Quá trình mang thai của phụ nữ gắn với rất nhiều vấn đề mà ngoài sức khỏe của họ và thai nhi, còn đủ các yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến thai kỳ của họ ở góc độ này hay góc độ khác. Những “yếu tố khác” này đôi khi đến từ kinh nghiệm về việc mang thai sinh con của những chị em đã từng mang thai trước đó, đến từ người thân bạn bè và thậm chí là từ tin đồn mà họ nghe được.
Bạn đang đọc: Quá trình mang thai và sự thật về 13 lời đồn đại mà các bà mẹ tương lai nên biết
Theo thống kê, trong các cặp vợ chồng hoặc các cặp đôi đang cố gắng để thụ thai thì chỉ có 30% thành công ở chu kỳ đầu tiên, 85% đạt được kết quả trong vòng 12 tháng và những cặp đôi khác có thể mất vài năm hoặc phải cần đến sự can thiệp y tế mới có thể có con. Và hầu hết các bà mẹ tương lai, cho dù thời gian chờ đợi để đón được con yêu là bao lâu, thì cũng cố gắng tìm hiểu tất cả những thông tin có liên quan đến việc mang thai và sinh con, để đảm bảo sự chuẩn bị tốt nhất cho thiên thần của mình. Thật không may là ngoài những điều hữu ích vẫn có những thông tin sai trái và không chính xác, dẫn đến những hiểu lầm tai hại, ảnh hưởng không tốt cho mẹ và bé trong quá trình mang thai. Và dưới đây là 13 lưu ý mang tính ngộ nhận mà mẹ bầu nên biết, để không vì nó mà quá lo lắng cho quá trình mang thai của mình:
Contents
- 1 1. Phụ nữ có phần hông rộng thì dễ sinh?
- 2 2. Kích cỡ và hình dáng bụng bầu cho biết giới tính của thai nhi?
- 3 3. Siêu âm không tốt cho thai nhi?
- 4 4. Nằm sấp không tốt cho thai nhi?
- 5 5. Bạn không thể chạy (trong tập thể thao) khi mang thai?
- 6 6. Tình trạng ốm nghén chị xảy ra vào buổi sáng và chỉ trong tam cá nguyệt thứ nhất?
- 7 7. Bạn không được với tay cao vì việc này sẽ làm cho em bé bị nghẹt thở?
- 8 8. Bạn nên tống khứ chú mèo nuôi của bạn?
- 9 9. Mọi phụ nữ đều cảm thấy hạnh phúc khi mang thai – đó là khoảng thời gian tuyệt nhất đời bạn?
- 10 10. Uống một chút sẽ không ảnh hưởng tới em bé?
- 11 11. Bạn sẽ giảm hết số cân nặng đã tăng khi sinh bé?
- 12 12. Mổ lấy thai là phương pháp sinh dễ dàng?
- 13 13. Thai nhi không bị tác động bởi những gì diễn ra bên ngoài?
1. Phụ nữ có phần hông rộng thì dễ sinh?
Phần hông rộng chủ yếu để chỉ phần xương chậu rộng – đó là phần lớn và cao nhất của hông. Tuy nhiên trên thực tế, khoảng cách giữa các đỉnh chậu không liên quan đến kích cỡ của đường sinh sản. Đó là hình dạng và kích cỡ của phần lỗ nằm giữa khung xương chậu. Nó được gọi là đầu vào xương chậu và có thể giống nhau dù phụ nữ có hông nhỏ hay lớn. Bên cạnh đó, khi gần đến ngày sinh, phần sụn và dây chằng vùng chậu sẽ giãn ra do tác dụng của hormone, khung chậu cũng vì vậy mà đàn hồi hơn để chuẩn bị cho việc sinh nở. Như vậy, việc dễ sinh hay không phụ thuộc vào độ dẻo dai của khung xương chậu, độ mở của cổ tử cung và nhiều yếu tố khác chứ không phải do hông to hay nhỏ.
2. Kích cỡ và hình dáng bụng bầu cho biết giới tính của thai nhi?
Sẽ thật tiện lợi nếu có thể xác định giới tính của em bé bằng cách này, tuy nhiên, thật không may, mọi thứ lại không đơn giản như thế. Vì thực tế thì kích thước và hình dáng của bụng bầu được quyết định bởi kích thước của em bé và vị trí của bé trong tử cung.
