Làm thế nào để biết có thai có lẽ là câu hỏi của rất nhiều mẹ khi có con lần đầu. Mặc dù có thai là việc rất dễ phát hiện vì cơ thể sẽ có nhiều biểu hiện đặc trưng. Tuy nhiên, có thể vì tâm trạng hồi hộp, mong ngóng mà bạn dễ nhầm lẫn các triệu chứng mang thai. Để xác định được cũng như tránh nhầm lẫn về tình trạng mang thai, chúng ta hãy cùng tìm hiểu các cách giúp nhận biết có thai như dưới đây nhé.
Bạn đang đọc: Làm thế nào để biết có thai – câu hỏi thường gặp của chị em lần đầu có con
Contents
1. Nhận biết có thai dựa vào biểu hiện của cơ thể
Khi có thai, cơ thể bạn diễn ra rất nhiều sự thay đổi, một trong số những dấu hiệu đặc trưng nhất gồm:
- Trễ kinh : đây là một trong những triệu chứng tiêu biểu nhất báo hiệu việc mang thai của bạn. Nếu bạn đang trong độ tuổi sinh nở và đã 1 tuần hoặc hơn trôi qua mà chu kì kinh của bạn chưa đến thì bạn rất có thể đã có thai. Tuy nhiên, dấu hiệu này có thể không chính xác nếu bạn có chu kì không đều hoặc bạn đang chịu tác động bởi một số yếu tố như sự căng thẳng, thay đổi môi trường ở hoặc làm việc,…
- Ngực sưng và nhạy cảm: sự thay đổi nội tiết tố ở giai đoạn sớm của thai kì có thể khiến ngực bạn bị sưng và đau. Sự khó chịu sẽ giảm dần sau vài tuần, khi cơ thể bạn đã điều chỉnh theo sự thay đổi này.
- Buồn nôn (có hoặc không kèm theo nôn): ốm nghén là tình trạng có thể tấn công bạn bất cứ thời điểm nào, ngày hay đêm, khi bạn mang thai. Nó thường bắt đầu một tháng sau khi bạn có thai. Tuy nhiên một số phụ nữ có thể trải nghiệm cảm giác buồn nôn sớm hơn và một số thì không bao giờ trải qua nó. Nguyên nhân gây ra tình trạng này hiện chưa được xác định rõ ràng, nhưng hormone thai kì có thể là một yếu tố tác động.
- Đi tiểu nhiều : khi có thai, bạn có thể thấy mình đi tiểu nhiều hơn bình thường. Điều này là do lượng máu trong cơ thể bạn tăng lên trong thai kì, khiến thận phải xử lý thêm chất lỏng và điểm kết thúc là bàng quang của bạn.
- Mệt mỏi : sự mệt mỏi cũng được “xếp hạng” khá cao trong số những dấu hiệu mang thai sớm . Trong thời kì đầu mang thai, nồng độ hormone progesterone tăng vọt có thể khiến bạn thấy mệt mỏi và buồn ngủ.
Một số biểu hiện khác ít phổ biến hơn bao gồm:
- Sự thay đổi tâm trạng : sự gia tăng hormone trong giai đoạn đầu thai kì có thể khiến cảm xúc của bạn lên xuống thất thường, do vậy sự thay đổi tâm trạng cũng là phổ biến.
- Đầy hơi : sự thay đổi nội tiết tố cũng là thủ phạm khiến bạn thấy đầy hơi khi mới mang thai. Tương tự như khi bạn chuẩn bị tới ngày đèn đỏ.
- Sự xuất hiện đốm máu : đôi khi một vài đốm máu nhỏ cũng là một trong những dấu hiệu đầu tiên của thai kì. Nó được biết đến như chảy máu cấy ghép, xảy ra khi trứng thụ tinh bám thành công vào niêm mạc tử cung – khoảng 10-14 ngày sau khi thụ thai. Sự chảy máu này diễn ra vào khoảng thời gian diễn ra chu kì kinh nguyệt, chúng ta thường gọi là máu báo thai , tuy nhiên không phải nó xảy ra ở tất cả phụ nữ mang thai.
- Chuột rút : một số phụ nữ bị co thắt tử cung nhẹ dẫn đến chuột rút trong thời kì đầu mang thai.
- Táo bón : lại một lần nữa sự thay đổi nội tiết tố là nguyên nhân dẫn đến một vấn đề của cơ thể bạn khi mang thai . Nó khiến hệ tiêu hóa của bạn làm việc chậm lại và tình trạng táo bón dễ dàng xảy ra.
- Sợ đồ ăn : khi mang thai, bạn có thể trở nên nhạy cảm hơn với một số mùi nhất định và khẩu vị của bạn cũng thay đổi. Giống như hầu hết các triệu chứng khác của thai kì, những sở thích về thực phẩm thay đổi theo sự thay đổi nội tiết tố.
