Ốm nghén cả ngày mệt mỏi mẹ bầu phải làm sao?

Rate this post

Ốm nghén cả ngày có lẽ là nỗi ám ảnh của không ít mẹ bầu. Dù phần lớn phụ nữ mang thai đều ít nhiều trải qua những triệu chứng ốm nghén. Tuy nhiên, phải đối mặt với nó cả ngày dài rất dễ khiến mẹ mệt mỏi và chán nản. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu về vấn đề này và xem có cách khắc phục nào không nhé. 

Bạn đang đọc: Ốm nghén cả ngày mệt mỏi mẹ bầu phải làm sao?

Ốm nghén cả ngày mệt mỏi mẹ bầu phải làm sao?

1. Mẹ bị ốm nghén cả ngày sẽ trải qua cảm giác như thế nào

Mỗi phụ nữ sẽ có trải nghiệm về thời gian ốm nghén khác nhau tùy vào cơ địa. Đối với tình trạng ốm nghén cả ngày, nó có thể rơi vào hai trường hợp:

  • Ốm nghén cả ngày trong ba tháng đầu thai kỳ . Mẹ bị ốm nghén nhiều nhưng chỉ kéo dài trong tam cá nguyệt thứ nhất. Mọi thứ sẽ dần được cải thiện khi mẹ bước qua giai đoạn sau của thai kỳ.
  • Ốm nghén cả ngày do chứng ốm nghén nặng ( ốm nghén kéo dài ) gây ra. Lúc này, mẹ sẽ bị ốm nghén nghiêm trọng không những trong ba tháng đầu mà suốt cả thai kỳ. Thậm chí có trường hợp tình trạng này kéo dài đến sau khi mẹ sinh. 

Ốm nghén cả ngày mệt mỏi mẹ bầu phải làm sao?

1.1. Ốm nghén cả ngày trong ba tháng đầu thai kỳ

Chúng ta đều biết sự thay đổi nồng độ hormone trong cơ thể mẹ khi có thai dẫn đến tình trạng ốm nghén với nhiều loại triệu chứng khác nhau.

Trên thực tế, có khá nhiều mẹ bầu bị ốm nghén rất nhiều từ khi bắt đầu có thai đến hết tam cá nguyệt thứ nhất. Các triệu chứng mẹ trải qua vô cùng đa dạng: từ sợ mùi, sợ đồ ăn, đói bụng, buồn nôn khi đói, buồn nôn khi no,…

Có nhiều mẹ rất dễ bị nghén khi đói hoặc mệt mỏi. Nhưng có những chị em luôn cảm thấy đói và lại bị nghén sau mỗi lần ăn.

Không ít phụ nữ bị chứng ợ chua hành hạ khi mang thai, dù mới ở những tháng đầu.

Và một điều không phải hiếm gặp là khi thực hiện những lời khuyên từ mọi người xung quanh, tình trạng ốm nghén không những không giảm bớt mà còn tệ hơn.

Có lẽ không phải những lời khuyên đó là sai nhưng nó không phù hợp với bạn. Lúc này, bạn có thể hỏi ý kiến bác sĩ. Sự điều chỉnh chế độ ăn và sử dụng thuốc hỗ trợ theo hướng dẫn của bác sĩ có thể giúp bạn cảm thấy tốt hơn.

Bạn đừng sợ người khác cho rằng bạn quá yếu đuối hay chẳng có gì nghiêm trọng mà lúc nào cũng “bác sĩ”. Suy nghĩ này là không đúng.

Mỗi phụ nữ đều khác nhau, và mỗi lần mang thai cũng đều không giống nhau. Mỗi bà mẹ sắp sinh đều xứng đáng được giải đáp những thắc mắc của mình từ những người có chuyên môn. Từ đó, họ nhận được sự chăm sóc và phương pháp điều trị cần thiết để tận hưởng thai kỳ của mình. 

