Bé bị sốt là biểu hiện của cơ thể phản ứng lại sự xâm nhập của các loại vi khuẩn, virus gây bệnh. Đối với những người lần đầu làm mẹ, bé bị sốt chính là nỗi lo lớn vì nếu như không biết cách hạ sốt kịp thời, con có thể gặp các biến chứng nguy hiểm.
Bạn đang đọc: Bé bị sốt và cách hạ sốt cho bé nhanh chóng
Thực tế, tình trạng sốt có nguy hiểm, có gây tác động xấu đến sự phát triển sau này của trẻ hay không? Hãy cùng Blogtretho.edu.vn tìm hiểu về nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết bé bị sốt cũng như những cách hạ sốt hiệu quả nhất nhé!
Contents
1. Nguyên nhân khiến bé bị sốt
Có nhiều nguyên nhân khiến bé bị sốt. Thông thường, có 3 nguyên nhân chính sau:
- Virus, vi khuẩn
– Nhiễm virus là nguyên nhân hàng đầu gây sốt ở trẻ em. Bệnh thường tự giới hạn trong vòng 7 ngày. Tuy nhiên cũng có một vài virus có thể khiến bé bị sốt sốt kéo dài chẳng hạn như Cytomegalovirus (CMV), virus gây viêm gan và vài loại Arbivirus. Biểu hiện sốt trên bệnh nhi bị nhiễm HIV/AIDS có thể do bản thân virus hoặc là do các bệnh nhiễm khuẩn kèm theo gây ra.
– Vi khuẩn là nguyên nhân tiếp theo khiến bé bị sốt. Các bệnh lý nhiễm khuẩn thường gặp là nhiễm khuẩn hô hấp (viêm phổi, viêm họng, viêm amydan), nhiễm khuẩn tiêu hóa (tiêu chảy, lỵ…), nhiễm khuẩn tiết niệu, nhiễm khuẩn tai…
- Mọc răng
Trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên và đang trong quá trình mọc răng cũng có thể bị sốt.
- Tiêm phòng
Sau khi bé được tiêm phòng các loại văc xin chủng ngừa, thành phần nào đó của thuốc có thể sẽ khiến bé bị sốt. Tình trạng này không gây nguy hiểm, thường sẽ tự hết sau 1 – 2 ngày nên bố mẹ cũng đừng quá lo lắng nhé.
Với những bé bị sốt cao trên 38,5 độ C rất có thể bé đã mắc phải những bệnh nguy hiểm như sốt rét, sốt xuất huyết, viêm màng não… nên các bố mẹ cần theo dõi kỹ tình trạng sốt cũng như các biểu hiện triệu chứng đi kèm của bé (run, xuất huyết, co giật, khó thở, người tím tái, li bì… ) để xử lý kịp thời.
2. Dấu hiệu bé bị sốt
- Đa số các ông bố bà mẹ đều cho rằng bé bị sốt là khi nhận thấy người bé nóng hơn bình thường bằng cách dùng tay mình sờ trán bé. Tuy nhiên, để xác định tình trạng bé bị sốt một cách chính xác thì cần căn cứ thêm vào các biểu hiện đi kèm. Lời khuyên cho các mẹ là nên có sẵn một chiếc nhiệt kế trong nhà để xác định chính xác nhiệt độ cơ thể trẻ, từ đó có cách hạ sốt kịp thời nếu bé bị sốt cao.
- Theo các chuyên gia, nhiệt độ cơ thể bình thường của trẻ sơ sinh là khoảng 36,5 – 37,5 độ C. Ở mỗi bộ phận cơ thể khác nhau, nhiệt độ cơ thể cũng có sự chênh lệch:
– Nhiệt độ bình thường ở nách là 34,7 – 37,3 độ C
– Nhiệt độ bình thường đo ở tai khoảng 35,8 – 38 độ C
– Nhiệt độ bình thường ở miệng khoảng 35,5 – 37,5 độ C
– Nhiệt độ bình thường đo ở hậu môn khoảng 36,6 – 38 độ C
Thông thường, nhiệt độ của trẻ em được đo chuẩn xác nhất là ở miệng, nách hoặc hậu môn. Ở bé dưới 1 tuổi, thường sẽ được đo nhiệt độ ở hậu môn và nách. Bé bị sốt là khi nhiệt độ đo được ở hậu môn từ 38 độ C trở lên và ở nách từ 37,5 độ C trở lên.
3. Ý nghĩa của sốt
3.1 Sốt là một đáp ứng có lợi cho cơ thể bé
Theo nhiều kết quả nghiên cứu thì khi bé bị sốt, cơ thể sẽ có những đáp ứng có lợi về mặt ý nghĩa sinh học, bởi vì:
- Khả năng tiêu diệt vi khuẩn của cơ thể bé tăng
- Đề kháng của cơ thể bé tăng
- Giảm lượng sắt trong huyết thanh, đồng thời tăng lượng protein gắn sắt, ferritin. Điều này khiến cho nồng độ sắt tự do trong máu giảm, làm giảm sự sinh sản của vi khuẩn.
3.2 Các bất lợi của sốt
Bên cạnh những “mặt lợi” nói trên, thì sốt cũng có những bất lợi nhất định vì khi bé bị sốt, tức là thân nhiệt tăng, cơ thể bé có thể sẽ có những rối loạn nhất định:
- Thứ nhất, những rối loạn chuyển hóa như: chuyển hóa năng lượng, chuyển hóa glucid, chuyển hóa lipid, chuyển hóa protid, tăng nhu cầu vitamine.
