Dạy trẻ cách tiêu tiền là một chủ đề không hề mới đối với các bậc cha mẹ. Tuy nhiên, thời điểm để họ nghĩ tới việc này lại rất khác nhau. Có người cho rằng không nên dạy trẻ về tiền quá sớm kẻo con sẽ hư. Có người lại hướng cho con suy nghĩ không coi trọng giá trị của đồng tiền vì cách dạy sai lầm. Vậy làm thế nào để trẻ học được và hình thành thái độ đúng đắn về việc tiêu tiền? Chúng ta hãy cùng tham khảo 15 chiến lược rất hay và khá dễ thực hiện như dưới đây nhé.
Bạn đang đọc: Dạy trẻ cách tiêu tiền với 15 chiến lược hiệu quả cha mẹ nên áp dụng
Contents
- 1 1. Chứng minh cho trẻ thấy giá trị của đồng tiền
- 2 2. Để dạy trẻ cách tiêu tiền hiệu quả, bạn hãy trò chuyện với con về tiền bạc
- 3 3. Trò chuyện với trẻ về tiền khi hoặc sau khi bạn xem một chương trình TV
- 4 4. Bạn hãy cùng trẻ chơi những trò chơi về tiền bạc
- 5 5. Để trẻ tự mua sắm sẽ giúp bạn dạy trẻ cách tiêu tiền hiệu quả
- 6 6. Bạn hãy nhấn mạnh với trẻ tầm quan trọng của việc kiềm chế cám dỗ mua sắm
- 7 7. Khuyến khích trẻ sưu tập tiền xu cũng có thể giúp ích trong việc dạy trẻ cách tiêu tiền
- 8 8. Cho trẻ tham gia đóng góp ý kiến vào các dự định mua sắm lớn của gia đình
- 9 9. Hãy khuyến khích trẻ tuổi thiếu niên làm thêm để kiếm tiền
- 10 10. Hãy nói chuyện với trẻ về chi phí cơ hội
- 11 11. Khuyến khích trẻ quyên góp tiền vào các mục đích thiện nguyện cũng giúp bạn dạy trẻ cách tiêu tiền
- 12 12. Bạn hãy giúp trẻ lập một tài khoản ngân hàng
- 13 13. Bạn hãy dạy con cách lập kế hoạch chi tiêu
- 14 14. Cùng trẻ lập kế hoạch tiết kiệm cho việc mua sắm chung của gia đình
- 15 15. Chia sẻ với trẻ những sai lầm về tài chính mà bạn đã mắc phải
1. Chứng minh cho trẻ thấy giá trị của đồng tiền
Dùng “người thật – việc thật” đó là quy tắc quen thuộc trong việc giáo dục trẻ , đặc biệt khi dạy trẻ cách tiêu tiền. Vì hình ảnh là một công cụ học tập rất hữu ích. Một số chuyên gia đề xuất rằng trẻ nhỏ nên dùng hũ thủy tinh thay vì heo đất khi đựng/ tiết kiệm tiền. Vì trẻ có thể dễ dàng thấy được số tiền mà chúng thu được. Tuy nhiên, cũng có những thủ thuật giảng dạy trực quan khác mà bạn có thể muốn áp dụng.
Michael Tanney, giám đốc của Magnus Financial Group – một công ty tư vấn tài chính ở thành phố New York – gợi ý bạn hãy cho trẻ xem một cái xô đặt vào bồn rửa và đổ đầy. Ông giải thích: “Nước tượng trưng cho tiền bạc. Khóa nước ở bồn rửa tượng trưng cho công việc. Và cái xô tượng trưng cho ngân hàng. Bạn hãy giải thích với trẻ rằng một khi bạn tiêu hết số tiền mình có, cũng tương tự như việc đổ hết nước trong xô đi, thì bạn phải quay lại bồn rửa để lấy nước (tiếp tục làm việc) thì xô mới đầy lại (tiếp tục kiếm được tiền). Tiền đã tiêu hết cũng giống như nước đã đổ đi, không thể lấy lại. Tài khoản ngân hàng hoạt động không khác nguyên tắc đó là bao”.