Ốm nghén cả ngày mệt mỏi mẹ bầu phải làm sao?

1.2. Ốm nghén cả ngày do chứng ốm nghén nặng

Ốm nghén cả ngày do chứng ốm nghén nặng (hay ốm nghén kéo dài) gây ra là tình trạng nghiêm trọng cần được can thiệp y tế trong nhiều trường hợp. Vì loại ốm nghén này có thể khiến bạn bị nôn nghén nặng, không giữ lại được thức ăn. Nó dễ khiến bạn bị mất nước, mệt mỏi, kiệt sức, gây ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống, sinh hoạt và khả năng làm việc.

Sự can thiệp y tế lúc này là cần thiết để đảm bảo bạn nhận được đủ dinh dưỡng cần thiết cho sức khỏe cũng như thai kỳ.

Chứng ốm nghén nặng không quá phổ biến nhưng không phải không xảy ra ở phụ nữ mang thai . Nếu bạn thấy mình có các triệu chứng như trên (nôn nghén quá nhiều, mệt mỏi, mất nước, kiệt sức,…) bạn cần đến cơ sở y tế để được giúp đỡ. 

Ốm nghén cả ngày mệt mỏi mẹ bầu phải làm sao?

2. Một số mẹo có ích cho mẹ bị ốm nghén cả ngày

Chắc chắn bạn đã được nghe rất nhiều lời khuyên để trị tình trạng ốm nghén cả ngày của mình. Bạn hãy xem qua một số mẹo dưới đây và thử áp dụng nhé:

2.1. Xin nghỉ một buổi làm có thể giúp ích khi bạn bị ốm nghén cả ngày

Có những ngày mà suy nghĩ phải rời khỏi giường để đi làm khiến bạn buồn nôn thêm. Lúc này bạn hãy xin nghỉ ốm một ngày để nghỉ ngơi. Cơ thể bạn đang “tăng ca” ngày đêm để nuôi lớn một em bé và bạn xứng đáng được như vậy. Hoặc bạn có thể xin nghỉ phép vào khoảng tuần thứ bảy hay tám, khi chứng ốm nghén thường ở đỉnh điểm. Bạn sẽ vừa có thời gian nghỉ ngơi, hồi phục sức khỏe. Cũng như bạn không phải thông báo cho đồng nghiệp việc mình có thai trong trường hợp bạn chưa muốn. 

Ốm nghén cả ngày mệt mỏi mẹ bầu phải làm sao?

2.2. Thử những mùi hương tươi mát để làm dịu sự khó chịu khi bạn bị ốm nghén cả ngày

Nhạy cảm với mùi hương là triệu chứng khá phổ biến của các mẹ bầu. Không chỉ mùi nước hoa, mùi hôi, mà thậm chí những mùi rất bình thường cũng có thể khiến mẹ buồn nôn. Bạn hãy thử dùng một số loại tinh dầu như chanh hay oải hương để ngửi khi phải chịu đựng những mùi khiến bạn khó chịu. Việc này rất dễ thực hiện cũng như đem lại hiệu quả mà bạn không ngờ đối với tình trạng ốm nghén cả ngày của mình đấy.

2.3. Nói chuyện với chồng và những người xung quanh

Việc này nghe có vẻ như không liên quan đến ốm nghén nhưng thực tế lại trái ngược. Vì khi bị ốm nghén cả ngày, một vài chi tiết, hành động nhỏ nhặt đều có thể châm ngòi cho cơn nghén của bạn. Ví dụ như một chiếc hôn đọng mùi pizza của chồng vì anh ấy chưa chải răng, hay mùi sữa tắm của em gái,…Bạn hãy cho mọi người biết cảm giác của bạn với những điều đó để họ có thể giúp bạn thấy thoải mái hơn. 

Tìm hiểu thêm: Chu kỳ kinh nguyệt và 7 câu hỏi phổ biến dành cho chị em phụ nữ

Ốm nghén cả ngày mệt mỏi mẹ bầu phải làm sao?

