Khám tổng quát tiền hôn nhân là một việc rất phổ biến mà các cặp đôi cùng nhau thực hiện trước khi kết hôn. Khi đời sống xã hội ngày càng được nâng cao thì mưu cầu sống khỏe mạnh – hạnh phúc cũng được cụ thể hóa và chuẩn bị một cách chu đáo nhất có thể, trước khi cuộc sống hôn nhân thực sự bắt đầu. Khám tổng quát tiền hôn nhân chính là một trong những bước chuẩn bị đó.
Bạn đang đọc: Khám tổng quát tiền hôn nhân và 6 loại xét nghiệm bạn cần thực hiện
Nếu bạn là người thuộc nhóm đối tượng chuẩn bị kết hôn thì việc khám tổng quát tiền hôn nhân nên nằm trong danh sách việc cần làm của bạn. Nó gồm 6 loại xét nghiệm tiêu biểu liên quan đến sức khỏe thể chất và sức khỏe sinh sản, hai yếu tố liên quan trực tiếp và có ảnh hưởng quan trọng đến đời sống hôn nhân của bạn sau này. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu về các xét nghiệm này cụ thể trong nội dung chia sẻ dưới đây.
Nhưng trước tiên, trước khi tìm hiểu về các xét nghiệm cần làm, chúng ta cùng theo dõi một câu chuyện khá thú vị liên quan đến chuyện xét nghiệm trước khi kế hôn nhé:
Một nhà thuyết giáo ở Nakuru (một hạt thuộc tỉnh Rift Valley ở Kenya – một quốc gia tại miền đông châu Phi) đã từ chối làm chủ hôn một đám cưới, trong đó một cặp đôi sẽ được làm phép cưới để nên vợ chồng.
Joyce Waithera và Paul Waithaka đã dành ít nhất một triệu shilling (đơn vị tiền tệ của Kenya) để chuẩn bị cho ngày trọng đại của đời họ chỉ để cho Sứ đồ Jesse Karanja làm họ phải nản lòng cho những nỗ lực của mình.
Sứ đồ Jesse Karanja – như đã nói – đã yêu cầu cặp đôi trên xét nghiệm HIV và họ đã đưa giấy chứng nhận, tuy nhiên ông từ chối kết quả và yêu cầu họ xét nghiệm lại.
Khi kết quả xét nghiệm lần thứ hai được trưng ra với Jesse, ông tiếp tục từ chối vì cho rằng chữ viết tay của bác sỹ không đủ điều kiện. Sự việc kéo dài và đến 6 giờ chiều cùng ngày có kết quả kiểm tra, ông Jesse giải quyết bằng cách cho cặp đôi biết rằng đã quá trễ để làm lễ cưới.
Những gì diễn ra với cặp vợ chồng và nhà thuyết giáo trên đã trở thành chủ đề bàn tán trong nhiều ngày đối với nhiều người Kenya, khi họ tự vấn về tầm quan trọng của các xét nghiệm y tế trước khi kết hôn.
Theo quan điểm của Amos Alumada, chuyên gia về hôn nhân và gia đình tại Pan African University, xét nghiệm HIV trước hôn nhân cũng như các xét nghiệm sức khỏe khác có vai trò rất quan trọng trong việc củng cố niềm tin giữa vợ chồng, nhưng không nhất thiết là yếu tố đảm bảo sự ổn định của cuộc hôn nhân. Ví dụ như bạn hoàn toàn khỏe mạnh ở thời điểm kết hôn, nhưng sau đó lại bị suy nhược, chẳng lẽ điều đó có nghĩa là vợ/ chồng bạn sẽ rời khỏi bạn.
Margaret Kagwe – một nhà tư vấn tâm lý tin rằng việc xét nghiệm HIV trước khi bạn tuyên bố “Đồng ý” trong buổi lễ kết hôn rất quan trọng, nó thể hiện sự thành thật mà hai bạn đối với nhau.
Trước khi bước vào hôn nhân, bạn và người phối ngẫu cần cam kết cởi mở với nhau, đặc biệt về vấn đề sức khỏe. Nếu bạn bị bệnh mãn tính hoặc gia đình bạn có tiền sử mắc một căn bệnh nào đó, thì bạn đời của bạn nên được biết.
Margaret cũng giải thích thêm, việc tiết lộ với nhau không chỉ giới hạn về mặt sức khỏe mà là bất kì vấn đề nào gây tranh cãi trong quá khứ và có thể ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc hôn nhân sau này của hai bạn. Chẳng hạn, nếu bạn có con ngoài giá thú thì vợ/ chồng của bạn nên được biết trước.
