Chăm sóc bà bầu 3 tháng đầu là việc mà bản thân mẹ bầu cũng như những người xung quanh cần rất lưu ý. Vì, đây là giai đoạn quan trọng, có ảnh hưởng đến các tam cá nguyệt sau cũng như sức khỏe sau này của cả mẹ và bé. Dưới đây là danh sách 23 việc nên thực hiện, bạn hãy tham khảo nhé.
Bạn đang đọc: Chăm sóc bà bầu 3 tháng đầu và danh sách 23 việc bạn nên thực hiện
Contents
- 1 1. Bạn hãy sắp xếp lịch hẹn với bác sỹ sản khoa
- 2 2. Bạn hãy bổ sung Acid folic hàng ngày
- 3 3. Bạn hãy hỏi ý kiến bác sỹ trước khi định uống bất kỳ loại thuốc nào
- 4 4. Bạn hãy bỏ thuốc lá
- 5 5. Bạn hãy bỏ cả rượu nữa
- 6 6. Bạn hãy giảm cả lượng caffein
- 7 7. Bạn hãy chú ý chế độ ăn uống của mình
- 8 8. Bạn hãy “làm bạn” với tình trạng ốm nghén
- 9 9. Bạn hãy chú ý đến những biểu hiện bất thường của cơ thể dù là nhỏ nhất
- 10 10. Bạn hãy tranh thủ nghỉ ngơi bất cứ khi nào có thể
- 11 11. Bạn hãy chuẩn bị tinh thần để nhìn thấy bé yêu qua hình ảnh siêu âm
- 12 12. Bạn hãy quyết định thời điểm thông báo “tin vui” với mọi người
- 13 13. Bạn hãy duy trì việc tập thể dục
- 14 14. Bạn hãy làm những việc nhà nhẹ nhàng thôi nhé
- 15 15. Bạn hãy bắt đầu các bài tập cơ sàn chậu
- 16 16. Bạn hãy đăng ký tham gia một lớp học tiền sản
- 17 17. Bạn hãy chia sẻ quá trình mang thai với chồng
- 18 18. Bạn hãy thay đổi nội y
- 19 19. Bạn có thể quan hệ tình dục nếu thấy hứng thú
- 20 20. Bạn hãy đi mát xa
- 21 21. Bạn hãy tính toán chi phí cần thiết cho thai kỳ và việc sinh em bé
- 22 22. Bạn hãy theo sát sự phát triển của em bé
- 23 23. Bạn hãy tham gia một hội/ nhóm về sinh nở và chăm sóc em bé
1. Bạn hãy sắp xếp lịch hẹn với bác sỹ sản khoa
Ngay khi bạn biết mình có thai, hãy sắp xếp lịch hẹn với bác sỹ sản khoa sớm nhất có thể, chậm nhất là vào tuần thai thứ 10-12. Vì, đây là thời điểm cần thực hiện một số siêu âm và xét nghiệm liên quan đến sức khỏe của thai nhi, đặc biệt là đo độ mờ da gáy để xác định em bé có mắc hội chứng Down hay không.
2. Bạn hãy bổ sung Acid folic hàng ngày
Khi biết mình có em bé, bạn nên bổ sung acid folic ngay. Đây là một vitamin nhóm B rất cần thiết giúp hạn chế dị tật ống thần kinh ở thai nhi.
Lượng acid folic Bạn cần mỗi ngày là khoảng 400 microgam (mcg). Bạn có thể mua viên uống này ở các hiệu thuốc.
Bên cạnh acid folic, bạn cũng cần 10 mcg vitamin D cũng như sắt và canxi. Thông thường, bác sỹ sản khoa sẽ chỉ định loại viên uống phù hợp với bạn. Bạn cũng nên áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh và cân bằng để nhận được vitamin và khoáng chất cần thiết một cách tự nhiên thông qua các loại thực phẩm.
3. Bạn hãy hỏi ý kiến bác sỹ trước khi định uống bất kỳ loại thuốc nào
Khi mang thai , đặc biệt trong tam cá nguyệt đầu tiên, bạn cần hết sức cẩn thận đối với việc dùng thuốc, kể cả thuốc điều trị hay thuốc không kê đơn, vì chúng có thể ảnh hưởng đến thai nhi. Vì vậy, hãy tham khảo ý kiến bác sỹ hoặc dược sỹ trước khi bạn định sử dụng bất kỳ loại thuốc nào.