3. Siêu âm không tốt cho thai nhi?
Không có bằng chứng khoa học nào cho thấy việc siêu âm đúng cách có thể gây hại cho mẹ và thai nhi. Quá trình siêu âm không sử dụng bức xạ, mà dùng sóng âm thanh tần số cao để thu lại sự phản chiếu hình ảnh của thai nhi, với cường độ của các bước sóng này rất thấp và quy trình siêu âm cũng diễn ra khá nhanh. Vì vậy, rủi ro duy nhất mà các thai phụ có thể gặp phải là thời gian tiến hành các thủ tục kéo dài một cách không cần thiết hoặc nhân viên chưa được đào tạo và huấn luyện sử dụng thiết bị.
4. Nằm sấp không tốt cho thai nhi?
Em bé được bao bọc sâu trong các lớp cơ của tử cung và được bảo vệ. Vì vậy thai phụ có thể nằm sấp nếu thấy thoải mái. Nếu bạn vẫn thấy ổn và không bị khó chịu gì, thì có nghĩa là thai nhi cũng ổn.
5. Bạn không thể chạy (trong tập thể thao) khi mang thai?
Có thai không có nghĩa là bạn phải dừng việc chạy lại. Một phụ nữ với thai kỳ bình thường vẫn có thể chạy bộ trong suốt thai kỳ. Tuy nhiên bạn nên tránh hình thức tập luyện này nếu bạn có một thai kỳ phức tạp như bị cao huyết áp, bị nghén nhiều hoặc đơn giản là trước đây bạn chưa từng chạy bộ bao giờ.
6. Tình trạng ốm nghén chị xảy ra vào buổi sáng và chỉ trong tam cá nguyệt thứ nhất?
Ốm nghén vào buổi sáng là triệu chứng thường gặp ở phụ nữ có thai. Khoảng 80% phụ nữ trải qua tình trạng này ở một hình thức nào đó, tuy nhiên có khoảng 2% chỉ phải chịu đựng sự khó chịu này vào buổi sáng. Bất chấp tên gọi là “Ốm nghén vào buổi sáng”, ốm nghén có thể xảy ra ở bất kì thời điểm nào trong ngày. Một số chuyên gia còn đề xuất gọi đây là “Ốm nghén cả ngày”. Đối với phần lớn các thai phụ thì tình trạng này sẽ kết thúc sau tam cá nguyệt thứ nhất, tuy nhiên có đến 20% phụ nữ phải chịu đựng nó đến khi sinh.
7. Bạn không được với tay cao vì việc này sẽ làm cho em bé bị nghẹt thở?
Giơ tay cao không phải là nguyên nhân dẫn đến tình trạng dây rốn quấn cổ em bé – đó chỉ là lời đồn đại. Sự thật là các cử động của bạn không tác động được đến dây rốn. Ngoài ra, rất nhiều em bé sinh ra với dây rốn quấn cổ, và bác sỹ sẽ gỡ nó ra với chỉ 1 hoặc 2 thao tác chuyên môn.
8. Bạn nên tống khứ chú mèo nuôi của bạn?
Mèo có thể mang một loại mầm bệnh hiếm gặp là toxoplasmosis (gây ra bởi trùng cong ký sinh trên mèo) có thể gây hại, thậm chí là tử vong cho thai nhi nếu mẹ tiếp xúc phải khi mang thai. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là bạn phải từ bỏ chú mèo cưng càng sớm càng tốt khi có thai. Tốt nhất bạn nên tránh dọn chuồng hay chỗ ở của chúng, và nếu không ai có thể giúp bạn làm việc đó thì hãy đeo găng tay cao su và rửa tay ngay sau đó. Đối với loại trùng này cách dễ bị nhiễm nhất là khi ăn thịt (nhiểm khuẩn) còn sống hoặc chín tái.