Ngày xưa, các cuộc hôn nhân thường chỉ dựa trên tình yêu hoặc được sắp xếp trước theo thông lệ và chẳng có sự “tiết lộ” nào cả. Tuy nhiên, sự cởi mở sẽ giúp ngăn chặn những cú sốc về sự ngờ vực khi một bí mật nào đó (nếu có) được phơi bày.
Quay lại vấn đề kiểm tra sức khỏe, theo các chuyên gia, có 6 xét nghiệm tiền hôn nhân mà bạn và người bạn đời tương lai của bạn không nên bỏ qua như dưới đây:
Contents
1. Xét nghiệm các bệnh mãn tính
Theo tiến sỹ Jacqueline Kitulu – một bác sỹ về sức khỏe gia đình thì các căn bệnh mãn tính thường kéo dài suốt đời, nên nó sẽ ảnh hưởng khá lớn đến cuộc sống của bạn. Có vô số bệnh mãn tính, nhưng một số căn bệnh đáng chú ý đó là: viêm gan, tiểu đường, một số loại ung thư, giang mai, HIV và động kinh. Điều quan trọng là các cặp vợ chồng ý thức được sức khỏe của họ có liên quan đến các tình trạng mãn tính này.
Thực ra việc kiểm tra các căn bệnh mãn tính không nhất thiết phải ràng buộc với hôn nhân. Trên thực tế thì đây là việc mà mọi người nên làm để biết được tình trạng sức khỏe của mình, bất kể họ có ý định kết hôn hay không.
Tuy nhiên, người phối ngẫu của bạn có thể cần được bạn chăm sóc lâu dài khi mắc phải bệnh mãn tính, do đó cần phải tìm hiểu về vấn đề này trước khi kết hôn.
Việc biết được mình có mắc phải bệnh mãn tính hay không sẽ giúp bạn đưa ra quyết định sáng suốt không chỉ với hôn nhân mà còn với các vấn đề khác như lựa chọn công việc hay nơi ở.
2. Xét nghiệm nhóm máu (xét nghiệm yếu tố Rh)
Xét nghiệm máu rất quan trọng đặc biệt đối với thai kỳ. Phụ nữ có Rh âm tính kết hợp với Rh dương tính của chồng thì khả năng không tương thích giữa máu mẹ và bé khi bạn có thai sẽ cao hơn.
Sự không tương thích này dẫn đến cơ thể bạn hình thành kháng thể tấn công máu của thai nhi dẫn đến thai lưu hoặc sảy thai. Vấn đề không xảy ra ở em bé đầu tiên mà bắt đầu từ các lần mang thai sau của bạn.
Mặc dù vậy, tiến bộ công nghệ đã cung cấp một giải pháp cho sự không tương thích của yếu tố Rh. Các bác sỹ có thể tiêm globulin miễn dịch ở tuần thứ 28 của thai kỳ để cứu em bé.
Việc xét nghiệm yếu tố Rh sẽ giúp xác định được khả năng em bé của hai bạn sau này có nguy cơ bất đồng nhóm máu với mẹ hay không. Từ đó các bác sỹ sẽ có biện pháp theo dõi thai kỳ và can thiệp đúng thời điểm để đảm bảo an toàn cho cả bạn và em bé.
Tìm hiểu thêm: Đau bụng dưới có phải mang thai hay là do những bệnh lý khác?
3. Xét nghiệm HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục (Sexually transmitted deseases – STDs)
HIV là bệnh suy giảm miễn dịch chủ yếu lây truyền qua đường tình dục. Trong khi tình dục gắn liền với hôn nhân, và nó cũng tiềm ẩn khả năng truyền bệnh giữa hai người.
Việc quan hệ tình dục giữa vợ chồng thường không có sự nghi ngờ do đó có nguy cơ mắc bệnh cao hơn, khi một trong hai người mang bệnh lây truyền qua đường tình dục .
Mặc dù có thể một kết quả xét nghiệm HIV (hay các bệnh STD khác) dương tính không thể ngăn cản hai người kết hôn, nhưng nó sẽ giúp cho bạn và đối tác đưa ra những quyết định sáng suốt. Vì, việc nắm được tình trạng sức khỏe của nhau (đặc biệt là những căn bệnh có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến thế hệ sau như HIV và một số bệnh STD) sẽ giúp hai bạn xác định được những gì có thể xảy ra khi đi đến hôn nhân (con cái họ sẽ có nguy cơ cao bị lây bệnh và họ sẽ phải chăm sóc cũng như dành chi phí để điểu trị…).
