Bệnh ở trẻ mùa lạnh là vấn đề các cha mẹ khá quan tâm khi bước vào thời điểm cuối năm, lúc thời tiết chuyển mùa và những cơn gió khô lạnh tràn về. Nguyên nhân khiến chúng ta lo lắng là do những căn bệnh trẻ dễ mắc phải vào mùa lạnh thường là bệnh về đường hô hấp, và những căn bệnh này làm cho trẻ rất khó chịu. Đôi khi các bệnh mùa này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của trẻ nếu không được can thiệp kịp thời.
Bạn đang đọc: Bệnh ở trẻ mùa lạnh – có phải thời tiết lạnh làm trẻ dễ bị bệnh không?
Contents
- 1 1. Những căn bệnh phổ biến trẻ thường mắc phải vào mùa lạnh
- 2 2. Đối tượng trẻ nào dễ mắc các căn bệnh mùa lạnh
- 3 3. Trẻ thường bị nhiễm bệnh qua nguồn nào
- 4 4. Khi nào bạn cần đưa trẻ đến gặp bác sỹ
- 5 5. Có phải thời tiết lạnh khiến trẻ bị bệnh không?
- 6 6. Làm thế nào để giúp phòng bệnh mùa lạnh cho trẻ
1. Những căn bệnh phổ biến trẻ thường mắc phải vào mùa lạnh
- Bệnh cảm : Cảm lạnh một căn cực kỳ phổ biến, hầu như mùa lạnh đa phần mọi trẻ đều dễ gặp phải. Cảm lạnh là bệnh do virus gây ra khiến trẻ bị chảy nước mũi, nghẹt mũi, đau họng, ho hoặc đau đầu. Đôi khi trẻ có thể bị sốt nhẹ.
- Bệnh viêm phế quản : Viêm phế quản cũng là bệnh do virus gây ra. Nó làm nhiễm trùng đường hô hấp khiến trẻ bị sốt nhẹ, nghẹt mũi, ho và thở khò khè. Những trường hợp trẻ bệnh nghiêm trọng hơn có thể có triệu chứng khó thở và mất nước.
- Bệnh cúm : Cúm là một loại bệnh cực kỳ phổ biến vào mùa lạnh nữa do virus gây ra. Triệu chứng của bệnh cúm thường gồm sốt cao, đau họng, ho, nhức đầu và đau nhức cơ bắp. Sốt do cúm có thể kéo dài tới 5 ngày.
- Bệnh viêm thanh khí phế quản : Bệnh này cũng do virus gây ra. Nó ảnh hưởng đến hệ hô hấp của trẻ và đặc trưng bởi tiếng ho khan, giọng khàn và tiếng thở nặng nhọc. Viêm thanh khí phế quản thường không gây sốt nhưng các triệu chứng thường xấu đi vào ban đêm.
- Bệnh viêm phổi : là bệnh gây ra bởi vi khuẩn. Nó có thể bắt đầu với các triệu chứng giống như cảm lạnh nhưng ngày càng trở nên tệ hơn thay vì cải thiện. Hoặc bạn thấy trẻ có vẻ như đã khỏe lên nhưng sau đó lại bị bệnh trở lại. Nếu trẻ bị sốt cao, ho nặng hơn hoặc khó thở thì khả năng cao là con bị viêm phổi.
- Bệnh viêm họng liên cầu khuẩn : là bệnh do vi khuẩn gây nhiễm trùng cổ họng. Các triệu chứng tiêu biểu của bệnh này gồm đau họng, đau đầu và đau dạ dày. Trong một số trường hợp nó có thể đi kèm với sốt cao và nôn mửa. Căn bệnh này khá nguy hiểm với trẻ, nếu không được điều trị kịp thời nó có thể dẫn đến viêm thận hoặc sốt thấp khớp.
2. Đối tượng trẻ nào dễ mắc các căn bệnh mùa lạnh
Nhìn chung trẻ em ở mọi lứa tuổi (kể cả người lớn) đều có khả năng mắc phải bất kì căn bệnh phổ biến vào mùa lạnh nào như đã đề cập ở trên. Tuy nhiên, có một số đối tượng trẻ thuộc nhóm nguy cơ cao bao gồm:
- Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, vì những trẻ này có hệ miễn dịch đang phát triển và chưa hoàn thiện.