4. Bạn hãy bỏ thuốc lá
Nếu bạn là người hút thuốc lá (chủ động hay thụ động) thì đây là thời điểm cần thiết bạn nên từ bỏ. Vì thuốc lá làm tăng nguy cơ sảy thai, thai ngoài tử cung hay sinh non. Khói thuốc còn có thể ảnh hưởng đến quá trình phát triển của thai nhi, làm tăng khả năng em bé sinh ra bị nhẹ cân.
5. Bạn hãy bỏ cả rượu nữa
Hiện chúng ta vẫn chưa xác định được liều lượng cồn nào là an toàn cho thai nhi. Vì vậy hầu hết các chuyên gia khuyên bạn nên bỏ rượu hoàn toàn khi mang thai.
Nếu bạn vẫn quyết định uống thức uống có cồn trong thai kỳ, hãy đợi ít nhất đến qua tam cá nguyệt thứ nhất vì nó có thể làm tăng nguy cơ sảy thai trong giai đoạn này. Thậm chí sau đó nếu bạn uống rượu, hãy hạn chế tối đa liều lượng đến khoảng 1-2 ly 1 lần và 1-2 lần 1 tuần.
6. Bạn hãy giảm cả lượng caffein
Bạn vẫn có thể thưởng thức 1 tách cà phê khi mang thai. Tuy nhiên, bạn cần giới hạn liều lượng xuống còn khoảng 200 mcg caffein/1 ngày. Nó tương đương với 2 tách cà phê uống liền hoặc 1 tách cà phê pha.
Nếu bạn thường xuyên uống hơn 200 mcg caffein mỗi ngày, bạn sẽ có nguy cơ bị sảy thai cao hơn.
Bạn cũng cần lưu ý rằng lượng 200 mcg caffein là bao gồm từ tất cả các nguồn. Trong đó bao gồm cả trà, nước uống có ga, nước tăng lực và sô cô la.
7. Bạn hãy chú ý chế độ ăn uống của mình
Với bà bầu, chế độ dinh dưỡng rất quan trọng. Và, một chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng sẽ giúp cung cấp đủ dinh dưỡng cho bạn và em bé đang phát triển.
Hãy lưu ý rằng bạn không cần phải “ăn cho hai người” trong tam cá nguyệt đầu tiên hay thứ hai. Chỉ cần chú ý ăn đủ các nhóm chất cũng như hạn chế các loại thực phẩm chế biến như pate, thịt tái, một số loại phô mai và chế phẩm sữa chưa được tiệt trùng hay các loại thịt động vật có vỏ chưa được nấu chín.
8. Bạn hãy “làm bạn” với tình trạng ốm nghén
Hầu hết các mẹ bầu đều bị ốm nghén ở mức độ khác nhau trong 3 tháng đầu thai kỳ. Để đối phó với tình trạng này, bạn hãy ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày, cũng như thử để biết được loại thực phẩm có thể khiến bạn dễ chịu như trái cây, bánh quy, kẹo hay bánh mì que.
Các triệu chứng ốm nghén sẽ giảm dần khi bạn bước qua tam cá nguyệt thứ hai. Tuy nhiên nếu mọi thứ vẫn tồi tệ, ví dụ như bạn bị nôn nhiều lần trong ngày hay không ăn uống được thì hãy đến gặp bác sỹ sản khoa để được tư vấn thêm.
9. Bạn hãy chú ý đến những biểu hiện bất thường của cơ thể dù là nhỏ nhất
Có một số triệu chứng trong thai kỳ mà bạn không nên bỏ qua. Khi thai nhi phát triển, tử cung lớn dần, bạn có thể bị chuột rút ở vùng bụng. Nếu bạn thường xuyên bị chuột rút hãy báo cho bác sỹ của bạn để được theo dõi nếu cần thiết. Nếu bạn bị chuột rút kèm với chảy máu âm đạo thì cần đến cơ sở y tế hoặc bác sỹ sản khoa để được thăm khám ngay.
10. Bạn hãy tranh thủ nghỉ ngơi bất cứ khi nào có thể
Trong 3 tháng đầu thai kỳ, bạn rất dễ bị mệt mỏi hay cảm thấy kiệt sức vì cơ thể phải thích nghi với sự thay đổi nhanh chóng của nông độ hormone trong cơ thể. Vì vậy bạn hãy tranh thủ nghỉ ngơi bất cứ khi nào có cơ hội, mặc dù việc này có thể khá khó khăn khi bạn đang làm việc.