2. Để dạy trẻ cách tiêu tiền hiệu quả, bạn hãy trò chuyện với con về tiền bạc
Ngay cả khi còn nhỏ, trẻ cũng nên hiểu cách chúng ta nhận được các dịch vụ và sản phẩm tiêu dùng.
Stefanie Lewis, giám đốc kế hoạch khu vực của Ngân hàng tư nhân Wells Fargo ở Fort Lauderdale, Florida chỉ ra rằng: trẻ em nhìn thấy cha mẹ trả tiền cho nhiều thứ theo nhiều cách khác nhau. Do vậy không phải lúc nào chúng cũng hiểu rõ chuyện gì đang diễn ra. Một đứa trẻ chắc chắn sẽ thấy bối rối khi thấy cha mẹ lúc thì thanh toán tiền điện thoại trên máy tính, lúc thì trả tiền xăng bằng điện thoại, khi thì mua sắm bằng một chiếc “thẻ nhựa”,…
Vậy làm thế nào để trẻ có thể hiểu được về tiền? Hãy trò chuyện, chỉ cho trẻ thấy các hình thức khác nhau của việc tiêu tiền mỗi khi bạn thực hiện. Có thể trẻ chưa nắm được các khái niệm về tài chính, nhưng ít ra, trẻ cũng biết được việc bạn trả tiền không phải là trò chơi.
3. Trò chuyện với trẻ về tiền khi hoặc sau khi bạn xem một chương trình TV
Nếu bạn thường xem các chương trình TV với trẻ, bạn sẽ thấy rằng ở đó có rất nhiều bài học về tiền bạc mà bạn có thể dạy trẻ. Tùy thuộc vào dạng chương trình mà bạn có thể thay đổi cách trò chuyện với trẻ thật linh động và phù hợp.
Bạn có khả năng sẽ mạo hiểm cảm giác thú vị, vui vẻ khi xem TV. Tuy nhiên, nếu có một tập phim chứa đựng một bài học đắt giá về tiền bạc, thì nó cũng rất xứng đáng để hi sinh.
4. Bạn hãy cùng trẻ chơi những trò chơi về tiền bạc
Một số trò chơi dùng “tiền” khá thú vị như trò cờ tỷ phú. Bạn có thể cùng trẻ chơi để “trải nghiệm” cảm giác tiêu tiền, đầu tư, mất tiền và thành quả nhận được. Trò chơi sẽ giúp trẻ hiểu được phần nào về cách thế giới và tiền bạc vận hành.
Và vì đây là trò chơi nên nếu khi kết thúc, bạn hay trẻ phải “phá sản” hay “ngồi tù” thì ít nhất sẽ không có tổn hại vĩnh viễn nào xảy ra.
5. Để trẻ tự mua sắm sẽ giúp bạn dạy trẻ cách tiêu tiền hiệu quả
Để trẻ tự mua sắm là cách dạy trẻ tiêu tiền vô cùng hiệu quả. Bạn có thể cho trẻ mua đồ tại siêu thị, cửa hàng, thậm chí giao dịch online. Khi được tự lựa chọn món đồ mình muốn mua với một hạn mức phù hợp, trẻ sẽ biết cách cân nhắc và đánh giá được mình có chọn đúng món đồ có giá trị tương xứng với giá tiền hay không. Qua đó trẻ sẽ rút được bài học và trở thành người tiêu dùng thông minh trong tương lai.
6. Bạn hãy nhấn mạnh với trẻ tầm quan trọng của việc kiềm chế cám dỗ mua sắm
Nếu trẻ được trợ cấp tiền tiêu vặt và sử dụng hết chúng để mua đồ chơi, bánh kẹo,…có một cách dễ dàng để hướng dẫn trẻ cách ngăn chặn cảm giác ân hận khi “sự đã rồi”.
