Món ngon cho bé vừa góp phần tăng cường đề kháng, vừa bảo đảm đủ dinh dưỡng cần thiết cho con hẳn lúc này mẹ nào cũng quan tâm. Để góp phần tăng sự phong phú trong thực đơn, có vị mới kích thích trẻ ăn ngon, ăn nhiều hơn, dưới đây là 5 món ngon dễ chế biến mẹ hãy tham khảo chuẩn bị cho con dùng nhé.
Bạn đang đọc: 5 món ngon cho bé lạ miệng, tăng cường đề kháng cực tốt
Contents
1. Cháo táo yến mạch giàu dưỡng chất
1.1. Tác dụng của món cháo táo yến mạch
Có lẽ nhiều mẹ sẽ thắc mắc hoặc thấy khá bất ngờ nếu được giới thiệu món cháo táo góp phần tăng cường sức đề kháng cho trẻ. Món cháo táo với các mẹ phương Tây khá quen thuộc, song với các mẹ Việt thì có thể đa phần chưa áp dụng cho thực đơn của bé. Tuy nhiên, lúc này bất cứ món ăn nào có tác dụng tăng đề kháng, chúng ta cũng nên tận dụng phải không mẹ. Nhất là, với những bé kén ăn, hay ngán các món cháo quen thuộc như cháo gà, cháo thịt bò, thì món cháo táo lạ miệng có thể rất dễ chinh phục bé.
Cháo táo có rất nhiều cách chế biến nhưng công thức chung phổ biến thường được áp dụng là dùng yến mạch, táo và gia vị có lợi cho hệ miễn dịch, kháng khuẩn tốt như quế hay ngũ vị. Dù là món cháo đơn giản, ít thành phần nguyên liệu nhưng dinh dưỡng đáng kể và có tác dụng tốt để tăng cường miễn dịch.
Cụ thể:
- Yến mạch chứa beta-glucan là một loại chất xơ có khả năng kháng khuẩn và chống oxy hóa khá mạnh. Chúng giúp loại bỏ nhiễm trùng, tăng hoạt động của hệ miễn dịch.
- Táo giàu vitamin C là một trong những vitamin quan trọng có tác dụng hỗ trợ cho hoạt động của hệ miễn dịch. Không chỉ dừng ở đó, táo còn chứa hợp chất flavonoid và phenolic góp phần làm giảm viêm, có tác động tích cực đến hệ hô hấp.
- Gia vị như quế hay ngũ vị hương theo Đông y được xem là các thảo dược có thể góp phần giúp giảm viêm, kháng khuẩn và chống oxy hóa nếu dùng lượng phù hợp.
1.2. Cách nấu
1.2.1. Nguyên liệu
- Yến mạch cán mỏng
- Táo tây
- Đường nâu
- Một miếng nhỏ bơ lạt
- Một ít quế hoặc ngũ vị
- Một chút xíu muối
1.2.2. Các bước nấu cháo táo
- Táo mẹ gọt vỏ cắt mỏng hoặc cắt hạt lựu đều được. Mẹ cho bơ vào chảo đun chảy, kế đến cho táo vào xào, thêm đường nâu có thể thêm chút nước, xào 1-2 phút. Khi đường tan thấm vào táo và có độ sệt như caramel mẹ rắc thêm ít bột quế hoặc bột ngũ vị và tắt bếp.
- Mẹ ngâm yến mạch ít phút rồi bỏ vào nấu thành cháo. Mẹ cho thêm xíu muối, khi cháo được, mẹ có thể cho 1/2 lượng táo xào vào cháo cho dậy vị, phần còn lại để cho vào chén cháo khi con ăn cho hấp dẫn.
- Cháo được mẹ múc ra chén, cho thêm ít táo xào lên mặt và cho bé dùng.
- Món cháo táo này mẹ có thể nấu làm bữa sáng hoặc bữa xế cho con đều phù hợp.
2. Súp khoai tây với tỏi nướng
2.1. Tác dụng của món súp khoai tây nấu tỏi
Khoai tây có đến hơn 20 công dụng tốt cho sức khỏe nếu dùng đúng cách. Trong các công dụng của loại củ này, có tác dụng kháng viêm giảm đau nhờ lượng vitamin C phong phú. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, dùng khoai tây cũng là một trong những giải pháp đơn giản để cải thiện hệ miễn dịch, phòng ngừa hữu hiệu các bệnh thông thường như cảm cúm, cảm lạnh, hay nhiễm trùng đường hô hấp.
Không kém tác dụng tích cực cho hệ miễn dịch như khoai tây, tỏi theo Đông y cũng là một phương thuốc tự nhiên cải thiện hệ miễn dịch , kháng viêm rất tốt. Chính vì thế, kết hợp tỏi trong món súp khoai tây có thể được xem là một món ăn bồi đắp cho sức đề kháng khá tốt.
