Hiếm muộn và nỗi đau của người trong cuộc

Rate this post

Chị Vũ Thị C. lặng lẽ về phòng khi cả “nhà” đang líu ríu dọn bữa cơm trưa. Thả tập giấy tờ khám bệnh xuống chiếc giường con ở góc phòng, chị ngồi thụp xuống nền nhà, òa lên: “Em hết hy vọng rồi mấy chị ơi! Bác sĩ lắc đầu rồi!”.

Bạn đang đọc: Hiếm muộn và nỗi đau của người trong cuộc

Mấy chị đồng cảnh ngộ sấp ngửa chạy đến, rồi khựng lại trước người phụ nữ đang nức nở, nhìn nhau câm lặng. Từ căn phòng cuối dãy này, “xóm hiếm muộn” im phăng phắc giữa một trưa tháng Năm ồn ã.

Hiếm muộn và nỗi đau của người trong cuộc

Sau bao năm chờ đợi, vợ chồng anh Hữu Long mới được toại ước mơ

“Có cả ngàn người như thế”…

Tôi chứng kiến cảnh đó trong một lần dọ dẫm bước vào các khu trọ lô xô quanh bệnh viện (BV) Từ Dũ. Hỏi “xóm hiếm muộn”, tất cả các chủ cho thuê trọ đều lắc đầu. Vô tình bắt gặp người đàn ông phờ phạc, trầm tư khi đang nghỉ chân ở một quán nước, tôi quyết định theo chân anh. Đến khu trọ nằm sâu trong con hẻm trên đường Cống Quỳnh, bị người đàn ông ngoái nhìn, bắt gặp, tôi đành thú nhận mình đang đi theo anh, hy vọng tìm được “xóm hiếm muộn”.

Anh gượng cười, ngượng nghịu: “Cô theo đúng người rồi”.

“Điểm đến” của người đàn ông là căn nhà trọ khoảng hai chục mét vuông ở cuối hẻm. Căn nhà chật chội, thiếu ánh sáng, kê vừa đủ sáu chiếc

C. nấc nghẹn: “Người ta có con đơn giản quá, còn tôi sao khổ sở thế này! Khóc hết nước mắt mà trời chẳng chịu thương. Đêm nào tôi cũng mơ thấy mình sinh con, mơ rồi khóc, khóc rồi mơ”.

giường đơn. Trên những mảng tường cũ kỹ dán chi chít hình ảnh các em bé ngộ nghĩnh. Đằng sau cánh cửa, một người phụ nữ lớn tuổi đang nấu nướng trong góc bếp đơn sơ.

Đó là nơi ăn ở của sáu cặp vợ chồng đang điều trị hiếm muộn ở BV Từ Dũ. Người “kinh nghiệm” nhất đã trọ ở phòng từ cuối năm 2013. Các cặp vợ chồng còn lại cũng gắn bó với nơi này trên dưới một năm. Họ là người đồng cảnh, đồng hành, và đồng sẻ chia với nhau như một gia đình. Chị Nguyễn Thị Loan(*) giới thiệu: “Người trong đây như một nhà, còn các phòng cùng dãy là một xóm. Hầu như khách trọ của khu này quen mặt nhau, có cả ngàn người như thế!”.

Cả nhà đang vui vẻ, hào hứng mời tôi dùng bữa cơm trưa, thì đột ngột lặng đi khi chị Vũ Thị C. bước vào phòng. Ngồi bệt dưới nền nhà, người chị run lên theo cơn nức nở, môi cố mím chặt để ngăn tiếng khóc. Các chị trong “nhà”, sau cái lặng người cũng tìm được vài lời an ủi. Một chị cứ đưa tay nắn nắn tay chị C., mặt ngước nhìn lên trần nhà, như cố tránh đi.

Kết hôn từ năm 2005, C. đã hai lần mang thai, nhưng cứ đến tháng thứ ba, chị lại phát hiện thai lưu. Đến năm 2007, trong một lần đau bụng dữ dội, chị được bác sĩ thông báo bị u xơ tử cung, phải phẫu thuật cắt bỏ khối u. Ba năm sau đó chị vẫn không mang thai, vợ chồng chị lại đến BV, mới hay trong lần phẫu thuật trước, chị bị cắt mất một vòi trứng, bên còn lại bị tắc. Từng qua nhiều lần phẫu thuật, sức khỏe giảm sút, không thể thực hiện thông vòi trứng, chị được tư vấn phương án cuối cùng để có thai là thụ tinh trong ống nghiệm. Nghe đến đó, C. rụng rời.

Ở một vùng đất của huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An nơi chị sinh sống, việc phải thụ tinh trong ống nghiệm để được sinh con là chuyện quá khác người. Thêm nữa, chi phí cho một lần thụ tinh quá cao so với thu nhập của cặp vợ chồng trẻ, làm công ăn lương. Chị C. quyết định tìm đến các phương pháp đông y, nhưng trải qua 5 năm mỏi mòn, tốn kém, vẫn không có kết quả. “Nghĩ lại giai đoạn đó, tôi cứ như đang nếm lại cái vị đắng nghét của hàng nghìn thang thuốc Nam, thuốc Bắc”, chị nói.

Hiếm muộn và nỗi đau của người trong cuộc

Bữa cơm trưa trước khu điều trị hiếm muộn, BV Từ Dũ

35 tuổi, hoảng sợ khi nhận thấy thời gian đang rút ngắn dần, chồng C. kiên quyết bỏ công việc, nhà cửa, đưa vợ vào Sài Gòn, cố chạy chữa để có thể sinh con. Lần thụ tinh đầu thất bại, một trăm triệu đồng hai vợ chồng dành dụm gần hết sạch. Còn vừa đủ số tiền mua vé xe về quê, vợ chồng chị lặng lẽ “ngó chừng” nhau khi Tết Nguyên đán đang đến gần. “Không ai dám đòi về quê, cũng không dám đề nghị ở lại, hai vợ chồng cứ nhìn nhau, chờ người kia lên tiếng”, chị C. kể. Cuối cùng, chồng chị quyết định ở lại, tìm việc làm để tiếp tục bám trụ, chạy chữa.

Còn lại ba phôi thai lưu trữ, ra Giêng, chồng chị C. vay mượn khắp nơi để thực hiện thụ tinh lần thứ hai. Suốt mấy ngày Tết nằm bên nhau trong căn phòng trọ ẩm thẩp, vợ chồng đã “lên tinh thần” cho nhau, để rồi… lần thất bại này đã vùi dập mọi hy vọng của họ. C. nấc nghẹn: “Người ta có con đơn giản quá, còn tôi sao khổ sở thế này! Khóc hết nước mắt mà trời chẳng chịu thương. Đêm nào tôi cũng mơ thấy mình sinh con, mơ rồi khóc, khóc rồi mơ”.

