Có thai ngoài tử cung là gì – một thắc mắc mà chắc chắn nhiều phụ nữ đã từng nghĩ tới. Có thai ngoài tử cung là tình trạng khi phôi thai làm tổ không đúng vị trí mà nếu không phát hiện kịp thời, có thể rất nguy hiểm cho sức khỏe của mẹ. Để tìm hiểu rõ hơn về điều này, chúng ta hãy cùng xem qua nội dung chia sẻ sau nhé.
Bạn đang đọc: Có thai ngoài tử cung là gì và những dấu hiệu sớm nhất chị em nên biết
Contents
- 1 1. Có thai ngoài tử cung là gì?
- 2 2. Dấu hiệu sớm nhất của có thai ngoài tử cung
- 3 3. Nguyên nhân của tình trạng mang thai ngoài tử cung
- 4 4. Những yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng có thai ngoài tử cung
- 5 5. Biến chứng của tình trạng thai ngoài tử cung là gì
- 6 6. Có cách nào phòng ngừa có thai ngoài tử cung hay không?
1. Có thai ngoài tử cung là gì?
Có thai ngoài tử cung là khi trứng đã thụ tinh làm tổ và phát triển bên ngoài khoang chính của tử cung.
Thai ngoài tử cung thường xảy ra nhất ở ống dẫn trứng, là đoạn đường mà phôi di chuyển xuống tử cung. Ngoài ra thai cũng có thể phát triển ở những khu vực khác của cơ thể như buồng trứng, khoang bụng, hoặc cổ tử cung – đoạn kết nối với âm đạo.
Một phôi thai ngoài tử cung không thể phát triển thành một thai kỳ bình thường. Vì khi thai lớn dần, nó sẽ bị vỡ và gây chảy máu ảnh hưởng tới khu vực mà nó cấy vào, có thể nguy hiểm đến tính mạng nếu không được can thiệp kịp thời.
2. Dấu hiệu sớm nhất của có thai ngoài tử cung
Khi bạn có thai ngoài tử cung, ban đầu bạn có thể không có biểu hiện gì bất thường. Một số phụ nữ thì có những dấu hiệu mang thai thông thường của việc có thai như: trễ kinh, đau ngực hay buồn nôn. Nếu bạn thử thai, kết quả vẫn là hai vạch, mặc dù bạn sẽ không thể tiếp tục thai kỳ như bình thường.
Các dấu hiệu sẽ tăng lên khi phôi ngày càng phát triển, tùy thuộc vào khu vực mà bạn sẽ có một số triệu chứng có thể nhận biết sớm liên hệ đến thai ngoài tử cung.
2.1 Những dấu hiệu sớm nhất của thai ngoài tử cung
Thông thường, dấu hiệu cảnh báo sớm nhất của thai ngoài tử cung là tình trạng đau vùng chậu, hoặc chảy máu âm đạo nhẹ. Một số triệu chứng nặng hơn bạn có thể gặp phải gồm:
- Nếu sự chảy máu diễn ra ở ống dẫn trứng, bạn sẽ thấy tình trạng đau bụng ngày càng tăng với cảm giác bị kích thích, như khi muốn đi đại tiện cùng với sự khó chịu ở vùng chậu.
- Nếu bị xuất huyết nặng tại khu vực xương chậu và khoang bụng, bạn có thể cảm thấy đau vai.
Các dấu hiệu có thai ngoài tử cung cụ thể khác phụ thuộc vào vùng bị chảy máu và dây thần kinh nào bị kích thích và ảnh hưởng.
2.2 Những triệu chứng báo hiệu tình trạng khẩn cấp bạn cần đến gặp bác sỹ hoặc cơ sở y tế ngay
Nếu phôi thai tiếp tục phát triển trong ống dẫn trứng, nó sẽ làm vỡ ống gây xuất huyết trong ổ bụng, đe dọa đến tính mạng của bạn. Lúc này bạn sẽ thấy chóng mặt cực độ, đau bụng dữ dội, sốc và ngất xỉu.
Khi bạn nghi ngờ mình có khả năng mang thai và có những triệu chứng như sau, thì cần đến bác sỹ hoặc cơ sở y tế một cách khẩn cấp để được can thiệp kịp thời:
- Đau bụng hoặc đau vùng chậu nghiêm trọng
- Chảy máu âm đạo bất thường
- Đau đầu hoặc ngất xỉu
- Các triệu chứng liên quan khác như: chuột rút, đau vai gáy,…đặc biệt trong trường hợp khi bạn có các yếu tố nguy cơ mang thai ngoài tử cung.