Bạn cũng nên cố gắng đi ngủ sớm ít nhất 1 lần 1 tuần. Dù chưa thể ngủ ngay, bạn vẫn nên ngả lưng và thư giãn với một cuốn sách hoặc nhạc nhẹ. Hãy tắt điện thoại và quên công việc đi, vì một khi em bé ra đời, giấc ngủ sẽ trở nên rất xa xỉ đối với bạn.
Bạn cũng có thể bắt đầu tập ngủ nghiêng nếu bạn không quen với tư thế ngủ này trước đó. Vì khi bụng bạn lớn dần, tư thế nằm úp sẽ khiến bạn không thoải mái còn nằm ngửa sẽ ảnh hưởng không tốt tới thai nhi vì nó cản trở lượng máu lưu thông đến em bé.
Tìm hiểu thêm: Sảy thai tự nhiên và những điều có thể mẹ chưa biết
11. Bạn hãy chuẩn bị tinh thần để nhìn thấy bé yêu qua hình ảnh siêu âm
Nếu bạn không gặp bất kỳ biến chứng hay trở ngại nào trong thai kỳ, thì lần siêu âm đầu tiên (vào khoảng tuần thứ 10-14 của thai kỳ) có thể cho bạn biết ngày chào đời dự kiến của em bé.
Chuyên viên y tế sẽ kiểm tra nhịp tim của em bé và cho bạn biết ngày dự sinh .
Quá trình siêu âm thông thường kéo dài khoảng 20 phút. Tuy nhiên, bạn có thể phải đợi lâu hơn đến lúc em bé xoay lại vị trí thuận lợi để hình ảnh siêu âm được chính xác hơn.
12. Bạn hãy quyết định thời điểm thông báo “tin vui” với mọi người
Một số phụ nữ sẽ tiết lộ tin vui với người thân và bạn bè ngay khi biết mình mang thai. Một số khác thì lại đợi đến khi bước qua tam cá nguyệt thứ hai. Việc này tùy thuộc vào quan niệm, suy nghĩ và quyết định của bạn. Mặc dù đến tháng thứ 4 của thai kỳ trở đi, thì bụng bầu của bạn đã có thể lộ rõ, và lúc này thì bạn khó có thể “giấu” mọi người được nữa.
Nếu bạn đã từng trải qua biến chứng thai kỳ hay công việc của bạn có yếu tố nguy hiểm, thì bạn cần thông báo về việc mang thai của mình càng sớm càng tốt.
13. Bạn hãy duy trì việc tập thể dục
Việc tập thể dục thường xuyên và đều đặn sẽ giúp bạn có được sức khỏe tinh thần cũng như thể chất và sự kiểm soát cân nặng tốt hơn.
Chừng nào bạn còn cảm thấy thoải mái và khỏe mạnh thì bạn vẫn có thể tiếp tục những môn thể thao bạn yêu thích.
Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, bạn nên tham khảo ý kiến bác sỹ hoặc chuyên gia để được tư vấn thêm về những lưu ý cần thiết trong quá trình tập thể thao nhé.
14. Bạn hãy làm những việc nhà nhẹ nhàng thôi nhé
Khi làm việc nhà trong tam cá nguyệt đầu tiên, bạn cần đặc biệt chú ý đến các chất hóa học như chất tẩy rửa, vệ sinh,…vì nó có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của thai nhi. Bạn nên đeo găng tay khi tiếp xúc với những dung dịch có mùi mạnh hoặc có nhãn cảnh báo. Khi dọn dẹp vệ sinh nhà cửa hãy mở cửa sổ và tránh dùng các sản phẩm hóa chất chứa trong các can, bình phun.
Nếu công việc của bạn liên quan đến tia X hay hóa chất, hãy suy nghĩ và chuẩn bị kỹ khi bạn dự định có thai.
15. Bạn hãy bắt đầu các bài tập cơ sàn chậu
Các bài tập về cơ sàn chậu sẽ giúp bạn hạn chế được tình trạng són tiểu trong thai kỳ cũng như sau khi sinh con. Bạn có thể tham gia các lớp học tiền sản để được hướng dẫn các bài tập này.