Nước mắt đàn ông

Tôi xin họ một tấm ảnh, C. lắc đầu: “Ở quê người ta nặng nề lắm. Nếu biết tôi sinh con từ phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm, người ta sẽ không tin đứa con đó là của anh ấy”. Ngay cả khi đứa con còn ở miền – hy – vọng, sự điều tiếng đã bủa vây lấy họ. Suốt 10 năm, mỗi lần đến giỗ chạp, tiệc tùng, chồng C. luôn để mắt đến vợ, phòng khi người quen vô ý hỏi han chuyện con cái, anh sẽ đỡ lời. Có lúc, gia đình anh sốt ruột chuyện nối dõi đã trót cay nghiệt với con dâu, anh đứng ra giành hết phần lỗi về mình.

“Việc này có là lỗi của riêng ai, anh nói, tôi chỉ buồn mấy lúc C. tuyệt vọng, khuyên tôi đi lấy vợ khác”. Là một cán bộ ở quê nhà, vào TP.HCM, anh phải đi phụ hồ kiếm sống. Học nghề, trở thành thợ phụ thuần thục trong mấy tháng gần đây, anh chưa bỏ việc một ngày nào. Chỉ có sáng nay, lúc C. vào BV, tần ngần mãi, anh mới máng lại bộ đồ lao động lên giá, quyết định ở nhà mà không cho vợ hay. Anh thành thật: “Gia đình ở quê tin là tôi được chuyển công tác vào TP.HCM thật, tôi cũng chấp nhận bỏ nghề, chừng nào sinh được con rồi tính tiếp”.

Hiếm muộn và nỗi đau của người trong cuộc

Tranh thủ ngày nghỉ anh Hữu Long lên thăm vợ, tự tay chuẩn bị bữa cơm

Đến bên vợ chồng chị C., anh Hữu Long (Bắc Bình, Bình Thuận) nhẹ nhàng an ủi người bạn cùng phòng, hơn ai hết anh hiểu cảm giác này. Chính anh cũng từng như người rơi xuống vực thẳm, đau đớn, buồn tủi đến không còn muốn nhìn mặt người thân. Vợ chồng anh Long sống dựa vào từng vụ mùa thanh long. Ngày anh cùng vợ, chị Nguyễn Thị Quyện vào khám ở BV Từ Dũ cũng là khi chuyện con cái không thể trì hoãn. Hơn một trăm triệu đồng vợ chồng anh tích góp trong 5 năm trời, cùng tiền của cha mẹ, anh chị em mỗi người một ít cho “lấy lộc” đều tan thành mây khói khi lần thụ tinh thứ nhất thất bại.

Từ ngày phát hiện nguyên nhân hiếm muộn là do mình, anh đâm sợ hãi từng tiếng thở dài của vợ. Sợ cả những tấm hình trẻ con được chị tỉ mỉ dán trên tường. Liên tục chứng kiến vợ đau đớn, lo âu trong hàng chục lần vào viện, kèm theo mặc cảm tội lỗi, vô dụng, anh Long đâm ra chán ghét bản thân. Với anh, may mắn, mà cũng là nỗi mặc cảm lớn nhất, là chị Quyện vẫn yêu thương, chung thủy với chồng.

Dù lắm lúc bật cười, rồi òa khóc vì một đứa trẻ dễ thương nào đó trên ti vi, ngoảnh lại, chị cũng không một lời oán than, trách móc. “Cô ấy đã chịu nhiều thiệt thòi, tôi không thể vì mặc cảm bản thân mà làm tắt hy vọng của vợ. Niềm vui duy nhất của vợ chồng là đứa con, không có con thì của cải làm ra còn có ý nghĩa gì. Nợ bao nhiêu thì nợ, mình có đôi tay thì lo gì không trả được”, anh Long chia sẻ.

Dù là cặp đôi trải qua nhiều vấp váp, đớn đau nhất trong “nhà”, nhưng bây giờ, vợ chồng anh Long, chị Quyện là nguồn vui duy nhất của các “em”. Khi hy vọng và tiền bạc đều cạn kiệt, sau khi thụ tinh nhân tạo lần hai, chị Quyện phát hiện mình có thai. Lúc cầm que thử thai có hai vạch, chị lao ra khỏi phòng tắm, ôm chầm lấy một chị khác trong nhà, vừa cười vừa khóc. Đang uống cà phê ở một quán cóc đầu hẻm, nghe tin, anh Long vội chạy nhanh về. Về đến phòng thấy mọi người xúm xít, ai cũng nước mắt ròng ròng, miệng cười cười, mếu mếu… “Hồi trai trẻ, đâu ngờ sẽ tới lúc mình cũng thèm khát một đứa con như thế”, anh nói.

Suốt mấy ngày sau đó, có ai quen ở Sài Gòn, anh đều thông báo để… được chúc mừng. Được gọi điện, thăm hỏi liên tục, anh Long hào hứng, miệng lúc nào cũng toe toét. Đến mức, chị Quyện phải can: “Anh bớt lại đi, em xúc động là không tốt cho con đâu!”. Anh Long giật mình, ôm vợ, bắt… “ngồi yên, nội bất xuất, ngoại bất nhập”.

Chị Quyện bồi hồi: “Mới có mấy ngày mà người thân, bạn bè, rồi cả chị em ở khu hiếm muộn này đều biết cả, ai cũng mừng lây”. Nói rồi, như sực nhớ ra, chị vội đính chính: “Ờ không, không phải vài ngày, mà cả… hai tháng rồi đó”. Chị cười xòa.

Cũng dễ hiểu thôi, so với những năm tháng đằng đẵng khổ đau, thì hai tháng hạnh phúc cũng có khác “vài ngày” là mấy…

Con đau, mẹ cũng quặn lòng

Nhưng “xóm hiếm muộn” không chỉ có các cặp đôi hiếm muộn. Lách vào các con hẻm, người ta dễ bắt gặp những người phụ nữ lớn tuổi, vội vã ra vào các tạp hóa, rồi vụt chạy về phòng. Đó là những người mẹ của các cặp vợ chồng hiếm muộn, cũng bỏ việc, bỏ quê để theo con trên hành trình kiếm tìm những đứa trẻ.