Tìm hiểu thêm: Sinh thường: Những điều mẹ cần chuẩn bị sẵn sàng
9. Mọi phụ nữ đều cảm thấy hạnh phúc khi mang thai – đó là khoảng thời gian tuyệt nhất đời bạn?
Mọi người đều nghĩ rằng có thai là việc mang lại hạnh phúc lớn nhất cho người phụ nữ và đó là khoảng thời gian tuyệt vời nhất cuộc đời họ, tuy nhiên, nhiều thai phụ lại trải qua stress , bối rối, sợ hãi và một số cảm giác không vui vẻ khác. 14% – 23% phụ nữ thậm chí phải vật lộn với chứng trầm cảm thai kỳ. Hiện tượng này xảy ra là do sự thay đổi hormone tác động đến não bộ và chất hóa học mà nó tiết ra. Chứng trầm cảm nên được điều trị nếu không sẽ có những nguy cơ tiềm ẩn gây ảnh hưởng tới cả mẹ và em bé.
10. Uống một chút sẽ không ảnh hưởng tới em bé?
Khi một thai phụ uống 1 cốc bia hay rượu thì em bé của cô ấy cũng vậy. Alcohol có thể tự do ngấm vào nhau thai. Uống rượu trong thai kỳ sẽ tăng nguy cơ em bé sinh ra bị dị tật về thể chất, tinh thần, hoặc thần kinh. Tình trạng này có tên khoa học là “Fetal Alcohol Spectrum Disorder” (FASD – Hội chứng rối loạn ở thai nhi do rượu). Do trên thực tế không bác sỹ nào có thể cho bạn biết lượng rượu chính xác có thể gây ra FASD, vì vậy không có giới hạn nào được coi là an toàn và tốt nhất bạn nên tránh không dùng đồ uống có cồn trong thai kỳ.
11. Bạn sẽ giảm hết số cân nặng đã tăng khi sinh bé?
Cân nặng tăng lên trong thai kỳ bao gồm cân nặng của em bé, nhau thai, độ tăng kích cỡ của tử cung và bộ ngực, độ tăng của lượng máu và chất lỏng và chất béo chuẩn bị cho quá trình sinh nở và cho con bú. Sau khi sinh, cơ thể bạn sẽ giảm ngay trọng lượng của em bé, nhau thai và nước ối. Những tuần tiếp theo, bạn có thể giảm thêm trọng lượng của lượng chất lỏng. Phần còn lại là lượng chất béo cơ thể bạn đã tích tụ và thời gian để giảm số cân nặng còn lại này phụ thuộc bạn đã tăng bao nhiêu trong thai kỳ.
>>>>>Xem thêm: Cách làm những món ăn trị bệnh cho mẹ bầu từ cải bó xôi
12. Mổ lấy thai là phương pháp sinh dễ dàng?
Nhiều thai phụ muốn lựa chọn sinh mổ hơn là sinh thường mặc dù không có lý do hoặc yêu cầu y tế nào. Điều này là do nhiều người nghĩ răng sinh mổ thì an toàn và ít đau hơn (ít nhất là một số nguồn thông tin không đáng tin cậy viết như vậy). Trên thực tế thì sinh mổ cũng rất đau, nhưng khác với sinh thường, cơn đau sẽ bắt đầu sau khi em bé được sinh ra (sau khi thuốc tê đã hết tác dụng) ngoài ra nó còn có thể để lại những biến chứng trong tương lai. Sinh mổ chỉ được các bác sỹ khuyến cáo vì lý do y tế để cứu mẹ và bé khỏi một tình trạng nguy hiểm nào đó.
13. Thai nhi không bị tác động bởi những gì diễn ra bên ngoài?
Trong nhiều năm, các thai nhi được cho là không nhận thức được những gì xảy ra ở thế giới bên ngoài. Nhưng hiện nay các bác sỹ nhận ra rằng thai nhi có thể nghe được âm thanh, đặc biệt là tiếng của mẹ, âm thanh giúp bé bình tĩnh lại. Bé cũng có thể thấy được ánh sáng bên ngoài bụng mẹ và sẽ quay đi nếu nó quá sáng. Bé cũng có thể ngửi và nếm được mùi vị thức ăn qua nước ối . Bé cũng có thể mơ và phản ứng lại với thế giới xung quanh bé. Như vậy thực tế là bé bị tác động khá nhiều bởi những gì diễn ra ở thế giới bên ngoài.
Vì vậy, nói đến các thông tin liên quan đến quá trình mang thai, đừng tin tất cả những điều bạn nên hoặc không nên làm mà bạn đọc được trên mạng, hoặc do bà ngoại của bạn nói, tất nhiên nếu bà ấy không phải là một bác sỹ sản khoa.
Theo Bright Side
Lily Nguyễn lược dịch