16. Bạn hãy đăng ký tham gia một lớp học tiền sản
Bạn hãy đăng ký tham gia một lớp học tiền sản càng sớm càng tốt, thậm chí ngay từ khi bạn chưa có thai. Các lớp học này sẽ giúp bạn chuẩn bị những kiến thức cần thiết cho việc chăm sóc thai kỳ cũng như em bé sau sinh.
17. Bạn hãy chia sẻ quá trình mang thai với chồng
Là người “mang nặng đẻ đau” em bé, bạn có mối liên hệ trực tiếp với con ngay từ những giây phút đầu tiên khi con bắt đầu hình thành trong bụng, tuy nhiên, cha của bé thì không như vậy. Vì thế bạn hãy giúp anh ấy tạo mối liên kết với con ngay từ sớm bằng cách:
- Đề nghị bác sỹ cho anh ấy cùng nghe nhịp tim và xem hình ảnh siêu âm của em bé trong các buổi khám thai.
- Đề nghị anh ấy nói chuyện, đọc sách cho con.
- Đề nghị anh ấy cùng đi bộ với bạn.
- Cùng anh ấy lên kế hoạch về khám thai cũng như sinh con và chăm sóc em bé sau sinh.
18. Bạn hãy thay đổi nội y
Khi mang thai, cân nặng của bạn sẽ tăng lên, đặc biệt số đo vòng 1 có thể thay đổi nhanh chóng. Vì vậy ngay từ bây giờ bạn hãy chọn mua những bộ nội y dành riêng cho mẹ bầu để cảm thấy thoải mái hơn.
19. Bạn có thể quan hệ tình dục nếu thấy hứng thú
Trong 3 tháng đầu thai kỳ, bạn có thể bị ốm nghén , mệt mỏi và không thoải mái nên không còn tâm trạng nghĩ đến chuyện vợ chồng.
Tuy nhiên, nếu bạn hoàn toàn khỏe mạnh và thấy thoải mái, cũng như không gặp bất kỳ vấn đề gì về sức khỏe thai kỳ (theo chẩn đoán của bác sỹ sản khoa) thì không có lý do gì ngăn cản bạn gần gũi với anh ấy để tăng sự gắn kết. Bạn hãy lựa chọn một tư thế thoải mái và tận hưởng niềm vui bên bạn đời nhé.
20. Bạn hãy đi mát xa
Nếu bạn bị đau đầu hoặc mệt mỏi, hay chỉ đơn giản là bạn cần được thư giãn, hãy tự thưởng cho mình một buổi mát xa. Hoặc bạn có thể nhờ chồng xoa bóp đầu, vai và lưng cho mình một cách nhẹ nhàng.
21. Bạn hãy tính toán chi phí cần thiết cho thai kỳ và việc sinh em bé
Bạn hãy lên kế hoạch thật chi tiết về những chi phí dành cho thai kỳ và việc sinh con để chuẩn bị chu đáo cũng như có thể cắt giảm những khoản không cần thiết.
22. Bạn hãy theo sát sự phát triển của em bé
Bạn có thể tìm hiểu thông tin về quá trình phát triển của thai nhi trên các trang thông tin uy tín của chính phủ cũng như các bệnh viện để có thể theo sát em bé qua từng tuần.
>>>>>Xem thêm: 8 thực phẩm giúp thai nhi dài chân từ trong bụng bà bầu nên ăn thường xuyên
23. Bạn hãy tham gia một hội/ nhóm về sinh nở và chăm sóc em bé
Không ai hiểu rõ được cảm giác cũng như tâm trạng của bạn bằng những phụ nữ trong cùng hoàn cảnh. Vì vậy bạn hãy tham gia một hội nhóm các bà mẹ và trò chuyện cùng họ để có thêm kinh nghiệm cũng như chia sẻ về những khó khăn của bản thân.
Việc chăm sóc bà bầu 3 tháng đầu không đơn thuần chỉ về thể lý mà còn về sức khỏe tinh thần nữa. Đây là giai đoạn quan trọng có ảnh hưởng đến các tam cá nguyệt sau cũng như khi mẹ đã sinh. Vì vậy, ngoài việc chủ động chăm sóc bản thân, bạn hãy để người thân và những người xung quanh góp phần giúp bạn và em bé được vui khỏe, thoải mái. Nhờ đó, bạn có thể chuẩn bị tốt nhất cho việc đón em bé ra đời nhé.
Theo Baby Centre
Lily Nguyễn lược dịch