- Trẻ sinh non vì trẻ cớ sức đề kháng yếu hơn những trẻ sinh đủ ngày khác.
- Trẻ gặp các vấn đề về phổi
- Trẻ bị bệnh tim bẩm sinh
3. Trẻ thường bị nhiễm bệnh qua nguồn nào
Nguyên nhân khiến trẻ bị bệnh thường là do sự lây truyền virus/ vi khuẩn từ cá nhân sang cá nhân thông qua dịch tiết mũi họng trong không khí, hay qua tiếp xúc bằng tay với người bệnh khác.
Ngoài ra, trẻ bị bệnh cũng dễ dàng lây cho trẻ khác vì khi trẻ quên hắt hơi vào khăn tay và không che miệng khi ho, sẽ làm phát tán virus ra không khí.
Virus cũng có thể tồn tại tới 48 giờ trên các bề mặt các vật dụng và đồ chơi. Vì vậy nếu không có ai trong gia đình bị bệnh thì trường học và khu vui chơi chung thường là nơi trẻ em có thể dễ dàng bị lây bệnh nhất.
4. Khi nào bạn cần đưa trẻ đến gặp bác sỹ
Tốt nhất bạn nên đưa trẻ đến gặp bác sỹ khi thấy con bắt đầu có biểu hiện của những bệnh mùa lạnh phổ biến, vì họ sẽ đưa ra những chẩn đoán chính xác cho trẻ và can thiệp nếu cần thiết.
Các loại bệnh như cảm lạnh, bệnh viêm phế quản , cúm, và viêm thanh khí phế quản đều có thể điều trị hiệu quả tại nhà.
Nếu bạn nghi ngờ trẻ bị viêm phổi hay viêm họng liên cầu khuẩn, hãy đưa con đến gặp bác sỹ hoặc cơ sở y tế ngay vì trẻ có thể cần được điều trị bằng kháng sinh.
Ngoài ra, bất kể trẻ bị bệnh gì, bạn hãy đưa con đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt nếu thấy con có biểu hiện khó thở, mất nước hay sốt kéo dài. Vì những tình trạng này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thậm chí tính mạng của trẻ, nếu không được can thiệp kịp thời.
5. Có phải thời tiết lạnh khiến trẻ bị bệnh không?
Qua những chia sẻ ở trên, chúng ta thấy thời tiết lạnh không được xem là nguyên nhân chính khiến trẻ bị các bệnh thường gặp ở mùa này. Hay nói cách khác rõ ràng hơn, bản thân cái lạnh không làm trẻ bị bệnh, nhưng các loại virus và vi khuẩn thường phát triển mạnh trong mùa này mới là nguyên nhân.
Ngoài ra, những thói quen sinh hoạt vào mùa lạnh như: sử dụng máy sưởi (làm không khí bị khô và virus tồn tại lâu hơn), không giữ gìn vệ sinh cá nhân hay nhà ở,…cũng khiến trẻ và cả người lớn dễ mắc bệnh hơn.
Tìm hiểu thêm: Top 10 xe hơi điện trẻ em tốt nhất nên chọn làm quà tặng
6. Làm thế nào để giúp phòng bệnh mùa lạnh cho trẻ
Bệnh ở trẻ mùa lạnh tuy dễ gặp nhưng cũng có thể phòng ngừa được nếu bạn giúp trẻ cũng như cùng các thành viên khác trong gia đình thực hiện những biện pháp sau:
- Hãy nhắc nhở trẻ và cả gia đình thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước ấm. Bạn hãy giúp mọi người hình thành thói quen rửa tay khi ra ngoài về và trước khi ăn.
- Hãy dạy trẻ lớn cách dùng khăn che miệng khi ho và khuỷu tay che miệng khi hắt hơi.
- Hãy thường xuyên lau chùi bề mặt bàn, ghế và đồ chơi trong nhà. Bạn cũng đừng quên làm sạch bề mặt xe đẩy, bọc ghế và bọc xe hơi cũng như thay bọc gối, ra giường và khăn lau tay.
- Hãy tránh tiếp xúc với trẻ hoặc người lớn khác nếu bạn thấy họ có triệu chứng giống cảm lạnh. Tương tự, nếu trẻ nhà bạn bị bệnh, hãy giữ con ở nhà và hạn chế đến những nơi công cộng.
