Bệnh thủy đậu ở trẻ em là một căn bệnh khá phổ biến ở trẻ em dưới 12 tuổi và có thể gây ra biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng máu, viêm phổi, viêm não,…nếu không được điều trị kịp thời. Tuy hiện nay đã có vaccine ngừa căn bệnh này nhưng không phải trẻ nào cũng được tiêm phòng đầy đủ. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu về thủy đậu để có thể nhận biết và can thiệp một cách sớm nhất nếu trẻ mắc bệnh nhé.
Bạn đang đọc: Bệnh thủy đậu ở trẻ em và 9 điều liên quan nhất định mẹ nên biết
Contents
- 1 1. Bệnh thủy đậu là gì
- 2 2. Triệu chứng của bệnh thủy đậu
- 3 3. Nguyên nhân gây ra bệnh thủy đậu ở trẻ em
- 4 4. Bệnh thủy đậu có lây không
- 5 5. Biến chứng của bệnh thủy đậu và đối tượng có thể gặp phải biến chứng
- 6 6. Bệnh thủy đậu có thể phòng ngừa được không
- 7 7. Thủy đậu được chẩn đoán và điều trị như thế nào
- 8 8. Bạn có thể làm gì để giúp trẻ thấy dễ chịu hơn
- 9 9. Khi nào bạn cần gọi cho bác sỹ hoặc cơ sở y tế
1. Bệnh thủy đậu là gì
Thủy đậu là một bệnh truyền nhiễm do virus Varicella Zoster gây ra dẫn đến tình trạng sốt và nổi ban khắp cơ thể.
Bệnh này thường gặp ở trẻ dưới 12 tuổi và cả người lớn nếu chưa được tiêm phòng.
2. Triệu chứng của bệnh thủy đậu
Nếu trẻ chưa tiêm phòng tiếp xúc với nguồn bệnh thì khả năng mắc bệnh sẽ rất cao. Thời gian ủ bệnh thường từ 10-14 ngày sau đó sẽ biểu hiện qua các triệu chứng:
- Sốt.
- Đau đầu.
- Đau họng.
- Đau bụng.
- Nổi mụn nước, thường bắt đầu ở vùng bụng, lưng hoặc mặt sau đó là khắp cơ thể. Khi mới nổi, những vết mụn thường nhỏ, màu đỏ trông như mụn nhọt hay vết côn trùng cắn. Chúng nổi theo từng đợt mỗi 2-4 ngày. Sau đó các vết mụn này mọng nước, vỡ ra và trở thành các vết loét, cuối cùng là khô lại và đóng vảy.
- Các vết mụn nước, mụn đã vỡ và vết loét đã đóng vảy có thể xuất hiện trên cùng một vùng cơ thể vì chúng mọc theo đợt.
3. Nguyên nhân gây ra bệnh thủy đậu ở trẻ em
Bệnh thủy đậu do virus varicella Zoster gây nên. Nó cũng là nguyên nhân của bệnh zona (hay còn gọi là bệnh giời leo ) khiến da bị phát ban rất đau đớn. Sau khi trẻ hoặc người nào đó bị thủy đậu, virus vẫn tồn tại trong hệ thống thần kinh dưới dạng bất hoạt đến hết đời và khi gặp điều kiện thuận lợi có thể hoạt động trở lại gây bệnh zona.
Trẻ được tiêm vaccine ngừa bệnh thủy đậu ít có khả năng phát triển bệnh zona khi lớn lên.
4. Bệnh thủy đậu có lây không
Thủy đậu là một trong những bệnh truyền nhiễm nên rất dễ lây lan. Hầu hết anh chị em của trẻ bị bệnh (nếu chưa từng bị bệnh hoặc chưa tiêm phòng thủy đậu) đều sẽ bị lây và bắt đầu biểu hiện triệu chứng bệnh khoảng 2 tuần sau khi trẻ đầu tiên bị.
Virus thủy đậu có thể lây qua các đường sau:
- Nước bọt của trẻ bệnh khi trẻ hắt hơi hoặc ho ra không khí.
- Dịch tiết mũi họng, nước bọt hoặc dịch từ các vết mụn bị vỡ.
Bệnh có thể bị lây truyền từ 2 ngày trước khi xuất hiện tình trạng phát ban cho tới khi tất cả các vết mụn vỡ ra.
Trẻ (và cả người lớn) bị bệnh zona có thể truyền bệnh thủy đậu (chứ không phải bệnh zona) cho trẻ (hoặc người lớn khác) nếu họ chưa từng mắc bệnh thủy đậu hoặc chưa được tiêm vaccine phòng bệnh.
Vì bệnh thủy đậu rất dễ lây lan nên trẻ bị bệnh nên nghỉ ngơi ở nhà cho tới khi hết mẩn đỏ và các vết mụn nước khô lại. Quá trình này thường mất khoảng 1 tuần. Trong trường hợp bạn không chắc chắn liệu đã nên cho trẻ tiếp tục đi học hoặc đến nơi công cộng hay chưa, hãy hỏi ý kiến bác sỹ.
5. Biến chứng của bệnh thủy đậu và đối tượng có thể gặp phải biến chứng
Trong một số trường hợp, thủy đậu có thể gây biến chứng từ nhẹ đến nặng bao gồm:
- Nhiễm trùng tại các vết mụn nước để lại sẹo.
- Nhiễm trùng máu.
- Viêm phổi, viêm não.
- Bệnh zona.
- Sảy thai hoặc gây dị tật bẩm sinh cho thai nhi.
Một số đối tượng có khả năng bị biến chứng cao hơn những người khác đó là:
- Phụ nữ mang thai.
- Trẻ sơ sinh có mẹ bị thủy đậu.