2.4. Theo dõi thời điểm bạn thường bị nôn ói

Chúng ta hay cho rằng cơn nghén của mình tự chúng đến và đi khi chúng muốn. Nhưng nếu theo dõi thời điểm thường bị buồn nôn và nôn, bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy rằng chúng xảy ra không phải ngẫu nhiên. Ví dụ: bạn hay khó chịu tầm xế chiều mỗi ngày, có thể do mùi bắp rang bơ mà đồng nghiệp đang nấu trong lò vi sóng; bạn buồn nôn vào cùng thời điểm mỗi ngày vào buổi tối, mùi nấu nướng của nhà hàng xóm gây ra chăng? Khi đã xác định được các tác nhân kích thích cơn nghén của mình, bạn có thể thực hiện các bước thích hợp để tránh chúng bất cứ khi nào có thể

2.5. Uống đủ nước 

Nghe có vẻ như một lời nhắc nhở thừa thãi. Nhưng không phải mẹ bầu nào cũng nhớ uống đủ lượng nước trong ngày. Tình trạng mất nước sẽ dễ dàng khiến cơn nghén của bạn xuất hiện hơn. Để duy trì đủ lượng chất lỏng cần thiết, bạn có thể sử dụng một số mẹo để khiến cơ thể dễ chấp nhận chất lỏng hơn. Đối với một số chị em, khoai tây chiên hay phô mai sợi là món ăn vặt vừa giúp xoa dịu bao tử và cũng khiến cơ thể khát nước hơn. Có những mẹ bầu lại thấy việc nhai đá bào, đá lạnh hoặc uống thức uống nóng có hiệu quả. 

Ốm nghén cả ngày mệt mỏi mẹ bầu phải làm sao?

2.6. Lựa chọn loại thực phẩm phù hợp với bạn

Vì mỗi mẹ bầu đều khác nhau nên loại thực phẩm này có thể dễ ăn với người này nhưng lại khiến người khác buồn nôn. Khi bị ốm nghén cả ngày, bạn hãy thử những món ăn giúp bạn thấy dễ chịu. Đặc biệt là món ăn lạnh (vì mùi của chúng ít nồng hơn), cũng như thức ăn ít gia vị. Bạn nên tránh thức ăn cay nóng, nhiều gia vị vì chúng là nguyên nhân phổ biến châm ngòi cho cơn nghén của bạn. Bạn cũng có thể thử trang bị cho mình một ít gừng (dưới dạng kẹo, trà, hay lát tươi) vì chúng giúp xoa dịu cơn buồn nôn đối với khá nhiều mẹ bầu.

2.7. Ăn nhiều bữa nhỏ

Khi có thai, bạn thường hay thấy đói bụng, nhưng do hệ thống tiêu hóa làm việc không được hiệu quả như bình thường, nên việc ăn nhiều có thể khiến nó quá tải. Vì vậy, bạn hãy chia bữa ăn của mình thành những bữa nhỏ và luôn để sẵn những món ăn vặt có lợi cho sức khỏe như trái cây khô, các loại hạt, bánh quy dinh dưỡng ,… 

Ốm nghén cả ngày mệt mỏi mẹ bầu phải làm sao?

2.8. Điều chỉnh lại hiển thị trên máy tính của bạn

Điều chỉnh lại máy tính có thể khiến bạn bất ngờ vị chứng ốm nghén cả ngày của mình được cải thiện. Ánh sáng xanh và các hiệu ứng máy tính có thể khiến bạn mỏi mắt và dễ bị buồn nôn hơn. Bạn hãy điều chỉnh lại hiển thị trên màn hình, kích thước phông chữ lớn và đậm hơn, đổi nền thành màu hồng nhạt hay nâu. Việc này sẽ giúp bạn thấy dễ chịu hơn nhiều. Bạn cũng nên nghỉ giải lao thường xuyên khi làm việc trên máy tính bằng việc đứng dậy đi lại hoặc đơn giản hơn là nhắm mắt lại.

