Trò chơi dân gian cho trẻ mầm non ngày nay được hầu hết các trường áp dụng. Vì, các trò chơi dân gian phù hợp không chỉ đơn thuần giúp trẻ giải trí, còn mang lại nhiều lợi ích về thể chất hay một số kỹ năng cho các con. Có những trò chơi cần chơi tập thể, nhưng cũng có trò chơi ít người vẫn rất thú vị, trẻ có thể chơi hoài không chán điển hình như 3 trò chơi dưới đây.
Bạn đang đọc: Top 3 trò chơi dân gian cho trẻ mầm non con chơi hoài không chán
Contents
1. Trò chơi dân gian cho trẻ mầm non chơi hoài không chán – Rồng rắn lên mây
1.1. Về trò chơi Rồng rắn lên mây
Trong danh sách các trò chơi dân gian cho trẻ mầm non, Rồng rắn lên mây là một trong số các trò chơi thường được chọn chơi nhiều nhất.
Ở trò chơi này, thường sẽ có một trẻ đóng vai ông chủ/ thầy thuốc còn lại sẽ nối nhau bằng cách bám vai hoặc nắm áo nhau, đóng vai là hàng người rồng rắn. Ông chủ/ thầy thuốc thì ngồi yên một nơi, còn hàng người rồng rắn thì sẽ đi loanh quanh. Vừa đi, mọi người vừa đọc:
Rồng rắn lên mây
Có cái cây lúc lắc
Có cái nhà điểm binh
Có ông chủ/ thầy thuốc ở nhà không?”
Người dẫn đầu hàng người rồng rắn sẽ canh làm sao để khi đọc câu cuối cùng, mình cũng đứng trước mặt ông chủ/ thầy thuốc. Ông chủ/ thầy thuốc lúc này có thể trả lời là có hoặc không hay đang bận như đang ăn cơm, đang giặt quần áo hay đang ngủ hoặc bận gì tùy ý.
Nếu câu trả lời của ông chủ/ thầy thuốc là không hoặc bận thì hàng người lại tiếp tục đi loanh quanh và lặp lại câu trên rồi quay trở lại.
Nếu câu trả lời của ông chủ/ thầy thuốc là có, thì hàng người rồng rắn sẽ hỏi ông chủ/ thầy thuốc muốn xin khúc đầu, khúc giữa hay khúc cuối. Cụ thể:
Nếu ông chủ/ thầy thuốc: Cho xin khúc đầu
Hàng người rồng rắn sẽ đáp: Những xương cùng xẩu
Nếu ông chủ/ thầy thuốc: Cho xin khúc giữa
Hàng người rồng rắn sẽ đáp: Chẳng có gì ngon
Nếu ông chủ/ thầy thuốc: Cho xin khúc đuôi
Hàng người rồng rắn sẽ đáp: Tha hồ mà đuổi
Trả lời dứt câu cuối, ông chủ/ thầy thuốc sẽ đuổi hàng rồng rắn để bắt khúc đuôi. Hàng rồng rắn sẽ chạy và tránh, người dẫn đầu hàng sẽ dang tay để ngăn ông chủ/ thầy thuốc và bảo vệ đoạn đuôi của mình. Nếu người cuối hàng bị ông chủ bắt được thì sẽ đổi vai và trò chơi tiếp tục lượt chơi mới.
1.2. Lợi ích của trò chơi
Trò chơi dân gian cho trẻ mầm non như Rồng rắn lên mây khá vui nhộn. Sự vận động không ngừng ở trò chơi dân gian này cũng rất có lợi cho mặt thể chất của trẻ.
Trò chơi cũng đòi hỏi trẻ phải tích cực di chuyển dù đóng vai là người trong hàng rồng rắn hay ông chủ. Đồng thời, trẻ phải quan sát tốt, nhanh nhạy để đối ứng rượt bắt, cũng như giữ chặt sự liên kết của mình với đồng đội khi trò chơi diễn ra.
1.3. Làm sao để trò chơi dân gian cho trẻ mầm non này chơi hoài không chán
Rồng rắn lên mây là trò chơi dễ khiến tất cả đều mệt nhoài nhanh chóng và có thể dễ chán nếu chúng ta không có một số mẹo nhỏ để dùng kèm.
