Có lẽ trong chúng ta, không ai lấy làm lạ về chuyện trẻ quấy khóc. Khóc là cách duy nhất để bé có thể thể hiện hoặc thông báo tình trạng hiện tại của mình: đói, đau, sợ hãi, buồn ngủ và nhiều thứ khác. Vậy làm sao để bạn đoán biết được chính xác bé muốn nói gì với bạn qua tiếng khóc? Có thể rất khó để giải nghĩa tiếng khóc của bé, đặc biệt là lúc đầu.
Bạn đang đọc: 12 lý do thông thường khiến trẻ quấy khóc và cách làm dịu trẻ
Dù trẻ quấy khóc rất khó xác định lý do ở thời gian đầu khi bạn mới chăm sóc trẻ, nhưng dần dà bạn sẽ đoán biết được tín hiệu/ thông điệp của con qua tiếng con khóc. Giúp bạn nhanh chóng hơn trong việc xác định tín hiệu từ trẻ, dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến khiến bé khóc mà bạn có thể xem qua:
Contents
- 1 1. Bé đói
- 2 2. Bé bị khó chịu do đau bụng hay đầy hơi
- 3 3. Bé cần ợ
- 4 4. Bé khó chịu vì tã dơ
- 5 5. Bé cần ngủ
- 6 6. Bé muốn được ôm, cần được vỗ về âu yếm
- 7 7. Bé bị quá nóng hoặc quá lạnh
- 8 8. Một điều gì đó làm bé đau nhưng khó để nhận biết
- 9 9. Mọc răng
- 10 10. Muốn ít sự kích thích hơn
- 11 11. Muốn nhiều sự kích thích hơn
- 12 12. Bé cảm thấy không khỏe
1. Bé đói
Đây có lẽ là điều đầu tiên bạn thường nghĩ đến khi bé khóc. Nếu học được cách nhận ra những dấu hiệu khi bé đói sẽ giúp bạn có thể cho con bú trước khi bé phải khóc. Một số dấu hiệu bạn có thể để ý thấy khi bé đói như: bé tỏ ra cuống quýt, chép miệng, quay đầu về phía tay bạn nếu bạn vuốt ve má bé, và bé cũng thường cho tay mình vào miệng.
2. Bé bị khó chịu do đau bụng hay đầy hơi
Các vấn đề liên quan đến đau bụng hoặc đầy hơi có thể dẫn tới việc bé khóc rất nhiều, có thể ít nhất tới 3 tiếng 1 ngày, 3 ngày 1 tuần và trong 3 tuần liên tiếp.
Nếu bé thường quấy khóc ngay sau khi ăn thì có thể bé bị một dạng đau bụng nào đó. Một số bậc phụ huynh khẳng đỉnh có thể cho bé uống vài giọt loại thuốc chống đầy hơi (không cần toa bác sỹ) hoặc nước làm từ thảo mộc và thuốc muối, mặc dù cả hai loại này vẫn chưa được chứng minh là mang lại hiệu quả. Vì vậy nếu muốn dùng cho bé, bạn cần hỏi ý kiến bác sỹ trước.
Ngay cả khi bé không bị đau bụng và chưa bao giờ quấy khóc sau khi ăn, thì thỉnh thoảng, cơn khó chịu do bị đầy hơi chướng bụng cũng có thể làm bé khổ sở. Nếu bạn nghĩ bé bị chướng bụng hãy cho bé nằm ngửa, nắm bàn chân bé và di chuyển quay vòng nhẹ nhàng như khi đạp xe đạp nhé.
Chia sẻ của một số mẹ về tình trạng đầy hơi của bé:
“Có 1 lần, lúc con gái tôi được 9 tháng tuổi, bé khóc liên tục 2 tiếng đồng hồ. Trước đây bé chưa bao giờ khóc như vậy cả, và lần này thậm chí bé không thèm bú. Bác sĩ đã khuyên tôi đưa bé đến phòng khám gần đó. Khi chúng tôi đang đợi, bé đã xì hơi rất to và sau đó thì ổn. Vậy đấy, chỉ là do bé đầy bụng mà thôi” – Bà mẹ tên Kate cho biết.
Hình: Bé quấy khóc có thể là do con bị đau bụng. Ảnh Internet
“Hồi bé, con gái tôi rất hay bị đầy bụng, và bé đã la khóc vì khó chịu. Tôi đã cho bé uống vài giọt thuốc chống đầy hơi cho trẻ sơ sinh, rồi đặt bé nằm ngửa, nhẹ nhàng đẩy đầu gối bé gập gần bụng trong khi hát một bài hát. Sau đó bé xì hơi và ổn hơn.” – Vợ và mẹ của hai đứa trẻ chia sẻ.
“Nếu con bạn đang mặc quần, đặc biệt loại có lưng thung đàn hồi, hãy thử kéo phần lưng quần khỏi bụng bé xem có làm bé dễ chịu hơn không. Đôi lúc những chi tiết nhỏ nhặt có thể làm bụng bé bị đau.” -Mẹ của hai đứa trẻ mách nước.
“Gần đây tôi mới phát hiện tại sao con mình lại khóc trong 1 ngày rưỡi vừa qua, bé bị táo bón. Cuối cùng bé đã có thể thải ra 1 đoạn phân dài 10cm và rất, rất cứng. Thuốc chống táo bón thật đáng kinh ngạc.” – Mẹ có nickname là txblondetori giãi bày.
3. Bé cần ợ
Ợ hơi không bắt buộc. Nhưng, nếu bé khóc sau khi ăn, thì có thể ợ hơi là tất cả những gì bé cần. Các em bé thường nuốt cả không khi khi bú mẹ hoặc bú bình, và điều này có thể làm bé không được dễ chịu nếu không khí không được thoát ra. Một số bé sẽ thấy cực kì khó chịu với không khí thừa trong bụng, trong khi một số bé khác thì dường như không cần ợ chút nào.
“Bé nhà tôi thường khóc vì khoảng thời gian khó khăn vì ợ hơi sau khi ăn, thậm chí dù bé được vuốt và vỗ nhẹ lưng. Và tôi phát hiện ra một hoạt động hữu ích đó là “thời gian nằm bụng”. Bé thường ợ nhiều sau chỉ một vài phút nằm bụng.” -1 thành viên của Babycenter chia sẻ.
“Tôi không đếm được số lần tôi cố gắng giúp con gái nhỏ của tôi ợ vì bé quấy khóc sau khi ăn. Việc bế bé đi vòng quanh và vuốt lưng bé thỉnh thoảng giúp bé ợ hơi rất tốt – bảo sao mà bé không khó chịu và khóc.” – lời của mẹ NovPiglet
4. Bé khó chịu vì tã dơ
Một số bé sẽ cho bạn biết ngay nếu cần thay tã. Một số bé khác lại có thể chịu được tã dơ một lúc lâu. Dù sao thì đây là nguyên nhân dễ kiểm tra và khắc phục nhất.
5. Bé cần ngủ
Có vẻ như khi mệt các bé có thể dễ dàng ngủ bất kì lúc nào bất kì ở đâu. Tuy nhiên đối với bé, việc này khó hơn bạn tưởng nhiều. Thay vì dễ dàng ngủ gật khi mêt, bé lại quấy khóc, đặc biệt khi bé quá mệt hoặc quá giấc.
“Chúng tôi đã nghĩ có lẽ con gái nhỏ của mình bị đau bụng trong 5 tuần đầu, cho đến khi chúng tôi đọc được về việc bé có thể cáu kỉnh như thế nào nếu bị kiệt sức. Sau khi chúng tôi đặt bé ngủ ngày khi bé bắt đầu ngáp (bất cứ lúc nào trong ngày), bé đã ít khóc và ít bị vấn đề về đầy hơi hơn.” – Một thành viên của BabyCenter chia sẻ.
