Dạy con kiểu Nhật là một trong những lựa chọn hàng đầu của nhiều cha mẹ Việt hiện nay. Trong đó, dạy con tự lập là điểm nhấn quan trọng mà khá nhiều phụ huynh đặc biệt quan tâm. Vậy làm sao để giúp trẻ rèn luyện được tính tự lập hiệu quả? Dưới đây là 5 điều cha mẹ Nhật tránh làm khi giáo dục con đức tình này, chúng ta xem xét học hỏi, đừng bỏ qua để “luyện” cho trẻ nhà mình thành công nhé.
Bạn đang đọc: Dạy con kiểu Nhật với 5 điều bạn không nên làm khi muốn trẻ tự lập
Contents
1. Nói không với việc dùng các cụm từ ra lệnh và cấm đoán trẻ
1.1 Tại sao không nên dùng cụm từ ra lệnh hay nói các cụm từ tiêu cực khi dạy trẻ
Dạy con kiểu Nhật nhất là trong việc giúp trẻ hình thành tính tự lập, được cho là cần hạn chế dùng từ ra lệnh hay tiêu cực. Thậm chí là, nhiều cha mẹ Nhật nói không với việc sử dụng các cụm từ ra lệnh.
Cha mẹ Nhật phần lớn cho rằng, khi cha mẹ sử dụng các từ ngữ, cụm từ tích cực, mang tính khẳng định thì trẻ cũng nhờ đó nhận thức về bản thân theo chiều hướng tích cực. Một khi trẻ làm được điều này, con dễ dàng khẳng định bản thân, tin tưởng và yêu thương chính mình hơn.
Ngược lại, nếu cha mẹ dùng nhiều từ hay cụm từ mang tính phủ định, trẻ từ đó có cảm nhận rằng mọi người không thương mình. Cũng từ đây, trẻ có thể cho rằng mình là đứa trẻ kém cỏi. Điều này có nguy cơ dẫn đến một kết cục nghiêm trọng hơn là con ghét chính bản thân, dễ thu mình vào trong vỏ ốc.
1.2. Cha mẹ nên làm gì để hạn chế ra lệnh với trẻ
Thực tế, để chúng ta không thốt ra những câu ra lệnh với trẻ thực sự không dễ dàng. Đôi khi, việc chúng ta ra lệnh, dùng các cụm từ yêu cầu hay tiêu cực đã trở thành thói quen. Hay, trong nhiều gia đình, điều này đã trở thành một “nét văn hóa”.
Sai vặt, ra lệnh và yêu cầu là 3 yếu tố chúng ta có thể bắt gặp ở bất cứ gia đình người Việt nào. Trong khi, 3 yếu tố này có thể căn nguyên làm cho việc dạy trẻ tính tự lập kém hiệu quả, thậm chí là có khả năng sụp đổ, không thành công được.
Vậy chúng ta nên làm gì để hạn chế ra lệnh với trẻ?
Hãy bắt đầu bằng việc dạy cho trẻ hình thành dần thói quen tự giác, đồng thời với việc chúng ta tự học cách kiểm soát sự ra lệnh hay dùng các cụm từ ra lệnh đối với con.
Chúng ta cũng thấy, từ sau khi chào đời, mọi đứa trẻ đều không ngừng học hỏi, khám phá thế giới chung quanh. Trẻ quan sát và thích được làm những việc người lớn làm. Khi trẻ thực hành đó là cách con học hỏi để lớn lên.
Vì thế, thay vì ra lệnh trẻ “đừng” như thế này hay “không được” như thế khác với sự ra lệnh theo chiều hướng tiêu cực, thì hãy hướng dẫn trẻ một cách nhẹ nhàng nhất có thể.
Ví dụ, nếu một đứa trẻ đang tập đi hay mới biết đi hay cố trèo xuống khỏi giường. Thay vì bạn ra lệnh “đừng trèo xuống, kẻo té” – hãy dạy trẻ quay mông, trèo xuống một cách an toàn. Bạn có thể dạy trẻ đôi ba lần, sau đó con sẽ học được cách trèo xuống an toàn một cách tự tin. Điều này hẳn nhiên tốt hơn nhiều so với việc, trẻ vì trèo xuống một cách lén lút hay vội vã khi bạn không quan sát để rồi té ngã.
Tương tự, việc những đứa trẻ mới biết đi thích leo trèo cầu thang, những đứa bé đi còn loạng choạng đã thích khám phá sờ tay vào dao, kéo, cầm nghịch những đôi đũa,…là chuyện diễn ra thường như ở huyện. Nếu bạn ra lệnh trẻ “đừng…”, chắc chắn trẻ sẽ càng có ham muốn thực hiện. Nhưng, nếu bạn dạy cho trẻ một cách từ tốn, giải thích cho trẻ leo cầu thang là nguy hiểm vì con chưa đủ lớn, hoặc sờ vào dao sắc kéo nhọn là không an toàn, con không được chạm vào và cất chúng cẩn thận ở nơi con không thể lấy,…thì kết quả sẽ khác.
Đây chính là cách chúng ta đang rèn kỹ năng sống độc lập cho trẻ , dù là từ những tiểu tiết, việc vặt nhưng lại cần thiết và trẻ thực hành từng chút một một cách chính xác. Nhờ đó, con sẽ thêm phần hiểu biết thế giới, thêm phần khéo léo, tự tin, độc lập mà cha mẹ không phải dùng đến những từ ngữ ra lệnh hay phải cấm đoán trẻ.
2. Dạy con kiểu Nhật là không thể hiện yêu thương con thái quá
Bất cứ cha mẹ nào sinh con ra, bao giời và ai cũng muốn dành cho con những gì tuyệt vời tốt đẹp nhất. Chính điều này dễ khiến cho chúng ta can thiệp quá sâu vào mọi sinh hoạt của trẻ. Không chỉ dừng ở đó, sự can thiệp sâu có thể quá mức đến độ, tính cách của trẻ bị ảnh hưởng mà ta không nhận ra.
Nhiều cha mẹ vì quá thương con, còn bao bọc trẻ thái quá. Nhưng khổ tâm một nỗi, chúng ta không nhận ra điều này chính là yếu tố triệt đường phát triển tính tự lập của trẻ. Nếu bạn nghiền ngẫm và quan sát, bạn có thể nhận ra điều này vô cùng rõ ràng, khi chúng ta ngày càng phải đối diện với những đứa trẻ yếu đuối, “chẳng biết làm gì”, chỉ bởi tình thương vô bờ của cha mẹ đã chi phối chúng đến như thế.
Bởi vậy, theo cách dạy con của cha mẹ Nhật, nếu bạn muốn trẻ rèn được tính tự lập, hãy bớt thể hiện yêu thương thái quá với con. Không ai có thể cấm đoán chúng ta dành trọn vẹn tình yêu cho trẻ, nhưng, hãy thể hiện đúng cách, đúng chỗ, đúng lúc và vừa phải. Đây là một trong những việc tốt nhất, giúp con trở nên một cá nhân có tính độc lập, tự tin và mạnh mẽ.
Tìm hiểu thêm: Top 3 mùng chụp tự bung chống muỗi an toàn cho bé mùa cao điểm sốt xuất huyết
3. Không làm thay con
Quan điểm của cha mẹ Nhật đa số là: làm thay con chính là làm hại con. Họ cho rằng, những đứa trẻ luôn sống trong sự bao bọc của cha mẹ, sẽ bị tước mất những trải nghiệm cần thiết mà bản thân chúng phải tự trải qua.
Như từ đầu bài viết đã chia sẻ, trẻ từ khi sinh ra đã phải học hỏi từng chút một từ thế giới xung quanh để lớn lên và trưởng thành. Vậy, nếu chúng ta tước mất những cơ hội học hỏi của trẻ, thì trẻ sẽ lớn lên như thế nào hay làm sao có thể trưởng thành thực sự khi không có trải nghiệm và kinh nghiệm.
Dạy con tự lập là hướng dẫn cho trẻ trải nghiệm sự việc một cách an toàn, rõ ràng và chính xác bằng kinh nghiệm của chúng ta. Sự giúp đỡ của cha mẹ hay người lớn đối với trẻ trong quá trình học hỏi đó là cần thiết nhưng cũng cần đúng lúc, đúng mức độ thì mới phát huy hiệu quả và mang lại cho trẻ quả ngọt từ những gì con học hay khám phá được.
4. Không làm theo ý mình
Hầu hết người lớn chúng ta đều muốn trẻ làm theo ý chúng ta. Vì, chúng ta cho rằng, ta nhìn thấy được những điều mà trẻ không thấy. Ta có thể tránh những điều mà trẻ chưa thể nhận biết để tránh. Trẻ có thể sẽ thoát được những “đau khổ” hay “sự trả giá” khi làm theo ý ta,….
Nhưng cha mẹ Nhật thì khác, phần lớn phụ huynh Nhật rất chú ý về điều này. Họ để cho con mình được tự hành động, thực hiện theo cách của bản thân nhưng với sự giám sát, quan sát, hướng dẫn và giúp đỡ đúng lúc của cha mẹ.
Mục đích chính của tất cả vẫn là, làm sao để trẻ học được cách tự đứng bằng đôi chân của mình, bằng khả năng của bản thân. Vậy thì hà cớ gì chúng ta lại buộc trẻ phải hành động theo ý của chúng ta – phải không nhỉ!
5. Không đáp ứng mọi đòi hỏi của trẻ
Trẻ con cực kỳ thông minh, chúng hoàn toàn biết khi nào cần đòi hỏi thứ gì ở ai mà chúng muốn. Nếu bạn quan sát trẻ, chắc chắn không khó để nhận ra điều đó.
Và, chúng ta cũng cần biết rằng, những đứa trẻ thường thích đòi. Có những đứa trẻ đòi là vì nhu cầu khám phá. Có những đứa trẻ đòi là bởi chúng cần được quan tâm chú ý. Cũng có những đứa trẻ đòi chỉ đơn giản là vì được cưng chiều quá mức và đòi hỏi đã trở thành một đặc tính hay thói quen của chúng.
Bởi thế, cẩn thận trong việc đáp ứng những yêu cầu, đòi hỏi ở trẻ với cha mẹ cũng là một “nghệ thuật”. Cha mẹ Nhật thường rất cứng rắn và cương quyết trong việc lựa chọn đáp ứng đòi hỏi của trẻ hay là không. Thậm chí có lúc vô tình chúng ta gặp phải, chúng ta còn có thể kết luận, nhiều cha mẹ từ chối một quá cách lạnh lùng. Hay, chúng ta có chút hoài nghi, hình như trong cách nuôi dạy con của người Nhật , có chút gì đó hơi “nhẫn tâm”.
Thực chất, trong cách giáo dục trẻ, với cả các phương pháp giáo dục hiệu quả của phương Tây, sự cứng rắn đến lạnh lùng thậm chí là “thờ ơ”, “vô tâm” khiến chúng ta thổn thức, lại là một trong các bí quyết làm cha mẹ rất cần phải dùng đến khi dạy con trẻ.
Một câu nói vui mà nhiều phụ huynh hay dùng là, đôi khi chúng ta phải đóng vai “ác” để dạy con, bởi có những tình huống, thời điểm hay trong một giai đoạn nào đó của trẻ, thực sự chúng ta không thể nhân nhượng được. Và, bạn sẽ hoàn toàn hiểu điều này, khi phải đối phó với một đứa trẻ bướng bỉnh. Trẻ sẵn sàng ăn vạ giữa đêm khuya, khóc rống ráng cả 15-20 phút đồng hồ, đánh thức cả hàng xóm dậy chỉ vì…đòi ôm một con gấu bông bị bẩn mẹ mới bỏ vào máy giặt lúc tối.
Khi bạn đang nuôi nấng một đứa trẻ bướng bỉnh và ưa đòi hỏi, bạn sẽ khám phá ra rằng, thỏa đòi hỏi của trẻ là việc dễ dàng hơn nhiều so với quyết định khước từ đáp ứng. Cũng như, có lúc bạn sẽ nhìn thấy rõ, sự đòi hỏi của trẻ là không chính đáng, thâm chí là vô lý. Vậy thì tại sao chúng ta lại phải đáp ứng mọi đòi hỏi của con như thế? Trẻ sẽ học được gì để cố gắng đạt được điều mình mong muốn, nếu như mọi thứ con muốn đều sẵn sàng được đáp lại, cho dù là điều không đúng đắn hay hợp lý!
Đến lúc này, hẳn bạn sẽ hiểu ra rằng, bạn hoàn toàn phải rèn luyện sự cứng cỏi cho bản thân. Được như thế, bạn mới để có thể nói không với trẻ trong những trường hợp cần thiết. Và, điều này mới giúp con có thể rèn luyện tốt hơn cho bản thân, trưởng thành hơn một cách tự lập không dựa dẫm, vòi vĩnh hay tự nhận thức được có những điều không hợp lý thì không thể đòi hỏi.
>>>>>Xem thêm: Sửa thói quen mè nheo, khóc lóc khi ăn ở trẻ với 4 cách cực hiệu quả
Dạy con kiểu Nhật có khá nhiều nguyên tắc hay mà chúng ta hoàn toàn có thể học hỏi và áp dụng. Riêng về việc dạy con tính tự lập, nếu bạn đang tìm kiếm cách hiệu quả nhất để rèn cho con, có lẽ việc bạn có thể khởi động ngay là chấn chỉnh hành động từ chính mình. Sự chấn chỉnh ấy không ở xa vời gì cả, mà có thể bắt đầu từ 5 việc cần hạn chế đến không làm với trẻ như trên.
Cát Lâm tổng hợp