- Hãy giữ cho không khí trong nhà bạn được thông thoáng bằng cách mở cửa sổ ít nhất một lần một ngày để luồng khí được lưu thông, tránh bị kho do sử dụng máy sưởi.
- Hãy ăn uống những thực phẩm giàu dinh dưỡng và duy trì tập luyện thể thao để tăng cường sức khỏe.
- Hãy thay bàn chải đánh răng cho trẻ hàng tháng hoặc sau khi trẻ khỏi bệnh và giữ bàn chải của mọi người trong gia đình riêng biệt.
- Hãy nhắc trẻ không ăn uống chung chén, đũa, thìa với trẻ khác.
- Hãy đảm bảo mọi người trong gia đình đều được tiêm vắc-xin đầy đủ. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có lịch tiêm chủng tiêu chuẩn trong khi trẻ lớn hơn và người lớn có thể tiêm phòng cúm hàng năm.
Dù bạn đã thực hiện các biện pháp phòng ngừa tốt nhất có thể nhưng việc trẻ bị nhiễm bệnh đôi khi không thể tránh khỏi. Điều quan trọng là bạn hãy để trẻ nghỉ ngơi khi con bị ốm. Bạn có thể giúp trẻ thoải mái hơn bằng cách:
- Hãy cung cấp cho trẻ nhiều chất lỏng để tránh tình trạng con bị mất nước.
- Hãy dùng nước muối dạng nhỏ hoặc xịt để làm sạch giúp mũi trẻ được thông thoáng.
- Hãy sử dụng máy làm ẩm không khí.
- Hãy sử dụng dụng cụ hút mũi cho trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ để giúp mũi con được dễ chịu
- Hãy giữ cho trẻ đứng thẳng khi ho để giúp con dễ thở hơn.
- Hãy hỏi ý kiến bác sỹ về việc cho trẻ uống thuốc hạ sốt nếu trẻ bị sốt.
Bạn lưu ý nên đưa trẻ đến gặp bác sỹ ngay nếu thấy con có biểu hiện khó thở hoặc sốt kéo dài. Kể cả khi có thể điều trị bệnh cho trẻ tại nhà, bạn cũng cần hỏi ý kiến bác sỹ khi dự định cho trẻ uống bất kỳ loại thuốc gì với bất kỳ liều lượng nào.
Đối với trẻ sơ sinh, bạn nên lưu ý những việc sau:
- Hãy cho trẻ bú mẹ nếu có thể.
- Hãy khử trùng bình sữa và núm vú giữa các lần sử dụng bằng cách luộc trong nước sôi hoặc dùng máy rửa chén.
- Hãy bỏ phần sữa công thức/ sữa mẹ còn thừa sau mỗi lần trẻ ăn vì vi khuẩn từ nước bọt của trẻ trong sữa có thể sinh sôi nhanh chóng gây bệnh cho trẻ.
- Hãy giữ sữa công thức đã pha hoặc sữa mẹ đã hút ra trong tủ lạnh cho đến trước khi bé ăn. Sau đó làm ấm sữa và cho bé ăn ngay trước khi vi khuẩn có cơ hội phát triển.
- Hãy rửa tay thường xuyên đặc biệt trước và sau khi cho bé ăn cũng như trước và sau khi thay tã cho bé.
- Hãy giữ bé tránh xa bất cứ ai bị bệnh.
- Hãy giữ trẻ tránh xa đám đông và phương tiện giao thông công cộng nếu có thể.
>>>>>Xem thêm: Dấu hiệu nhận biết và cách điều trị trẻ bị lõm lồng ngực bẩm sinh
Bệnh ở trẻ mùa lạnh có thể gây khó chịu cho cả trẻ và bạn đặc biệt là đối với trẻ nhỏ. Tuy vậy, bạn đừng để chúng làm bạn bối rối hay hoảng sợ. Bạn cũng hãy loại bỏ những kết tội trẻ bị bệnh chỉ do thời tiết lạnh gây ra nhé. Hãy tìm hiểu các triệu chứng, cách điều trị cũng như quan sát và chăm sóc trẻ thật kỹ. Vì như vậy sẽ giúp bạn và trẻ luôn được khỏe mạnh, nếu có bị bệnh trong mùa lạnh đi chăng nữa thì cũng sẽ rất mau chóng bình phục.
Theo MommaBe & The Therapy Center for Children
Lily Nguyễn lược dịch