Các trò chơi dân gian cho trẻ mầm non vài năm trở lại đây dần được khôi phục sau một thời gian khá dài tưởng chừng bị lãng quên. Hiện nay ngày càng có nhiều trường mầm non dạy cho các bé chơi các trò chơi dân gian. Điều thú vị đáng ngạc nhiên là hầu như mọi bé đều rất hứng khởi, đều tìm được niềm vui lớn từ các trò chơi giản dị.
Bạn đang đọc: Các trò chơi dân gian cho trẻ mầm non phổ biến nhất mẹ nên dạy cho bé
Contents
- 1 1. Các trò chơi dân gian cho trẻ mầm non phổ biến mẹ có thể dạy cho bé
- 2 2. Tại sao mẹ nên dạy trẻ mầm non chơi các trò chơi dân gian
- 3 3. Lưu ý dành cho cha mẹ
1. Các trò chơi dân gian cho trẻ mầm non phổ biến mẹ có thể dạy cho bé
Không chỉ ở trường học, phụ huynh cũng có thể hướng dẫn và cùng con chơi tại nhà các trò chơi dân gian phù hợp vào những ngày nghỉ hay những lúc rảnh rỗi. Các trò chơi khá phổ biến mẹ có thể tham khảo như dưới đây.
1.1. Mèo đuổi chuột
1.1.1. Về trò chơi Mèo đuổi chuột
Mèo đuổi chuột là một trong những trò chơi đơn giản nhất trong danh sách những trò chơi dân gian cho trẻ. Tuy vậy, trò chơi này lại có sức hấp dẫn dài lâu và với trẻ mọi độ tuổi chứ không chỉ ở tuổi mầm non.
Trò chơi mèo đuổi chuột không cần ghi nhớ nhiều chi tiết, ngoài hoạt động người đóng vai mèo sẽ rượt bắt người đóng vai chuột. Luật chơi có thể linh động thiết lập ví dụ, mèo rượt đuổi chuột vài vòng và bắt được là chuột thua rồi sẽ đổi vai.
1.1.2. Hướng dẫn và cách chơi cùng bé
Mèo đuổi chuột đơn giản như vậy nhưng sức hấp dẫn của trò chơi phụ thuộc nhiều vào sự sáng tạo khi chơi và luật chơi được thiết lập tại thời điểm chơi. Để giúp bé không chán với trò chơi này, mẹ có thể tham khảo cách chơi và hướng dẫn bé cùng chơi như sau:
- Vòng 1 : Mẹ đóng vai mèo và bé đóng vai chuột. Mẹ có thể rượt đuổi bé vòng quanh phòng khách hoặc vòng quanh phòng ngủ 2-3 vòng rồi ôm bé “a, mẹ bắt được chuột con rồi!”. Khi ôm con, mẹ hãy nựng, hôn bé và nói yêu bé, chắc chắn điều này sẽ làm cho bé rất thích thú và cười giòn tan.
- Vòng 2 : Sau khi mẹ bắt được bé, sẽ đổi vai. Lúc này, bé là mèo và mẹ là chuột. Mẹ cũng chạy vài vòng để con đuổi theo. Thỉnh thoảng mẹ có thể nán lại để cho bé bắt được rồi lại chạy đi chầm chậm kéo theo bé. Vừa chạy mẹ có thể vừa la “ôi mèo bắt được tôi rồi!”. Sau đó, mẹ có thể dừng lại để bé có thể đu lên lưng hoặc ôm cổ mẹ.
1.1.3. Tác dụng của trò chơi
Trò chơi mang lại rất nhiều lợi ích bất ngờ mà có thể trước đây mẹ chưa từng chú ý đến:
- Giúp bé vận động
- Tiêu hao năng lượng dư thừa của bé khi cần thiết. Ví dụ vào các buổi chiều bé cần hoạt động chơi đùa chạy nhảy, hay các buổi tối trước khi đi ngủ con vẫn còn quá nhiều năng lượng chỉ muốn chơi chưa muốn ngủ, cách tốt nhất là mẹ có thể “dụ” con cùng chơi trò chơi này. Nhờ đó, bé có thể tiêu hao phần năng lượng dư thừa đó, được thư giãn, hài lòng, vui vẻ và dễ có giấc ngủ ngon.
