Ngày an toàn của phụ nữ là khái niệm khá quen thuộc. Nhất là khi, chị em đang ngày càng quan tâm, theo dõi kĩ càng chu kỳ kinh nguyệt của mình. Đây được coi là những ngày mà khả năng mang thai ở tỷ lệ thấp nhất. Nhiều người cũng áp dụng cách này để tránh thai tự nhiên. Tuy nhiên, ngày an toàn có thực sự an toàn hay không, chúng ta hãy cùng tìm hiểu nhé.
Bạn đang đọc: Ngày an toàn của phụ nữ có thực sự an toàn không?
Contents
1. Ngày an toàn của phụ nữ là gì
Chúng ta biết rằng cơ thể phụ nữ trong độ tuổi sinh nở bình thường sẽ diễn ra hiện tượng rụng trứng và hành kinh . Sự rụng trứng diễn ra trước cùng với sự phát triển của lớp niêm mạc tử cung để chuẩn bị đón trứng đã được thụ tinh. Nếu quá trình thụ tinh diễn ra thành công bạn sẽ bắt đầu một thai kỳ. Nếu trứng không được thụ tinh, một khoảng thời gian sau lớp niêm mạc tử cung sẽ bong ra và bị loại bỏ ra ngoài kèm theo sự chảy máu, gọi là hành kinh.
1.1. Ngày rụng trứng
Ngày rụng trứng có thể là ngày thứ 14 của chu kỳ nếu bạn có chu kỳ 28 ngày. Hoặc nó thường diễn ra vào xung quanh khoảng giữa chu kỳ kinh nguyệt của bạn. Bạn có thể theo dõi chu kỳ của mình trong khoảng 8 – 12 tháng. Sau đó, bạn lấy chu kỳ ngắn nhất trừ đi 18 và chu kỳ dài nhất trừ đi 11. Khoảng cách giữa hai hiệu số trên chính là “cửa sổ sinh sản”, những ngày bạn có khả năng thụ thai cao.
1.2. Dấu hiệu rụng trứng
Trước khi trứng rụng, cơ thể bạn sẽ có một số dấu hiệu rụng trứng đặc trưng ví dụ như nhiệt độ cơ thể và chất nhầy cổ tử cung thay đổi. Một số chị em còn có thể bị đau bụng nhẹ, hoặc ra một chút máu trước ngày rụng trứng.
1.3. Thời gian tồn tại của trứng sau khi rụng
Sau khi rụng, trứng sẽ sống được từ 12 – 24 giờ. Nếu không gặp được tinh trùng và không được thụ tinh trong khoảng thời gian này, trứng sẽ bị phân rã, và bạn sẽ bị chảy máu kinh nguyệt 12 – 16 ngày sau đó.
Đối với tinh trùng, sau khi vào cơ thể bạn, chúng có thể sống được đến 5 ngày (thậm chí lâu hơn dù không thường gặp). Và khả năng tinh trùng gặp được trứng là rất cao nếu trứng rụng khi tinh trùng đang đợi sẵn trong ống dẫn trứng.
Như vậy, ngày an toàn của phụ nữ rơi vào khoảng trước khi trứng rụng 7 – 10 ngày, và sau khi trứng rụng 2 ngày. Đây là những ngày mà khả năng có thai của bạn ở tỷ lệ thấp. Vì vậy, nhiều người đã sử dụng cách quan hệ vào những ngày này để tránh thai.
2. Ngày an toàn của phụ nữ có thực sự an toàn
Dù rằng hệ thống sinh sản ở phụ nữ có cơ chế hoạt động nhất định. Tuy vậy, đây cũng là hệ thống vô cùng tinh vi và nhạy cảm. Các giai đoạn của nó có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố. Việc bạn bị căng thẳng, bạn thay đổi chế độ ăn uống hay tập thể dục với cường độ mạnh có thể khiến lịch rụng trứng thay đổi (dù bình thường chu kỳ của bạn khá ổn định và đều đặn).
Do vậy, ngày an toàn của phụ nữ cũng không thực sự an toàn nếu bạn muốn sử dụng để tránh thai tự nhiên .
