Bổ sung nội tiết trước khi mang thai có cần thiết không là một trong những vấn đề khiến nhiều chị em thắc mắc, trong quá trình lên kế hoạch để có em bé. Nội tiết ảnh hưởng rất quan trọng đến cơ thể phụ nữ, đặc biệt là đến khả năng có thai và khi đã bước vào thai kỳ. Tuy nhiên, việc sử dụng các loại thuốc liên quan đến nội tiết tố không thể tùy tiện, mà cần có sự chỉ định cũng như theo dõi của bác sĩ. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu cụ thể về vấn đề này qua các thông tin dưới đây nhé.
Bạn đang đọc: Bổ sung nội tiết trước khi mang thai khi nào là cần thiết?
Contents
1. Nội tiết tố ảnh hưởng như thế nào đến sự thụ thai
Hệ thống nội tiết là bao gồm một mạng lưới các tuyến sản xuất hormone giúp kiểm soát nhiều chức năng quan trọng trong cơ thể, trong đó có chức năng sinh sản. Một số loại hormone có ảnh hưởng đến quá trình thụ thai gồm:
- Hormone kích thích nang trứng FSH : là nội tiết tố quan trọng kích thích sự phát triển của các tuyến sinh dục một cách đồng bộ. Loại hormone này có trong cơ thể cả nam giới và nữ giới. Nồng độ FSH cao trong máu của phụ nữ có thể làm giảm khả năng mang thai.
- Hormone estradiol : tương tự như FSH, estradiol cũng là một loại hormone quan trọng ở cả nam và nữ. Nó được tiết ra chủ yếu ở buồng trứng, và một phần từ nhau thai, tuyến thượng thận, vú và tinh hoàn. Nồng độ estradiol bất thường là một nguyên nhân làm giảm cơ hội thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).
- Hormone lutieinizing – LH : là một loại hormone sinh dục quan trọng đối với cả hai giới. Nó có vai trò đảm bảo hệ thống sinh sản hoạt động khỏe mạnh. Ở phụ nữ, LH kích thích buồng trứng sản xuất estradiol, gây ra quá trình rụng trứng . Nếu sự trứng thụ tinh thành công, LH sẽ kích thích hoàng thể sản sinh progesterone để duy trì thai kỳ. Nồng độ LH không đủ để kích thích buồng trứng giải phóng trứng và sản xuất progesterone cũng có thể là nguyên nhân gây ra các vấn đề về sinh sản.
- Hormone progesterone : là hormone sinh dục nữ có vai trò duy trì chu kì kinh nguyệt và chuẩn bị cho quá trình mang thai. Mức progesterone bình thường, giúp tử cung chuẩn bị sẵn sàng cho trứng thụ tinh đến làm tổ, là một yêu cầu bắt buộc cho việc có thai.
2. Trường hợp nào cần bổ sung nội tiết tố trước khi mang thai
Như đã đề cập ở trên, nội tiết tố có vai trò rất quan trọng đối với việc mang thai của một cặp đôi. Khi nồng độ của một trong những loại hormone trên mất cân bằng sẽ ảnh hưởng đến khả năng thụ thai, thậm chí là đến cả thai kỳ.
Khi mức độ mất cân bằng hormone này khiến việc mang thai khó xảy ra, thì việc bổ sung nhằm cân bằng chúng là điều cần thiết.
Bạn có thể dựa vào những biểu hiện của cơ thể để quyết định thực hiện xét nghiệm nội tiết tố, chúng bao gồm:
- Bạn chưa có thai sau một năm không dùng bất kỳ biện pháp tránh thai nào (nếu bạn trên 35 tuổi thì thời gian trên là 6 tháng)
- Bạn có chu kì kinh nguyệt không đều
- Bạn có biểu hiện mãn kinh sớm
- Bạn bị mụn nhiều
- Bạn bị đau bụng dữ dội khi hành kinh
Dựa trên kết quả xét nghiệm, các bác sỹ có thể chỉ định phương pháp bổ sung nội tiết tố phù hợp.
Tìm hiểu thêm: Đã từng sinh con nhưng vẫn bị vô sinh, vì sao?
