Dấu hiệu sắp có kinh và có thai nhất là dấu hiệu có thai sớm gồm những điểm khá giống nhau mà nếu không chú ý, chị em rất có thể bị nhầm lẫn. Việc nhầm biểu hiện có thai với sắp có kinh sẽ khiến giai đoạn cần nhiều sự chăm sóc, cũng như bổ sung một số chất đặc biệt cần thiết ở đầu thai kì có khả năng bị bỏ lỡ. Vì vậy chúng ta hãy cùng tìm hiểu về vấn đề này để có sự chuẩn bị chu đáo cho giai đoạn vàng – bắt đầu mang thai nhé.
Bạn đang đọc: Dấu hiệu sắp có kinh và có thai khác nhau như thế nào
Contents
1. Triệu chứng của chu kì kinh nguyệt là gì
Trước tiên chúng ta hãy cùng xem khi chuẩn bị đến kì kinh nguyệt thì bạn thường có những triệu chứng gì mà lại dễ nhầm lẫn với dấu hiệu có thai sớm đến thế.
Những biểu hiện của cơ thể khi sắp có kinh hay còn được gọi là hội chứng tiền kinh nguyệt là một tình trạng đặc trưng bởi các triệu chứng về cả tâm lý và thể chất, phát triển tại một số thời điểm sau khi bạn rụng trứng (giữa chu kì kinh nguyệt), và kết thúc khi chu kì kinh của bạn bắt đầu.
Các triệu chứng này có thể bao gồm: khó chịu, trầm cảm, mệt mỏi, khóc, đầy hơi, mụn trứng cá, đau ngực và thay đổi khẩu vị bao gồm thèm ăn. Trong khi 90% phụ nữ được cho là có một hoặc một số những biểu hiện trên khi gần đến ngày hành kinh, thì 20-30% phụ nữ trải qua những triệu chứng tiền kinh nguyệt nghiêm trọng.
2. Điểm tương đồng giữa các triệu chứng khi sắp có kinh và có thai sớm
Đối với nhiều phụ nữ các dấu hiệu mang thai sớm có thể giống với những người sắp đến kì kinh nguyệt hoặc hội chứng tiền kinh nguyệt. Trên thực tế, chúng ta không thể khẳng định được các dấu hiệu đó là của thai kì khi mới bắt đầu hay của một chu kì đèn đỏ.
Những biểu hiện tương đồng của hai hiện tượng sinh lý này bao gồm:
- Đau đầu : đau đầu có thể là triệu chứng của thai kì, nhưng nhiều phụ nữ cũng trải qua tình trạng này hoặc đau nửa đầu khi sắp đến chu kì kinh.
- Đau lưng : đây là một biểu hiện rất phổ biến của thai kì, và tương tự cũng rất hay gặp khi ngày đèn đỏ sắp tới.
- Thay đổi tâm trạng : thêm một dấu hiệu giống nhau nữa giữa giai đoạn mang thai sớm và khi sắp đến kì kinh đó là sự thay đổi tâm trạng. Đối với cả hai trường hợp, bạn đều có thể thấy lo lắng, cáu kỉnh hay trầm cảm.
- Táo bón : các hormone progesterone có thể dẫn đến rối loạn tiêu hóa trong đó có cả táo bón. Trong giai đoạn sau của chu kì kinh nguyệt, nồng độ progesterone tăng khiến táo bón có thể xuất hiện. Tương tự như vậy, hormone thai kỳ cũng là nguyên nhân có thể gây ra táo bón.
- Đi tiểu nhiều
- Đau bầu ngực : ngực bạn có thể bị sưng, đau và nhạy cảm trong cả hai trường hợp sắp có kinh và có thai.
3. Điểm khác biệt giữa các triệu chứng khi sắp có kinh và có thai
Dù có khá nhiều điểm giống nhau, nhưng giai đoạn sắp có kinh và có thai cũng có những biểu hiện khác biệt:
3.1. Triệu chứng giai đoạn tiền kinh nguyệt
- Chảy máu : Chảy máu nhiều, thậm chí rất nhiều khi bắt đầu có kinh
- Sự mệt mỏi : Mệt mỏi nhẹ và thường biến mất khi kì kinh bắt đầu
- Thay đổi khẩu vị : Thèm ăn hoặc tăng cảm giác thèm ăn trước khi ngày đèn đỏ bắt đầu
- Buồn nôn và nôn : Xuất hiện trong một số trường hợp
- Chuột rút : Chuột rút và đau ở vùng bụng và xương chậu, có thể kéo dài cả trong khi hành kinh
Tìm hiểu thêm: Cách sinh con gái cực chuẩn bố mẹ hãy tham khảo ngay
3.2 Triệu chứng giai đoạn đầu thai kì
- Chảy máu : Chảy một vài đốm máu nhẹ không đủ để thấm ướt băng vệ sinh hoặc tampon, xảy ra khi trứng thụ tinh cấy ghép vào niêm mạc tử cung. Hiện tượng chảy máu này còn gọi là máu báo thai .