Bà Nguyễn Thị Ánh, mẹ của chị Võ Thị Mai (Cẩm Giàng, Hải Dương) vào TP.HCM mấy tháng nay để nấu ăn cho con, mà cũng là cho cả “gia đình” sáu cặp vợ chồng hiếm muộn. Mỗi ngày trôi qua trên chiếc giường nhỏ xíu trong căn phòng mười mấy mét vuông, bà Mai lại bần thần nhẩm tính, “không ăn uống gì cũng đã mất gần trăm ngàn tiền trọ rồi”. Cứ thế, mỗi chiếc giường là 2.500.000đ/tháng. Mỗi tháng, thấy các vợ chồng góp nhau tiền trọ, bà lại thừ người, xót xa.

Hiếm muộn và nỗi đau của người trong cuộc

‘Mỗi năm, khoa Hiếm muộn bệnh viện Từ Dũ đón hơn 60.000 lượt khám hiếm muộn

Mai là con gái duy nhất của bà Ánh. Những ngày đầu phát hiện chồng mình vô sinh, chiều chiều, Mai lại chạy về nhà mẹ đẻ, nằm khóc. “Ở nhà chồng, nó không dám buồn, chừng nào buồn quá thì chạy về bên tôi. Thấy con đau buồn mà đứt ruột, nhưng tôi có dám nói chi”. Bà chỉ biết đến gần, bóp nhẹ vai con: “Cố lên con”.

Nhà chồng biết chuyện, cũng kiên nhẫn động viên để hai vợ chồng thoải mái tinh thần mà chờ đợi cơ may. Năm này tháng nọ vẫn chưa có tin vui, mẹ chồng khuyên Mai ly hôn, “nhà chồng sẽ không trách giận”. Sau lời “giải thoát” của mẹ chồng, chồng Mai bắt đầu hắt hủi, lạnh nhạt với vợ. Năm lần bảy lượt chị Mai bị chồng gạt đi mỗi lần muốn đến gần, chị chạy về nhà mẹ đẻ, nằm khóc. “Nó khóc như đứa trẻ, nhưng nằng nặc nói không bao giờ bỏ chồng, vẫn yêu chồng lắm. Tôi nghe mà mừng chảy nước mắt. Dù gì, còn tình cảm là còn mọi thứ”, bà Ánh nói.

Con gái quyết định “không bỏ chồng”, bà Ánh nhân cơ hội khuyên hai con đi thụ tinh nhân tạo. Không chịu nổi áp lực từ nhà chồng và chòm xóm, ba năm nay, vợ chồng Mai rời Hải Dương, vào Tây Nguyên lập nghiệp, rồi lên xuống thành phố với hành trình kiếm con. Chồng Mai đi làm ở Tây Nguyên, nên chỉ có mẹ là thường xuyên bên cạnh cô trong mỗi lần thụ tinh.

Bà Ánh còn nhớ cái lần kiệt cùng hi vọng nhất, là khi Mai bị ứ dịch, phải nằm cấp cứu. Nằm điều trị ứ dịch trong lúc ngày cấy phôi sắp đến, nếu không kịp bình phục thì lỡ mất một lần thụ tinh, xem như thất bại, Mai lo lắng đến lịm người. Bà Ánh kể: “Tôi đến quẫn trí, cứ lầm bầm trách ông trời sao mà trêu đùa nghiệt ngã quá!… Rồi tôi cũng thôi trách ông trời. Ở đây lâu ngày, chứng kiến bao nhiêu cặp vợ chồng mếu máo ra về vì không thể chữa khỏi, thì ai còn hy vọng, tức là còn may mắn”, bà Ánh nói.

Hình ảnh người mẹ sấp ngửa cùng con vẫn ám ảnh chúng tôi trong những ngày tìm hiểu về các cặp vợ chồng hiếm muộn. Ở phòng chờ khám, tư vấn của Khoa Hiếm muộn, BV Từ Dũ, xen lẫn giữa những cặp vợ chồng, là những người mẹ lặng lẽ ngồi cạnh con gái. Thấy tôi ngồi một mình, một người mẹ quay lại, cầm tay tôi, hỏi: “Con cấy lần nào chưa?”.

Không đợi tôi trả lời, bà lại đưa tay đặt lên vai cô con gái ngồi bên, lắc đầu, giọng mệt mỏi: “Nó chưa làm lần nào, mà sợ lắm!”. Nói đến đó, cô con gái của bà đến lượt khám, bà giật mình, đứng phắt dậy, đưa con vào tới ngưỡng cửa phòng khám rồi mới quay ra. Đến cuối buổi, khi đang lòng vòng ngoài cổng BV, tôi lại gặp hai mẹ con người phụ nữ ấy. Thấy tôi, bà dừng lại, hỏi: “Con sao rồi? Con cô nó hổng phải hiếm muộn con ơi! Mới tám tháng chưa có thai là vẫn bình thường đó!”. Nói rồi, bà đi vội cho kịp cô con gái, vừa với lại nói với tôi: “Con ráng lên nghen!”.

***

Chỉ vài bước thôi là ra khỏi BV, ra khỏi những dãy trọ lô xô của những cặp vợ chồng hiếm muộn. Cái ồn ã, tấp nập của một chiều tháng Năm ập vào tôi. Chỉ vài bước chân, là khoảng cách vời vợi của những mong ngóng, khổ đau mà nếu không để tâm, có khi cả đời, một người sống giữa thành phố như tôi cũng không hay – để biết rằng mình may mắn.

Theo Linh Giang – Minh Tâm

Nguồn PN

(*) Nhân vật trong bài đã được đổi tên

Việt Nam đứng đầu Đông Nam Á và đứng thứ 5 khu vực châu Á về số lần thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm, với 15.000 lượt trong năm 2014, tăng 3.000 ca so với năm 2012. Hầu hết các kỹ thuật tiên tiến và hiện đại đều đã được triển khai thành công; luật cũng đã cho phép các cặp vợ chồng vô sinh được xin nhận trứng, tinh trùng. Nhưng mọi chuyện đâu dễ dàng. Khao khát về một đứa con vẫn cứ xa vời vợi…

Chung một nỗi niềm

Hầu hết những chị em ở tỉnh đến TP.HCM điều trị hiếm muộn đều thuê nhà gần BV trong suốt quá trình từ khi chờ thụ tinh – mang thai cho đến ngày đứa trẻ chào đời. Bác sĩ không yêu cầu, nhưng vì sự an toàn của thai nhi, họ đành bấm bụng chịu tốn một khoản phí sinh hoạt không hề nhỏ để dưỡng con.

Trong các dãy phòng trọ, rất hiếm khi có hình bóng của các ông chồng, bởi hầu hết họ phải trở về nhà bươn chải kiếm tiền. Khát vọng có một đứa con khiến những người ở lại quên đi cảm giác cô đơn, buồn tủi giữa thành phố xô bồ.