Mike Earl, một nhà lập kế hoạch tài chínhtại The Wealth Group ở Minneapolis cho biết: “Khi trẻ bắt đầu tiêu tiền riêng vào đồ chơi hoặc bánh kẹo,…bạn hãy giữ lại các biên lai, hóa đơn mua hàng. Sau đó khoảng vài tuần sau, bạn hãy cùng trẻ xem lại biên lai và các giao dịch mua bán đã diễn ra. Bạn có thể cùng trẻ thảo luận các vấn đề như: Trẻ thấy vui như thế nào khi mua món đồ đó?, Nó có phải là một món đồ đáng giá không? Qua đó bạn sẽ giúp trẻ trưởng thành hơn trong suy nghĩ về các quyết định chi tiêu của mình.”
7. Khuyến khích trẻ sưu tập tiền xu cũng có thể giúp ích trong việc dạy trẻ cách tiêu tiền
Việc bạn khuyến khích trẻ sưu tập tiền xu cũng có thể giúp ích khi bạn muốn dạy trẻ cách tiêu tiền . Vì khi sở hữu một bộ sưu tập tiền, trẻ cũng sẽ hứng thú hơn với việc hiểu biết về tiền bạc và các vấn đề liên quan đến nó.
8. Cho trẻ tham gia đóng góp ý kiến vào các dự định mua sắm lớn của gia đình
Có thể bạn không để ý, nhưng trẻ thường nghe thấy những gì bạn nói, dù bạn nghĩ chúng có đang nghe hay không. Vậy thì tại sao bạn không nói chuyện với con một cách chính thức về mục tiêu mua sắm lớn của gia đình.
Nếu bạn đang dự định mua những vật dụng quan trọng hay lên kế hoạch cho một kì nghỉ dài, hãy nói với trẻ về những yếu tố ảnh hưởng đến quyết định tài chính đó. Ví dụ như bạn đã tiết kiệm bao lâu? Việc mua sắm hay đi nghỉ có ý nghĩa với bạn, trẻ hay cả gia đình như thế nào?
Nói về lý do tại sao có thể dạy trẻ giá trị của việc tiết kiệm và lập kế hoạch chi tiêu.
9. Hãy khuyến khích trẻ tuổi thiếu niên làm thêm để kiếm tiền
Nếu bạn có con đang ở tuổi thiếu niên, hãy khuyến khích trẻ tìm việc làm thêm như trông trẻ, thú nuôi, hay chăm sóc vườn tược, cắt cỏ để kiếm tiền. Việc này không những dạy trẻ giá trị của lao động, của đồng tiền trẻ kiếm được. Nó còn giúp trẻ cách lập kế hoạch và sắp xếp tốt lịch trình của mình và tranh thủ thời gian rảnh rỗi để làm việc.
Khi trẻ đã có ý thức coi trọng việc lao động để kiếm tiền, con sẽ nghiêm túc hơn trong công việc và chi tiêu sau này.
Tìm hiểu thêm: Top 11 thực phẩm giữ ấm cho cơ thể trẻ vào mùa đông, mẹ đừng quên bổ sung mỗi ngày
10. Hãy nói chuyện với trẻ về chi phí cơ hội
Chi phí cơ hội là một cụm từ mà bất kì bậc cha mẹ nào cũng có thể sử dụng với con hoặc thậm chí với chính mình. Bạn có thể diễn giải nó một cách dễ hiểu là việc mua một thứ có thể ngăn bạn mua một thứ khác.
Ví dụ, nếu trẻ tiêu hết tiền tiêu vặt của mình vào đồ chơi, bánh kẹo,…đến mùa hè trẻ sẽ không có tiền để tham gia trại hè với các bạn.
Nếu trẻ muốn chi tiêu một số tiền trong ngày sinh nhật hoặc tiền tiêu vặt vào việc gì đó mà bạn thấy rằng ngớ ngẩn, bạn có thể muốn cho chúng làm quen với ý tưởng chi phí cơ hội này.
11. Khuyến khích trẻ quyên góp tiền vào các mục đích thiện nguyện cũng giúp bạn dạy trẻ cách tiêu tiền
Bạn cho trẻ tiền tiêu vặt mỗi tuần và hướng dẫn con tiết kiệm, quyên góp một phần trong đó. Nhưng bạn cũng có thể cho trẻ một khoản tiền ngoài các khoản đó để dành riêng cho công việc thiện nguyện.