“Tôi nhận thấy nếu bé nhà tôi bắt đầu khóc sau khi chơi, ăn hoặc thay tã, và bé đã thức được một khoảng thời gian, nghĩa là bé đã mệt. Tôi ôm bé, thì thầm nói chuyện và để bé khóc. Bé sẽ không khóc nhiều khi tôi ôm bé như vậy. Bé vẫn nhắm mắt trong khi nhặng xị tạo ra những âm thanh khá buồn cười. nhưng không lâu sau thì bé ngủ.” – Mẹ Stefanie.
” Tiếng “shhhhhh” lớn hiệu quả một cách thần kỳ. Tôi đã phải ghi âm lại vì thấy như mình phát ra âm thanh vô nghĩa do dỗ con bằng tiếng đó quá nhiều. Bản ghi âm của tôi dài tới 48 phút và lần nào cũng có tác dụng.” – theo Rob.
6. Bé muốn được ôm, cần được vỗ về âu yếm
Các em bé cần rất nhiều sự âu yếm. Bé thích nhìn thấy khuôn mặt ba mẹ, nghe giọng nói, nhịp tim đập, thậm chí là mùi đặc trưng của ba mẹ. Khóc là một cách bé thể hiện mình muốn được ôm ấp.
Chắc bạn sẽ tự hỏi liệu mình có làm hư bé nếu ôm ấp bé quá nhiều hay không, tuy nhiên trong khoảng những tháng đầu đời của bé thì chuyện này rất khó xảy ra, bé cần được yêu thương và không thể hư vì được ba mẹ ôm ấp, âu yếm quá nhiều. Bạn có thể dùng địu để địu bé để đỡ áp lực cho cánh tay.
“Tôi thích quấn bé nhẹ nhàng trong một cái chăn mỏng, bế bé như khi cho bú, và nựng nhẹ khuôn mặt và đầu bé. Bé rất thích tay tôi luồn vào tóc bé và bình tĩnh lại rất nhanh.” – Mẹ Tiffany.
“Con trai rất thích nghe giọng của tôi, vì vậy khi bé khóc không kiểm soát được, tôi thường ôm bé sát vào ngực mình và nói với bé rằng Mẹ đang ở đây, Mẹ sẽ bảo vệ con. Trong vòng vài phút, bé đã ngủ trong tay tôi.” – Mẹ Jey.
Tìm hiểu thêm: Bảng cân nặng của trẻ sơ sinh theo tháng giúp mẹ chăm bé yêu khỏe mạnh
7. Bé bị quá nóng hoặc quá lạnh
Nếu bé thấy lạnh, ví dụ như khi bạn cởi đồ để thay tã cho bé, hay vệ sinh cho bé bằng miếng khăn lạnh, bé có thể sẽ phản kháng bằng việc khóc toáng lên.
Trẻ sơ sinh thích được bao bọc và giữ ấm – nhưng không phải quá ấm. Theo nguyên tắc, bé sẽ thấy thoải mái nếu được mặc nhiều hơn bạn một lớp quần áo. Thông thường, bé sẽ ít phản ứng vì bị quá ấm hơn là quá lạnh, khi bị nóng bé cũng sẽ không khóc dữ dội như khi bị lạnh.
8. Một điều gì đó làm bé đau nhưng khó để nhận biết
Trẻ sơ sinh có thể gặp vấn đề với những thứ khó nhận thấy được như một sợi tóc hay sợi chỉ quấn quanh ngón tay hay ngón chân của bé, ngăn cản sự lưu thông máu. (Các bác sỹ gọi tình trạng này là “Dây buộc tóc”, và đó là một trong những điều đầu tiên họ tìm kiếm nếu bé khóc dường như không vì lý do gì).