Một số mẹo hay giúp trẻ chơi vui hơn bất kể là trò chơi có nhiều người hay ít người chúng ta có thể vận dụng như dưới đây:
- Cho phép trẻ ở vị trí đuôi được chạy tự do : Trẻ làm đuôi được chạy tự do nhưng kèm theo điều kiện là luôn phải núp sau hoặc được bảo vệ bởi đồng đội và cả hàng rồng rắn bảo vệ người bạn đuôi không được “đứt”. Đây là một chi tiết cởi mở nhưng khá thú vị. Vì, sự tự do này vừa khiến cả hàng rồng rắn phải rất tập trung vừa lo bảo vệ đuôi vừa lo giữ tay hàng rồng rắn không bị đứt. Còn ông chủ/thầy thuốc, khi rượt đuổi cái đuôi cũng chịu một chút thử thách, sẽ làm cho lượt chơi được kéo dài hơn.
- Cho phép bắt và cắt dần cái đuôi : Nếu như có nhiều người chơi, có thể cho phép ông chủ/ thầy thuốc bắt dần và làm cụt dần cái đuôi rồng rắn, tức bắt từng người ở cái đuôi cho tới số ấn định, trước khi chuyển sang chơi lượt mới. Mẹo này cũng khá lý thú. Các bé hiếu thắng sẽ rất thích được chiến thắng tất cả nên con hào hứng chơi tới cùng, và có chơi lặp lại cũng rất lâu chán.
- Nếu bé chơi ở nhà : Chúng ta thường cho rằng trò chơi Rồng rắn này phải nhiều người mới chơi được hoặc đông mới khiến trẻ thấy thú vị mà hứng thú chơi. Thật ra không hoàn toàn thế, ở nhà cha mẹ cũng có thể chơi cùng bé chỉ cần 3 người là được. Bố có thể làm ông chủ/ thầy thuốc, mẹ và bé có thể làm hàng rồng rắn. Bé bám mẹ và mẹ thay vì làm người dẫn đầu thì có thể dùng một bạn gấu bông, cầm bạn như thể bạn dẫn đầu vậy. Bố mẹ cũng có thể cột thêm ngang lưng bé để bé địu thêm một vài bạn nữa. Hay, thay vì để cho bé địu thì cột dài dài các bạn sau lưng bé để cho hàng rồng rắn dài hơn. Về luật chơi bố mẹ hoàn toàn có thể nghĩ ra thêm các mẹo hay để thỏa thuận cùng trẻ. Chắc chắn sẽ khiến bé cảm thấy rất vui thích ngay cả khi chỉ có 3 người chơi.
2. Chi chi chành chành
2.1. Về trò chơi Chi chi chành chành
Chi chi chành chành là một trong các trò chơi dân gian dành cho trẻ mầm non cực kỳ đơn giản và không phụ thuộc vào số lượng người chơi. Có thể chia thành nhóm chơi nếu đông và mỗi nhóm chỉ cần 2-4 trẻ.
Nhiều người trong chúng ta có thể nghĩ rằng, trò chơi Chi chi chành chành chỉ dành cho trẻ sơ sinh hay các trẻ dưới 3 tuổi. Nhưng thực tế, các trẻ lớn đến tuổi đi học mẫu giáo vẫn rất thích trò chơi này.
Khi chơi, một trẻ sẽ đóng vai là người “bị” xòe tay để các bạn còn lại chỉ lên tay mình. Vừa chỉ tay trẻ vừa đọc:
“Chi chi chành chành
Cái đanh thổi lửa
Con ngựa đứt cương
Ba vương ngũ đế
Chấp chế đi tìm
Ù à ù ập”
Khi đọc đến chữ ập thì trẻ bị sẽ nắm tay lại để túm những ngón tay của bạn chi chi. Bạn nào không rút được thì bạn đó sẽ trở thành người bị và trò chơi lặp lại lượt mới.
Thông thường ban đầu tốc độ đọc bài đồng dao sẽ chậm rồi tăng dần tốc độ. Cả người bị và người không bị đều phải tăng tốc độ của mình lên khá lý thú.
Tìm hiểu thêm: Tâm lý trẻ lớp 1 cần được cha mẹ hỗ trợ thế nào để con làm quen việc học?
2.2. Lợi ích của trò chơi
Trò chơi Chi chi chành chành được xếp vào một trong những trò chơi dân gian đơn giản nhất nhưng giúp trẻ luyện phản xạ nhanh chậm cực tốt.
2.3. Làm sao để trẻ thích thú với trò chơi Chi chi chành chành lâu chán
Để tạo sự vui thích cho trò chơi và trẻ chơi lâu chán, thường mẹo chủ yếu tập trung vào cách điều tiết tốc độ nhanh chậm khi đọc bài đồng dao.