- Nghẹt mũi : sự tăng nồng độ hormone và lưu lượng máu có thể khiến màng nhầy trong mũi của bạn sưng lên, khô và dễ chảy máu. Điều này khiến bạn bị nghẹt hoặc chảy nước mũi.
Tìm hiểu thêm: Thụ tinh nhân tạo hai phôi và những điều cần biết về quy trình này
Bạn nên lưu ý rằng khá nhiều triệu chứng ở trên không phải là triệu chứng “độc quyền” của thai kì, mà có thể là dấu hiệu của cơ thể thông báo bạn bị ốm hoặc bạn sắp tới ngày hành kinh. Cũng vậy, bạn có thể có thai mà không trải qua nhiều trong số các triệu chứng trên.
Do vậy, khi bạn bị chậm kinh kèm theo vài biểu hiện như liệt kê ở trên, bạn hãy thử kiểm tra tại nhà xem mình có mang thai hay không bằng cách sử dụng các bộ dụng cụ thử thai.. Nếu kết quả là hai vạch hoặc dương tính, bạn hãy đến cơ sở y tế để xác nhận lại.
2. Làm thế nào để biết có thai – Dựa vào các xét nghiệm
Ngoài các triệu chứng của cơ thể, bạn có thể sử dụng các phương pháp xét nghiệm từ đơn giản (thực hiện tại nhà) đến phức tạp hơn (thực hiện tại cơ sở y tế) để xác định cơ thể bạn có sự xuất hiện của hormone HCG (human chorionic gonadotropin) – loại hormone đặc trưng chỉ xuất hiện khi mang thai – hay không. Các phương pháp đó bao gồm:
2.1. Xác định việc mang thai qua xét nghiệm nước tiểu
Việc xét nghiệm nước tiểu có thể giúp phát hiện ra hormone HCG khoảng một tuần sau khi bạn bị chậm kinh. Việc thử nghiệm tại cơ sở y tế hoặc tại nhà (qua các que thử thai ). về cơ bản là giống nhau. Vì vậy hầu hết phụ nữ chọn thử thai tại nhà bằng các bộ dụng cụ có bán sẵn tại các nhà thuốc trước khi đến cơ sở y tế. Hiện nay có khá nhiều dạng dụng cụ thử thai tại nhà của các nhà sản xuất khác nhau được bán rộng rãi trên thị trường. Khi được sử dụng đúng cách, việc thử thai tại nhà bằng que thử cung cấp kết quả chính xác từ 97-99%.
2.2. Làm thế nào để biết có thai – Xác định qua xét nghiệm máu
Xét nghiệm máu để xác định mang thai được thực hiện tại cơ sở y tế. Nó giúp tìm thấy lượng hormone hCG nhỏ hơn và có thể xác nhận hay loại trừ việc mang thai sớm hơn xét nghiệm nước tiểu, thậm chí trước cả khi bạn bị trễ kinh một khoảng thời gian. Việc xét nghiệm máu cung cấp kết quả chính xác tới 99%. Nó thường được thực hiện để xác nhận kết quả thử thai tại nhà.
2.3. Xác định việc mang thai qua xét nghiệm nồng độ progesterone
Đo nồng độ preogesterone huyết thanh cũng là một cách xác định được bạn có thai hay không. Phương pháp này còn giúp đánh giá thai kì bất thường cũng như tầm soát thai ngoài tử cung ở giai đoạn sớm.
3. Nhận biết có thai qua phương pháp siêu âm
Siêu âm bằng đầu dò âm đạo là phương pháp được sử dụng tại cơ sở y tế để xác việc mang thai trong giai đoạn sớm của thai kì. Phương pháp này cung cấp kết quả có độ chính xác cao, giúp bác sỹ kiểm tra được không những việc bạn có thai hay không mà còn tình trạng thai nằm trong hay ngoài tử cung.
Mặc dù siêu âm bằng đầu dò âm đạo khá chính xác, tuy nhiên một số khu vực chỉ thực hiện phương pháp này chỉ khi bạn bị chảy máu âm đạo hay đau bụng (khi đã nghi ngờ có thai hoặc kết quả thử thai tại nhà là dương tính). Ngoài ra nó không được sử dụng đối với một số phụ nữ quá lo lắng về việc thăm dò âm đạo vì sợ ảnh hưởng đến việc mang thai và không đồng ý thực hiện phương pháp này.
>>>>>Xem thêm: Mang thai tuổi 40 những điều chị em cần biết
Làm thế nào để biết có thai có thể được giải đáp bằng những cách đã được chia sẻ ở trên. Các cách thực hiện này hầu như đều cung cấp kết quả khá chính xác. Vì vậy, khi nghi ngờ mình có thai, bạn hãy áp dụng việc thử thai tại nhà trước sau đó đến cơ sở y tế kiểm tra để xác nhận lại bạn nhé.
Theo Mayo Clinic & Medline Plus
Lily Nguyễn tổng hợp