2.9. Tự khiến mình xao nhãng để đánh lạc hướng cơn nghén

Để quên đi cảm giác buồn nôn, bạn có thể đọc một cuốn sách, chơi trò giải ô chữ, đi bộ nhẹ nhàng. Tuy nhiên, bạn cần tránh các hoạt động thể thao mạnh cũng như cần ngừng tập khi bắt đầu thấy mệt

2.10. Túi “cứu hộ” mini – cứu cánh cho những mẹ bầu khi ra ngoài

Bạn hãy trang bị cho mình bàn chải, kem đánh răng, nước súc miệng hay kẹo bạc hà khi ra ngoài. Chúng sẽ giúp bạn có được cảm giác tươi mát, hạn chế cảm giác buồn nôn. Đồ ăn vặt như bánh quy, các loại hạt cũng có thể hữu ích trong trường hợp bạn thấy nôn nao, khó chịu. Bạn cũng hãy mang theo cả một ích bịch ni lông phòng trường hợp khẩn cấp mà bạn chưa thể tìm được nhà vệ sinh ngay. 

Ốm nghén cả ngày mệt mỏi mẹ bầu phải làm sao?

2.11. Đừng sợ người khác bình luận vì bạn đang sử dụng một “phương pháp” kì quặc

Khi bị ốm nghén cả ngày thì sức khỏe và cảm giác của bạn là quan trọng nhất. Vì vậy, bạn đừng ngại sự bình phẩm của người khác về những thứ mình áp dụng (miễn nó không gây hại hay không ảnh hưởng tiêu cực đến bạn và người khác). Ví dụ, bạn ãy thoải mái dừng kem đánh răng trẻ em nếu nó khiến bạn thấy dễ chịu hơn khi đánh răng.

2.12. Dùng băng quấn bấm huyệt

Loại bằng quấn này có bán khá phổ biến ở các nhà thuốc. Nó được thiết kế để tạo lực ấn nhẹ lên một điểm phía trong cổ tay bạn, nơi được tin rằng liên quan đến cảm giác buồn nôn và nôn. Dù chưa biết được chúng thực sự có tác dụng như vậy không, nhưng việc đeo thử cũng không gây hại gì. Nó còn có thể mang lại hiệu quả về mặt tâm lý cho bạn.

2.13. Nằm nghỉ ngơi – một cách tuyệt vời cho mẹ bầu bị ốm nghén cả ngày

Đôi khi, cách đơn giản nhất lại mang lại hiệu quả cao nhất. Khi quá mệt mỏi, bạn hãy nằm xuống, nhắm mắt, hít thở sâu và nằm nghỉ một lúc. Cơ thể bạn sẽ được hồi phục một cách nhanh chóng. 

Ốm nghén cả ngày mệt mỏi mẹ bầu phải làm sao?

>>>>>Xem thêm: Muốn có con nhưng lại ngại sinh nở, vì sao?

2.14. Cân nhắc việc sử dụng thuốc

Đối với tình trạng ốm nghén cả ngày, nếu quá khó chịu, mệt mỏi và kiệt sức, bạn có thể tham khảo ý kiến bác sĩ để được hướng dẫn sử dụng loại thuốc an toàn đối với thai kỳ.

Ốm nghén cả ngày là một trải nghiệm không hề dễ chịu đối với bất cứ mẹ bầu nào. Tuy vậy, bạn cũng đừng quá bi quan và lo lắng. Một trong những mẹo đơn giản trên có thể hữu ích với bạn. Bạn cũng đừng ngại chia sẻ khó khăn của mình với người thân hoặc bác sĩ chuyên khoa để được giúp đỡ, hỗ trợ nhé.

Theo Penn Medicine & Parents

Lily Nguyễn lược dịch

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *