Dấu hiệu chuyển dạ là vấn đề khá quan trọng đối với mẹ bầu, đặc biệt đối với những người sắp đến ngày dự sinh. Việc nhận biết các dấu hiệu này sẽ giúp bạn chuẩn bị cả về tinh thần, thể chất và những việc cần thiết cho cuộc sinh nở. Vậy những biểu hiện nào của cơ thể báo hiệu em bé sắp chào đời, chúng ta hãy cùng tìm hiểu 6 dấu hiệu sớm và những việc liên quan cần chuẩn bị dưới đây nhé.
Bạn đang đọc: 6 dấu hiệu chuyển dạ sớm mọi mẹ bầu cần biết
Contents
1. Chuyển dạ là gì
Chuyển dạ là quá trình diễn ra vào cuối thai kỳ – khoảng từ tuần thai thứ 37 đến 42 (có thể sớm hơn) bao gồm các hoạt động của hệ thống sinh sản: mở cổ tử cung, co thắt tử cung để đẩy em bé cũng như nhau thai ra ngoài.
Khi cơ thể bắt đầu quá trình chuyển dạ, bạn sẽ nhận biết được qua 6 dấu hiệu: sa bụng, chảy máu âm đạo, sự cảm nhận về bản năng làm tổ, buồn nôn và tiêu chảy, các cơn co Braxton Hick và vỡ nước ối.
2. Nguyên nhân nào gây ra sự chuyển dạ
Không ai biết chính xác những gì gây ra sự khởi đầu của quá trình chuyển dạ . Một số nhà nghiên cứu cho rằng sự thay đổi nội tiết tố trong thai nhi khiến nhau thai sản sinh ra và làm tăng mức độ của một chất gọi là hormone giải phóng corticotrophin. Việc này làm thay đổi sự cân bằng hormone của cơ thể mẹ – vốn là yếu tố giữ cho tử cung ở trạng thái bình thường – và khởi động quá trình chuyển dạ. Sau đó cổ tử cung bắt đầu mềm và mỏng ra. Trong hầu hết các trường hợp, các cơn co thắt là dấu hiệu bắt đầu của sự chuyển dạ.
3. Sự chuyển dạ thật và chuyển dạ giả
Trong nhiều trường hợp, rất khó phân biệt được đâu là chuyển dạ thật và đâu là giả. Nếu bạn không chắc chắn, hãy đến cơ sở y tế để được thăm khám và được xác định chính xác bạn có thực sự đang chuyển dạ hay không.
Bạn cũng có thể theo dõi biểu hiện của cơ thể để biết được mình đang chuyển dạ thật hay giả dựa vào những điểm sau:
3.1. Dấu hiệu chuyển dạ giả
3.1.1. Các cơn co thắt
- Tần suất và cường độ không đều, sẽ biến mất theo thời gian
- Giảm theo chuyển động hay thay đổi vị trí
3.1.2. Các cơn đau
Thường chỉ nằm ở phía trước
3.2. Dấu hiệu chuyển dạ thật
3.2.1. Các cơn co thắt
- Tăng tần suất và cường độ theo thời gian
- Vẫn tồn tại dù cơ thể chuyển động hay thay đổi vị trí
3.2.2. Các cơn đau
Bắt đầu ở vùng lưng và lan dần ra phía trước.
4. Bạn cần chuẩn bị gì cho quá trình chuyển dạ và cuộc sinh nở
Để chuẩn bị cho quá trình chuyển dạ và cuộc sinh em bé, bạn nên thực hiện những việc sau:
- Học một khóa học tiền sản: các khóa này được các bệnh viện tổ chức thường xuyên. Bạn có thể sắp xếp lịch học phù hợp với mình, có thể kết hợp với lịch khám thai định kỳ của bạn.
- Chọn bệnh viện/ bác sỹ/ nữ hộ sinh: việc lựa chọn này sẽ giúp việc theo dõi thai kỳ cũng như sinh nở của bạn được thuận lợi hơn.
- Chuẩn bị những đồ dùng cần thiết cho thời gian bạn phải ở lại bệnh viện sau khi sinh. Dù đây là một việc khá nhỏ, nhưng sự tìm hiểu và sắp xếp chu đáo của bạn sẽ giúp cho “hành lý” đầy đủ nhưng gọn nhẹ, giảm tải cho bạn cũng như người chăm sóc.
Tìm hiểu thêm: Mối nguy nếu bà bầu bị phù chân khi mang thai tháng thứ 8
5. 6 dấu hiệu chuyển dạ sớm bạn cần lưu ý
Sau tuần thai thứ 37, bạn hãy theo dõi những biểu hiện của cơ thể để nhận biết được nếu quá trình chuyển dạ diễn ra, đặc biệt là 6 dấu hiệu dưới đây:
5.1. Sa bụng
Sa bụng là biểu hiện khá dễ nhận thấy vì phần bụng bầu của bạn sẽ tụt xuống, báo hiệu vị trí của em bé đã xuống thấp tới phần xương chậu. Lúc này bạn sẽ thấy rất nặng nhọc, khó thở, và thường xuyên mắc tiểu hơn vì tử cung gây áp lực lên bàng quang.
Đối với những phụ nữ sinh con so thì hiện tượng sa bụng có thể bắt đầu vài tuần trước khi chuyển dạ.
5.2. Máu báo xuất hiện
- Khi cổ tử cung mỏng đi để giãn nở chuẩn bị cho em bé đi qua, các mao mạch nhỏ sẽ vỡ ra tạo ra dịch tiết âm đạo màu hồng hoặc nâu. Cổ tử cung bắt đầu mềm ra là dấu hiệu dự báo quá trình chuyển dạ sắp xảy ra.
- Ngoài ra, khi em bé xuống thấp, phần đầu sẽ gây áp lực lên cổ tử cung, khiến nút nhầy cổ tử cung bung ra kèm theo ít máu. Hiện tượng này có thể xảy ra từ vài giờ đến vài tuần trước khi bắt đầu chuyển dạ. Nếu bạn bị chảy nhiều máu, nghĩa là có khả năng nhau thai gặp vấn đề gì đó, bạn cần đến bệnh viện ngay để được thăm khám.
5.3. Bạn cảm thấy sự thôi thúc của bản năng làm tổ
Một số phụ nữ cảm thấy mình tràn đầy năng lượng để chuẩn bị mọi thứ cho em bé một vài ngày trước khi quá trình chuyển dạ bắt đầu.
5.4. Nôn và tiêu chảy
Sự thay đổi hormone trước khi quá trình chuyển dạ diễn ra sẽ khiến bạn bị chuột rút, tiêu chảy và bao tử bị khó chịu dẫn đến tình trạng nôn ói.
5.5. Các cơn co Braxton Hick
Các cơn co Braxton Hick còn được gọi là cơn đau chuyển dạ giả , vì chúng diễn ra vài tuần trước khi bạn chuyển dạ thực sự, và không gây ra bất kỳ một thay đổi nào trong việc giãn cổ tử cung.
5.6. Vỡ ối
Khi túi ối bao quanh em bé bị vỡ, nước ối sẽ chảy ra ngoài theo đường âm đạo. Bạn có thể bị vỡ ối đột ngột và một lượng lớn nước ối chảy ra ngoài cùng một lúc, hoặc bạn bị rò rỉ nước ối từ từ. Mặc dù đối với hầu hết phụ nữ, khi vỡ ối thì quá trình chuyển dạ sẽ diễn ra. Lúc này tử cung sẽ co bóp với tần suất và cường độ tăng dần để đẩy em bé ra ngoài.
Tuy nhiên trong một số trường hợp, sự rò rỉ nước ối xảy ra một cách tự phát mà không có thêm dấu hiệu nào của sự chuyển dạ. Việc này có thể gây nguy hiểm cho em bé vì nguy cơ bị ngạt rất cao. Nếu bạn rơi vào trường hợp này thì cần đến cơ sở y tế ngay lập tức để được can thiệp kịp thời.
>>>>>Xem thêm: Trả lời 7 câu hỏi về phù chân khi mang thai mọi bà bầu đều muốn biết
Như vậy, dấu hiệu chuyển dạ sớm có thể diễn ra sớm hoặc chỉ một thời gian ngắn trước khi bạn sinh em bé. Vì vậy khi bước sang tuần thai thứ 38, bạn đừng nên chủ quan mà hãy theo dõi kỹ càng những thay đổi của cơ thể dù là nhỏ nhất, để có thể chuẩn bị tốt nhất cho cuộc sinh nở của mình bạn nhé.
Theo eMedicinelHealth.com
Lily Nguyễn lược dịch