Ăn dặm tự chỉ huy (BLW – Baby-Led Weaning) là một phương pháp ăn dặm khá phổ biến trên thế giới. Cách cho trẻ ăn dặm này có một số lợi ích nhất định và ảnh hưởng lâu dài đến việc ăn uống của trẻ. Chính nhờ vậy, từ khi xuất hiện khoảng 15 năm trước cho đến nay, cách cho ăn dặm này vẫn được nhiều bà mẹ trên thế giới áp dụng với con của mình.
Bạn đang đọc: Ăn dặm tự chỉ huy có thể mang lại lợi ích gì cho em bé của bạn?
Contents
1. Ăn dặm tự chỉ huy mang lại những lợi ích gì?
Ăn dặm tự chỉ huy là cách giới thiệu thực phẩm ngoài sữa mẹ cho bé ở dạng rắn và trẻ có thể cầm nắm. Ăn dặm tự chỉ huy như tên gọi, khuyến khích giới thiệu thực phẩm cho trẻ thông qua việc con tự ăn. Quá trình này có thể bắt đầu khi con sang 6 tháng tuổi, có thể ngồi vững và cầm nắm tốt.
Về lợi ích, phương pháp ăn dặm tự chỉ huy có thể mang lại 4 lợi ích cực kỳ điển hình như dưới đây:
1.1. Thúc đẩy hành vi ăn uống của trẻ tốt hơn
Ăn dặm chỉ huy nhấn mạnh vào việc để cho em bé của bạn chọn gì và ăn bao nhiêu. Điều này khiến trẻ tham gia tích cực vào quá trình được cho ăn thay vì nhận thức ăn một cách thụ động. Do đó, ăn dặm chỉ huy được cho là thúc đẩy hành vi ăn uống lành mạnh của trẻ hơn rất nhiều ở giai đoạn sau này, thậm chí là trong tương lai của trẻ.
Trong một nghiên cứu, những đứa trẻ trải qua phương pháp ăn dặm tự chỉ huy thường thể hiện cơn đói của mình. Bên cạnh đó, con cũng có thể nhận ra cảm giác no khi được 18 tháng đến 24 tháng. Điều này rất khác so với những đứa trẻ tiếp cận phương pháp ăn dặm truyền thống thuần túy.
Khi biết đi, những đứa trẻ trải qua ăn dặm tự chỉ huy ít phản ứng với thực phẩm hơn. Có nghĩa là, trẻ có nhiều khả năng ăn thực phẩm do đói, hơn là chỉ đơn giản tiếp cận thực phẩm bởi thực phẩm nằm trong tầm nhìn hoặc tầm với của trẻ.
Cũng theo nghiên cứu, ít phản ứng với thực phẩm và có khả năng nhận ra cảm giác no là 2 yếu tố quan trọng. Chúng liên quan đến nguy cơ béo phì ở trẻ em với mức độ thấp hơn.
Dựa vào những ghi nhận trên, ăn dặm tự chỉ huy được cho là có thể giúp trẻ phát triển mô hình ăn uống lành mạnh. Và, mô hình này dựa trên sự thèm ăn của trẻ hơn là các yếu tố tác động bên ngoài. Thậm chí, mô hình ấy còn có thể đi theo trẻ trong suốt cuộc đời. Hay nói một cách khác, ăn dặm tự chỉ huy có thể giúp trẻ phát triển, hình thành một thói quen ăn uống lành mạnh tuyệt vời. Và, thói quen tốt này sẽ theo trẻ cho đến khi con trưởng thành.
1.2. Ăn dặm tự chỉ huy có thể giúp trẻ chống tăng cân
Ăn dặm chỉ huy có thể bảo vệ trẻ, giúp trẻ tránh được tình trạng tăng cân quá mức sau này. Các chuyên gia tin rằng, điều này có thể là do em bé tham gia nhiều hơn vào quá trình ăn uống một cách chủ động.
Với ăn dặm chỉ huy, trẻ sơ sinh được phép cầm thức ăn, đưa vào miệng theo tốc độ riêng của trẻ. Tốc độ này rất ít bị ảnh hưởng bởi cha mẹ hay người cho trẻ ăn. Con cũng có cơ hội tốt hơn để ngừng ăn khi no so với trẻ ăn bằng thìa. Trong khi đó, trẻ ăn bằng thìa có nguy cơ cao hơn về ý thức hoặc tiềm thức ăn uống quá mức, so với nhu cầu của chúng.
Nhiều nghiên cứu cho thấy, trẻ ăn dặm tự chỉ huy thường có cân nặng bình thường hơn, so với những trẻ không ăn dặm theo phương pháp này. Đặc biệt là khi so với những trẻ ăn dặm theo phương pháp truyền thống.
Một nghiên cứu cho thấy, trẻ sơ sinh ăn dặm bằng thìa có xu hướng nặng hơn khoảng 1kg sau 18-24 tháng. Khi so sánh cân nặng của các trẻ này với những trẻ ăn dặm theo phương pháp ăn dặm BLW . Trẻ ăn dặm bằng thìa cũng có khả năng thừa cân cao hơn 2.4 lần so với trẻ ăn dặm tự chỉ huy.
Trong một nghiên cứu khác, chỉ có khoảng 1% trẻ ăn dặm tự chỉ huy bị xếp vào mức độ béo phì. Trong khi đó, nhóm trẻ sơ sinh ăn dặm bằng thìa ở mức 11%.
Tìm hiểu thêm: Chăm sóc bé sơ sinh với những cách đơn giản mẹ cần ghi nhớ
1.3. Ăn dặm tự chỉ huy làm trẻ giảm quấy khóc khi ăn uống
Ăn dặm tự chỉ huy được cho là giúp giảm hành vi kén ăn của trẻ đáng kể. Phương pháp ăn dặm này cũng thúc đẩy việc trẻ chấp nhận nhiều loại thực phẩm hơn, vì nhiều hương vị và kết cấu được giới thiệu cho trẻ sớm hơn.