Đây không những là việc hữu ích trong dạy trẻ cách tiêu tiền. Nó còn giúp trẻ nhận ra được giá trị của sự cho đi, dạy trẻ biết chia sẻ , một việc rất nên làm vì cộng đồng. Biết đâu bạn sẽ gieo mầm cho một nhà hảo tâm lớn trong tương lai.
12. Bạn hãy giúp trẻ lập một tài khoản ngân hàng
Dù trẻ còn nhỏ và chưa có thu nhập từ công việc, bạn vẫn có thể giúp trẻ lập một tài khoản ngân hàng từ tiền tiết kiệm hoặc các khoản tiền lì xì trong các dịp lễ.
Bạn cũng có thể giúp trẻ kiểm tra và theo dõi tài khoản của mình. Cũng như đảm bảo trẻ không đưa ra các quyết định chi tiêu một cách vội vàng.
13. Bạn hãy dạy con cách lập kế hoạch chi tiêu
Dạy trẻ lập kế hoạch chi tiêu chính là chiến lược dạy con cách tiêu tiền hiệu quả nhất.
Theo Jeremy Straub, Giám đốc điều hành của Coastal Wealth, một công ty tài chính ở Fort Lauderdale khuyên: “Hãy cùng nhau lập kế hoạch chi tiêu gồm các hạng mục và chi phí hàng tháng.”
Mặc dù trẻ không phải trả các hóa đơn hàng tháng, nhưng con cũng có thể có kế hoạch cho các khoản chi của mình. Ví dụ như mua quà sinh nhật cho mẹ, ông, bà,…Và trẻ cũng thấy được chi phí của gia đình nhiều như thế nào. Con sẽ biết trân trọng sự lao động của bố mẹ hơn.
14. Cùng trẻ lập kế hoạch tiết kiệm cho việc mua sắm chung của gia đình
Bạn đang có dự định mua một chiếc TV lớn đời mới, và trẻ rất hào hứng với chuyện này? Hoặc bạn đang muốn cùng gia đình đi nghỉ dài ngày vào dịp lễ, và trẻ vô cùng háo hức với chuyến đi?
Bạn và ông xã có thể chuẩn bị một hộp tiết kiệm mà mọi người đều có thể đóng góp vào. Hộp tiết kiệm nên là loại dễ kiểm tra để bạn hay trẻ đều có thể theo dõi quá trình để dành. Dù trẻ chưa bỏ tiền vào, nhưng qua việc quan sát mọi người đều tham gia vì một “kế hoạch” lớn, trẻ cũng sẽ sớm chung tay góp sức với cả nhà. Như vậy, trẻ sẽ hiểu được giá trị của sự tiết kiệm và các kế hoạch được chuẩn bị chu đáo.
>>>>>Xem thêm: Đây chính là lý do trẻ sơ sinh từ 0 – 6 tháng tuổi thích nằm sấp khi ngủ
15. Chia sẻ với trẻ những sai lầm về tài chính mà bạn đã mắc phải
Chia sẻ những sai lầm về tài chính mà bạn đã mắc phải cũng sẽ rất giúp ích trong dạy trẻ cách tiêu tiền. Vì chắc chắn, chúng ta đều mắc phải chúng trong cuộc sống. Bất kể đó là việc tiêu tiền quá tay cho việc mua xe, sắm đồ đạc hay đi du lịch thì chúng đều sẽ là bài học hữu ích mà bạn có thể nói cho trẻ biết. Trẻ sẽ học được từ kinh nghiệm của bạn để tránh lặp lại chúng trong tương lai.
Dạy trẻ cách tiêu tiền là việc làm rất cần thiết. Bạn có thể dựa vào độ tuổi cụ thể của trẻ để áp dụng những chiến lược thích hợp. Một sự chuẩn bị kĩ lưỡng về kiến thức tài chính cơ bản sẽ giúp ích cho trẻ rất nhiều khi con lớn lên. Trẻ sẽ biết lập kế hoạch chi tiêu hợp lý, biết trân trọng sức lao động và đồng tiền mình làm ra cũng như của người khác.
Theo US News
Lily Nguyễn lược dịch