4. Xét nghiệm khả năng sinh sản
“Năm 2001 Cecilia Wairimu kết hôn trong một buổi lễ tại nhà thờ. Nhưng sáu năm sau, mọi thứ đã đổ vỡ vì vợ chồng cô không có con. Chồng cô đã đổ lỗi và buộc tội cô vì không thể sinh con. Và một ngày anh ta đã bỏ đi mang theo tất cả tài sản, đồ đạc. Đến lần kết hôn thứ ba, sau khi điều trị vô sinh, Cecilia mới có thể có con và cuộc hôn nhân của cô vẫn bền vững cho đến nay.”
Trên đây chỉ là một trong số rất nhiều câu chuyện liên quan đến vấn đề sinh sản ảnh hưởng đến hôn nhân. Trên thực tế, hôn nhân của nhiều cặp vợ chồng đã tan vỡ vì họ không thể có con. Đối với nhiều người, đặc biệt là ở khu vực Châu Phi và Châu Á, thì khả năng sinh con rất quan trọng đối với người phối ngẫu. Vì vậy khi em bé không xuất hiện, mối quan hệ vợ chồng cũng dễ dàng kết thúc. Ở những khu vực này, việc các cuộc hôn nhân bị thử thách bởi tình trạng vô sinh diễn ra khá nhiều. Do vậy đối với một cặp vợ chồng muốn có con thì các xét nghiệm về khả năng sinh sản trước khi kết hôn là cần thiết.
5. Xét nghiệm di truyền
Gen là đơn vị vật chất di truyền mà con cái nhận được từ cha mẹ. Một số tình trạng như bạch tạng, hội chứng Marfan và bệnh hồng cầu hình liềm được truyền từ cha mẹ sang con cái qua gen.
Những xét nghiệm về di truyền đặc biệt quan trọng đối với những căn bệnh phổ biến ở một khu vực nào đó. Ví dụ như bệnh hồng cầu hình liềm là bệnh thường gặp ở vùng bờ biển Kenya và ở Nyanza (một tỉnh nằm ở phía tây nam Kenya).
Việc thử nghiệm để xem vợ hoặc chồng có mang gen bệnh di truyền hay không sẽ giúp người trong cuộc đưa ra quyết định sáng suốt đối với việc có con và chuẩn bị tâm lý cho khả năng con họ có thể mắc các bệnh di truyền , cũng như kế hoạch chăm sóc trong trường hợp này.
6. Kiểm tra tình trạng sức khỏe tâm thần
Tiến sỹ Lincoln Khasakhala – một nhà tâm lý học lâm sàng – cho rằng sức khỏe tâm thần tốt sẽ ảnh hưởng tốt đến đời sống hôn nhân. Một số tình trạng sức khỏe tâm thần có thể nhận biết được một cách dễ dàng như rối loạn phổ tự kỷ và bại não trong khi số khác lại rất khó nhận ra. Chúng bao gồm tình trạng tâm thần phân liệt, rối loạn lưỡng cực và một số dạng rối loạn phát triển thần kinh. Những căn bệnh này sẽ cần sự kiên nhẫn và thấu hiểu từ phía người phối ngẫu khỏe mạnh.
Kiến thức về tình trạng sức khỏe tâm thần của người phối ngẫu sẽ giúp bạn đời của họ chuẩn bị tâm lý và kế hoạch tài chính tốt hơn, trong trường hợp người phối ngẫu bị bệnh và cần được chăm sóc lâu dài.
Ngoài ra một số tình trạng sức khỏe tâm thần là do di truyền và có thể truyền lại cho con cháu. Việc kiểm tra sẽ giúp các cặp vợ chồng hiểu được những khả năng như vậy.
>>>>>Xem thêm: Phụ nữ nhóm máu O khả năng thụ thai kém?
Khám tổng quát tiền hôn nhân với các xét nghiệm như đã đề cập ở trên là việc quan trọng mà bạn không nên bỏ qua khi có dự định kết hôn. Dù có thể kết quả của cuộc khám không phải là yếu tố quyết định bạn có kết hôn hay không nhưng nó vẫn ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống hôn nhân của hai bạn sau này. Vì vậy, cả hai bạn hãy cùng nhau thực hiện việc khám sức khỏe tiền hôn nhân để chuẩn bị kỹ càng hơn cho sự kết hợp quan trọng của cuộc đời mình nhé.
Theo Standard Media
Lily Nguyễn lược dịch