Thai trứng là gì là câu hỏi không phải phụ nữ chuẩn bị mang thai nào cũng nắm được phần đáp án. Vì những việc cần tìm hiểu cũng như thực hiện khi có kế hoạch mang thai khá nhiều, do vậy thai trứng hay chửa trứng có lẽ không phải là ưu tiên hàng đầu cần biết của chị em.
Bạn đang đọc: Thai trứng là gì – những điều liên quan nhất định bạn nên biết
Chúng ta cũng cần biết rằng, thai trứng là gì nên là một vấn đề cần được chị em biết, quan tâm đến. Đây là một tình trạng khá nguy hiểm đối với sức khỏe và khả năng sinh sản của phụ nữ, thậm chí có thể ảnh hưởng đến tính mạng nếu nó tiến triển nghiêm trọng. Vậy chúng ta hãy cùng xem xét về tình trạng này và những vấn đề liên quan để có thêm thông tin nhé.
Contents
1. Thai trứng là gì
Thai trứng là tình trạng thai nhi không được hình thành đúng cách trong bụng mẹ và em bé không phát triển, thay vào đó là một khối tế bào bất thường. Chúng là kết quả sự tăng sinh bất thường của các tế bào nuôi trong gai nhau. Các tế bào này tạo thành những túi chứa dịch và dính chùm lại với nhau, lấn át buồng tử cung.
Thai trứng gồm hai dạng:
- Thai trứng bán phần : là tình trạng thai trứng có phôi thai nhưng bất thường và không thể phát triển thành em bé.
- Thai trứng toàn phần : là tình trạng thai trứng không có phôi thai
Một thai kỳ với thai trứng bán phần hay toàn phần đều cần được can thiệp để loại bỏ các tế bào bất thường, sau đó tiếp tục điều trị và theo dõi một thời gian trước khi diễn ra thai kỳ tiếp theo.
2. Triệu chứng thường gặp khi mang bầu thai trứng
Thai trứng dù không phải là một bào thai thật sự nhưng cơ thể vẫn sẽ có những triệu chứng thai nghén. Bên cạnh những dấu hiệu có thai như thông thường như trễ kinh, ốm nghén, thai trứng có thể gây ra những triệu chứng đặc trưng khác bao gồm:
- Chảy máu âm đạo trong tam cá nguyệt thứ nhất đặc biệt sau khi trễ kinh vài tuần. Lượng máu có thể ít hoặc nhiều, có màu nâu hoặc đỏ tươi, và thường chảy kéo dài (còn được gọi là rong huyết)
- Buồn nôn và nôn dữ dội
- Âm đạo tiết dịch hoặc khối nang bất thường
- Vùng chậu bị đau hoặc áp lực
- Bụng to hơn bình thường
Mặc dù những triệu chứng trên là dấu hiệu thường gặp ở một thai kỳ chửa trứng, nhưng nó cũng có thể là biểu hiện của một thai kỳ bình thường. Vì vậy điều quan trọng là khi nghi ngờ hoặc xác định được mình mang thai, bạn cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và xác định thai kỳ của mình có diễn ra bình thường hay không.
Quá trình khám thai có thể giúp phát hiện thêm những triệu chứng khác của tình trạng thai trứng như:
- Tử cung lớn bất thường (so với tuổi thai)
- Tình trạng huyết áp cao
- Nguy cơ tiền sản giật
- U nang buồng trứng
- Thiếu máu
- Cường giáp (tình trạng tuyến giáp hoạt động quá mức)
3. Nguyên nhân dẫn đến mang thai trứng
Thai trứng do một trứng thụ tinh bất thường gây ra. Tế bào người thường chứa 23 cặp nhiễm sắc thể, trong đó một nhiễm sắc thể trong mỗi cặp là đến từ người cha, còn lại là từ mẹ.
- Đối với thai kỳ chửa trứng bán phần : một trứng thụ tinh với hai tinh trùng dẫn đến phôi thai chứa đến 69 nhiễm sắc thể thay vi 46, do có thêm một bản sao vật liệu di truyền từ người cha. Lúc này mặc dù phôi thai hình thành nhưng bất thường và không thể phát triển thành em bé.
- Đối với thai kỳ chửa trứng toàn phần : một trứng không mang vật liệu di truyền thụ tinh với một hoặc hai tinh trùng. Trong trường hợp này, nhiễm sắc thể từ trứng bị mất hoặc bất hoạt, nhiễm sắc thể của người cha được nhân đôi, dẫn đến toàn bộ vật liệu di truyền của hợp tử là từ người cha.
Hiện tại, người ta mới chỉ nắm được cơ chế hình thành thai trứng chứ chưa xác định được nguyên nhân chính xác gây ra tình trạng này.