Bạn có thể theo dõi chu kỳ của mình để tăng khả năng có thai. Nhưng nếu để tránh mang thai ngoài ý muốn, tốt nhất bạn nên sử dụng một biện pháp ngừa thai cụ thể. Bạn có thể trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn lựa chọn phương pháp phù hợp với mình nhất.
Tìm hiểu thêm: Ngày dễ thụ thai dựa vào thời điểm xác định ngày rụng trứng
3. Bạn cần lưu ý gì về ngày an toàn của phụ nữ
Về ngày an toàn của phụ nữ, bạn lưu ý rằng không có thời điểm nào trong chu kỳ của bạn được xem là tuyệt đối an toàn. Chúng ta đang xét đến vấn đề an toàn khi bạn quan hệ mà không sử dụng bất kỳ biện pháp tránh thai nào. Vì việc này có thể khiến bạn mang thai ngoài kế hoạch.
Bạn có thể có thai khi quan hệ không bảo vệ trong hoặc ngay sau ngày đèn đỏ. Bạn cũng có khả năng mang thai khi bạn chưa có kinh, vì thời điểm quan hệ có thể là giữa chu kỳ đầu tiên của bạn. Thậm chí bạn có thể mang thai ngay sau lần đầu tiên có quan hệ không bảo vệ.
Chính vì vậy, nếu bạn chưa có kế hoạch mang thai, bạn nên sử dụng một phương pháp tránh thai cụ thể. Việc dựa vào ngày an toàn để tránh thai sẽ đem lại cho bạn một tỷ lệ rủi ro nhất định.
4. Ý nghĩa của việc theo dõi chu kỳ kinh của mình
Ngày an toàn của phụ nữ có thể được xác định dựa vào việc theo dõi chu kỳ kinh nguyệt trong một khoảng thời gian nhất định. Có khá nhiều phương pháp hiệu quả để theo dõi chu kỳ kinh nguyệt cũng như thời gian rụng trứng. Phổ biến nhất hiện nay là sử dụng bộ dụng cụ theo dõi chu kỳ kinh nguyệt, theo dõi sự thay đổi nhiệt độ cơ thể hoặc theo dõi sự thay đổi chất nhầy cổ tử cung. Việc này sẽ giúp bạn nhận biết được chu kỳ của mình có ổn định đều đặn hay không để kịp thời đi thăm khám nếu có bất kì biểu hiện bất thường nào. Nó cũng giúp bạn biết được “cửa sổ sinh sản” hàng tháng của mình – là khoảng thời gian xung quanh thời điểm trứng rụng.
Sự theo dõi này có ý nghĩa trong việc bạn thực hiện kế hoạch có con hơn là kế hoạch tránh thai. Vì khi xác định được những ngày “màu mỡ” – ngày bạn có khả năng thụ thai cao nhất – bạn sẽ tận dụng để dễ dàng mang thai hơn.
Đối với kế hoạch sử dụng ngày an toàn của phụ nữ để tránh thai, bạn có thể gặp rủi ro. Vì bạn không biết được các yếu tố xung quanh tác động lên bạn, gây ảnh hưởng đến hiện tượng rụng trứng như thế nào.
>>>>>Xem thêm: Triệu chứng mang thai giả chị em cần hiểu rõ để vượt qua
Ngày an toàn của phụ nữ hiện nay đã được chị em chú ý không kém gì những ngày đèn đỏ. Dù mỗi người theo dõi để áp dụng những ngày này với mục đích khác nhau. Nhưng bạn nên luôn nhớ rằng ngày an toàn có ý nghĩa trong việc giúp tăng khả năng thụ thai của bạn hơn là khả năng tránh thai. Qua đó, bạn hãy có kế hoạch phù hợp khi dự định có con cũng như khi chưa muốn có em bé. Như vậy, bạn có thể chủ động chăm sóc sức khỏe của bản thân, cũng như sắp xếp mọi thứ liên quan đến cuộc sống của mình một cách thích hợp nhất.
Theo Healthline & NHS
Lily Nguyễn lược dịch