Trong một nghiên cứu, các bà mẹ có em bé ăn dặm tự chỉ huy đánh giá là, trẻ ít quấy khóc hơn khi được 18-24 tháng, nhất là liên quan đến chuyện ăn uống. Trong khi đó, các bé ăn dặm bằng thìa thì có tỉ lệ quấy khóc cao hơn.
Trong một nghiên cứu khác, trẻ ăn dặm tự chi huy khi đi học mẫu giáo có xu hướng ít thích đồ ngọt hơn. Điều này khác hẳn với các bé đã từng được cho ăn dặm theo phương pháp truyền thống thuần túy.
1.4. Trẻ ăn uống dễ dàng hơn và mẹ cũng đỡ vất vả lo nghĩ hơn
Những bà mẹ từng cho con ăn dặm tự chỉ huy cho rằng, họ ít phải lo lắng về chuyện phải làm hoặc chọn các món ăn cho trẻ phức tạp thế nào. Cho con ăn dặm tự chỉ huy thường cung cấp cho trẻ thức ăn theo bữa ăn của gia đình. Có nghĩa là, gia đình ăn gì thì trẻ ăn nấy. Đấy chính là lý do, các bà mẹ cho con ăn dặm tự chỉ huy không cảm thấy có quá nhiều áp lực về bữa ăn của trẻ.
Về phía trẻ, trẻ ăn dặm tự chỉ huy được tin tưởng và tự lựa chọn thức ăn, ăn bao nhiêu. Do vậy, chính trẻ cũng trải qua việc ăn uống dễ dàng, thoải mái, vui vẻ và không gặp nhiều áp lực.
2. Rủi ro khi cho trẻ ăn dặm tự chỉ huy
Bất cứ vấn đề nào cũng có hai mặt và ăn dặm tự chỉ huy cũng không ngoại lệ. Bên cạnh 4 lợi ích mà chúng ta thấy được như trên, ăn dặm tự chỉ huy cũng có thể mang lại rủi ro cho em bé của bạn. Hai rủi ro lớn nhất liên quan đến việc cho bé ăn dặm chỉ huy là:
- Nguy cơ hóc nghẹn : Hóc nghẹn là trường hợp có thể xảy ra bất cứ lúc nào khi trẻ ăn dặm tự chỉ huy. Mặc dù nhiều nghiên cứu cho rằng, không có sự khác biệt về tỷ lệ mắc nghẹn giữa trẻ ăn dặm tự chỉ huy và trẻ ăn dặm bằng thức ăn nghiền theo truyền thống. Song, nguy cơ hóc nghẹn vẫn là rủi ro hàng đầu mà bất cứ bà mẹ nào cho con ăn dặm tự chỉ huy cũng phải quan tâm và cảnh giác.
- Nguy cơ nghẹt thở : Hóc nghẹn nghiêm trọng có thể dẫn đến nghẹt thở. Nghẹt thở là mối nguy hiểm nghiêm trọng khác có thể xảy ra với trẻ ăn dặm tự chỉ huy. Cũng như nguy cơ hóc nghẹn, việc thực phẩm khiến trẻ nghẹt thở khi ăn là có thể xảy ra. Nguyên nhân có thể đến từ nhiều phía, chẳng hạn loại thực phẩm, cách chế biến và quá trình ăn của trẻ diễn ra không thuận lợi.
3. Làm gì để giảm rủi ro khi cho trẻ ăn dặm tự chỉ huy
Để giảm thiểu tối đa rủi ro khi cho trẻ ăn dặm tự chỉ huy, bạn có thể lưu ý các điểm sau:
- Đảm bảo bé đã sẵn sàng ăn dặm và cầm nắm tốt, có thể ngồi vững.
- Đảm bảo bé ngồi thẳng khi ăn.
- Không để bé ăn một mình.
- Đảm bảo thực phẩm bạn chuẩn bị cho bé đủ mềm, con có thể làm nát bằng tay hoặc ấn vào giữa môi thuận lợi. Cũng như thực phẩm con nhai nát được, thuận tiện nuốt và không gây khó khăn khi nuốt.
- Cắt thực phẩm thon dài vừa phải để bé có thể dễ dàng cầm nắm và nhặt lên khi ăn.
- Tránh cung cấp cho bé các thực phẩm có hình dạng tròn như đồng xu như nho nguyên quả, cà chua cherry nguyên quả, xúc xích, kẹo cứng.
- Tránh những thực phẩm quá dính như bơ hay kẹo marshmallows chẳng hạn.
- Tránh những thực phẩm cứng hoặc vụn như bỏng ngô, bánh mì cứng, các loại hạt.
>>>>>Xem thêm: Trẻ sơ sinh bị hắt hơi liên tục có nguy hiểm không?
Có thể nói rằng, ăn dặm tự chỉ huy là một lựa chọn đáng cân nhắc để bạn kết hợp thực hiện khi em bé của mình bắt đầu ăn dặm. Vì, phương pháp này không chỉ mang lại lợi ích ở giai đoạn con bắt đầu tập ăn thực phẩm khác ngoài sữa mẹ. Ăn dặm tự chỉ huy còn góp phần giúp bé hình thành những thói quen tốt liên quan đến chuyện ăn uống. Mà thói quen này không chỉ theo con suốt quãng đường thơ ấu sau giai đoạn sơ sinh, còn có thể theo con đến khi trưởng thành.
Nguồn tham khảo: Healthline & Natural Child
Cát Lâm tổng hợp