Bệnh viêm phổi ở trẻ sơ sinh có lẽ là một trong những căn bệnh ở trẻ khiến cha mẹ lo lắng nhất, vì nó liên quan trực tiếp tới đường hô hấp còn non nớt của bé. Bệnh có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của con nếu cha mẹ không theo dõi và chăm sóc kỹ càng. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu cụ thể về căn bệnh này, để bổ sung thêm thông tin vào sổ tay những điều cần lưu ý trong quá trình chăm sóc trẻ nhé.
Bạn đang đọc: Bệnh viêm phổi ở trẻ sơ sinh và những điều các cha mẹ cần nắm rõ
Contents
- 1 1. Bệnh viêm phổi ở trẻ sơ sinh là gì?
- 2 2. Đối tượng trẻ sơ sinh nào dễ bị bệnh viêm phổi
- 3 3. Triệu chứng thường gặp của bệnh viêm phổi ở trẻ sơ sinh
- 4 4. Bệnh viêm phổi ở trẻ sơ sinh được chẩn đoán như thế nào
- 5 5. Điều trị viêm phổi ở trẻ sơ sinh như thế nào
- 6 6. Làm thế nào để phòng ngừa bệnh viêm phổi ở trẻ sơ sinh
- 7 7. Khi nào bạn cần đưa trẻ đến bác sỹ hoặc cơ sở y tế
1. Bệnh viêm phổi ở trẻ sơ sinh là gì?
Bệnh viêm phổi ở trẻ sơ sinh là tình trạng nhiễm trùng xảy ra ở phổi của trẻ, có thể do virus, vi khuẩn hay hiếm gặp hơn là nấm mốc. Một số loại có thể lây lan qua tiếp xúc trực tiếp với người bị nhiễm bệnh.
Những loại virus và vi khuẩn phổ biến gây viêm phổi ở trẻ sơ sinh gồm:
- Phế cầu khuẩn
- Vi khuẩn Mycoplama (thường gây viêm phổi nhẹ)
- Liên cầu khuẩn nhóm B
- Khuẩn tụ cầu vàng
- Virus hợp bào hô hấp (RSV)
- Virus Parainfluenza
- Virus cúm
- Virus Adeno
2. Đối tượng trẻ sơ sinh nào dễ bị bệnh viêm phổi
Trẻ sơ sinh có nhiều khả năng bị viêm phổi nếu trẻ:
- Sinh non
- Có hệ thống miễn dịch yếu
- Có vấn đề mãn tính về sức khỏe (như bị hen suyễn hay xơ nang – một rối loạn di truyền ảnh hưởng chủ yếu đến phổi)
- Có các vấn đề về phổi hoặc đường hô hấp
- Thường xuyên bị ảnh hưởng bởi khói thuốc lá (đặc biệt là từ mẹ)
3. Triệu chứng thường gặp của bệnh viêm phổi ở trẻ sơ sinh
Tùy thuộc vào mỗi trẻ cũng như loại vi khuẩn và virus gây viêm phổi mà biểu hiện có thể khác nhau. Các triệu chứng thường gặp gồm:
- Bé ho có đờm
- Đau khi ho
- Nôn hoặc tiêu chảy
- Mất cảm giác ngon miệng
- Mệt mỏi
- Sốt
- Đau đầu
- Khó thở
Tuy nhiên đối với trẻ sơ sinh, hai triệu chứng dễ nhận thấy nhất (và cũng là triệu chứng chính của bệnh viêm phổi) đó là ho và sốt. Nếu trẻ bị các tình trạng sau:
- Ho và sốt (có hoặc không kèm theo các triệu chứng khác) sau khi bị cảm cúm hay tiếp xúc với trẻ khác bị viêm phổi
- Đột ngột sốt cao, ho và thở dốc thì khả năng trẻ bị bệnh là khá cao. Lúc này bạn nên đưa con đến bác sỹ hoặc cơ sở y tế ngay.
4. Bệnh viêm phổi ở trẻ sơ sinh được chẩn đoán như thế nào
Để chẩn đoán bệnh cho trẻ, trước tiên bác sỹ sẽ quan sát trẻ thở và nghe phổi trẻ bằng ống nghe chuyên dụng của bác sỹ. Việc khám sơ bộ này sẽ giúp bác sỹ nghe được âm thanh bất thường khi trẻ thở nếu các túi khí trong phổi có chứa chất lỏng (đờm). Vì nếu phổi trẻ bị viêm và đờm chứa đầy một số túi khí này thì trẻ sẽ phải thở nhanh hơn để lấy thêm ô xy.
Nếu trẻ có khả năng bị viêm phổi, tùy vào trường hợp cụ thể bác sỹ có thể chỉ định trẻ thực hiện một số xét nghiệm sau:
- Chụp x quang phổi
- Xét nghiệm máu
- Nuôi cấy đờm (chất nhầy từ phổi khi trẻ ho ra miệng) giúp xác định trẻ có bị nhiễm trùng ở phổi hay không. Tuy nhiên xét nghiệm này không được thực hiện thường xuyên vì khó lấy mẫu đờm ở trẻ sơ sinh.
- Đo nồng độ ô xy trong máu bằng máy cảm biến: bác sỹ có thể băng một dải cảm biến nhỏ lên ngón tay hoặc ngón chân của trẻ để xác định trẻ có bị thiếu ô xy hay không.
- Chụp CT ngực : giúp xác định hình ảnh các cấu trúc trong ngực trẻ. Tuy nhiên chụp CT chỉ được chỉ định thực hiện trong các trường hợp nghiêm trọng.
- Nội soi phế quản : để quan sát bên trong đường dẫn khí của phổi. Tương tự như chụp CT ngực, nội soi phế quản rất hiếm khi được sử dụng.