- Trẻ bị bệnh bạch cầu.
- Trẻ đang sử dụng thuốc ức chế hệ thống miễn dịch.
- Trẻ hoặc bất cứ ai có vấn đề về hệ thống miễn dịch.
6. Bệnh thủy đậu có thể phòng ngừa được không
Chúng ta hoàn toàn có thể phòng ngừa bệnh thủy đậu cho trẻ bằng cách tiêm vaccine. Các liều vaccine tiêm cho trẻ như sau:
- Mũi 1: khi trẻ được 12-15 tháng tuổi
- Mũi nhắc: khi trẻ được 4-6 tuổi.
Nếu trẻ trên 13 tuổi và chưa từng bị thủy đậu hoặc chưa tiêm vaccine thì cần tiêm 2 liều cách nhau ít nhất 28 ngày.
Trẻ đã bị bệnh thủy đậu thì không cần tiêm vaccine nữa vì chúng đã có kháng thể ngừa bệnh lâu dài.
Tìm hiểu thêm: Bệnh u não ở trẻ em và các triệu chứng tưởng đơn giản nhưng nguy hiểm khôn lường
7. Thủy đậu được chẩn đoán và điều trị như thế nào
Thông thường các bác sỹ có thể chẩn đoán bệnh thông qua việc kiểm tra các vết mụn nước trên cơ thể trẻ.
Khi đưa trẻ đến bác sỹ hoặc cơ sở y tế để khám bệnh, bạn hãy thông báo trước cho họ để hạn chế lây lan cho trẻ khác.
Về việc điều trị thủy đậu, vì đây là bệnh do virus gây ra nên thuốc kháng sinh không thể chữa được bệnh. Tuy nhiên, nếu các vết mụn bị nhiễm trùng (do trẻ gãi) thì kháng sinh sẽ được sử dụng.
Loại thuốc và liều lượng sẽ được bác sỹ chỉ định dùng cho trẻ tùy thuộc vào:
- Độ tuổi và sức khỏe của trẻ.
- Mức độ nhiễm trùng trên cơ thể trẻ.
- Thời gian điều trị bệnh.
8. Bạn có thể làm gì để giúp trẻ thấy dễ chịu hơn
Để giúp trẻ giảm cảm giác ngứa ngáy và khó chịu, bạn có thể thực hiện những việc sau:
- Dùng khăn ướt hoặc tắm cho trẻ bằng nước ấm mỗi 3-4 giờ trong vài ngày đầu bị bệnh sẽ giúp trẻ giảm cảm giác ngứa ngáy, khó chịu. Bạn có thể dùng một số loại yến mạch có bán tại các nhà thuốc để tắm cho trẻ để
- Vỗ nhẹ những khu vực da khô (không chà xát).
- Bôi kem chứa kẽm lên vùng da bị ngứa (trừ mặt, đặc biệt là mắt).
- Hỏi ý kiến bác sỹ về những loại kem giảm đau dùng để bôi các vết loét ở vùng sinh dục của trẻ và các loại thuốc có thể uống khi bị ngứa.
Để giúp trẻ chống trầy xước, bạn hãy:
- Đeo găng tay len hoặc găng tay cho trẻ để tránh việc con tự làm trầy xước da mình khi ngủ.
- Cắt móng tay cho trẻ và giữ cho chúng sạch sẽ.
Nếu trẻ bị nổi mụn nước ở miệng, bạn hãy:
- Cho trẻ ăn thức ăn lỏng, nguội (có thể lạnh), mềm và nhạt. Tránh các loại thức ăn mặn hoặc có tính axit như nước cam hay bánh quy.
- Cho trẻ uống acetaminophen để giảm đau.
- Không bao giờ cho trẻ bị thủy đậu uống aspirin vì nó có thể dẫn đến một căn bệnh nghiêm trọng gọi là hội chứng Reye (một căn bệnh cấp tính về não và gan).
9. Khi nào bạn cần gọi cho bác sỹ hoặc cơ sở y tế
Mặc dù hầu hết các trường hợp bệnh thủy đậu không cần điều trị y tế đặc biệt nhưng đôi khi vấn đề vẫn có thể xảy ra. Vì vậy bạn hãy gọi hoặc đưa trẻ đến bác sỹ hoặc cơ sở y tế nếu:
- Trẻ sốt kéo dài hơn 4 ngày.
- Trẻ bị ho nặng hoặc khó thở.
- Trẻ có một khu vực phát ban bị rỉ mủ (đặc, màu vàng) hoặc bị đỏ, ấm, sưng và đau.
- Trẻ bị đau đầu dữ dội.
- Trẻ rất buồn ngủ hoặc ngủ khó thức dậy.
- Trẻ gặp khó khăn khi nhìn vào đèn sáng.
- Trẻ gặp khó khăn khi đi bộ.
- Trẻ có vẻ lờ đờ.
- Trẻ bị nôn mửa.
- Trẻ trông rất yếu.
- Trẻ bị cứng cổ.
>>>>>Xem thêm: Tết Trung thu mua quà gì cho bé và những lưu ý dành cho bố mẹ
Bệnh thủy đậu ở trẻ em tuy không phải lúc nào cũng nghiêm trọng, nhưng nó cũng là loại bệnh có thể gây biến chứng nguy hiểm cho trẻ. Vì vậy, tốt nhất bạn nên cho trẻ tiêm vaccine sớm để phòng bệnh cho con. Nếu trẻ bị bệnh, bạn đừng nên chủ quan mà hãy theo dõi và chăm sóc trẻ thật kỹ càng, để tránh để lại hậu quả về sức khỏe cho con sau này.
Theo Kids Health
Lily Nguyễn lược dịch