Cùng chung một nỗi đau, nỗi khát khao nên những – người – đàn – bà – hiếm – muộn trở nên thân thiết như chị em tự lúc nào chẳng rõ. Hàng ngày họ quây quần bên nhau, san sẻ từng chén cơm, miếng thịt; cả nỗi đau và niềm hy vọng cũng là quặn thắt, khấp khởi chung, cho họ thêm động lực trên hành trình tìm kiếm đứa con.

Bài 2: Gian nan hiến tặng trứng, tinh trùng

Cho đến nay, dù luật đã cho phép nhưng cả nước vẫn chưa có ngân hàng trứng. Trong khi đó, ngân hàng tinh trùng đã ra đời hơn 10 năm nay nhưng số người hiến còn rất thưa thớt. Những quy định về hiến tặng trứng và tinh trùng đang còn khắt khe, cứng nhắc và làm khó người hiến tặng.

Theo ThS – bác sĩ (BS) Đặng Quang Vinh (Trung tâm Nghiên cứu di truyền và sức khỏe sinh sản thuộc Khoa Y, Đại học Quốc gia TP.HCM, Phó trưởng Đơn vị Hỗ trợ sinh sản Mỹ Đức), về việc hiến trứng, trước đây, sau khi ngành y tế và truyền thông tuyên truyền vận động, một số chị em có đến bệnh viện (BV) tìm hiểu.

Nhưng khi nghe BV giải thích: người hiến phải chịu mọi chi phí kích thích buồng trứng, chọc hút trứng, phí trữ lạnh… từ 20-40 triệu đồng thì nhiều chị em lẳng lặng ra về. BV có muốn đứng ra làm trung gian, chịu thay chi phí này cho người hiến trứng và sau này thu lại ở người xin trứng, cũng không được, vì luật quy định: phải hiến trên tinh thần tự nguyện, không được liên quan đến vấn đề mua-bán.

Trong khi đó, ở các nước phát triển như Mỹ, Anh, ngoài việc hỗ trợ mọi chi phí kích thích, chọc hút trứng cho người hiến vì mục đích nhân đạo, nhà nước còn hỗ trợ từ 1.000-5.000 USD (tương đương 20-100 triệu đồng) cho người hiến trứng và cho một lần hiến trứng. Chi phí này nhà nước sẽ chịu hoặc có thể thu lại từ chính người xin trứng.

ThS-BS Hồ Mạnh Tường – Tổng thư ký Hội Nội tiết sinh sản và vô sinh TP.HCM nói: “Để hút được trứng thì người hiến phải được chích thuốc nội tiết tố kích thích buồng trứng trong khoảng 10-12 ngày, sau đó mới tiến hành chọc lấy trứng trưởng thành. Do đó, chẳng có ai mất nửa tháng trời đến BV để xin “Bác sĩ ơi hãy chích thuốc rồi lấy trứng tôi đi. Lấy xong tôi còn nộp vài chục triệu đồng”.

Do đó, nếu luật không sửa đổi cho phù hợp thì ngân hàng trứng không thể hình thành. Thực tế cho thấy, hầu hết các trường hợp hiến trứng hiện nay chủ yếu là người quen, chị em trong gia đình, họ hàng. Có trường hợp phôi có hình dáng bên ngoài xấu, chất lượng không tốt, nhưng vẫn muốn được chuyển vào tử cung để mang thai”.

Tìm hiểu thêm: Đau đầu ti sau rụng trứng – dấu hiệu sớm của thai kỳ và các lưu ý khác chị em cần biết

Hiếm muộn và nỗi đau của người trong cuộc

Ảnh minh họa

Cho tinh trùng: sáu tháng mới hoàn thành nghĩa vụ

Theo thống kê, số vợ chồng bị vô sinh do chồng vô tinh hoặc tinh trùng bị bất thường về di truyền hiện chiếm khoảng 10%. Ở Việt Nam, có đến 23 BV hỗ trợ sinh sản cho các cặp vợ chồng hiếm muộn và hàng loạt ngân hàng tinh trùng đã ra đời, nhưng để “vay vốn” từ ngân hàng này là việc không dễ.

BS Hoàng Thị Diễm Tuyết – Phó giám đốc BV Từ Dũ trăn trở, ngân hàng tinh trùng đã thành lập từ lâu nhưng người cho quá ít. Tại BV Từ Dũ, số người tự nguyện hiến tinh trùng mỗi năm chỉ đếm trên đầu ngón tay. Người cho lo lắng con ruột của mình sẽ lấy nhau gây cận huyết, hoặc lo con sinh ra từ tinh trùng đã hiến tặng cho người khác, không biết sống cuộc sống ra sao…

Về nguyên do khách quan, BS Lê Đăng Khoa, khoa Hiếm muộn, BV Hùng Vương, phân tích: rào cản lớn nhất không thu hút được nam giới đi hiến tinh trùng tự nguyện là thời gian kéo dài, quy trình phức tạp, một người muốn hiến phải phải bỏ công ăn việc làm, tốn chi phí đi lại BV bốn-năm lần để làm các thủ tục, xét nghiệm và kéo dài trong sáu tháng mới xong nghĩa vụ, trong khi họ không được một chế độ hỗ trợ gì.

Nhiều lần, BV Hùng Vương đã tổ chức và vận động được nhiều người đến hiến tinh trùng tự nguyện, nhưng sau khi biết được thời gian làm thủ tục kéo dài, không được hỗ trợ vật chất, lại bỏ công ăn việc làm để “lo cho người khác” thì họ đã thoái lui.

Do những khó khăn vừa nêu nên cứ 10 ca đến hiến thì chỉ có hai-ba trường hợp đi đến đích và thành phần chủ yếu là sinh viên y khoa, người không có ý định lập gia đình… Và cũng có nhiều trường hợp lợi dụng chính sách xét nghiệm để kiểm tra miễn phí cho bản thân. Sau khi có kết quả sức khỏe, nhiều nam giới đã rút lui, không chấp nhận hiến tinh trùng.

Chính sách cần thay đổi!

BS Lê Đăng Khoa cho rằng có sự chưa hợp lý trong quy định việc hiến tinh trùng. Việc hiến máu, nhà nước hỗ trợ sữa, đường và có xe chuyên dụng đến lấy máu, tổ chức nhiều hoạt động vận động, hay như người hiến thận dù là hiến cho người trong gia đình cũng được tặng thẻ bảo hiểm y tế.