- Nuôi cấy dịch màng phổi : mẫu chất lỏng từ khoảng trống giữa phổi và thành ngực sẽ được lấy để xét nghiệm xem có bị nhiễm trùng hay không. Vì chất lỏng ở đây có thể bị nhiễm vi khuẩn, virus tương tự như phổi hoặc tình trạng viêm phổi dẫn đến tích tụ chất lỏng ở khu vực này.
Tìm hiểu thêm: Bé bị rôm sảy và những điều mẹ cần biết
5. Điều trị viêm phổi ở trẻ sơ sinh như thế nào
Đối với viêm phổi do vi khuẩn, bác sỹ có thể cho trẻ dùng kháng sinh.
Tuy nhiên viêm phổi do virus không đáp ứng với kháng sinh do vậy việc điều trị chỉ giới hạn ở nghỉ ngơi và bổ sung chất lỏng cho trẻ. Trên thực tế, việc bổ sung chất lỏng là rất quan trọng để chống lại tình trạng mất nước do thở nhanh và sốt (tác dụng phụ thường gặp nhất của viêm phổi).
Một số phương pháp điều trị giúp làm dịu triệu chứng bệnh bao gồm:
- Sử dụng máy làm ẩm không khí trong phòng trẻ
- Sử dụng acetaminophen để giảm sốt và khó chịu cho trẻ
- Sử dụng thuốc giảm ho
Trong trường hợp trẻ gặp vấn đề nghiêm trọng về đường thở, trẻ sẽ được điều trị tại bệnh viện, phương pháp điều trị có thể gồm:
- Cho trẻ dùng kháng sinh qua đường truyền tĩnh mạch hoặc đường miệng
- Truyền dịch cho trẻ nếu trẻ không thể bổ sung đủ chất lỏng cho trẻ qua đường miệng
- Theo dõi nồng độ ô xy trong máu trẻ
- Hút, rửa mũi trẻ thường xuyên để loại bỏ đờm
- Gắn ống ô xy hoặc mặt nạ ô xy cho trẻ
Hầu hết các trường hợp trẻ bị viêm phổi không biến chứng sẽ cải thiện trong vòng một tuần, mặc dù tình trạng ho có thể kéo dài trong vài tuần.
Mặc dù khá hiếm gặp, nhưng viêm phổi cũng có thể gây biến chứng biến chứng nghiêm trọng cho trẻ, gồm:
- Các vấn đề nghiêm trọng về đường hô hấp
- Nhiễm trùng máu
6. Làm thế nào để phòng ngừa bệnh viêm phổi ở trẻ sơ sinh
Để giúp phòng ngừa mắc bệnh viêm phổi cho trẻ, bạn có thể thực hiện những việc sau:
- Cho trẻ tiêm phòng đầy đủ theo lịch : vaccine Hib, DtaP, phế cầu khuẩn có thể giúp ngăn ngừa bệnh viêm phổi do các loại vi khuẩn này. Hãy hỏi ý kiến bác sỹ hoặc chuyên viên y tế về vaccine tại địa phương để được tư vấn lịch tiêm phòng đầy đủ cho trẻ.
- Thực hiện tốt vấn đề vệ sinh : bạn hãy rửa tay trước khi tiếp xúc với trẻ để ngăn ngừa truyền virus, vi khuẩn gây bệnh cho trẻ. Ngoài ra, bạn cũng nên giữ gìn vệ sinh nhà cửa đặc biệt là khu bếp, hãy thường xuyên lau sạch những nơi có nguy cơ cao chứa và truyền vi khuẩn như tay nắm cửa ra vào, cửa tủ lạnh, điện thoại, đồ chơi của trẻ,…
- Hãy giữ cho ngôi nhà của bạn không có khói thuốc lá : nếu bạn hút thuốc và chưa thể bỏ thuốc, hãy lên kế hoạch để chấm dứt thói quen có hại này. Trong thời gian thực hiện việc bỏ thuốc, mỗi lần hút bạn nên ra ngoài nhà đồng thời yêu cầu khách đến nhà cũng làm tương tự.
7. Khi nào bạn cần đưa trẻ đến bác sỹ hoặc cơ sở y tế
Khi bạn nhận thấy trẻ có biểu hiện bất thường về hô hấp, hãy theo dõi trẻ và đưa con đến bác sỹ hoặc cơ sở y tế khi cần thiết, đó là khi bạn thấy các triệu chứng của trẻ tệ đi hoặc:
- Trẻ bị sốt trong hơn vài ngày
- Trẻ gặp vấn đề khó khăn về hô hấp
- Trẻ xuất hiện triệu chứng mới như cứng cổ hoặc sưng khớp
- Trẻ khó uống đủ chất lỏng để đảm bảo đủ nước cho cơ thể
>>>>>Xem thêm: Bổ sung vitamin D cho trẻ sơ sinh có cần thiết hay không?
Bệnh viêm phổi ở trẻ sơ sinh hay bệnh viêm phổi ở trẻ em nói chung không phải lúc nào cũng nghiêm trọng, tuy vậy vì bộ máy hô hấp ở trẻ vẫn còn non nớt nên bạn cần đặc biệt chú ý để đảm bảo sức khỏe cho con. Bạn hãy lưu ý việc giữ gìn vệ sinh (cho cả bạn và trẻ) cũng như thực hiện lịch tiêm chủng đầy đủ để hạn chế nguy cơ trẻ bị mắc bệnh không những viêm phổi, mà các căn bệnh có thể phòng ngừa khác bạn nhé.
Theo Stanford Children’s Health & Baby Centre
Lily Nguyễn tổng hợp