Thai 24 tuần là thời điểm em bé của bạn thay đổi rõ hơn vì bé bắt đầu tích mỡ dưới da, trở nên bớt nhăn nheo. Bé cũng bắt đầu mọc nhiều tóc hơn và trông càng giống trẻ sơ sinh. Chúng ta hãy cùng xem những điểm nhấn quan trọng của cả bạn và bé trong tuần thai này nhé.
Bạn đang đọc: Thai 24 tuần – sự phát triển của thai nhi và những việc mẹ bầu cần cân nhắc
Contents
1. Sự phát triển của thai nhi 24 tuần
1.1. Hoạt động và sự phát triển của thai nhi 24 tuần
Thai nhi 24 tuần tuổi có một số đặc điểm nổi bật như:
- Cử động của bé đã mạnh mẽ hơn và bạn có thể dễ dàng nhận biết được. Bé lúc này hoạt động khá thường xuyên vì cơ bắp của bé đang lớn dần.
- Tai trong của bé đã phát triển hoàn thiện. Đây là cơ quan kiểm soát cảm giác cân bằng và giúp bé cảm nhận được mình đang hướng lên hay xuống trong bụng mẹ.
- Phổi của bé được hình thành, nhưng nó chỉ sẵn sàng hoạt động bình thường khi bé ra khỏi bụng mẹ sau khi bắt đầu sản xuất một chất gọi là hoạt chất tạo tính bề mặt (có tác dụng làm tăng diện tích bề mặt phế nang dành cho việc trao đổi khí). Quá trình sản xuất này sẽ bắt đầu trong những tuần tới, thường vào khoảng tuần thứ 26.
- Vào tuần thai này, có những thời điểm chuyển động của bé có vẻ tăng lên ví dụ như trước giờ bạn đi ngủ, và những lúc bé ít hoạt động ví dụ như lúc bé đang bận ngủ. Tại những buổi khám thai định kỳ, bác sỹ sẽ hướng dẫn cho bạn một cách cụ thể về việc theo dõi chuyển động của thai nhi. Việc này rất quan trọng vì nó là một trong những cách giúp bạn và bác sỹ biết được bé vẫn đang khỏe mạnh và phát triển bình thường.
1.2.Kích thước của thai nhi 24 tuần
Ở 24 tuần thai, em bé của bạn đã lớn cỡ một quả bắp, với cân nặng khoảng gần nửa ký và chiều dài đầu – mông khoảng 20cm.
2. Cơ thể mẹ bầu ở tuần thai thứ 24
Khi mang thai được 24 tuần, không chỉ em bé thay đổi khá nhanh, mà cơ thể bạn cũng vậy. Lúc này, bạn đã gần như sắp đi qua hết tam cá nguyệt thứ hai (kết thúc vào tuần thai thứ 27). Đến giai đoạn này, bạn có thể đã tăng khoảng 4.5 – 6.5 kg và bụng của bạn vẫn đang phát triển từng ngày. Khi bụng lớn dần, và nếu bạn đang duy trì chế độ tập luyện một môn thể thao nào đó, thì một chiếc đai bụng hoặc lưng sẽ hỗ trợ rất tốt cho bạn khi tập.
Việc ăn uống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên sẽ giúp bạn cảm thấy tốt hơn cả về thể chất lẫn tinh thần. Bên cạnh đó, giữ dáng khi mang thai cũng giúp bạn dễ dàng giảm số cân nặng bạn đã lên trong thai kỳ sau khi sinh em bé.
2.1. Triệu chứng
Ngoài việc lên cân, bạn có thể trải qua những triệu chứng sau:
- Sự thay đổi của làn da : nội tiết tố thay đổi có thể khiến da bạn sạm đi bao gồm da mặt, một số vùng da trên cơ thể và đường sẫm dọc bụng của bạn. Sau khi sinh, những vùng sắc tố này sẽ mờ theo thời gian. Theo các chuyên gia thì việc tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời và sử dụng kem chống nắng sẽ giúp làm giảm tình trạng nám da. Ngoài ra, việc lên cân còn khiến một số chị em bị tình trạng rạn da tại các khu vực như ngực, mông, đùi và đặc biệt là bụng. Dù bạn không thể ngăn da mình bị rạn, nhưng có thể hạn chế chúng bằng cách bôi các loại kem, dầu đặc trị dành cho mẹ bầu. Những loại kem, dầu này còn có tác dụng làm giảm tình trạng ngứa ngáy do da bị căng.
- Đau dây chằng tròn : bạn có thể cảm thấy đau một hoặc cả hai bên bụng hoặc vùng hông do dây chằng tại khu vực này đang chịu áp lực và bị căng ra. Để làm giảm cảm giác đau này, bạn hãy nhẹ nhàng thực hiện động tác kéo giãn người hoặc thay đổi tư thế. Nếu cơn đau không giảm mà trở nên dữ dội kèm theo sốt hoặc chảy máu, hoặc nếu bạn lo lắng, hãy đến gặp bác sỹ hoặc cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám.
