Khu vui chơi cho trẻ em có lẽ là địa điểm khá quen thuộc với các bậc cha mẹ ở khắp nơi. Vì đây là nơi chúng ta có thể cùng con chơi đùa, giải trí một cách lành mạnh vào cuối tuần hay những dịp lễ tết. Đồng thời, nơi này còn có thể giúp rèn luyện thể lực và kĩ năng xã hội vì chúng giống như xã hội thu nhỏ dành cho trẻ vậy.
Bạn đang đọc: Khu vui chơi trẻ em và nỗi lo của phụ huynh trong mùa dịch bệnh
Khu vui chơi hay những điểm giải trí công cộng mang lại nhiều điều hữu ích cho trẻ như thế. Tuy nhiên, trong tình hình dịch bệnh hiện nay, thì một chuyến đi ngắn cùng con đến những nơi này cũng trở nên khá xa xỉ, vì nỗi lo lắng bị nhiễm bệnh. Chúng ta hãy cùng xem tâm trạng của các bậc cha mẹ về vấn đề này, những lời khuyên của chuyên gia, cùng các vấn đề liên quan khác, rất cần chia sẻ cùng nhau ở thời điểm hiện nay như thế nào nhé.
Contents
- 1 1. Khu vui chơi cho trẻ em gắn liền với sự bất an trong mùa dịch COVID 19
- 2 2. Câu trả lời của chuyên gia cho một số câu hỏi cấp bách từ các bậc phụ huynh có con nhỏ về COVID 19
- 2.1 2.1. Tôi có thể đưa trẻ đến nơi công cộng, các khu vui chơi trẻ em không?
- 2.2 2.2. Cửa hàng đã hết dung dịch rửa tay khô, tôi có thể tự làm chúng hay không?
- 2.3 2.3. Con tôi có triệu chứng cảm lạnh hoặc cảm cúm nhẹ, tôi có nên đưa con đến bệnh viện không?
- 2.4 2.4. Nếu tình trạng của trẻ có vẻ nghiêm trọng, trẻ có được xét nghiệm COVID 19 hay không
- 2.5 2.5. Việc đưa trẻ theo cùng trên các phương tiện giao thông công cộng có an toàn không?
- 2.6 2.6. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu con tôi có hệ miễn dịch yếu hoặc đã bị tổn thương
- 2.7 2.7. Gia đình tôi có nên thực hiện thêm biện pháp vệ sinh nào ngoài rửa tay hay không?
- 2.8 2.8. Bà của bọn trẻ có thể đến thăm chúng tôi không?
- 2.9 2.9. Trẻ sơ sinh có nguy cơ bị nhiễm virus cao hơn hay không?
1. Khu vui chơi cho trẻ em gắn liền với sự bất an trong mùa dịch COVID 19
Khu vui chơi hay những nơi giải trí cho trẻ có lẽ hầu như đều gắn liền với sự bất an. Đây là hiện thực và là tâm trạng trung của các bậc phụ huynh không ở riêng một quốc gia nào. Bạn hãy theo dõi một tâm sự ngắn dưới đây và xem mình có đồng cảm với phụ huynh trong câu chuyện không nhé:
Tuần trước, tôi đưa bọn trẻ đến Brooklyn Bridge Park – khu vui chơi nơi chúng tôi ở và cũng là một địa điểm du lịch khá thu hút. Có một sân chơi lớn với hố cát khổng lồ ở đó, chúng tôi đã mang xô, xẻng và cào đến cho các con chơi. Sau khoảng 20 phút, bọn trẻ chán chơi với cát và chuyển sang trò leo núi, bỏ lại đồ chơi trên bãi cát. Tôi nhìn thấy một vài trẻ khác chập chững đến và đặt những đôi tay đeo găng nhỏ bé lên các món đồ chơi kia. Đây là một tình huống khá thường gặp ở các khu vui chơi hoặc công viên.
Tuy nhiên, chúng tôi không ở trong một khoảng thời gian bình thường, mà là thời điểm dịch bệnh do coronavirus – COVID 19 đang hoành hành khắp nơi. Tôi muốn biết liệu tôi có nên lo lắng về những tình huống mà trước đây có thể là bình thường, nhưng giờ đây lại có khả năng gây nguy hiểm cho gia đình chúng tôi không. Chúng ta có nên bắt đầu thay đổi hành vi của mình?
Có lẽ chúng ta đều bắt gặp sự lo lắng, bất an của mình trong tâm sự của một bậc phụ huynh ở trên. Điều đó rất dễ hiểu vì hiện tại nhiều trường học ở khắp nơi đang đóng cửa, các sự kiện thể thao, văn hóa cũng bị hủy bỏ vì COVID 19 trong khi phụ huynh có nhiều câu hỏi chưa được trả lời. Cụ thể, họ có nên tiếp tục đưa con đến những khu vực đông người như khu vui chơi cho trẻ em, rạp chiếu phim hay bảo tàng, nơi có những trẻ em khác mà ranh giới cá nhân và mức độ vệ sinh không phải lúc nào cũng xác định được là có an toàn hay không.
Bởi vì tình hình đang phát triển nhanh chóng và loại virus này còn quá mới, các khuyến cáo có thể thay đổi thường xuyên. Theo Tiến sĩ Peter J.Hotez, M.D., Ph.D., – Trưởng khoa của Trường Y học Nhiệt đới Quốc gia thuộc Đại học Y Baylor cho biết: “Chúng tôi chưa thấy các tình trạng bệnh nghiêm trọng xảy ra ở trẻ em, vì vậy, chúng tôi thực sự không kiểm tra các đối tượng là trẻ em nhiều, cũng như không biết vai trò của trẻ em trong việc truyền bệnh này.”
Còn theo Tiến sĩ Sean O’Leary, M.D., thành viên điều hành của Ủy ban Nhi khoa Hoa Kỳ về các bệnh truyền nhiễm thì: “Hiện tại, mọi người nên thận trọng nhất có thể. Chúng ta đang đối mặt với một loại virus mà mọi người kể cả các chuyên gia, thực sự chưa có kinh nghiệm trước đó.”
Với thực trạng đó, dưới đây là câu trả lời cho một số câu hỏi cấp bách của các bậc phụ huynh đang có con nhỏ.
2. Câu trả lời của chuyên gia cho một số câu hỏi cấp bách từ các bậc phụ huynh có con nhỏ về COVID 19
2.1. Tôi có thể đưa trẻ đến nơi công cộng, các khu vui chơi trẻ em không?
Việc bạn có thể đưa trẻ đến nơi công cộng, các khu vui chơi trẻ em ngoài trời hoặc trong nhà hay không còn phụ thuộc vào tình hình ở khu vực bạn sinh sống. Nó có thể thay đổi từng giờ vì vậy, bạn nên thường xuyên kiểm tra thông tin cập nhật từ cơ quan y tế, truyền thông địa phương trước khi định đến bất kì địa điểm công cộng hay điểm vui chơi nào cho trẻ, có hoặc không đưa trẻ đi cùng.
Lời khuyên chung dành cho bạn trong thời điểm này, đặc biệt nếu khu vực bạn đang sống đã có trường hợp mắc bệnh, là bạn nên thực hiện quy tắc “giữ khoảng cách xã hội”. Điều này có nghĩa là bạn nên ở nhà, hạn chế ra ngoài trừ khi cần thiết, cũng như tránh tụ tập đông người.
Ở nhiều nơi, các sự kiện thể thao văn hóa đã bị hủy bỏ hoặc dời lại và số lượng người tập trung tại một địa điểm vì một sự kiện nào đó đang ngày càng bị giới hạn.
Dù bạn sống trong khu vực chưa có dịch bệnh, nhưng bạn vẫn không thể chắc chắn các địa điểm công cộng như khu vui chơi cho trẻ em không nguy hiểm. Vì coronavirus (hay một số loại virus khác) có thể tồn tại trên bề mặt kim loại, thủy tinh hay nhựa từ 2 giờ đến 9 ngày. Tuy vậy, trẻ vẫn cần được ra ngoài, và một sân chơi rộng thoáng ngoài trời vẫn an toàn hơn sân chơi khép kín. Bạn có thể dùng khăn lau kháng khuẩn để lau bề mặt đồ chơi trước khi trẻ chơi.
Và như thường lệ, bạn hãy nhắc nhở, khuyến khích trẻ rửa tay thường xuyên, đặc biệt khi từ sân chơi về, cũng như trước và sau bữa ăn. Bạn hãy hướng dẫn trẻ rửa tay trong khoảng thời gian hát hai lần câu “Happy birthday”, và sau đó, lau khô tay đúng cách.
Có một số bằng chứng cho thấy rằng lau tay bằng khăn giấy dùng một lần vệ sinh hơn dùng máy sấy tay nơi công cộng. Và việc rửa tay bằng nước với xà phòng cũng diệt khuẩn hiệu quả hơn dùng nước rửa tay khô. Bạn và trẻ chỉ nên dùng dung dịch rửa tay khi không thể rửa tay bằng nước và xà phòng.
2.2. Cửa hàng đã hết dung dịch rửa tay khô, tôi có thể tự làm chúng hay không?
Chúng ta có thể thấy rất nhiều công thức hướng dẫn tự làm dung dịch rửa tay tại nhà xuất hiện trên mạng. Tuy nhiên, việc này không được các chuyên gia khuyến cáo thực hiện, cho dù bạn không thể mua được dung dịch rửa tay tại cửa hàng.
Các loại dung dịch này được chế tạo với lượng cồn ở mức 60-95% để đảm bảo hiệu quả diệt khuẩn. Và chưa có bằng chứng nào cho thấy tác dụng tương tự ở dung dịch rửa tay tự chế.
Nếu bạn đang sử dụng dung dịch rửa tay khô (được mua tại cửa hàng), hãy đảm bảo chúng chứa ít nhất 60% cồn và khi sử dụng, hãy để dung dịch khô hoàn toàn trước khi bạn hay trẻ chạm vào bất cứ thứ gì, nếu không chúng sẽ không đạt hiệu quả. Bạn cũng nên lưu ý rằng, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ , thì dung dịch rửa tay khô sẽ không có tác dụng đối với các vết bẩn nhìn thấy được hoặc vết dầu mỡ.
Tìm hiểu thêm: Cách luyện mắt giảm cận thị cho trẻ mà phụ huynh nên biết
2.3. Con tôi có triệu chứng cảm lạnh hoặc cảm cúm nhẹ, tôi có nên đưa con đến bệnh viện không?
Triệu chứng phổ biến do COVID 19 bao gồm sốt, ho khan và khó thở. Nếu trẻ bị sốt nhẹ, chảy nước mũi hay đau họng, bạn nên gọi cho bác sĩ của con trước khi định đưa trẻ đi bất kì đâu. Vì như dữ liệu hiện tại, chảy nước mũi – một triệu chứng phổ biến ở trẻ tuổi đi học – hiếm khi là biểu hiện của nhiễm trùng do coronavirus mới gây ra, nhưng đau họng đôi khi lại là triệu chứng.
Tất cả mọi người, kể cả trẻ em nếu bị bệnh nhẹ, nên tránh xa bệnh viện và cũng không nên đến trường.
Nếu trẻ phát triển các triệu chứng như khó thở, không thể ăn, uống hay thay đổi hành vi, bạn nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ (bạn nên gọi điện và thông báo trước về tình trạng của trẻ và làm theo hướng dẫn của bác sĩ).
2.4. Nếu tình trạng của trẻ có vẻ nghiêm trọng, trẻ có được xét nghiệm COVID 19 hay không
Trừ khi trẻ có lịch sử tiếp xúc trực tiếp với người đã được xác nhận dương tính với COVID 19, có lịch sử du lịch đến khu vực có dịch hoặc tình trạng của trẻ nặng cần phải nhập viện, trẻ có thể sẽ không được xét nghiệm.
Việc xét nghiệm COVID 19 phụ thuộc vào khu vực bạn ở. Và không phải mọi người yêu cầu đều được xét nghiệm, vì chúng ta không đủ nguồn lực cũng như dụng cụ để thử nghiệm cho mọi trường hợp. Những người thuộc nhóm nguy cơ cao như người lớn tuổi, người có bệnh nền sẽ được ưu tiên xét nghiệm bệnh vì họ có khả năng cao sẽ phát triển các triệu chứng bệnh nghiêm trọng.
Nếu trẻ được xét nghiệm thì thời gian có kết quả sẽ phụ thuộc vào cơ sở xét nghiệm cũng như trẻ đã bị ốm bao lâu, thường dao động từ vài giờ đến 7 ngày.