3. Nguyên nhân của tình trạng mang thai ngoài tử cung
Mang thai tại vòi trứng – loại thai ngoài tử cung phổ biến nhất – xảy ra do trứng được thụ tinh mắc kẹt trên đường di chuyển đến tử cung, nguyên nhân là do ống dẫn trứng bị tổn thương do viêm nhiễm hoặc bị biến dạng.
Ngoài ra sự mất cân bằng nội tiết tố , sự phát triển bất thường của trứng đã thụ tinh cũng có thể tăng khả năng mang thai ngoài tử cung.
Tìm hiểu thêm: Đàn ông ăn gì dễ thụ thai và tăng cường sinh lực?
4. Những yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng có thai ngoài tử cung
Nếu bạn thuộc một trong những trường hợp dưới đây, thì khả năng có thai ngoài tử cung của bạn sẽ tăng lên:
- Bạn đã từng mang thai ngoài tử cung ở lần mang thai trước đó.
- Bạn bị viêm hoặc nhiễm trùng do các bệnh lây qua đường tình dục. Ví dụ như lậu hoặc chlamdya có thể gây viêm ống dẫn trứng và các cơ quan khác gần đó làm tăng nguy cơ mang thai ngoài tử cung
- Bạn đã từng điều trị sinh sản: Một số nghiên cứu cho thấy những phụ nữ đã thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) hoặc các phương pháp điều trị tương tự có nhiều khả năng mang thai ngoài tử cung. Tình trạng vô sinh cũng có thể làm tăng nguy cơ của bạn.
- Bạn đã từng phẫu thuật tại ống dẫn trứng.
- Bạn sử dụng phương pháp ngừa thai: Cơ hội để mang thai khi sử dụng dụng cụ hỗ trợ ngừa thai ở khu vực tử cung là khá hiếm gặp, tuy nhiên, nếu bạn mang thai khi đang sử dụng phương pháp này, thì khả năng thai ngoài tử cung là rất cao. Ngoài ra, việc thắt ống dẫn trứng để ngừa thai vĩnh viễn cũng có thể làm tăng nguy cơ có thai ngoài tử cung, nếu bạn có thai sau khi thực hiện thủ thuật này.
- Bạn hút thuốc lá: Hút thuốc lá trước khi bạn có thai cũng có thể làm tăng nguy cơ thai ngoài tử cung. Bạn càng hút thuốc nhiều thì nguy cơ mang thai ngoài tư cung càng cao.
5. Biến chứng của tình trạng thai ngoài tử cung là gì
Khi thai ngoài tử cung phát triển lớn dần nó sẽ gây vỡ ống dẫn trứng (nếu vị trí thai tại ống dẫn trứng), xuất huyết ồ ạt (nếu vị trí thai tại ổ bụng hoặc các vị trí khác) dẫn tới biến chứng rất nguy hiểm, có thể ảnh hưởng đến tính mạng của thai phụ nếu không được can thiệp kịp thời.
6. Có cách nào phòng ngừa có thai ngoài tử cung hay không?
Bạn không thể ngăn chặn việc mang thai ngoài tử cung, tuy nhiên có một số cách bạn có thể thực hiện để giảm bớt nguy cơ mắc phải tình trạng này đó là:
- Không quan hệ tình dục bừa bãi với nhiều đối tượng.
- Sử dụng bao cao su để tránh bị lây nhiễm các loại bệnh lây truyền qua đường tình dục , giảm nguy cơ mắc các bệnh viêm nhiễm vùng chậu.
- Không hút thuốc. Nếu bạn đang hút thuốc và có ý định có thai, hãy ngừng hút một khoảng thời gian trước khi bạn cố gắng mang thai.
>>>>>Xem thêm: 8 kiểu phụ nữ dễ sinh con trai
Qua những thông tin trên, có lẽ bạn đã hiểu rõ có thai ngoài tử cung là gì và biết được những biến chứng nguy hiểm, mà nó có thể gây ra cho sức khỏe của bạn nếu bạn gặp phải. Vậy nếu bạn nghi ngờ mình mang thai mà lại có một trong những triệu chứng như đã đề cập ở trên, hãy đến gặp bác sỹ hoặc đến cơ sở y tế ngay để được thăm khám, nhằm hạn chế rủi ro có thể xảy ra bạn nhé.
Theo Mayo Clinic
Lily Nguyễn lược dịch