3. Các phương pháp bổ sung nội tiết tố trước khi mang thai
Thông thường, nếu các vấn đề liên quan đến hormone của bạn không nghiêm trọng, bạn sẽ được các chuyên gia hoặc bác sĩ tư vấn về việc cân bằng nồng độ hormone trong cơ thể bằng các phương pháp tự nhiên như qua chế độ ăn uống, nghỉ ngơi, lối sống và luyện tập thể thao. Đây là những cách giúp tác động đến nội tiết tố của cơ thể một cách an toàn. Bên cạnh đó, chúng còn giúp cải thiện sức khỏe của bạn một cách tích cực.
Những phương pháp giúp bổ sung để cân bằng nội tiết tố tự nhiêm phổ biến gồm:
- Tiêu thụ chất béo lành mạnh : các loại thực phẩm giàu chất béo lành mạnh có thể kể đến như các loại hạt, cá béo, quả bơ, dầu và bơ thực vật (đặc biệt là dầu dừa),…Đồng thời tránh xa chất béo từ các loại thực phẩm chiên rán.
- Ngồi thiền : đây là một cách rất hiệu quả giúp bạn giảm căng thẳng, áp lực – là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến hormone của cơ thể.
- Châm cứu : tương tự như ngồi thiền, việc châm cứu cũng có thể giúp cơ thể bạn được thư giãn, tác động tích cực đến nội tiết tố của cơ thể
- Tăng cường tiêu thụ axit béo omega 3 thay vì omega 6 : vì omega 6 được xem là làm tăng khả năng cơ thể bị tình trạng viêm nhiễm so với omega 3. Các loại thực phẩm giàu omega 6 bạn nên hạn chế sử dụng gồm một số loại dầu thực vật như dầu bắp, dầu hạt cải, dầu đậu nành, dầu đậu phụng, dầu hạt bông, dầu hướng dương, thực phẩm chiên rán, thực phẩm nướng chứa chế phẩm sữa. Và thực phẩm giàu omega 3 bạn nên đưa vào chế độ ăn gồm: cá béo, hạt chia, hạt óc chó, viên uống dầu cá, dầu lanh, các sản phẩm từ động vật ăn cỏ
- Tăng cường dung nạp vitamin D3
- Ngủ nhiều hơn : thiếu ngủ là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng tiêu cực đến nồng độ hormone của cơ thể. Trong khi ngủ, cơ thể chúng ta sửa chữa các tế bào và điều chỉnh các hormone sinh sản như progesterone, estrogen, LH và FSH (hormone kích thích nang trứng). Một loại hormone ảnh hưởng trực tiếp đến sự rụng trứng là leptin, và phụ nữ cần ngủ đủ để sản xuất lượng leptin thích hợp. Nếu nó bị gián đoạn, chu kỳ kinh nguyệt cũng bị gián đoạn theo. Một giấc ngủ kém cũng khiến cortisol tăng đột ngột vào ngày hôm sau dẫn đến lo lắng, tình trạng dễ viêm nhiễm và insulin cao, tất cả đều làm giảm điều kiện tối ưu cho thai kỳ.
Đối với những trường hợp thiếu hụt hoặc mất cân bằng nội tiết tố nghiêm trọng, cần thiết phải bổ sung một cách nhanh chóng và hiệu quả, bác sĩ có thể chỉ định uống hoặc tiêm với liều lượng thích hợp với từng trường hợp cụ thể.
>>>>>Xem thêm: Cách tính tuổi thai chính xác là vào thời điểm nào khi siêu âm?
Bổ sung nội tiết trước khi mang thai là một việc mà chúng ta không nên tùy tiện thực hiện vì nó liên quan đến các hoạt động của cơ thể, đặc biệt là quá trình sinh sản. Vì vậy nếu bạn có thắc mắc về vấn đề này, đừng nên chỉ tham khảo các thông tin truyền miệng mà hãy hỏi ý kiến chuyên gia hoặc bác sĩ sản khoa để được tư vấn một cách chính xác nhất bạn nhé.
Theo Parents, SMP Pharmacy Solutions & CU ARM
Lily Nguyễn tổng hợp