Khảo sát gần đây của một BV tại TP.HCM cho thấy, một số người có ý định làm mẹ đơn thân vì sợ già không ai lo, sống cô đơn, muốn kiếm thêm một thành viên lao động.

Sau khi được các BS tư vấn về những thiệt thòi khi trẻ thiếu cha, cũng như cho tham khảo các tài liệu dạy trẻ không có cha, thì chỉ còn 60% phụ nữ quyết định làm mẹ đơn thân, 20% suy nghĩ lại nhưng vẫn tiếp tục quyết định và hơn 10% chuyển sang ý định xin con nuôi.

Trong khi đó, việc hiến tinh trùng bị cấm mọi hình thức hỗ trợ vì luật cho rằng như vậy là mang tính thương mại, trong khi chi phí cho việc kiểm tra sức khỏe để hiến tinh trùng lên đến vài trăm ngàn đồng và BV phải tự gánh chịu. Để số lượng nam giới đăng ký hiến tinh trùng gia tăng thì luật phải bổ sung, sửa đổi về chính sách hỗ trợ. Ngoài ra, 23 BV hỗ trợ sinh sản trên cả nước phải kết nối với nhau dựa vào công nghệ nhận diện người hiến bằng dấu vân tay, tránh trường hợp một người hiến nhiều lần, hạn chế tối đa tình trạng cận huyết, dù xác suất này rất thấp.

Theo BS Tuyết, tại Việt Nam, người cho chỉ cho một lần, nếu một em bé đã sinh ra từ tinh trùng người hiến thì tất cả phôi, tinh trùng còn lại của người hiến còn trong ngân hàng phải tiêu hủy. Nhiều nước trên thế giới quy định, nếu bé đủ 18 tuổi thì các cơ quan chức năng có nhiệm vụ thông báo cho bé biết cha ruột của bé. Vì vậy, một nam giới nước ngoài có thể hiến tinh trùng nhiều lần, và, đây là hướng mở giúp ngân hàng có nhiều mẫu để hoạt động.

Bên cạnh việc phải cải thiện chính sách, các BV cũng nên có khu tiếp nhận tinh trùng riêng biệt để người hiến không e ngại.

Gửi thư đến báo Phụ Nữ, một bạn đọc tên K.N. chia sẻ: “Cách đây một năm, thấy báo chí thông tin thiếu người hiến tặng tinh trùng, tôi đã đến BV Từ Dũ để hiến. Đến nơi, mỗi cô hộ lý, y tá chỉ dẫn theo cách khác nhau. Khi tìm được Khoa Hiếm muộn, tôi đã trình bày là muốn hiến tặng tinh trùng cho các cặp vợ chồng vô sinh thì một cô y tá oang oang: “Em hiến cho ai? Hiến mục đích gì?” khiến tôi ngượng ngùng và bỏ về luôn. Vì đây là vấn đề nhạy cảm nên đáng lẽ các BV phải có khu vực trao đổi tư vấn riêng cho những người hiến tặng”.

Để việc hiến trứng trở thành hiện thực, các BS cũng cho rằng trước tiên Việt Nam phải có ngân hàng trứng nhằm giúp người cho và người nhận không biết nhau, không gặp rắc rối về mặt tình cảm về sau. Ngoài ra, khi tổ chức được ngân hàng trứng, trứng luôn có sẵn thì người xin trứng sẽ không phải lệ thuộc vào người cho khi họ có việc đột xuất hay bị bệnh.

Theo BS Hồ Mạnh Tường, nhà nước nên cho phép một số BV uy tín làm trung gian hỗ trợ một phần chi phí cho người hiến trong suốt thời gian xét nghiệm, lấy trứng. Chi phí này cụ thể ra sao sẽ được hiệp hội nghề y quy định.

Bài 3: Gian nan xin trứng, tinh trùng

Số phụ nữ được chỉ định xin trứng để mang thai hiện chiếm đến 10% trong các cặp vợ chồng hiếm muộn. Số cặp vợ chồng bị vô sinh do chồng không có tinh trùng (TT) hoặc TT bất thường, muốn có con họ phải xin TT, cũng chiếm khoảng 10%. Việc xin trứng hay xin TT đều không hề dễ…

Ngậm ngùi!

ThS-BS Đặng Quang Vinh (Trung tâm Nghiên cứu di truyền và sức khỏe sinh sản thuộc khoa Y, Đại học quốc gia TP.HCM kiêm Phó trưởng Đơn vị Hỗ trợ sinh sản BV Mỹ Đức) cho biết: nếu như 12% phụ nữ Mỹ có chỉ định xin trứng từ người khác thì Việt Nam tỷ lệ này chiếm khoảng 10%. Sở dĩ các cặp vợ chồng hiếm muộn cần xin trứng là do buồng trứng suy sớm, đã phẫu thuật cắt bỏ hai buồng trứng, hoặc do lớn tuổi nên trứng kém chất lượng, thụ tinh trong ống nghiệm thất bại nhiều lần.

BS Đặng Quang Vinh giải thích, khi tiêm thuốc nội tiết, có một số nguy cơ như: quá kích buồng trứng do cơ thể đáp ứng quá mức với thuốc, gây khó chịu như căng bụng, tiểu ít, khó thở. Việc chọc hút trứng cũng gây ra những khó chịu tương tự.

Tuy nhiên, khả năng xảy ra các tình trạng này là rất thấp và có những biện pháp chủ động để dự phòng. Về nỗi lo bị ung thư sau quá trình tiêm thuốc nội tiết, BS Vinh cho biết, nếu sử dụng thuốc nội tiết sau một thời gian dài, không kiểm soát, trên những người có cơ địa dễ mắc bệnh ung thư mới có thể xảy ra nguy cơ trên. Do đó, người hiến trứng không cần lo lắng vì việc sử dụng nội tiết ở các BV có kiểm soát.

Những người may mắn xin được trứng từ chị em trong gia đình, số còn lại, nếu muốn có con phải gian nan tìm kiếm. Nhiều cặp vợ chồng rơi vào tình cảnh đau thương vì gia đình chồng buộc phải sinh con. Thế nhưng, để tìm được người cho trứng là cả một vấn đề. Đó là chưa kể sau khi xét nghiệm, người cho lại không đủ sức khỏe, chất lượng trứng không đạt, hoặc thay đổi ý định vào phút cuối…

Chị Ph.Q.Tr. (42 tuổi), từng có một con trai. Chẳng may con chị bị chết khi tắm sông nên chị phải cùng chồng đến bệnh viện (BV) để thụ tinh trong ống nghiệm. Nhưng chất lượng trứng của chị không đảm bảo, không thể mang thai, các BS cho biết, chỉ còn cách xin trứng. Nhằm tránh rắc rối về sau, vợ chồng chị quyết định về quê ở Bạc Liêu để tìm người xin trứng. Sau nhiều lần xét nghiệm, trứng của người cho được xác nhận đạt yêu cầu. Vợ chồng chị đang nhen nhóm hy vọng khi về già sẽ có đứa con hủ hỉ, không phải chịu cảnh đơn côi, thì đến ngày hút trứng, người cho lại quyết định không cho nữa.