Trẻ đọc có thể đọc chậm rồi nhanh rồi chậm, tức không nhất quán về tốc độ nhanh dần như thông thường. Điều này nhằm để khiến cho trẻ chi chi mất cảnh giác và dễ “bị”. Ngay cả khi trẻ chi chi nắm được sự không nhất quán về tốc độ, muốn thoát tay thì cũng phải rất tập trung để phản xạ nhanh nhất khi cần.
3. Đếm sao
3.1. Về trò chơi Đếm sao
Nếu như Rồng rắn lên mây khiến trẻ phải vận động nhiều, Chi chi chành chành buộc trẻ phải phản xạ tay và mắt nhanh thì Đếm sao là một thách đố về phản xạ ngôn ngữ. Đây cũng là một trò chơi khá vui chứ không hề đơn điệu chỉ ở việc đếm sao.
Nếu đông trẻ chơi, trẻ có thể ngồi xếp thành vòng tròn hay hàng đều được. Một trẻ đóng vai “bị” sẽ đi ngoài vòng tròn hay sau lưng các bạn ngồi thành hàng. Khi bắt đầu đi thì hát như dưới đây và mỗi một câu đồng thời sẽ vỗ vai một người:
Một ông sao sáng,
Hai ông sáng sao.
Ba ông sao sáng,
Bốn ông sáng sao.
Tôi đố anh chị nào,
Một hơi đếm hết.
Từ một ông sao sáng,
Đến 10 ông sáng sao.
Hát đến câu cuối cùng, trúng vào bạn nào thì bạn đó sẽ phải hát liền từ một ông sao sáng đến mười. Nếu trẻ này đếm được thì trẻ ở ngoài vòng tiếp tục hát và đi tiếp. Nếu trẻ đếm mà bị đứt quãng hoặc sai vị trí từ sao sáng sáng sao, trẻ này sẽ “bị” và thay thế cho bạn, trò trơi bắt đầu lượt mới.
Trường hợp ít trẻ chơi hoặc muốn cho trẻ chơi khi ở nhà, trò chơi này cũng không kém thú vị. Ngay cả khi chỉ có 2 người chơi cũng có thể tiến hành. Nếu ít người thì chỉ cần ngồi cạnh nhau, cùng nhau hát và mỗi người một thứ tự ông sao. Từ cuối rơi vào ai thì người ấy sẽ tự đọc liền hơn 10 ông sao sáng.
3.2. Lợi ích của trò chơi
Đếm sao giúp trẻ tập phả xạ nhanh về phản ứng của mình trước sự việc và phản xạ ngôn ngữ nhanh nhạy chính xác.
3.3. Mẹo để giúp trẻ luôn hứng thú với trò chơi Đếm sao
Mặc dù là trò chơi khá đơn giản nhưng nếu chúng ta áp dụng mẹo hay và phù hợp, có thể kích thích hứng thú giúp trẻ chơi hoài và chơi thường xuyên nhưng không bị chán.
Mẹo cụ thể bạn có thể như sau:
- Cùng trẻ chọn ra một cặp từ có thể ghép để chơi như: hoa lá, bút bi-bút máy, thước kẻ-thước vuông,…Chúng ta cũng có thể tận dụng những cụm từ tiếng Anh đối xứng và tạo vần phù hợp để khiến trò chơi thêm phần hấp dẫn.
- Thế cụm từ đã chọn vào bài hát và bắt đầu chơi.
- Luật chơi không đổi.
>>>>>Xem thêm: Bé 13 tháng tuổi biết làm gì và những lưu ý mẹ cần ghi nhớ
Có thể thấy rằng, trò chơi dân gian cho trẻ mầm non có rất nhiều hướng khai thác để giúp trẻ chơi vui hơn, lâu chán hơn. Tùy vào sự sáng tạo và ý tưởng của chúng ta, hoặc cùng khuyến khích trẻ tìm tòi ra các ý tưởng mới để có thể cùng chơi, trò chơi quen thuộc sẽ luôn có sự hấp dẫn và luôn có điều mới mẻ. Với sự linh họat, chắc chắn các trò chơi dù đơn giản như 3 trò chơi mà Chuyên mục Vui chơi giải trí của Blogtretho.edu.vn đã đề cập, đều có thể khiến trẻ hứng thú, tìm thấy niềm vui, lợi ích phong phú dù chơi lặp lại nhiều lần.
Cát Lâm tổng hợp