Một số bé cực kỳ nhạy cảm với một số vật như nhãn mác quần áo hay sợi vải và nhiều thứ khác.
“Suy nghĩ kiểu này giúp tôi rất nhiều: ”Điều gì có thể làm tôi khó chịu nếu tôi là bé?” Và đây là một số khả năng tôi nghĩ tới: ngón tay hoặc ngón chân của tôi có bị kẹt hay có bị thứ gì quấn quanh không? Tôi có cần nằm hay ngồi ở vị trí khác không? Núm vú giả có mùi và cần rửa không? Những cái nhãn mác hoặc bộ đồ này có làm tôi ngứa không? Gần sàn nhà hơi lạnh. Đèn sáng quá, và TV hơi ồn – tôi muốn nhạc nhẹ nhàng hơn.”. – mẹ có nickname cunnincl25 chia sẻ.
9. Mọc răng
Sự mọc răng có thể làm bé đau vì mỗi chiếc răng mới sẽ đẩy lợi bé để trồi lên. Một số bé có thể bị đau hơn một số khác, nhưng hầu như các bé đều quấy khóc vì mọc răng ở một thời điểm nào đó.
Nếu bé của bạn tỏ ra đau đớn mà bạn không chắc tại sao, hãy thử sờ vào nướu của bé. Bạn có thể thấy ngạc nhiên khi phát hiện ra chồi răng cưng cứng trong lợi bé. (Trung bình, bé sẽ mọc chiếc răng đầu tiên vào khoảng thời gian từ 4-7 tháng tuổi nhưng cũng có thể sớm hơn).
10. Muốn ít sự kích thích hơn
Bé học hỏi từ sự kích thích của thế giới xung quanh, nhưng thỉnh thoảng bé sẽ gặp khó khăn trong việc xử lý quá nhiều thông tin – ánh đèn, tiếng ồn, bị chuyền từ tay người này sang người khác. Và khóc là một cách để bé thông báo “bé thấy đủ rồi”
Nhiều trẻ sơ sinh thích được bọc, quấn trong khăn vì bé sẽ thấy được an toàn, trước thế giới thật rộng lớn và nhiều điều mới mẻ. Nếu em bé nhà bạn đã quá lớn cho việc bọc, quấn khăn hoặc bé không thích nữa, hãy đặt bé ở một nơi yên ắng và để bé được hít thở không khí thoáng đãng trong một khoảng thời gian.
>>>>>Xem thêm: Trẻ hay bị nôn trớ ba mẹ nên làm gì?
11. Muốn nhiều sự kích thích hơn
Một đứa trẻ “đòi hỏi” sẽ rất thoải mái và háo hức tìm hiểu thế giới. Và cách duy nhất làm bé ngừng quấy khóc là luôn hoạt động. Việc này có thể làm bạn kiệt sức.
Hãy thử địu bé ở vị trí hướng mặt ra ngoài để bé có thể thấy mọi hoạt động diễn ra xung quanh mình. Hãy ra ngoài với các bậc cha mẹ khác và những đứa trẻ của họ. Bạn hãy đến những nơi có không gian thân thiện với trẻ em như sân chơi, bảo tàng dành cho trẻ em hay sở thú.
12. Bé cảm thấy không khỏe
Nếu bạn đã đáp ứng các nhu cầu cơ bản của bé mà bé vẫn quấy khóc, bé có thể đang đối mặt với điều gì khác khó chịu. Bạn hãy kiểm tra nhiệt độ của bé để xem bé có bị sốt hay không và hãy cảnh giác với việc bé có thể bị ốm.
Trẻ quấy khóc khi ốm hay tiếng khóc của một đứa trẻ bị bệnh sẽ khác với tiếng khóc khi đói hoặc khi tâm trạng không tốt. Nếu tiếng khóc của bé nghe có vẻ không ổn, hãy tin vào trực giác và đưa bé đi gặp bác sỹ ngay.
Theo Baby Center
Lily Nguyễn lược dịch