- Gắn kết tình cảm và phát triển cảm xúc rất tốt. Trò chơi đơn giản nhưng có thể kết nối người chơi theo cách ấm áp, gần gũi và thật nhiều thương yêu.
1.2. Chim bay cò bay
Chim bay cò bay là trò chơi gian dân cực kỳ thú vị. Nhiều người cho rằng trò chơi này chỉ để áp dụng khi bé chơi chung trong tập thể. Tuy nhiên, chỉ với 2-3 người trong nhà vẫn có thể chơi rất vui.
1.2.1. Về trò chơi Chim bay cò bay
Nội dung của trò chơi Chim bay cò bay cũng vô cùng đơn giản, thể hiện tính chất của những vật có thể bay, kèm theo hoạt động nhảy lên tượng trưng cho hoạt động bay của vật được nhắc đến.
Vật trong trò chơi có thể đề cập rất phong phú, không giới hạn ở những vật có thể bay được như chim, cò, máy bay, diều…mà còn có các vật không bay được như bàn, ghế, tủ,…
Trong trò chơi, một người sẽ làm quản trò hô to vật và là người chủ động có thể nhảy lên hay không tùy ý, bất kể vật mình đề cập là vật có thể bay hay không. Những người chơi còn lại sẽ nhảy lên nếu nghe vật có thể bay hoặc đứng im khi nghe đề cập vật không bay được. Trường hợp người quản trò đề cập vật không bay được, mà người chơi vẫn nhảy lên thì sẽ thua cuộc.
Người thua cuộc trong trò chơi chim bay cò bay sẽ nhận mức phạt như đi lòng vòng vừa múa vừa hát hoặc làm theo một yêu cầu hài hước nào đó mà người quản trò đề xuất.
1.2.2. Hướng dẫn và cách chơi cùng bé
1.2.2.1. Hướng dẫn bé chơi
Mẹ cùng bé ôn lại các vật bay được và không bay được, cụ thể như:
- Vật bay được như chim bay (và các loại chim như én bay, bồ câu bay, chim cút bay, quạ bay,…), côn trùng bay (và các loại côn trùng nhu ong bay, bướm bay, ruồi bay, kiến cánh bay, mối bay,…), máy bay bay, phi cơ bay, trực thăng bay, diều bay,…
- Vật không bay được: bàn, ghế, tủ, giường, quần áo, giày dép, lá cây,…
Mẹ giải thích cho bé luật chơi như:
- Mẹ là người hô to về các vật bay được hoặc không bay được. Mẹ có thể nhảy lên hoặc đứng im mà không phụ thuộc vào từ mẹ hô lên là bay được hay không.
- Nếu bé nghe vật bay được thì nhảy lên, còn vật không bay được thì đứng yên.
- Nếu mẹ hô vật không bay được mà bé nhảy lên là thua.
Mẹ cùng bé thỏa thuận chọn hình phạt áp dụng cho người thua:
- Mẹ có thể hỏi bé để con đề xuất hình phạt mà bản thân mình thích thú hoặc nghĩ đó là hoạt động thú vị.
- Mẹ có thể gợi ý một số hình phạt để giải trí thêm vui cho trò chơi như yêu cầu múa hát, yêu cầu kể chuyện, yêu cầu đọc thơ,….
Sau khi giới thiệu, giải thích và thỏa thuận, mẹ và bé có thể chơi nháp 1-2 lần để làm quen trước khi vào trò chơi.
1.2.2.2. Cách chơi
- Mẹ làm người quản trò còn bé là người chơi : Mẹ chọn 3 vật bay được như chim bay, cò bay, ong bay, hô to kết hợp nhảy lên cho bé nhảy theo. Mẹ tiếp tục chọn vật bay được như bướm bay, dơi bay, nhưng không nhảy để “đánh lừa bé”. Nếu bé vẫn làm đúng, mẹ có thể xen kẽ vật không bay được như bàn bay, ghế bay, giỏ bay,…hô to, nhảy lên. Nếu bé nhảy lên theo thì bé thua và phạt.
- Hình thức phạt hài hước : Mẹ có thể yêu cầu bé hát múa những bài hát quen thuộc như Chú ếch con, Bà ơi bà cháu yêu bà lắm, Cháu đi mẫu giáo,…hoặc những bài hát mà con thích hát thích múa.
- Đổi vai : Sau khi thực hiện phạt như yêu cầu, mẹ đổi vai cho bé làm quản trò còn mẹ là người chơi để bé có cơ hội thử tài quản trò với trò chơi lý thú này.
1.2.3. Tác dụng và ý nghĩa của trò chơi
Chim bay cò bay là một trò chơi có sức hấp dẫn rất kỳ lạ. Trò chơi này càng trở nên thú vị bội phần với các trẻ yêu thiên nhiên, thế giới động vật, côn trùng, hay những vật thể bay.
Về tác dụng, trò chơi Chim bay cò bay có thể:
- Giúp bé giải trí thư giãn
- Giúp bé tiêu hao năng lượng khi cần thiết
- Giúp bé vận động như một bài tập thể dục nhẹ nhàng kèm sự vui nhộn
- Giúp bé khám phá, phân biệt thế giới động vật, vật thể bay và hiểu thêm các khái niệm liên quan đến từng nhóm này
- Giúp bé có phản xạ tốt hơn khi kết hợp nghe, nhìn và phối hợp hoạt động theo đúng ý nghĩa của nó
Về ý nghĩa của trò chơi:
- Mang lại cho trẻ sự vui tươi, thư giãn và sự sảng khoái.
- Cho trẻ có cơ hội học và hiểu thêm không chỉ vốn từ, khái niệm mà con chưa biết; còn giúp trẻ học thêm về việc phân loại nhóm động vật, côn trùng, đồ vật khác với đặc điểm cụ thể, dễ nhớ nhất.
- Mang lại cơ hội tuyệt vời để mẹ chia sẻ, học tập cùng bé, hoặc cùng bé khám phá những điều con quan tâm thích thú về thế giới quan mình.
1.3. Cáo và thỏ – một trong các trò chơi dân gian cho trẻ mầm non lạ và rất lý thú
1.3.1. Về trò chơi Cáo và thỏ
Trong các trò chơi dân gian cho trẻ mầm non, trò chơi Cáo và thỏ thường phổ biến ở trường hơn. Ở nhà, có lẽ rất ít phụ huynh chơi cùng trẻ trò chơi này. Có thể bạn sẽ ngạc nhiên khi được nghe đề cập rằng, trò chơi Cáo và thỏ như một phiên bản nâng cấp của trò chơi trốn tìm và đuổi bắt vậy.
Ở trò chơi này, sẽ cần đến 3 người, trong đó 1 người đóng vai cáo, một người đóng vai thỏ và một người đóng vai chuồng thỏ. Tuy nhiên, có 2 người vẫn có thể chơi được. Nếu biết cách khai thác và sáng tạo, thì dù chơi 2 người chỉ có mẹ và bé, mẹ cũng vẫn tạo cho con được niềm vui, hứng khởi và không kém sôi động.
Tìm hiểu thêm: Top 5 thực phẩm giàu canxi hơn cả sữa, giúp kéo dài đôi chân của trẻ mẹ nên biết
1.3.2. Hướng dẫn và chơi cùng bé
Mẹ giới thiệu về trò chơi với bé:
- Nếu có 3 người chơi gồm ba, mẹ và bé: Ba làm cáo, mẹ làm chuồng thỏ và bé là thỏ.
- Nếu có 2 người chơi gồm mẹ và bé: mẹ làm cáo còn bé là thỏ.
Cùng chọn ranh giới cho cáo, chuồng thỏ và thỏ:
- Mẹ có thể chọn một góc tường trong nhà là nhà/ chỗ của cáo, phía đối diện là chuồng thỏ và khoảng rộng ở giữa là rừng cây, sân cỏ.