Tìm hiểu thêm: Bà bầu có nên ăn ổi không và câu trả lời chi tiết cho mẹ
- Vấn đề về giấc ngủ : chiếc bụng tròn của bạn lúc này sẽ khiến bạn khó ngủ hơn vì bạn không thấy tư thế nằm nào là thoải mái cả. Bạn có thể nằm nghiêng (tốt nhất là bên trái), chân co lại với một chiếc gối mềm đặt giữa hai chân và một chiếc kê dưới bụng. Đây là tư thế nằm tốt cho bà bầu và chúng cũng giúp bạn thấy dễ chịu hơn.
- Mất thăng bằng và chóng mặt : chiếc bụng đang phát triển của bạn ảnh hưởng đến sự phân bố trọng lượng cơ thể và khiến bạn dễ mất thăng bằng. Ngoài ra, sự thay đổi về lưu thông máu cũng làm bạn dễ dàng bị chóng mặt, đặc biệt khi mới thức dậy hay thay đổi vị trí vì vậy tại những thời điểm này bạn hãy di chuyển thật chậm. Khi bị chóng mặt bạn hãy nằm nghiêng nếu có thể. Nếu thấy lo lắng, bạn hãy hỏi ý kiến bác sỹ để được tư vấn thêm.
- Chuột rút chân : đây là tình trạng khá phổ biến mà bạn có thể gặp cho tới khi sinh em bé. Dù các chuyên gia vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính xác của chuột rút, nhưng để giảm tình trạng này họ khuyên phụ nữ mang thai nên kéo căng cơ bắp chân trước khi ngủ, thường xuyên tập thể dục để duy trì thể lực và uống nhiều nước.
2.2. Những việc bạn cần cân nhắc ở tuần thai thứ 24
Đến thời điểm này, có một số việc bạn cần xem xét và cân nhắc, bao gồm:
- Kiểm tra đường huyết : xét nghiệm này thường được thực hiện trong khoảng tuần thai thứ 24-28. Nó sẽ giúp bác sỹ xác định nguy cơ bị tiểu đường thai kỳ của bạn. Thông thường, bác sỹ sản khoa sẽ chỉ định bạn thực hiện xét nghiệm này. Nếu không, bạn hãy hỏi họ để được tư vấn cụ thể.
- Điều chỉnh lịch trình và thói quen sinh hoạt hằng ngày : có một số thói quen sinh hoạt bạn cần phải thay đổi hoặc điều chỉnh khi bụng của bạn lớn dần. Ví dụ như việc thắt dây an toàn đúng khi lái xe (vòng đai an toàn phải nằm dưới phần bụng bầu của bạn, và phần dây chéo vòng qua bụng qua giữa ngực), mang/ xách đồ nặng, đi giày cao,…Tất cả những việc có thể làm tăng nguy cơ khiến bạn dễ ngã hoặc ảnh hưởng đến thai nhi đều cần được tránh hoặc thay đổi cho phù hợp.
- Điều chỉnh việc quan hệ tình dục : nếu bạn không gặp vấn đề gì về sức khỏe và không có biến chứng gì trong thai kỳ thì việc quan hệ tình dục vẫn an toàn. Tuy nhiên, bạn vẫn nên tham khảo ý kiến bác sỹ về việc này nhé.
- Uống đủ nước : việc uống đủ chất lỏng một ngày là rất quan trọng vì nó giúp bạn được khỏe mạnh và hỗ trợ sự phát triển của em bé. Các chuyên gia khuyên bạn nên uống đủ 10 ly chất lỏng mỗi ngày (bao gồm nước, nước trái cây sữa và nước trong các món ăn như canh, súp). Nếu bạn thường xuyên quên uống nước, hãy cài đặt chế độ nhắc nhở trong điện thoại hoặc tải những ứng dụng để tự nhắc mình.
>>>>>Xem thêm: Có bầu có quan hệ được không và tư thế “yêu” nào tốt cho thai nhi
Thai 24 tuần đã rất gần với tam cá nguyệt thứ ba, nghĩa là mẹ và bé đã đi được hơn nửa chặng đường của thai kỳ. Thai nhi 24 tuần tuổi vẫn đang phát triển từng ngày, và bạn cũng trải qua rất nhiều thay đổi. Bạn hãy tiếp tục duy trì lối sống lành mạnh để chuẩn bị sức khỏe thể chất và tinh thần thật tốt cho việc chào đón bé yêu nhé.
Theo Pampers
Lily Nguyễn lược dịch