Bà bầu bị táo bón là một tình trạng gây khó chịu khá phổ biến. Đối với chị em phụ nữ thì việc ít nhất một vài lần (hoặc nhiều lần) phải chiến đấu hàng tiếng trong nhà vệ sinh vì táo bón có lẽ không hiếm gặp. Vậy nguyên nhân của táo bón khi mang bầu là gì và làm thế nào để phòng tránh hoặc điều trị, chúng ta hãy cùng tìm hiểu nhé.
Bạn đang đọc: Bà bầu bị táo bón phải làm sao?
Contents
1. Táo bón trong thai kỳ là gì
Táo bón là tình trạng bạn không thường xuyên đi đại tiện được và phân thường cứng gây đau và khó chịu (thậm chí chảy máu) khi đại tiện.
Táo bón trong thai kỳ là tình trạng táo bón xảy ra tại bất kỳ thời điểm nào khi bạn đang mang thai. Thật không may, có đến một nửa số phụ nữ có thai bị táo bón vào một khoảng thời gian nào đó trong thai kỳ.
2. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng táo bón trong thai kỳ
Về tổng thể, sự lo lắng, căng thẳng, ít hoạt động thể chất và một chế độ ăn thiếu chất xơ là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng táo bón.
Đối với phụ nữ mang thai, ngoài những yếu tố trên thì sự thay đổi nội tiết tố (hormone) và áp lực của tử cung lên ruột làm cho họ dễ dàng bị táo bón hơn. Và nếu họ đã bị táo bón trước đó thì bệnh có thể nặng lên trong thai kỳ.
Ngoài ra tác dụng của việc uống các viên bổ sung sắt cũng làm cho tình trạng táo bón trở nên nghiêm trọng hơn.
3. Làm thế nào để phòng tránh hoặc điều trị táo bón trong thai kỳ
Để phòng tránh táo bón thai kỳ hoặc điều trị bệnh nếu bạn đang mắc phải, bạn có thể thực hiện những việc sau:
- Bạn hãy ăn thực phẩm nhiều chất xơ : lượng chất xơ lý tưởng mà bạn nên tiêu thụ hàng ngày là khoảng 25-30 g. Bạn có thể đưa những loại thực phẩm giàu chất xơ vào thực đơn hàng ngày của bạn, bao gồm: các loại trái cây, rau xanh, ngũ cốc, bánh mì làm từ ngũ cốc nguyên cám và trái mận.
- Bạn hãy uống nhiều chất lỏng : việc bổ sung đủ chất lỏng hàng ngày rất quan trọng khi bạn mang thai , đặc biệt khi bạn tăng lượng tiêu thụ chất xơ. Bạn hãy uống ít nhất 10-12 ly chất lỏng (bao gồm cả nước, nước trái cây, nước trong các món canh hay súp). Sự kết hợp giữa chế độ ăn giàu chất xơ và uống nhiều chất lỏng sẽ giúp hệ bài tiết của bạn làm việc thuận lợi hơn. Bạn cần lưu ý rằng thời tiết nắng nóng và các hoạt động thể chất có thể làm cho bạn mất nhiều nước hơn, do đó bạn sẽ cần bổ sung nhiều chất lỏng hơn.
Tìm hiểu thêm: Bà bầu tăng bao nhiêu cân là đủ để mẹ cùng con khỏe đều trong thai kỳ
- Bạn nên tăng cường tập thể dục : nếu bạn ít vận động, thì bạn sẽ có nguy cơ bị táo bón cao hơn. Do vậy bạn hãy duy trì việc tập thể dục đều đặn. Các hình thức thể dục bạn có thể áp dụng trong thai kỳ gồm: đi bộ, bơi lội, yoga cho bà bầu ,…Bạn hãy lên lịch tập luyện khoảng 3 lần một tuần và 20-30 phút cho mỗi lần tập.
- Bạn có thể sử dụng thuốc không kê đơn : có một số loại thuốc không kê đơn như Metamucil (loại B) có thể giúp làm mềm phân và giảm táo bón. Tuy nhiên bạn cần tham khảo ý kiến bác sỹ trước khi sử dụng thuốc trị táo bón hay bất kỳ loại thuốc nào khác.
- Bạn có thể giảm, hạn chế hoặc đổi loại viên uống sắt đang sử dụng : các viên uống bổ sung sắt cũng góp phần gây nên táo bón hoặc làm cho tình trạng táo bón trở nên nặng hơn. Vì vậy thay vì uống một lần trong ngày, bạn có thể chia nhỏ liều lượng và uống thành nhiều lần. Ngoài ra, bạn có thể thay thế viên uống bằng các loại thực phẩm giàu sắt. Bạn hãy tham khảo ý kiến bác sỹ để được tư vấn về việc thay đổi hoặc bổ sung sắt bằng chế độ ăn. Bác sỹ có thể kiểm tra nồng độ sắt trong máu bạn để áp dụng một phương pháp phù hợp nhất.
4. Những loại thuốc nào không được sử dụng để trị táo bón trong thai kỳ
Dù bạn đang muốn loại bỏ “kẻ thù khó chịu” – táo bón một cách nhanh nhất có thể, nhưng bạn vẫn cần chú ý đến một số loại thuốc hoặc chất không được khuyến cáo sử dụng để trị táo bón khi mang thai bao gồm:
- Các loại thuốc nhuận tràng : vì chúng có thể kích thích sự co bóp tử cung cũng như gây mất nước.
- Các loại dầu khoáng : vì chúng làm giảm khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng của cơ thể, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn.
>>>>>Xem thêm: 6 bệnh phổ biến bà bầu dễ mắc phải khi thời tiết thay đổi
Bà bầu bị táo bón tuy là tình trạng khá thường gặp nhưng có thể phòng tránh, hạn chế hay điều trị được. Điều quan trọng là bạn cần áp dụng các chế độ ăn giàu dinh dưỡng nhưng lành mạnh, bổ sung đủ chất lỏng, nghỉ ngơi hợp lý, hoạt động thể chất một cách đều đặn cũng như tham khảo ý kiến bác sỹ trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào. Những việc này không những giúp bạn giảm nguy cơ mắc bệnh táo bón mà còn duy trì được sức khỏe của bạn và em bé cũng như tâm lý tích cực cho bạn. Từ đó làm cho 9 tháng mang thai của bạn trở nên nhẹ nhàng vui vẻ hơn.
Theo American Pregnancy
Lilu Nguyễn lược dịch