Do buồng trứng bị suy yếu sớm, chị C.T.B.H. (32 tuổi), không thể thụ thai. Chị được các BS BV Mỹ Đức TP.HCM chỉ định xin trứng để thụ tinh trong ống nghiệm. Sau bốn năm chị mới tìm được người quen cùng quê Khánh Hòa chấp nhận cho trứng với điều kiện chị H. lo toàn bộ chi phí đi lại, ăn ở…

Sau khi làm các xét nghiệm về sức khỏe, hằng ngày chị H. phải “hộ tống” người cho đến BV chích thuốc nội tiết để kích thích buồng trứng với chi phí lên đến 2-3 triệu đồng/ngày. Quy trình chích thuốc kéo dài từ 10-12 ngày. Thế nhưng hết ngày thứ chín thì người cho trứng đòi về quê với lý do gia đình có chuyện buồn, sau đó từ chối không cho nữa với lý do “gia đình phản đối và chị sợ chích thuốc nội tiết sẽ gây ung thư”.

Hiếm muộn và nỗi đau của người trong cuộc

Công đoạn trữ lạnh tinh trùng

Kiếm được tinh trùng thì không còn trứng

Tại BV Hùng Vương (TP.HCM), cầm kết quả xét nghiệm trên tay, anh L.H.P. (34 tuổi) như người mất hồn. Các BS cho biết, TT của anh bị bất thường về nhiễm sắc thể nên không thể thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm. Muốn có con, khó khăn lắm anh mới vượt qua được sự mặc cảm để xin TT.

Sau một hồi im lặng, anh P. ưu tư: “Sao BS không cho mẫu từ ngân hàng TT của BV? Đi xin TT người quen, rất ngại người ta biết mình vô sinh. Chưa kể sau này, bé lớn lên tìm về cha ruột thì tôi biết làm sao”. BS giải thích, ngân hàng TT hiện có rất ít người hiến tặng nên muốn có mẫu TT, khách hàng phải tự kiếm mẫu để trao đổi. Khi tìm được người cho TT, các BS sẽ tiến hành làm các xét nghiệm. Nếu chất lượng tốt, sẽ chọn để trao đổi với mẫu TT trong ngân hàng.

Hai năm sau, vợ chồng anh P. tìm được một thanh niên 35 tuổi ở Kiên Giang đồng ý hiến TT. Sau năm tháng làm đủ các thủ tục cam kết tự nguyện hiến và các xét nghiệm, vợ chồng chị P. hồi hộp chờ đợi. Thế nhưng, đến ngày hẹn lấy TT thì người thanh niên kia… biến mất. Bao nhiêu chi phí lo ăn ở, đi lại do vợ chồng anh P. lo liệu đã… bay theo gió. Liên lạc qua điện thoại không được, vợ chồng anh P. tìm xuống Kiên Giang gặp thanh niên kia nài nỉ, nhưng anh ta nhất quyết không chịu hiến TT.

Mỗi năm, BV Từ Dũ thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm 2.500 lượt người, trong đó có rất nhiều cặp vợ chồng được chỉ định phải đi xin TT. Tại khoa Hiếm muộn BV Từ Dũ, anh T. mặt mày thẫn thờ sau khi BS thông báo kết quả xét nghiệm tinh dịch đồ của anh không có TT. Kết quả chọc tìm TT từ tinh hoàn cũng không mấy khả quan.

“Nhìn cảnh ấy tôi rất đau lòng, nhưng không thể giúp được gì. Bệnh nhân kể, để có con, vài tháng trước đó anh đã từ bỏ uống rượu, bỏ thuốc lá, ăn nhiều giá đỗ và tăng cường tập thể dục”, TS-BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Phó giám đốc BV Từ Dũ nói. Bởi thế, khi nghe BS tư vấn, nếu muốn có con, cách duy nhất là xin TT, anh T. lặng im, còn vợ anh rưng rưng nước mắt. Biết xin TT của ai!

Với những cặp vợ chồng hiếm muộn, đi xin TT đã khó thì với những phụ nữ đơn thân muốn xin TT để được làm mẹ lại càng khó. Sau 15 năm tìm kiếm, cuối cùng chị Tr.T.N.H., Việt kiều Đức, cũng tìm được người chấp nhận cho TT. Nhưng lúc ấy BS phát hiện chị không còn trứng.

Chuyện là, vào năm 23 tuổi, chị H. quyết định không lấy chồng mà về Việt Nam tìm TT gốc Việt để thụ tinh nhân tạo. Thế nhưng sau 14 năm nhờ người mai mối, đến năm 37 tuổi, chị mới tìm được một người đàn ông chấp nhận cho TT.

Kết quả khám và thực hiện tất cả các xét nghiệm cho thấy sức khỏe và chất lượng TT của người cho đều tốt, mọi thủ tục cũng như việc lấy TT đã hoàn tất. Chỉ đến khi chuẩn bị thực hiện thụ tinh cho chị H., thì BS mới phát hiện chị H. không còn trứng. Mọi cố gắng coi như đổ sông đổ bể. Khi trở về Đức, chị gửi tặng lại ba lọ TT cho ngân hàng TT của BV Từ Dũ và mong ai đó sẽ may mắn hơn chị. Giấc mơ làm mẹ của chị chấm dứt.

Bài 4: “Chợ” tinh trùng

Trong khi hoạt động của ngân hàng tinh trùng (TT) ở các bệnh viện (BV) còn èo uột thì ở “chợ đen”, việc rao bán TT khá sôi động. Thực tế, đã có những phụ nữ phải nhắm mắt “xin trực tiếp”.

Bấp bênh “con giống” nội

Hiếm muộn và nỗi đau của người trong cuộc

T. đang “giao dịch” với khách.

Luật pháp cấm mua bán TT dưới mọi hình thức. Hiện có nhiều trang mạng xã hội kêu gọi hiến tinh tự nguyện. Cũng có trang mạng công khai việc mua bán như “Hội mua bán TT toàn quốc”. Ở đó, người cho hoặc bán tự giới thiệu bản thân, nghề nghiệp, sức khỏe và số điện thoại cho người cần liên lạc.

