Bệnh trĩ khi mang thai có lẽ là nỗi ám ảnh thường trực của các mẹ sắp và đang có thai. Căn bệnh này gây ra khá nhiều sự khó chịu và phiền toái cho các mẹ, đặc biệt khi gần đi đến cuối thai kỳ. Vậy làm thế nào để đối phó với tình trạng này, mẹ hãy cùng tham khảo những thông tin dưới đây nhé.
Bạn đang đọc: Bệnh trĩ khi mang thai và 6 câu hỏi phổ biến nhất
Contents
1. Bệnh trĩ gây những bất tiện nào cho bạn trong thai kỳ
Dù bạn bị trĩ trước khi mang thai hay chỉ tiến triển trong thai kỳ, thì căn bệnh này cũng gây khá nhiều sự khó chịu ở nhiều mức độ (tùy thuộc vào tình trạng trĩ) cho bạn, cụ thể gồm:
- Bạn bị đau hoặc chảy máu hậu môn, đặc biệt khi đi đại tiện
- Bạn bị ngứa vùng hậu môn
- Bạn cảm thấy vẫn buồn đi ngoài dù bạn vừa đi xong
- Bạn thấy búi trĩ sa ra ngoài hậu môn sau khi đi đại tiện
- Bạn khó kiểm soát việc đại tiện của mình, thậm chí đôi khi bạn bị són phân
Bệnh trĩ thường không gây ảnh hưởng đến em bé trong bụng của bạn mà chỉ gây bất tiện cho bạn mà thôi. Nó cũng không phải lúc nào cũng gây đau, trừ khi búi trĩ bị sa nghẹt hoặc sưng lên. Tình trạng sa nghẹt búi trĩ có thể gây nhiều đau đớn nhưng nó khá hiếm gặp trong thai kỳ.
2. Vì sao mẹ bầu thường bị trĩ khi mang thai
Khi mang thai , lượng máu lưu thông trong cơ thể bạn tăng lên. Đồng thời, sự gia tăng nồng độ hormone progesterone làm giãn các thành mạch máu của bạn. Các tĩnh mạch ở vùng bụng dưới tử cung của bạn đặc biệt có khả năng bị giãn nhiều hơn do áp lực của thai nhi đang phát triển gây nên. Đây là lý do chính khiến bạn dễ bị trĩ và giãn tĩnh mạch khi có thai.
Một tình trạng phổ biến khác các mẹ bầu thường mắc phải trong thai kỳ, đó là táo bón, cũng là nguyên nhân gây nên bệnh trĩ.
3. Bệnh trĩ khi mang thai có phổ biến không
Bệnh trĩ khá phổ biến đối với phụ nữ mang thai. Nó xảy ra ở khoảng 1/4 mẹ bầu trong tam cá nguyệt thứ ba.
Bạn cũng có thể phát triển bệnh trĩ trong quá trình sinh thường, đặc biệt là giai đoạn bạn rặn để đẩy em bé ra ngoài.
4. Bạn có thể tránh bị trĩ trong thai kỳ không
Bệnh trĩ không phải là bệnh không thể tránh được trong thai kỳ. Chiến thuật hiệu quả nhất giúp bạn phòng bệnh đó là đừng để mình bị táo bón khi mang thai , như vậy bạn sẽ không phải quá “nỗ lực” để đi ngoài. Từ đó bạn có thể giảm nhiều % khả năng bị mắc táo bón.
Một số mẹo dưới đây sẽ giúp bạn phòng tránh bị trĩ cũng như làm giảm triệu chứng của nó (nếu bạn đang bị bệnh):
- Bạn hãy áp dụng chế độ ăn nhiều chất xơ bao gồm các loại thực phẩm như: thực phẩm làm từ ngũ cốc nguyên hạt, ngũ cốc, gạo lứt, trái cây và rau xanh.
- Bạn hãy uống nhiều nước mỗi ngày.
- Bạn hãy vận động mỗi ngày, dù chỉ là những cuộc đi bộ ngắn.
- Bạn hãy đi vệ sinh ngay khi có nhu cầu, việc trì hoãn sẽ làm cho phân của bạn trở nên khô, cứng và khó tống ra ngoài hơn.
- Bạn hãy kê cao chân một chút khi đi đại tiện, việc này sẽ làm cho bạn đi ngoài dễ dàng hơn.
- Bạn hãy cố đừng rặn khi đi vệ sinh. Nếu bạn thấy “chúng” khó ra ngoài, hãy thử lại sau khi uống nước, ăn thực phẩm nhiều chất xơ hoặc thực hiện một vài động tác thể dục.
- Bạn có thể thử ấn vào vùng cơ giữa âm đạo và hậu môn khi đi vệ sinh. Việc này giúp làm tăng lực cơ vòng khiến bạn dễ “đi” hơn.
- Bạn hãy thực hiện bài tập cơ sàn chậu mỗi ngày. Chúng sẽ giúp vùng cơ sàn chậu của bạn khỏe mạnh hơn, giúp bạn đi đại tiện dễ dàng hơn, từ đó phòng tránh bệnh trĩ. Ngoài ra, những bài tập này còn rất có lợi vì giúp bạn dễ sinh hơn (nếu bạn sinh thường) cũng như đẩy nhanh quá trình phục hồi khu vực này sau khi bạn sinh.
Nếu bạn vẫn bị táo bón sau khi đã thử các biện pháp trên, bạn hãy hỏi ý kiến bác sĩ về việc sử dụng thuốc làm mềm phân an toàn đối với thai kỳ.