2.2. Cách nấu
2.2.1. Nguyên liệu
- Khoai tây
- Tỏi tươi
- Kem tươi để nấu súp
- Nước dùng gà hoặc nước dùng từ rau củ
- Hành lá hoặc rau thơm như húng quế hay ngò đều được
- Một ít muối
2.2.2. Các bước nấu súp khoai tây với tỏi
- Tỏi mẹ bóc vỏ rửa sạch, 1 ít nướng chín hoặc rang chín, 1 ít băm nhuyễn.
- Hành lá hay rau thơm mẹ nhặt sạch, rửa sạch, để ráo rồi cắt nhuyễn.
- Khoai tây gọt vỏ 2/3 mang đi luộc hoặc hấp chín, còn lại thái miếng mỏng. Phần khoai tây chín mẹ nghiền nhuyễn. Phần thái miếng mẹ mang đi xào chín với tỏi băm.
- Cho nồi nước dùng lên bếp nêm vừa khẩu vị trẻ, kế đến mẹ cho khoai tây đã nghiền nhuyễn vào khuấy đều tay trên lửa nhỏ đến khi sôi lăn tăn, mẹ cho ít kem tươi vào, súp sôi trở lại mẹ tắt bếp.
- Mẹ múc súp ra chén, cho ít khoai tây xào lên trên, thêm hành lá hoặc rau thơm cắt nhuyễn rồi cho trẻ dùng.
3. Khoai lang nướng nhân thập cẩm phô mai
3.1. Tác dụng của món ăn
Món ăn này tập hợp các thành phần thực phẩm có lợi cho sức khỏe của trẻ như:
- Khoai lang giàu beta-carotene góp phần giúp cơ thể chuyển hóa thành vitamin A, tạo rào chắn cho làn da khỏe mạnh, kháng khuẩn tốt.
- Nhân thập cẩm bạn có thể dùng nấm, ớt chuông, súp lơ hoặc một số loại rau củ khác giàu vitamin C, giàu khoáng chất tốt cho cơ thể.
- Phô mai gàu canxi, protein, vitamin D, vitamin A, vitamin nhóm B,…tốt cho sức khỏe.
3.2. Cách làm
3.2.1. Nguyên liệu
- Khoai lang
- Nấm
- Ớt chuông hoặc súp hay rau cải xoăn
- Phô mai
- Bơ lạt
- Tỏi
- Kem tươi (tùy chọn)
- Gia vị gồm chút muối và chút đường (tùy chọn)
Tìm hiểu thêm: 5 cách dạy bé biết xin lỗi hiệu quả mẹ dễ dàng áp dụng nhất
3.2.2. Các bước thực hiện
- Khoai lang mẹ luộc chín, và cắt làm đôi. Mẹ lấy bớt phần ruột khoai khoảng 2/3 ruột.
- Nấm, ớt chuông hay các loại rau mẹ sơ chế sạch, cắt nhỏ.
- Tỏi mẹ bóc vỏ, rửa sạch, băm nhuyễn.
- Cho chảo lên bếp mẹ cho bơ vào đun chảy, cho tỏi vào phi thơm rồi cho nấm, ớt chuông, rau củ vào xào chín. Mẹ nêm vừa khẩu vị của trẻ. Nấm và rau củ được, mẹ có thể nghiền khoai lang trộn vào hoặc cắt khoai lang thành miếng vuông trộn cùng đều được dùng hỗn hợp này để làm nhân.
- Mẹ múc nhân đã chuẩn bị cho vào miếng khoai đã bỏ bớt ruột. Cho phô mai lên trên bỏ vào lò nướng nướng ít phút cho phô mai chảy ra là được. Mẹ lấy khoai ra, để nguội bớt rồi cho bé dùng. Nếu không có lò nướng để đun chảy phô mai, mẹ có thể bỏ phô mai vào chảo làm nóng cho chảy mềm rồi quết lên mặt nhân, độ hấp dẫn ngon miệng cũng không kém.
- Trường hợp bé thích có chút béo, mẹ có thể đánh bông kem tươi và cho một chút lên mặt nhân khoai lang khi bé dùng.
4. Súp súp lơ ngũ vị
4.1. Tác dụng của món ăn
- Súp lơ trắng là một trong những thực phẩm của mùa lạnh giàu dinh dưỡng tốt cho sức khỏe. Súp lơ trắng rất giàu vitamin C, vitamin K, chất xơ và nhiều khoáng chất khác, có tác dụng chống oxy hóa mạnh mẽ, bảo vệ da và góp phần không nhỏ cho hoạt động của hệ miễn dịch.
- Như đề cập ở món cháo táo, ngũ vị là một gia vị tốt cho hệ miễn dịch, kháng khuẩn nên dùng kết hợp trong món súp này không chỉ để kích thích vị giác mà còn có lợi cho sức khỏe.
- Trong món ăn này cũng có sử dụng tỏi – cũng như đã đề cập đây không chỉ là gia vị mà còn là vị thuốc giúp chống cảm, kháng khuẩn.