Chính vì không được kiểm chứng, cũng chẳng ai quản lý nên người cho TT mặc sức “nổ” kiểu như: “Tôi năm nay 20 tuổi, ngoại hình ưa nhìn, cao 1m74, nặng 60kg, sức khỏe tốt, lý lịch trong sạch. Nay muốn cho đi cái mà mọi người cần, liên hệ số 0905563xxx hoặc để lại tin nhắn”; “Mình 16 tuổi, cao 1m80, nặng 60kg cần bán TT giá rẻ để có tiền giúp gia đình. Thể hình thì khỏi bàn, ai mua liên hệ số 0968xxx”…

Ngay sau khi tôi gửi tin nhắn qua Yahoo Messenger, một người tên Ph. giới thiệu 29 tuổi, cao 1m73, chưa có gia đình và sẽ không lấy vợ, cho TT không vì mục đích nhân đạo. Ph. kể, anh mồ côi cha mẹ, ở với bà nội từ nhỏ, gia cảnh khó khăn nên không muốn lấy vợ. Để tạo sự tin cậy, Ph. bật webcam khoe hình ảnh cao to, không mặc áo. Trong suốt quá trình chat, Ph. lúc hứa cho, lúc từ chối.

Chúng tôi nài nỉ hồi lâu, Ph. khoe: “Trong gia đình anh ai cũng khỏe mạnh, trắng trẻo. Từ nhỏ đến lớn, anh chưa đụng bia rượu, thuốc lá, không dính đến các tệ nạn xã hội. Nhưng anh không muốn đến BV xét nghiệm đâu nhé. Anh chỉ cho TT… vào lọ để em tự đi đổi”. Lấy lý do đã khuya, tôi xin ngừng chat, nhưng Ph. níu kéo và “ngửa bài”: “Em có cho mình quan hệ trực tiếp không? Khỏi mất công xét nghiệm đến sáu tháng, lên xuống tốn kém, mình bảo đảm sống lành mạnh, không bệnh gì hết”.

Qua nhiều ngày kiên nhẫn chờ điện thoại, tối 10/5, tôi được một người tên Đỗ Minh H. tự giới thiệu đã tốt nghiệp đại học, đang ở Hà Nội. H. khoe cao 1m70, 26 tuổi, chưa có người yêu, rất khỏe mạnh. Sau một hồi vòng vo, H. nêu rõ: “Nếu chị muốn xin TT thì ra Hà Nội em cho trực tiếp. Em hiến vì mục đích nhân đạo nên sợ chị xin giùm hay đem đi bán lắm!”.

Hay như Nguyễn Đức Th. dù rao là công chức, hiến tự nguyện, nhưng sau khi trao đổi qua điện thoại, Th. cũng muốn “quan hệ trực tiếp cho đỡ tốn kém, đỡ phiền phức”. “Em làm nông, khỏe mạnh lắm. Chị chỉ cần thu xếp ra Hà Nội, em cho thôi, phí đi lại, xét nghiệm chị lo cho em. Chị có thể gửi em bao nhiêu cũng được”- Th. nói.

Một bác sĩ ở BV Từ Dũ TP.HCM chia sẻ: Không ít vợ chồng sau nhiều ngày không tìm được người hiến TT, đổi mẫu với ngân hàng đã nhắm mắt để người hiến quan hệ trực tiếp. Đáng buồn là do bị áp lực phải có con từ gia đình, nhiều ông chồng đã chấp nhận việc này. Quan hệ với người xa lạ, không được xét nghiệm, dễ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục, thậm chí viêm gan, HIV.

Thực tế, một số bạn trẻ có ý định mua đứt bán đoạn “tinh binh”. Chiều 12/5, chúng tôi theo chân chị H. đi gặp người cho TT đã hẹn ở đường Ngô Quyền, Q.5, TP.HCM. Đến nơi, chị H. vừa gọi điện thì một người đàn ông mặc áo sơ mi dài tay, áo bỏ trong quần, đeo khẩu trang kín mít trờ xe tới, hướng dẫn chúng tôi đến một quán cà phê gần đó để “giao dịch”. Sau khi biết khách có nhu cầu thực sự, người đàn ông cởi bỏ khẩu trang và giới thiệu tên là N.H.T. cao 1m68, nặng 63kg (28 tuổi, ngụ Q.Tân Phú).

Vào quán nước, T. gọi nước lọc. Chúng tôi hỏi sao không uống cà phê thì anh xua tay: “Em chỉ uống nước lọc cho tốt”. T. giới thiệu công tác trong lĩnh vực y tế và đang học cao học nên hiểu và xem việc hiến TT giúp người hiếm muộn là chuyện bình thường. Sau khi cho chúng tôi xem chứng minh nhân dân, bằng cấp, chứng nhận nơi công tác…, T. quyết định bán TT với giá 20 triệu đồng.

Anh cho biết, chưa từng hiến TT và chỉ đồng ý cho TT qua BV theo đúng các thủ tục xét nghiệm, kiểm tra và tránh những phiền phức về sau. Chị H. trình bày khó khăn, muốn giảm giá, T. vẫn “chắc nịch” 20 triệu đồng. Nghe chị H. than, sau khi lấy “con giống” sẽ đổi mẫu với ngân hàng TT, T. chỉ dẫn: “Nếu muốn thụ tinh với con giống của em thì vợ chồng chị cứ đến BV tư làm xét nghiệm…”. Chúng tôi lo ngại việc tăng giá giữa chừng, T. khẳng định: “Xét nghiệm xong, chị đưa trước 50%, sau khi BV lấy mẫu để thụ tinh thì chuyển em số còn lại”.

Hiếm muộn và nỗi đau của người trong cuộc

>>>>>Xem thêm: Điều trị kết hợp Đông – Tây y: tín hiệu vui cho những người vô sinh

Dữ liệu thông tin kèm với hình lúc bé của Kim

Săn “giống” Tây

Với mong muốn an toàn, đa dạng sự lựa chọn hoặc chỉ vì để có con lai Tây, một số chị em, nhất là người muốn làm mẹ đơn thân đã ra nước ngoài tìm “giống”. Theo hướng dẫn của một bà mẹ đơn thân từng “kiếm con” ở nước ngoài, chúng tôi đã gửi thư điện tử đến một số ngân hàng TT tại Mỹ, châu Âu để hỏi về thủ tục, chi phí xin TT.