Tìm hiểu thêm: Que thử thai và những thông tin cơ bản nhất bạn nên biết
5. Điều trị bệnh trĩ trong thai kỳ như thế nào
Để làm dịu các triệu chứng của bệnh trĩ trong thai kỳ, bạn có thể thực hiện một số cách sau:
- Dùng một miếng chườm lạnh để làm giảm đau và sưng vùng hậu môn.
- Dùng khăn ướt để vệ sinh thay vì khăn giấy khô. Tuy nhiên, các loại khăn ướt không thể tự hủy như khăn giấy khô do đó bạn không thể xả xuống bồn cầu mà cần bỏ vào thùng rác tương tự như tã vậy.
- Bạn hãy đẩy búi trĩ vào trong bằng ngón tay sạch (thường sau khi đi đại tiện), có thể sử thêm một chút chất bôi trơn để hỗ trợ. Búi trĩ có thể sa ra ngoài trở lại, nên bạn sẽ cần phải thực hiện thao tác này một số lần nữa trong thai kỳ.
- Nếu thấy không thoải mái khi ngồi xuống, bạn có thể sử dụng một tấm đệm hơi lõm để giảm cảm giác đau hoặc khó chịu do vùng hậu môn của bạn bị cọ xát.
Đối với việc điều trị tình trạng này, bạn hãy hỏi ý kiến bác sĩ về các loại kem, thuốc mỡ hoặc thuốc nhét hậu môn để giúp bạn thấy dễ chịu hơn. Nếu bạn mua thuốc không kê đơn, hãy hỏi ý kiến dược sĩ để được cung cấp những loại thuốc an toàn cho thai kỳ.
Nếu bệnh trĩ của bạn tiến triển ở mức độ nặng gây nhiều đau đớn, búi trĩ to và tụ máu thì bạn có thể được đề nghị phẫu thuật. Tuy nhiên, bác sĩ thường tránh thực hiện phẫu thuật khi bạn đang có thai và đây là phương pháp chỉ áp dụng khi tình trạng của bạn khá nghiêm trọng.
6. Bệnh trĩ có biến mất sau khi bạn sinh không
Trong hầu hết các trường hợp, búi trĩ sẽ biến mất hoặc co lại khi cơ thể bạn hồi phục sau khi sinh.
Bạn hãy cố gắng tắm càng sớm càng tốt sau khi sinh em bé, vệ sinh vùng hậu môn và thấm khô một cách nhẹ nhàng. Khi bạn đã đủ khỏe và khu vực âm đạo, hậu môn đã lành, bạn hãy dùng giấy vệ sinh trắng, không mùi để tránh kích ứng da.
Bạn cần lưu ý là táo bón sẽ làm cho bệnh trĩ trở nên nặng hơn, hoặc gây ra bệnh (nếu bạn chưa bị khi mang thai). Việc tránh bị táo bón ngay sau khi sinh có thể khó thực hiện vì lúc này cơ thể bạn đang sử dụng nguồn chất lỏng tích trữ trong thai kỳ để sản xuất sữa mẹ cũng như đáp ứng các nhu cầu về chất lỏng khác của cơ thể.
Tuy nhiên, việc duy trì chế độ ăn nhiều chất xơ, trái cây, rau xanh và uống nhiều nước sẽ giúp bạn hạn chế tình trạng táo bón, từ đó giảm nguy cơ bị trĩ.
Tương tự như lúc mang thai, 1/4 phụ nữ vẫn bị trĩ một khoảng thời gian sau sinh. Vì vậy, nếu căn bệnh này vẫn tiếp tục làm phiền bạn, hãy đến gặp bác sĩ để được giúp đỡ. Bạn không cần thiết phải chịu đựng sự khó chịu khi đang phải tập trung cho nhiệm vụ quan trọng là chăm sóc em bé và phục hồi cơ thể.
Bạn cũng nên đi thăm khám nếu vẫn bị chảy máu hậu môn. Dù trĩ rất phổ biến nhưng bất kì hiện tượng chảy máu nào ở khu vực hậu môn cũng nên được kiểm tra.
Nếu tình trạng trĩ của bạn nghiêm trọng, bác sĩ có thể khuyến cáo sử dụng một số phương pháp sau:
- Thắt búi trĩ để làm búi trĩ teo lại và rụng đi
- Tiêm thuốc để khiến búi trĩ co lại
- Đốt búi trĩ bằng điện để làm nó co lại
>>>>>Xem thêm: 5 địa chỉ khám sức khỏe sinh sản ở Sài Gòn uy tín và tốt nhất hiện nay
Bệnh trĩ khi mang thai có lẽ là tình trạng mọi mẹ bầu đều muốn tránh gặp phải trong thai kỳ. Tuy nhiên, trên thực tế nó lại khá phổ biến và làm phiền khá nhiều chị em. Tuy vậy, mẹ vẫn có thể tránh hoặc hạn chế bị bệnh trĩ khi mang thai bằng chế độ ăn lành mạnh, uống nhiều nước, vận động thường xuyên và giữ tinh thần thật thoải mái. Chúc mẹ đối phó với “kẻ thù” khó chịu này khi đang bầu bí một cách nhẹ nhàng và có một thai kỳ khỏe mạnh, vui vẻ nhé.
Theo Baby Centre
Lily Nguyễn lược dịch