- Chỗ của cáo là ở phía góc tường đã chọn cho cáo. Chỗ chuồng thỏ sẽ là vị trí mẹ chọn đối diện cáo. Sau lưng mẹ là chỗ của thỏ. Tỏ sẽ núp sau lưng mẹ.
Chơi cùng bé:
- Khi mẹ yêu cầu “đi chơi/ đi ăn cỏ thôi nào” thì bé sẽ ra phía trước mẹ là khoảng sân hay rừng đã quy định để chơi hoặc ăn cỏ. Khi đi ăn cỏ, thỏ và mẹ cùng hô “ăn cỏ, ăn cỏ” hoặc “thỏ đi chơi, thỏ đi chơi”,…
- Lúc này, cáo gầm gừ rồi nhảy ra đuổi bắt thỏ.
- Thỏ sẽ chạy nhanh về núp sau lưng mẹ để khỏi bị bắt.
- Nếu bị bắt thì bé thỏ sẽ đổi vai. Hoặc, khi con thích đổi vai thì ba mẹ sẽ đổi cho bé.
1.3.3. Lợi ích của trò chơi
Cáo và thỏ là một trong những trò chơi dân gian rất sôi động. Trò chơi này mang lại các lợi ích và tác dụng cụ thể cho bé như:
- Giúp bé giải trí rất tốt, chắc chắn sẽ mang lại tiếng cười sảng khoái không chỉ cho bé mà cho cả nhà.
- Rèn luyện sự vận động và phản ứng nhanh nhạy của trẻ.
- Tăng sự gắn kết yêu thương của cà nhà một cách vui tươi, thú vị và vô cùng ấm áp.
1.4. Búng thun
1.4.1. Về trò chơi búng thun
Búng thun là trò chơi vô cùng quen thuộc và được mọi lứa tuổi yêu thích. Với các bé độ tuổi mẫu giáo, đây cũng có thể là một trò chơi có tính thử thách, lôi cuốn bé mạnh mẽ.
Trò chơi búng thun cực kỳ đơn giản có thể chơi vào lúc rảnh, lúc tối trước khi đi ngủ. Tuy không phải là trò chơi vận động sôi động, có chút trầm, nhưng trò chơi này khuyến khích trẻ phải rất tập trung và khéo léo.
1.4.2. Chơi cùng bé
- Mẹ chuẩn bị một ít thung sợi, chia đều cho bé và mẹ. Nếu có thêm ba hoặc người khác tham gia, cũng chia đều cho họ.
- Mọi người oẳn tù tì hoặc nếu đông người có thể cùng bàn tay trắng bàn tay đen, ai thắng thì người đó được chơi đầu tiên.
- Mọi người cùng đặt một số thung ra chẳng hạn 3-5 sợi.
- Người thắng tung thung lên mặt bàn. Người chơi được phép khẩy một sợi ra trước và khẩy sợi tiếp theo sao cho lồng lên sợi kia. Nếu 2 sợi lồng vào nhau tạo lỗ bất kể to hay nhỏ, đều có thể thu 2 sợi này về làm của mình. Trường hợp không tạo ra được 2 sợi lồng vào nhau thì thua, nhường lượt chơi cho người tiếp theo. Trường hợp khi thẩy thung xuống bàn, nếu có hai sợi nào lồng vào nhau và không dính sợi khác thì có thể thu cả 2 sợi này về.
- Cứ chơi lần lượt như vậy cho đến hết thung. Nếu có ai hết thung và người có thung đồng ý cho vay, thì có thể vay để tiếp tục chơi. Khi thắng sẽ trả lại cho người kia số thung mình đã vay.
1.4.3. Lợi ích của trò chơi
- Mặc dù trò chơi búng thung có vẻ mang tính cá cược ăn thua, song, đây cũng là một trò chơi rất thú vị, có thể dùng làm một trò chơi tạo sự hào hứng cho trẻ khi con buồn chán.
