Bệnh trào ngược dạ dày ở trẻ sơ sinh là căn bệnh khiến các bậc cha mẹ – đặc biệt những người có con lần đầu – cực kỳ bị áp lực. Vì tất cả đều cảm giác em bé sẽ bị ảnh hưởng nhiều về sức khỏe. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu về căn bệnh này để có thể bớt lo lắng khi chăm sóc trẻ và thấy con bị trào ngược nhé.
Bạn đang đọc: Bệnh trào ngược dạ dày ở trẻ sơ sinh – căn bệnh phổ biến gây nhiều áp lực cho các bậc cha mẹ
Contents
1. Trào ngược dạ dày ở trẻ sơ sinh là gì
Trào ngược dạ dày ở trẻ sơ sinh – đôi khi được gọi là trào ngược dạ dày thực quản – là tình trạng sữa bị trào ngược từ dạ dày trẻ qua miệng ra ngoài. Nó thường xảy ra khi trẻ mới bú xong, bú quá no hoặc được bế/ nằm không đúng tư thế sau khi bú.
Trên thực tế, trào ngược dạ dày đối với trẻ mới sinh thông thường là trào ngược sinh lý và hiếm khi là một tình trạng bệnh lý nghiêm trọng. Nó thường sẽ giảm dần đến mất hẳn khi trẻ lớn lên và ít khi tiếp diễn sau 18 tháng tuổi. Nếu sau độ tuổi này mà trẻ vẫn còn bị trào ngược thì nó được coi là tình trạng bệnh lý và cần được thăm khám và điều trị.
2. Nguyên nhân dẫn đến trào ngược dạ dày ở trẻ sơ sinh
Thông thường, trong hệ thống tiêu hóa, cơ vòng thực quản làm việc như một chiếc van một chiều ngăn thức ăn từ dạ dày đi ngược lên thực quản.
Đối với trẻ sơ sinh, đặc biệt trẻ dưới 6 tháng tuổi, do dạ dày còn nằm ngang và cơ vòng thực quản dưới còn yếu, dẫn đến tình trạng sữa dễ bị trào ngược từ dạ dày ra ngoài. Những tác động khiến chiếc van lỏng lẻo khóa thức ăn ở trẻ sơ sinh dễ bị mở dẫn đến trào ngược có thể gồm:
- Trẻ sinh non
- Trẻ nằm quá lâu
- Trẻ được cho bú không đúng tư thế
- Trẻ bú quá no
- Trẻ được đặt nằm ngay khi vừa bú xong
Trong một số trường hợp, tình trạng trào ngược xảy ra do một số nguyên nhân nghiêm trọng hơn như:
- Bệnh trào ngược dạ dày thực quản: Trào ngược dạ dày thực quản xảy ra khi lượng acid đủ nhiều có thể gây tổn thương lớp niêm mạc thực quản.
- Tình trạng hẹp môn vị: là tình trạng van giữa dạ dày và ruột non bị hẹp ngăn thức ăn từ dạ dày đi vào ruột non.
- Tình trạng không dung nạp thực phẩm: trong đó không dung nạp một loại protein trong sữa bò là phổ biến nhất.
- Viêm dạ dày ruột tăng bạch cầu ái toan: một loại tế bào bạch cầu (eosinophil) nhất định tích tụ làm tổn thương niêm mạc thực quản.
Tìm hiểu thêm: Trẻ 2 tháng tuổi đi ngoài có bọt – nguyên nhân và cách xử lý mẹ nên biết
3. Làm thế nào để cải thiện tình trạng trào ngược dạ dày sinh lý
Mặc dù tình trạng trào ngược dạ dày sinh lý có thể giảm dần theo thời gian, nhưng nếu chăm sóc trẻ đúng cách, bạn có thể giúp bé thấy dễ chịu hơn. Để làm được việc này, bạn hãy lưu ý một số điểm sau:
- Cho trẻ bú bên trái trước rồi đến bên phải (đối với trẻ bú mẹ) và luôn chú ý để núm vú bình sữa luôn đầy sữa (đối với trẻ bú bình)
- Không cho bú khi trẻ đang quấy khóc vì trẻ có thể nuốt nhiều hơi gây đầy bụng
- Bế trẻ ở tư thế đứng để giúp trẻ ợ hơi sau khi bú xong
- Không đung đưa mạnh khi trẻ mới ăn xong
- Không ép trẻ bú nhiều
4. Khi nào trẻ cần được đưa đến gặp bác sỹ hoặc cơ sở y tế
Do trào ngược dạ dày là tình trạng sinh lý khá phổ biến ở trẻ sơ sinh và sẽ giảm dần khi trẻ lớn nên thông thường, bạn không cần lo lắng nếu trẻ bị trào ngược với tần suất ít và:
- Trẻ chỉ bị nôn trớ sau khi bú và không kèm theo triệu chứng nào khác
- Trẻ vẫn chơi đùa bình thường
- Trẻ vẫn lên cân đều
- Trẻ không bị khò khè
Ngoài ra nếu trẻ có kèm theo các biểu hiện sau thì bạn nên cho con đến cơ sở y tế hoặc bác sỹ để được thăm khám:
- Trẻ không tăng cân
- Trẻ thường xuyên bị nôn trớ nghiêm trọng
- Trẻ nôn ra chất lỏng màu xanh lá hoặc màu vàng
- Trẻ nôn ra chất lỏng có lẫn máu hoặc trông giống như bã cà phê
- Trẻ từ chối thức ăn
- Có máu trong phân của trẻ
- Trẻ bị khó thở hoặc ho mãn tính
- Trẻ bắt đầu bị nôn trớ từ 6 tháng tuổi hoặc lớn hơn
- Trẻ bị kích thích bất thường sau khi ăn có thể do dị ứng hoặc mắc dị vật
>>>>>Xem thêm: Những điều cần biết về trẻ sơ sinh 1 tuần tuổi
Bệnh trào ngược dạ dày ở trẻ sơ sinh tuy không phải lúc nào cũng là một tình trạng nghiêm trọng. Tuy nhiên, các cha mẹ không nên chủ quan coi thường vì nếu kéo dài, nó có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm lý của trẻ cũng như của bạn. Do vậy, nếu bạn thấy trẻ có dấu hiệu trào ngược dạ dày dù là sinh lý hay bệnh lý, cũng nên chú ý theo dõi trẻ hoặc tốt nhất nên tham khảo ý kiến bác sỹ hay chuyên gia. Khi đó, dù trẻ không cần can thiệp về mặt y tế, bạn cũng được tư vấn để có cách chăm sóc trẻ một cách tốt nhất.
Theo Mayo Clinic
Lily Nguyễn lược dịch