- Thứ hai, các rối loạn chức năng như: thần kinh (đau đầu, nhức mỏi toàn thân, co giật), tuần hoàn (tăng nhịp tim, tăng huyết áp), hô hấp, tiêu hóa (đắng miệng, bỏ bú, khô niêm mạc môi miệng, giảm tiết dịch và nhu động ống tiêu hóa gây khó tiêu, táo bón)…
Nhìn chung, các rối loạn này khi bé bị sốt không gây di chứng gì ở bé bình thường, nhưng với các bé đang trong tình trạng sốc hoặc có bất thường về tim phổi có thể gây những bất lợi lớn, hoặc tổn thương não. Vì vậy, các mẹ phải theo dõi kỹ bé để xử lý đúng đắn.
Tìm hiểu thêm: Trẻ sơ sinh bị ho và những sai lầm mẹ thường mắc phải
4. Những cách hạ sốt cho bé nhanh chóng, hiệu quả
Khi bé bị sốt, các mẹ nên thực hiện những cách hạ sốt sau đây:
4.1 Hạ sốt bằng phương pháp vật lý
Bố mẹ có thể hạ sốt cho con bằng cách lau người hoặc sử dụng phương pháp da tiếp da
- Lau nước ấm: Cách hạ sốt này vô cùng đơn giản nhưng hiệu quả lại cao
– Đầu tiên, mẹ hãy thay quần áo thoáng rộng, chất liệu mềm mịn, dễ chịu cho bé,
– Dùng khăn mềm nhúng nước ấm lau người, nhất là vùng bẹn, nách… Cơ thể bé sẽ dịu lại ngay. Nhưng các mẹ cần nhớ một điều là tuyệt đối không đắp khăn lên ngực bé vì như thế có thể khiến nguy cơ viêm phổi tăng cao.
– Sau đó, hãy để bé nằm ở nơi thoáng mát nhưng tránh gió lộng, đồng thời bổ sung nước cho bé
– Liên tục theo dõi nhiệt độ cơ thể bé bằng nhiệt kế cách 4 giờ 1 lần.
- Da tiếp da:
– Khi bé bị sốt, mẹ hãy cởi bỏ quần áo của trẻ, chỉ cho con mặc bỉm, rồi áp bụng con vào bụng mẹ. Lúc này, mẹ chỉ cần mặc 1 chiếc áo rộng hoặc phủ chăn ngang qua ngực mẹ và bé, rồi kê cao đầu và lưng khoảng 45 độ để hai mẹ con cảm thấy thoải mái.
– Khi thực hiện như vậy, phần ngực của mẹ tự động điều chỉnh để “làm mát” cho bé, đáp ứng đúng nhiệt độ cơ thể cần thiết. Đây chính là một cách hạ sốt đang rất phổ biến hiện nay.
4.2 Hạ sốt bằng một số dược liệu dân gian
- Cây diếp cá
Rau diếp cá là vị thuốc kháng sinh tự nhiên điều trị hiệu quả khi bé bị sốt. Mẹ hãy thực hiện theo hướng dẫn sau:
– Lấy 1 nắm diếp cá đem rửa sạch, giã nát
– Cho nước vo gạo vào, lọc lấy khoảng 1 bát nước diếp cá
– Đun sôi khoảng 20 phút, để nguội, rồi cho bé bị sốt dùng 2 – 3 lần/ ngày.
– Mẹ có thể kết hợp giữa việc cho bé uống nước rau diếp cá và chườm bã rau diếp cá để hạ sốt nhanh cho con.
- Cỏ nhọ nồi
Đây cũng là một cách hạ sốt mang lại hiệu quả đáng kể:
– Rửa cỏ nhọ nồi thật sạch, sau đó ngâm lại bằng nước muối đun sôi để nguội, rồi vớt ra cho vào cối giã nát.
– Lọc lấy nước, đun sôi lên, để nguội, rồi cho bé uống liều lượng khoảng 50ml, ngày 2 – 3 lần.
– Mẹ có thể kết hợp dùng bã nhọ nồi cho vào khăn sạch, đắp trán cho bé.
4.3. Hạ sốt bằng thuốc
- Bất kỳ loại thuốc điều trị nào, kể cả thuốc hạ sốt cho trẻ cũng phải có chỉ định của bác sĩ. Phụ huynh không nên tự ý dùng thuốc hạ sốt cho bé. Khi bé bị sốt, thường sẽ được chỉ định hạ sốt bằng Acetaminnophen hoặc Ibuprofen. Loại thuốc hoặc liều dùng còn phụ thuộc vào từng trường hợp bệnh nhi cụ thể. Nói cách khác, tùy theo tình trạng từng bệnh nhi (thể trạng, mức độ sốt, diễn tiến sốt, triệu chứng bệnh đi kèm…) các bác sĩ sẽ có những chẩn đoán và điều trị cụ thể.
- Trong quá trình cho bé bị sốt uống thuốc, bố mẹ cũng nên kết hợp việc chườm mát bằng nước ấm và cho bé uống thêm nước.
- Bố mẹ hãy lưu ý là phải lập tức đưa bé đi bệnh viện khi thân nhiệt bé tăng cao, không có dấu hiệu giảm hoặc sốt kèm các triệu chứng run, co giật, li bì, tím tái.
>>>>>Xem thêm: Muốn trẻ sơ sinh khỏe mạnh mỗi ngày, mẹ đừng quên 5 mẹo sau khi chăm trẻ
Bé bị sốt là biểu hiện thông thường khi cơ thể sản sinh ra những kháng thể chống lại bệnh. Tuy nhiên, nếu không biết chăm sóc đúng cách thì chính những sai lầm trong cách hạ sốt cho con có thể khiến tình trạng bệnh của bé dài hơn, thậm chí khiến bé gặp nguy hiểm. Hy vọng bài viết này sẽ góp phần giúp các bố mẹ bảo vệ sức khỏe con yêu thật tốt!
Mỹ Tiên tổng hợp