- Trò chơi tập cho trẻ rèn luyện sự khéo léo của đôi bàn tay, óc quan sát, sự nhạy bén và tính toán.
- Giúp trẻ rèn luyện sự tập trung và bình tĩnh.
1.5. Trò chơi Cua gắp
1.5.1. Về trò chơi Cua gắp
Cũng như trò chơi búng thun, trò chơi Cua gắp không sôi động nhưng hấp dẫn trẻ bởi tính chinh phục. Tham gia trò chơi này, có thể chỉ cần 2 người nhưng cũng có thể chơi cùng nhiều người. Và, dù chơi 2 người hay nhiều người, trò chơi Cua gắp chắc chắn đều mang lại những phút giây thư giãn vô cùng thú vị cho bé.
1.5.2. Chơi cùng bé
- Mẹ chuẩn bị một ít sỏi. Có thể chọn sỏi to, nhỏ hoặc các kích cỡ đều được.
- Mẹ chia cho bé và người chơi khác nếu có mỗi phần bằng nhau. Tuy nhiên, nếu không thích chia, thì chúng ta cũng không cần chia, để chung cũng được.
- Nếu chia sỏi, khi chơi mỗi người chơi bỏ ra 3-5 viên sỏi. Oẳn tù tì, ai thắng người đó sẽ là người chơi đầu tiên. Rải hoặc thảy sỏi lên bàn, người chơi sẽ nắm 2 tay lại với nhau và dùng 2 ngón trỏ như hai chiếc đũa để gắp sỏi. Khi gắp phải khéo léo để sỏi mình gắp không đụng vào viên sỏi bên cạnh, nếu đụng thì thua. Cuối cùng ai được nhiều nhất thì người đó thắng.
- Nếu không chia sỏi thì chỉ cần để sỏi lên bàn, oẳn tù tì và người thắng sẽ là người gắp sỏi trước. Nếu khi gắp làm rơi sỏi thì thua nhường lượt chơi cho người kế tiếp. Cuối cùng, ai gắp được nhiều nhất thì người đó thắng.
1.5.3. Lợi ích của trò chơi
- Giúp bé rèn luyện được sự khéo léo, cẩn thận và bình tĩnh.
- Với các bé nóng tính, thường hay cáu gắt, mẹ có thể thường xuyên chơi cùng con. Trò chơi này là một trong những cách tuyệt vời để giúp con cải thiện sự nóng nảy, giúp con kiểm soát được cảm xúc tốt hơn, cũng như rèn cho con sự từ tốn.
2. Tại sao mẹ nên dạy trẻ mầm non chơi các trò chơi dân gian
Dạy cho trẻ mầm non chơi các trò chơi dân gian là một trong những lựa chọn mà các bố mẹ hiện đại đều được khuyên nên thực hiện, vì những lý do rất cụ thể sau đây:
- Giảm bớt được thời gian và sự chú ý của trẻ vào các thiết bị điện tử .
- Tăng sự vận động một cách thú vị khi chúng ta cho trẻ chơi các trò chơi có tính vận động.
- Rèn luyện cho bé một số kỹ năng khác như sự khéo léo, tập trung, khả năng phán đoán, sự nhanh nhẹn, xử lý tình huống tốt, óc quan sát,…
- Giúp trẻ phát triển khả năng sáng tạo, óc tưởng tượng, phát triển ngôn ngữ, hiểu thêm nhiều khái niệm khác, làm phong phú kiến thức của bé.
- Giúp trẻ phát triển các kỹ năng xã hội, tương tác và phát triển trí tuệ cảm xúc
- Tăng sự gắn kết và chia sẻ giữa cha mẹ hay các thành viên trong gia đình với bé.
3. Lưu ý dành cho cha mẹ
Các trò chơi dân gian cho trẻ mầm non nói riêng, cho trẻ nói chung hầu hết đều tạo ra nhiều giá trị tuyệt vời qua sự tương tác, tiếp xúc của con với người chơi trong suốt quá trình chơi. Sự tương tác này là cơ sở để giúp con phát triển nhiều kỹ năng như đã được đề cập ở trên. Để phát huy được giá trị phong phú và những lợi ích mà trò chơi dân gian mang lại, cha mẹ cũng cần lưu ý 4 điều cần thiết sau:
- Thường xuyên chơi cùng con : Cha mẹ có thể dành ra một khoảng thời gian nhất định nào đó trong ngày, một số ngày trong tuần,…để cùng trẻ khám phá các trò chơi gian phong phú. Hãy tạo thói quen tốt này xen kẽ với đọc truyện, đọc sách, kể chuyện,…Điều này sẽ khiến trẻ rất hân hoan và cảm thấy cha mẹ rất quan tâm, yêu thương mình.
- Kiên nhẫn khi chơi cùng bé : Chơi với trẻ luôn cần sự kiên nhẫn nhất định của người lớn. Sự kiên nhẫn này rất đáng giá vì không chỉ dạy trẻ học được nhiều điều mà còn giúp chính cha mẹ có thể duy trì sự nhẫn nại trong việc chăm sóc nuôi dạy trẻ .
- Sáng tạo khi chơi để khiến trò chơi trở nên hấp dẫn và thú vị hơn : Đây là điều vô cùng quan trọng. Một trò chơi có thú vị đến mấy cũng trở nên tẻ nhạt và nhàm chán khi chúng ta chơi một cách máy móc hay rập khuôn. Tùy từng trò chơi, phụ huynh có thể dựa vào sở thích của bé, sự ham học hỏi của con để lồng ghép những kiến thức liên quan đến chủ đề mà con thích vào trò chơi. Một ví dụ điển hình như ở trò chơi Chim bay cò bay chẳng hạn. Thông qua trò chơi cha mẹ có thể cung cấp thêm cho bé những kiến thức hữu ích về thế giới động vật, nhóm động vật, các loài,…
- Luôn cùng trẻ trao đổi thảo luận khi có cơ hội : Đây cũng là cách để ba mẹ và mọi người có thể gần gũi trẻ nhiều hơn. Lồng vào quá trình chơi, hoặc khi chuẩn bị, khởi động, bắt đầu, hoặc kết thúc,…bất cứ thời điểm nào cha mẹ cũng có thể khéo léo đưa các tình tiết có chút liên quan để trao đổi cùng bé. Hoặc đơn giản nhất, cùng con thảo luận về trò chơi, cách phạt người thua, cách thưởng người thắng, đặt ra các câu hỏi liên quan đến trò chơi…không chỉ giúp trẻ có sự tư duy, sáng tạo trên cơ sở đó mà còn giúp trẻ rèn luyện được kỹ năng tương tác xã hội vô cùng hiệu quả.
>>>>>Xem thêm: Tâm lý trẻ 18 tháng tuổi có điểm nào đáng chú ý?
Đến đây, có lẽ hầu hết chúng ta đều thấy rất rõ giá trị của các trò chơi dân gian cho trẻ mầm non. Chúng ta cũng hiểu rõ hơn tại sao các trò chơi này được khuyến khích khôi phục, khuyến khích trẻ chơi và khích lệ phụ huynh hãy chơi cùng trẻ khi con ở nhà, chứ không chỉ chơi ở trường học.
Những giá trị mà chúng ta khai thác được từ các trò chơi dân gian cho trẻ mầm non phong phú luôn nhiều hơn những gì chúng ta có thể hình dung. Chuyên mục Có con 1-12 tuổi của Blogtretho.edu.vn mong rằng, kể từ hôm nay, các bậc phụ huynh hãy tăng thời lượng chơi cùng các bé với những trò chơi dân gian thú vị. Thực hiện điều này, chúng ta không chỉ giúp con giải trí, cùng con vui chơi mà còn là một cách tận dụng phương tiện dễ thương này để giúp trẻ phát triển hoàn thiện nhiều kỹ năng cần thiết ở độ tuổi của bé, cũng như có thể dạy con nhiều điều tốt đẹp khác nữa.
Cát Lâm tổng hợp