hay có bất thường nào cần phải lưu ý theo dõi đặc biệt không,…
Về ước tính trọng lượng của thai nhi sẽ tuân thủ cách tính, cách đo dựa trên tiêu chuẩn quốc tế, với các yếu tố cơ bản quan trọng nhất gồm:
- Chu vi đầu (HC)
- Đường kính lưỡng đỉnh (BPD)
- Chu vi bụng (AC)
- Chiều dài xương đùi (FL).
Các chỉ số trên sẽ thay đổi theo tuần và nằm trong khoảng cụ thể. Nếu chỉ số chênh lệch nhiều so với khoảng chuẩn cụ thể, tức giới hạn bình thường, thì bác sỹ đều sẽ lưu ý để mẹ bầu được biết. Còn nếu không có lưu ý nào, thì em bé đang phát triển ổn định bình thường, mẹ không cần phải quá lo lắng.
>>>>>Xem thêm: Que thử rụng trứng – công cụ hữu hiệu giúp xác định ngày dễ thụ thai
Có thể nói rằng, việc quan tâm các chỉ số thai nhi là điều cần thiết với chúng ta. Biết thêm ý nghĩa và khi nào cần thực sự lo lắng về chỉ số thai nhi trên kết quả siêu âm cũng là điều cần thiết. Qua các chia sẻ ở trên, Chuyên mục Mang thai của Blogtretho.edu.vn tin rằng, từ đây mẹ sẽ không còn quá băn khoăn, mà yên tâm và bình tĩnh hơn, khi xem chỉ số kết quả siêu âm thai của mình, cũng như khi tham khảo hay đối chiếu với những bảng chỉ số bản thân tham khảo được.
Nguồn tham khảo chính: Bệnh viện Từ Dũ, WHO, AJOG & FirstCry Parenting
Cát Lâm tổng hợp