4.2. Cách làm
4.2.1. Nguyên liệu
- Súp lơ trắng
- 1/3 hũ sữa chua
- Ngũ vị
- Bột nghệ (tùy chọn)
- Tỏi
- Nước dùng
- Ngò rí hoặc cần tây
- Gia vị phù hợp với trẻ
4.2.2. Các bước thực hiện
- Súp lơ mẹ kiểm tra nhặt sâu, tách cánh, ngâm nước muối rồi rửa sạch. 2/3 mẹ dùng để nấu súp và 1/3 để xào hoặc nướng tỏi.
- Tỏi bóc vỏ, rửa sạch, băm nhuyễn. Ngò rí hoặc cần tây nhặt sạch, rửa sạch cắt khúc.
- Phần súp lơ xào tỏi mẹ mang đi xào nêm gia vị phù hợp khẩu vị bé. Nếu nướng mẹ chần qua nước sôi, xóc tỏi và một chút xíu muối, dầu ăn rồi mang đi nướng chín.
- Mẹ cho nồi lên bếp, phi tỏi thơm cho ngũ vị, một ít bột nghệ cho màu súp đẹp, rồi kế đến là súp lơ vào đảo đều, cho xíu muối và thêm nước dùng nấu cho súp lơ chín tới, nêm phù hợp khẩu vị trẻ rồi tắt bếp. Súp lơ nguội, mẹ cho vào máy xay sinh tố xay nhuyễn. Tiếp theo, mẹ đổ súp lơ đã xay trở lại vào nồi đun nóng, cho 2/3 lượng sữa chua vào, khuấy đều cho súp nóng đều trở lại thì tắt bếp.
- Mẹ múc súp ra chén, cho phần sữa chua còn lại lên mặt, thêm ít ngò rí hoặc cần tây cắt khúc cho thơm cũng để trang trí cho hấp dẫn rồi cho bé dùng.
5. Phở chay nấu nấm đông cô
5.1. Tác dụng của món ăn
Món chay luôn thân thiện với sức khỏe và đương nhiên phở chay cũng vậy. Món chay vừa quen vừa lạ này giúp kích thích vị giác của trẻ hiệu quả.
Nấm đông cô được sử dụng trong món ăn này cũng đặc biệt có lợi cho sức khỏe của con. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, nấm được ví như “tên lửa” thúc đẩy hoạt động của hệ miễn dịch vậy. Theo một nghiên cứu của Đại học Florida, kết luận cho thấy khả năng miễn dịch của người dùng nấm đông cô tăng lên rất rõ rệt, sau 4 tuần họ dùng nấm này trong thực đơn mỗi ngày của mình.
Với tác dụng tuyệt vời như thế, không có lý do gì chúng ta khước từ món ăn này trong thực đơn cho trẻ phải không nào!
5.2. Cách làm
5.2.1. Nguyên liệu
- Bánh phở
- Nấm đông cô
- Cà rốt, củ cải, củ sắn (tùy chọn), su su
- Hoa hồi, quế miếng, gừng (tùy chọn)
- Hành tây, hành tím, cần tây, ngò rí, húng quế, giá, chanh
- Gia vị: phù hợp độ tuổi trẻ
5.2.2. Các bước thực hiện
- Rau củ quả, nấm…mẹ sơ chế sạch.
- Mẹ bào một ít cà rốt, hành tây để riêng, trụng sơ. Giá trụng sơ.
- Cần tây, ngò rí mẹ cắt khúc, húng quế chỉ lấy lá. Hành tím bóc vỏ rửa sạch một ít băm nhuyễn, còn lại bào mỏng phi thơm.
- Cà rốt còn lại, su su, củ cải, củ sắn, hành tây mẹ cắt miếng bỏ vào nồi nấu để lấy nước dùng.
- Nấm đông cô mẹ xào với hành tím.
- Mẹ cho vào nồi nước dùng hoa hồi và miếng quế nhỏ, cùng một ít gừng (tùy chọn) nấu để tạo vị phở thơm, cho thêm nấm đông cô đã xào vào nấu ít phút cho chín. Nêm nếm gia vị phù hợp độ tuổi và khẩu vị trẻ.
- Bánh phở trụng nước sôi cho mềm, cho vào tô, thêm ít cà rốt, hành tây đã trụng và giá lên trên. Kế đến múc nước dùng vào, có cả nấm đông cô, thêm ít rau thơm, hành phi là đã có bát phở chay ngon với nấm đông cô giàu dinh dưỡng cho trẻ.
- Khi dùng, con có thể vắt thêm ít chanh nếu thích. Món phở chay này mẹ có thể nấu nhiều để cả nhà cùng dùng vào bữa sáng rất tuyệt vời đó mẹ ạ!
>>>>>Xem thêm: Chiều cao bé gái và 5 yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển của con
Có lẽ, đến đây, hẳn mẹ thấy rằng, những món ngon cho bé như 5 món trên không quá khó để thực hiện phải không nhỉ. Hãy bổ sung những món ăn này vào thực đơn vừa kích thích trẻ ăn ngon hơn, lại có thêm những “liều thuốc” tự nhiên, giúp con tăng đề kháng, phòng bệnh thật tốt mẹ nhé.
Nguồn tham khảo: SBS, Muddy Puddles & Taste.com.au
Cát Lâm tổng hợp