Sau một giờ gửi thông tin, một phụ nữ tên Katja Maj Nielsen – kỹ thuật viên phòng xét nghiệm cũng là nhân viên chăm sóc khách hàng của một ngân hàng TT ở châu Âu cho biết: “Hiện ngân hàng có rất nhiều mẫu TT, chủ yếu là của người Bắc Âu, một số ít của người châu Á, châu Phi nhưng chưa có “giống” của người Việt Nam. Nếu muốn tìm đúng người Việt thì trong vòng sáu-tám tháng sau sẽ có. Khi có mẫu, ngân hàng sẽ chuyển về một phòng khám ở Việt Nam, khi phòng khám đó chịu nhận mẫu. Nếu không, bạn đến châu Âu để thụ tinh”.

Cơ sở trên còn gửi cho chúng tôi địa chỉ bốn trung tâm hỗ trợ sinh sản tại châu Âu. Giá ngân hàng này đưa ra cho một lọ TT từ 214-269 Euro (khoảng 5-6 triệu đồng). Nếu mua từ người hiến có đầy đủ thông tin, 339 – 429 Euro (8-10 triệu đồng). Giá này sẽ được cộng thêm thuế giá trị gia tăng từ 19% – 25% tùy từng quốc gia, ví dụ người ở Đức mua được cộng 19%, Phần Lan 24%, còn các nước ở châu Âu khác là 25%. Nếu khách hàng muốn vận chuyển mẫu TT về nước thì phí vận chuyển là 275 Euro (6,6 triệu đồng) đối với các nước trong phạm vi châu Âu, ngoài châu Âu là 515 Euro (12,5 triệu đồng).

Nếu người mua chưa muốn thụ tinh ngay, ngân hàng không tính thêm phí trong ba tháng đầu, sau sáu tháng tăng thêm phí bảo quản 75.000 Euro (1,8 tỷ đồng), sau một năm: 140.000 Euro (3,36 tỷ đồng), sau 5 năm: 485.000 Euro (11,6 tỷ đồng), sau 10 năm: 865.000 Euro (20,8 tỷ đồng).

Thử vào danh sách của 253 người hiến được xếp theo thứ tự bảng chữ cái ABC, phân loại chủng tộc/sắc tộc, màu mắt, màu tóc, chiều cao, cân nặng, trình độc học vấn, nhóm máu, chúng tôi ghi nhận phần lớn người hiến thường sẵn sàng cho người xin biết rõ thông tin kèm đoạn video giới thiệu về bản thân, gia đình và những suy nghĩ về những đứa trẻ trong tương lai.

Ví dụ, khi chúng tôi thử tìm mẫu TT của người gốc châu Á. Bảng thông tin liền hiện số liệu 17 người. Khi chọn tiếp chiều cao từ 1m7 đến 1m79, nhóm máu O thì chỉ còn 5 người. Trong đó, có Kim, mang hai dòng máu Việt – Trung. Anh giới thiệu mình biết 4 ngoại ngữ và đang làm nghiên cứu sinh về kỹ thuật y sinh. Thông tin về cha mẹ, ông bà của Kim cũng được thể hiện khá rõ.

Cơ sở C. có trụ sở ở Đan Mạch được mệnh danh là ngân hàng TT lớn nhất thế giới với nguồn dự trữ 170 lít TT cùng danh sách 600 người chờ hiến. Ngân hàng này có 25 năm kinh nghiệm và cung cấp “con giống” cho hơn 70 quốc gia trên thế giới. Tại đây, mỗi lọ TT thể tích từ 0,4-0,5ml, giá phụ thuộc vào người hiến giấu tên, cho biết ít hoặc đầy đủ thông tin, hoạt lực của TT, TT đã lọc rửa hoặc còn dạng thô. Những khách hàng không muốn con của họ sau này có cùng anh chị em chung từ TT của một người hiến thì phải mua với giá độc quyền là 12.000 Euro (288 triệu đồng).

Tại Việt Nam, những ngân hàng hợp pháp không đáp ứng đủ nhu cầu khiến người xin TT phải tìm đến “chợ đen” tiềm ẩn nhiều rủi ro. Ước muốn có một đứa con của người hiếm muộn vẫn còn quá xa xôi…

Theo PN

Vô tinh không vô vọng

Thực tế có rất nhiều nam giới được các cơ sở điều trị hiếm muộn chẩn đoán vô tinh (không có TT), nếu muốn làm cha buộc phải xin TT từ người khác. Thế nhưng, một số người trong số đó vẫn nhất quyết “cải thiện” chất lượng “con giống” để nuôi hy vọng và khoa Nam học, Bệnh viện (BV) Bình Dân TP.HCM đã giúp được những trường hợp như thế.

Tôi nghĩ, việc xin TT chỉ mới giải quyết được nỗi khát khao có con của người vợ mà chưa giải tỏa được nỗi buồn của người chồng. Do đó, khi chẩn đoán vô tinh, bệnh nhân nên điều trị nam khoa trước khi chấp nhận xin TT. Tôi cảm thấy lo lắng cho những trường hợp người vợ nhắm mắt xin trực tiếp “con giống” từ người xa lạ. Chất lượng TT sẽ không kiểm soát được, chưa kể nguy cơ nhiễm các bệnh lây qua đường tình dục, HIV, viêm gan siêu vi…

Ngoài ra, người cho có thể đã cho nhiều người và sẽ có nguy cơ cận huyết thống. Đặc biệt, một số đối tượng có khi đã thắt ống dẫn tinh hoặc không có TT, vô sinh… nhưng vẫn đòi cho “trực tiếp” để lừa chị em quan hệ tình dục.

ThS-BS Mai Bá Tiến Dũng – Trưởng khoa Nam học, BV Bình Dân

Mua bán trứng, tinh trùng sẽ bị phạt từ 30 – 40 triệu đồng

Nghị định 176/2013/NĐ-CP 14 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, tại khoản 2 điều 33 đã quy định phạt tiền từ 30-40 triệu đồng đối với hành vi thực hiện cho, nhận noãn; cho, nhận TT; cho, nhận phôi khi không được phép theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, nếu việc mua bán trứng, TT diễn ra một cách tự do, không được kiểm soát cũng sẽ gây ra hệ lụy khôn lường.

Khi trứng và TT được mua bán không kiểm soát, không thể đảm bảo được nguyên tắc trong việc cho TT, cho noãn: “TT, noãn của người cho chỉ được sử dụng cho một người, nếu không sinh con thành công mới sử dụng cho người khác”. Do đó, không có gì đảm bảo rằng sau này những đứa trẻ cùng trứng được sinh ra sẽ không kết hôn với nhau, và sẽ không thể tránh khỏi những cuộc hôn nhân cận huyết.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *