Tập đứng cho bé là việc các cha mẹ có thể thực hiện ngay khi con tự ngồi vững. Bạn sẽ rất nóng lòng được trông thấy em bé của mình đứng lên và chập chững bước đi. Tuy nhiên để làm được như vậy, con cần trải qua một khoảng thời gian rèn luyện cơ bắp. Trong giai đoạn này, bạn hoàn toàn có khả năng hỗ trợ bé một cách an toàn, phù hợp để bé sớm tự đứng bằng chính sức mình. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu những cách đó là gì nhé.
Bạn đang đọc: Tập đứng cho bé khi nào là phù hợp nhất mẹ nên biết
Contents
1. Khi nào bé sẵn sàng tập đứng
Bạn rất muốn tập đứng cho bé. Vậy khi nào thì con bắt đầu đứng lên?
Trước khi đứng được, bé cần có được sức mạnh và sự phối hợp của cơ bắp. Đây cũng là điều con cần để tập lật và ngồi.
Vào khoảng 6 tháng tuổi , bé có thể ngồi có hỗ trợ. Khi được 7 – 8 tháng, bé sẽ tự ngồi được. Đây cũng là lúc bạn bắt đầu tập cho bé đứng được bằng cách nhẹ nhàng kéo con đứng lên đồng thời hỗ trợ con.
Khoảng từ 7 tháng đến 1 tuổi, bé sẽ cố gắng tự đứng, và có thể đứng được một vài giây trước khi ngã ngồi xuống trở lại. Bạn nên chú ý đến bé trong thời gian này. Vì dù không phải lúc nào bé cũng dễ dàng bị thương khi ngã nhưng con sẽ rất dễ bị sợ hãi. Nếu bé ngã, bạn hãy ôm con với thật nhiều sự vỗ về, âu yếm để giúp con bình tĩnh lại.
Thông thường, khi được 1 tuổi, sự tự tin và khả năng giữ thăng bằng tốt sẽ giúp bé tự đứng được mà không cần hỗ trợ bởi bạn hay công cụ nào.
2. Bé học cách đứng như thế nào
Vào khoảng 7 – 12 tháng tuổi, sau khi đã ngồi vững, bé sẽ bắt đầu cố gắng vịn ghế để đứng lên.
Khi bắt đầu tập đứng, bé vẫn chưa học được cách giữ thăng bằng tốt. Nếu bạn đặt bé cạnh ghế sofa, bé sẽ bám vào ghế để đứng dậy. Ban đầu đây sẽ là nỗ lực rất lớn của con. Với hai chân dang rộng và cả người rướn về trước, bé sẽ cố gắng đứng lên trong trạng thái khá căng thẳng.
Lúc này để đảm bảo an toàn cho bé, bạn hãy dọn sạch không gian xung quanh bé, loại bỏ các món đồ hoặc đồ chơi sắc nhọn có thể gây nguy hiểm cho bé. Đồng thời, bạn hãy kê một vài tấm đệm trên sàn nhà để đề phòng bé bị ngã.
Học cách ngã là một phần quan trọng đối với việc làm chủ tư thế đứng và đi. Bạn có thể thấy quá trình này bắt đầu sau khi bé được 6 tháng tuổi. Khi bạn đỡ bé ở tư thế đứng, con sẽ giơ tay ra để giữ thăng bằng. Dần dần, con sẽ học được cách dùng tay để giúp cơ thể cúi về trước hơn nếu ngã xuống.
Khi tập đứng cho bé, bạn sẽ thấy việc vịn đứng lên của con sẽ dễ dàng hơn nhiều so với ngồi xuống. Ban đầu, bé sẽ đứng kiễng chân rồi mới từ từ đứng thẳng trên bàn chân.
Khi được khoảng 1 tuổi, bé đã có thể đứng độc lập. Bé thậm chí còn bắt đầu tập gập đầu gối để học cách ngồi xuống. Tuy nhiên, việc này với bé khó hơn nhiều so với bạn nghĩ.
3. Bạn tập đứng cho bé và bé đã đứng vững, vậy con sẽ làm gì tiếp theo
Bạn đã kiên trì tập đứng cho bé và bé đã đứng vững, vậy tiếp theo con sẽ làm gì?
Khi bé đã học được cách đứng, con sẽ cố gắng duy trì tư thế này càng lâu càng tốt. Ngay lúc này, bé sẽ bắt đầu nhận thức được một thế giới hoàn toàn mới đang đợi con khám phá.
Nếu bé bị té ngã lên thảm hay bề mặt mềm, dù thường không bị thương nhưng con vẫn sẽ khóc vì cảm giác thất vọng và đau về tinh thần hơn là thể chất. Cảm giác hồi hộp phấn khích khi đứng không còn nữa chính là điều khiến con bị đau về tinh thần.
Khi bé đứng vững hơn, con sẽ vịn vào ghế hoặc các đồ vật để di chuyển. Sau đó, bé sẽ tự tin hơn để buông tay vịn và tự đứng, hoặc có thể bước những bước nhỏ khi bạn nắm tay con. Bé thậm chí còn cúi xuống để nhặt đồ chơi khi đang đứng.
Tìm hiểu thêm: Tắm trẻ sơ sinh tại nhà – cách tắm đơn giản mẹ nào cũng có thể áp dụng ngay
4. Tập đứng cho bé và khuyến khích con tự đứng như thế nào
Để tập đứng cho bé và khuyến khích con tự đứng, bạn cần giúp con tập luyện để tự đứng dậy từ tư thế ngồi. Bạn có thể giúp bé thực hành cách đứng bằng việc cho con đứng trên đầu gối của bạn khi bạn ngồi, hoặc cho con đứng dựa vào lưng ghế sofa. Nếu bạn đặt đồ chơi trên ghế vừa tầm với của bé khi con đang ở trên sàn, điều này sẽ khuyến khích bé bám vào ghế đứng lên để lấy đồ chơi.
Dưới đây là một số cách bạn có thể áp dụng để tập đứng cho bé:
- Bạn đặt bé ngồi trước một chiếc ghế sofa hoặc ghế thấp nhưng chắc chắn, bạn để những món đồ chơi thú vị trên mặt ghế để khuyến khích bé đứng lên lấy.
- Cho bé ngồi trên đầu gối của bạn, lưng xoay về phía bạn và chân con chạm xuống sàn nhà.
- Khuyến khích bé với về phía trước và bám chắc vào ghế.
- Đặt tay quanh hông bé và giúp bé đứng thẳng.
- Để bé lăn, bò, trườn,…bất cứ khi nào bạn có thể. Việc khám phá môi trường xung quanh sẽ kích thích tính tò mò tự nhiên của bé, khuyến khích con tìm tòi, tiếp cận và năm bắt mọi thứ xung quanh.
- Bạn sắp xếp các ngày vui chơi cùng bạn bè hoặc người thân cũng có con nhỏ. Việc chơi cùng với những em bé cùng tuổi sẽ khuyến khích bé bắt chước bạn. Hơn nữa, bé sẽ thấy vui vẻ và hào hứng hơn khi được chơi chung cùng các bạn.
- Bạn hãy thể hiện thái độ động viên, khuyến khích bé bằng những nụ cười, những cái vỗ tay để giúp con tự tin hơn với những trải nghiệm mới của mình. Trong quá trình tập đứng cho bé, bạn có thể cần giúp con thực hành hoặc học cách ngồi xuống. Nếu bé bị mắc kẹt vì muốn ngồi xuống mà không được, và con khóc vì sợ, bạn hãy chống lại thôi thúc bế bé lên. Thay vào đó, bạn hãy chỉ cho con cách gập đầu gối để ngồi xuống và khuyến khích con tự làm.
5. Bạn có cần phải lo lắng khi con đã 1 tuổi nhưng chưa tự đứng được?
Bạn vẫn tập đứng cho bé nhưng con đã 1 tuổi mà vẫn chưa tự đứng được thì bạn cũng không nên quá lo lắng về điều này. Mỗi đứa trẻ đều phát triển với tốc độ khác nhau. Một em bé có thể đạt được các mốc phát triển chậm hoặc nhanh hơn các bé khác.
Đặc biệt, nếu bé sinh trước 37 tuần thai, thì con có thể chạm đến các cột mốc thông thường chậm hơn các bé khác một chút.
Bạn có thể tham khảo thêm ý kiến của bác sĩ tại các cuộc kiểm tra sức khỏe định kì cho bé để biết được bé vẫn đang phát triển ở tốc độ bình thường hay không.
>>>>>Xem thêm: Trẻ 2 tháng tuổi biết làm gì?
Tập đứng cho bé là việc không quá khó khăn. Vì, chủ yếu là bạn hỗ trợ và khuyến khích để bé tự học và rút ra kinh nghiệm cho mình. Bạn nên lưu ý đảm bảo sự an toàn đối với không gian xung quanh để hạn chế việc con bị đau trong quá trình tập đứng, đi nhé.
Theo Baby Centre
Lily Nguyễn lược dịch