Tuy nhiên, có một số yếu tố dẫn đến nguy cơ mang thai trứng cao hơn bình thường, bao gồm:
- Độ tuổi mang thai : phụ nữ trên 35 tuổi và dưới 20 tuổi có nguy cơ mang thai trứng cao hơn
- Tiền sử mang thai : phụ nữ có tiền sử mang thai trứng có khả năng cao tiếp tục bị tình trạng này ở thai kỳ tiếp theo. Tỷ lệ lập lại trung bình khoảng 1/100 phụ nữ
- Chủng tộc : phụ nữ có nguồn gốc Châu Á có tỷ lệ mang thai trứng cao hơn
- Điều kiện sống : dinh dưỡng kém và bệnh lý đặc biệt những bệnh gây suy giảm miễn dịch cũng làm tăng nguy cơ chửa trứng ở phụ nữ.
Tìm hiểu thêm: Vợ và chồng cần chuẩn bị những gì trước khi có con?
4. Hướng điều trị thai trứng
Nếu siêu âm cho thấy bạn mang thai trứng, việc điều trị để loại bỏ khối thai sẽ được chỉ định. Các phương pháp điều trị tình trạng thai trứng gồm:
- Nạo hút thai trứng : các tế bào bất thường sẽ được hút ra bằng cách sử dụng máy hút áp lực âm với một ống mỏng đưa vào tử cung qua đường âm đạo.
- Dùng thuốc : nếu khối thai quá lớn và không thể sử dụng biện pháp hút, bạn có thể được cho dùng thuốc để đẩy khối thai ra ngoài qua đường âm đạo.
- Phẫu thuật cắt bỏ tử cung : trong trường hợp thai trứng là ác tính đã xâm lấn làm tổn thương tử cung hoặc phụ nữ không có ý định tiếp tục có con, thì phương pháp phẫu thuật cắt bỏ tử cung sẽ được chỉ định.
5. Quá trình theo dõi sau khi điều trị thai trứng
Điều trị tình trạng thai trứng có thể chưa loại bỏ được hoàn toàn những tế bào bất thường. Những tế bào còn sót lại thường tự biến mất trong vòng một vài tháng hoặc cũng có thể không. Do vậy việc theo dõi sau đó là rất cần thiết.
Quá trình theo dõi sẽ bao gồm thủ tục xét nghiệm máu hoặc nước tiểu thường xuyên để đo nồng độ hormone hCG – loại hormone đặc trưng của thai kỳ. Nếu sau khi điều trị mà nồng độ hormone này không có dấu hiệu giảm xuống có nghĩa là vẫn còn tế bào bất thường trong tử cung của bạn. Lúc này việc điều trị cần tiếp tục để loại bỏ các tế bào này.
Hầu hết phụ nữ cần xét nghiệm máu và nước tiểu thường xuyên trong vòng ít nhất 6 tháng đến một năm. Trong thời gian này và 6 tháng tiếp theo hoặc cho tới khi kết quả theo dõi của bạn ở mức bình thường, bạn không nên có thai.
6. Vấn đề quan hệ tình dục, tránh thai và mang thai lại sau điều trị chửa trứng
Sau khi điều trị thai trứng, bạn có thể quan hệ tình dục trở lại ngay khi thấy sẵn sàng về mặt sức khỏe và tinh thần. Tuy nhiên nếu bạn bị chảy máu sau điều trị, hãy đừng quan hệ cho đến khi tình trạng này chấm dứt.
Đối với vấn đề tránh thai, do bạn cần theo dõi ít nhất 6 tháng đến 1 năm, hoặc cho đến khi bác sỹ thông báo bạn có thể tiếp tục mang thai, nên trong thời gian này bạn cần sử dụng biện pháp tránh thai . Bạn có thể sử dụng bất kỳ phương pháp tránh thai nào, trừ dụng cụ tử cung. Phương pháp này chỉ nên dùng khi mức hCG của bạn trở lại bình thường.
Việc mang thai trứng không ảnh hưởng đến cơ hội mang thai tiếp theo của bạn, mặc dù tỷ lệ có thể tiếp tục chửa trứng vẫn có nhưng bạn không nên quá lo lắng. Ở thai kỳ tiếp theo, bạn nên đến cơ sở y tế thăm khám từ sớm và theo định kỳ để được theo dõi và phát hiện bất thường (nếu có) nhằm được can thiệp kịp thời khi cần thiết.
>>>>>Xem thêm: Dấu hiệu nhận biết mang thai con trai hay gái thú vị cho ba mẹ tham khảo
Thai trứng là gì qua những chia sẻ ở trên hy vọng đã phần nào giúp chị em có thêm thông tin cho sổ tay của mình. Mặc dù tỷ lệ mang thai trứng không phải quá cao nhưng nó đang ngày càng trở nên phổ biến hơn. Vì vậy khi có dấu hiệu mang thai, bạn hãy đến cơ sở y tế để được kiểm tra tình trạng thai kỳ của mình sớm nhất có thể, và sau đó hãy đi khám thai định kỳ đầy đủ bạn nhé.
Theo Mayo Clinic & NHS
Lily Nguyễn tổng hợp