Mặc dù sẽ có nhiều phòng thí nghiệm đáp ứng được việc xét nghiệm COVID 19 trong thời gian sắp tới, nhưng có thể nhu cầu cũng tăng nên chúng ta vẫn chưa chắc chắn việc cung cấp kết quả sẽ được rút ngắn bao lâu.
2.5. Việc đưa trẻ theo cùng trên các phương tiện giao thông công cộng có an toàn không?
Nếu chính quyền tại khu vực bạn đang sống khuyến cáo nên thực hiện giữ khoảng cách nơi công cộng, thì bạn không nên sử dụng cũng như cho trẻ theo cùng trên phương tiện giao thông công cộng. Bạn hãy cùng trẻ đi bộ hoặc tự đưa, đón trẻ nếu có thể.
Nếu bạn chưa nhận được khuyến cáo trên, vẫn hãy thận trọng, giữ khoảng cách tối thiểu 1m khi sử dụng hoặc đưa trẻ theo cùng trên phương tiện giao thông công cộng.
2.6. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu con tôi có hệ miễn dịch yếu hoặc đã bị tổn thương
Vì chưa có nhiều thông tin về cách cơ thể trẻ em phản ứng với loại virus này nên rất khó để nói phải làm gì trong trường hợp này.
Tuy nhiên, tốt nhất bạn nên thận trọng và tránh cho trẻ đến những nơi đông người, như sân chơi, khu vui chơi trẻ em, hay các sự kiện văn hóa thể thao, ngay cả ở những cộng đồng nơi virus chưa lây lan.
Nếu con bạn bị bệnh hen suyễn , các bằng chứng sẵn có cho thấy chúng không bị tăng nguy cơ lây nhiễm virus, nhưng điều đó có thể thay đổi khi chúng ta tìm hiểu thêm.
2.7. Gia đình tôi có nên thực hiện thêm biện pháp vệ sinh nào ngoài rửa tay hay không?
Bạn nên thường xuyên giặt ga trải giường cũng như các loại khăn. Ngoài ra, các đồ dụng liên quan đến vật nuôi và các món đồ chơi của trẻ cũng nên thường xuyên được vệ sinh bằng chất diệt khuẩn, đặc biệt sau khi chúng được dùng ở bên ngoài (như sân chơi dành cho trẻ em).
2.8. Bà của bọn trẻ có thể đến thăm chúng tôi không?
Những người lớn tuổi, đặc biệt là những người có hệ miễn dịch yếu là đối tượng dễ bị nhiễm bệnh và cũng bị biến chứng nặng nề nhất. Vì vậy có lẽ họ sẽ không muốn đi du lịch hoặc sẽ phải xem xét dời lại các cuộc viếng thăm gia đình trong thời điểm hiện tại.
2.9. Trẻ sơ sinh có nguy cơ bị nhiễm virus cao hơn hay không?
Tương tự như trẻ nhỏ, dữ liệu về khả năng nhiễm virus của trẻ sơ sinh hiện nay cũng vẫn còn hạn chế. Tuy nhiên, chúng ta đều biết rằng trẻ sơ sinh có hệ miễn dịch chưa phát triển hoàn thiện nên nguy cơ bị nhiễm các loại virus kể cả COVID 19 là khá cao. Vì vậy, bạn nên thực hiện các biện pháp vệ sinh như rửa tay trước và sau khi bế bé, cho bé ăn và vệ sinh cho con, cũng như tránh hôn bé hay đưa con đến các địa điểm đông người.
>>>>>Xem thêm: Trẻ lười ăn phải làm sao – cách giải quyết hay dành cho mẹ
Khu vui chơi cho trẻ em, các nơi công cộng khác, hay tất cả những vấn đề liên quan đến con trẻ, trong thời điểm nhạy cảm – dịch COVID 19 – này, đều dễ dàng khiến các cha mẹ quan tâm và lo lắng. Tuy nhiên, chúng ta đừng quá hoang mang dẫn đến ảnh hưởng tâm lý cũng như sức khỏe của bản thân và trẻ. Bạn cũng như các thành viên khác trong gia đình hãy thực hiện các hướng dẫn của cơ quan y tế địa phương để bảo vệ sức khỏe một cách tốt nhất có thể nhé.
Nguồn tham khảo chính: NYT
Lily Nguyễn lược dịch và tổng hợp