- Sự mệt mỏi : Mệt mỏi nghiêm trọng và kéo dài, thường hết tam cá nguyệt đầu tiên hoặc đến hết thai kì trong một số trường hợp
- Thay đổi khẩu vị : Cảm giác thèm ăn hoặc ác cảm với một loại thực phẩm nào đó thường khá dữ dội nhưng lại dễ thay đổi. Riêng ác cảm với thực phẩm có thể kéo dài
- Buồn nôn và nôn : Triệu chứng thường gặp của phần lớn phụ nữ mang thai
- Chuột rút : Có thể xuất hiện chuột rút nhẹ
4. Những triệu chứng đặc trưng của thai kì
Có một số triệu chứng được xem là đặc trưng khi bạn mang thai và ít có khả năng xảy ra do kì kinh nguyệt sắp tới hay do hội chứng tiền kinh nguyệt. Chúng bao gồm:
- Mất kinh hoặc trễ kinh : việc không có kinh nguyệt là một biểu hiện rất đặc biệt của thai kì. Vì khi bạn có thai, buồng trứng sẽ nhận được tín hiệu và dừng việc rụng trứng. “Mọi nguồn lực” của cơ quan sinh sản và cả cơ thể lúc này sẽ tập trung cho sự phát triển của thai nhi. Và cô bạn kinh nguyệt sẽ “đi vắng” trong một thời gian khá lâu (40 tuần thai kỳ và một khoảng thời gian nhất định sau khi bạn sinh con, phụ thuộc vào việc bạn có cho bé bú mẹ hay không, nhiều hay ít).
- Chảy máu cấy ghép : khi trứng thụ tinh cấy ghép để làm tổ ở niêm mạc tử cung, một lượng máu nhỏ chảy ra có thể là kết quả (hiện tượng này không xảy ra ở mọi phụ nữ mang thai). Lượng máu này rất ít, chỉ là vài đốm nhỏ nhạt hoặc tươi màu, và dễ dàng khiến bạn nhầm lẫn với những ngày đầu của chu kỳ kinh nguyệt . Vì vậy, nếu thấy xuất hiện đốm máu nhỏ, rất có thể em bé của bạn đang bắt đầu hành trình lớn lên trong tử cung đấy.
- Dịch tiết âm đạo : sự tăng sản xuất hormone estrogen có thể dẫn đến tăng tiết dịch âm đạo màu trắng đục. Vì vậy, nếu bạn không có biểu hiện bất thường nào khác về các vấn đề phụ khoa, bạn nên kết hợp với những biểu hiện khác và liên hệ đến khả năng mang thai.
- Núm vú và quầng vú của bạn trở nên sậm màu : do tác động của hormone thai kì mà núm vú và quầng vú của bạn có trở nên sậm màu hoặc mở rộng (quầng vú). Hiện tượng này xảy ra sớm nhất là một đến hai tuần sau khi thụ thai và trong giai đoạn đầu thai kì. Đây không phải là dấu hiệu của hội chứng tiền kinh nguyệt hay khi sắp đến ngày đèn đỏ.
5. “Khoảng đợi 2 tuần” (2-week wait)
“Khoảng đợi 2 tuần” là một thuật ngữ đã được sử dụng để mô tả khoảng thời gian giữa thời điểm rụng trứng và trứng thụ tinh cấy ghép vào thành tử cung. Hoặc thời điểm ước lượng mà xét nghiệm thử thai có thể sẽ cho kết quả tương đối chính xác. Nhiều loại sản phẩm thử thai giúp bạn xác định được bạn có thai hay không ngay cả trước ngày có kinh nguyệt dự kiến.
Do vậy, bạn có thể dùng một que thử thai nhanh tại nhà để kiểm tra tình trạng của mình để sớm biết được mình có mang thai hay không. Việc này có vẻ như tốn ít thời gian và công sức của bạn hơn việc theo dõi, liệt kê và so sánh xem các triệu chứng xuất hiện là biểu hiện của thai kì hay của một kì kinh nguyệt sắp bắt đầu.
Khi bạn nghi ngờ mình có thai, hãy thực hiện thử thai tại nhà. Nếu kết quả dương tính (hoặc 2 vạch) bạn hãy đến gặp bác sỹ hoặc cơ sở y tế để được kiểm tra sớm. Nếu kết quả âm tính (hoặc chỉ có 1 vạch) và sau đó 1-2 tuần bạn vẫn không thấy kinh nguyệt xuất hiện, bạn cũng hãy đến bác sỹ để được thăm khám xem có gì bất thường hay không. Từ đó bác sỹ có thể chỉ định các phương pháp can thiệp nếu cần thiết để bảo đảm sức khỏe cho bạn.
>>>>>Xem thêm: 5 địa chỉ khám sức khỏe sinh sản ở Sài Gòn uy tín và tốt nhất hiện nay
Dấu hiệu sắp có kinh và có thai như đã phân tích ở trên đôi khi rất khó nhận biết một cách rõ ràng. Vì vậy, bạn nên theo dõi chu kì kinh nguyệt của mình thật cẩn thận để có thể thấy được bất kì điểm khác thường nào nếu có, bao gồm cả khả năng mang thai. Riêng đối với việc có thai, bạn càng biết được sớm thì càng có được sự chăm sóc một cách đúng đắn. Điều này góp phần đảm bảo sức khỏe cho cả bạn lẫn thai nhi trong suốt chặng đường dài, không những khi bé còn trong bụng mà đến tận sau này khi con chào đời và từng bước phát triển của bé.
Nguồn tham khảo: MedicineNet, Healthline & Medical News Today
Lily Nguyễn tổng hợp