Sự phát triển của trẻ 3 tuổi là điểm nhấn rất thú vị trong hành trình phát triển từ 2-5 tuổi của trẻ nói chung. Trong đó, có 7 điểm đáng chú ý ở quá trình phát triển này không chỉ giúp mẹ nhìn thấy rõ con lớn lên thế nào, mà có hiểu hơn những đặc điểm tiêu biểu của trẻ độ tuổi này. Nhờ vậy, bạn vừa có thể giúp bản thân con phát triển hoàn thiện hơn, vừa có thể xử lý các vấn đề “khó chịu” xuất hiện trong giai đoạn này của con.
Bạn đang đọc: Sự phát triển của trẻ 3 tuổi và 7 điểm đáng chú ý mẹ nên hiểu rõ
Contents
- 1 1. Trẻ 3 tuổi thích tự mặc quần áo
- 2 2. Con thích tự ăn theo ý mình
- 3 3. Trẻ có thể ngồi bô hoặc biết “giá trị” của….nhà vệ sinh
- 4 4. Con thích kết bạn – một trong những điểm nổi bật trong sự phát triển của trẻ 3 tuổi
- 5 5. Trẻ thích làm việc lặt vặt
- 6 6. Vốn từ của trẻ được mở rộng đáng chú ý
- 7 7. Bùng nổ cơn giận dữ và bướng bỉnh
1. Trẻ 3 tuổi thích tự mặc quần áo
Có lẽ đây là điều mà bố mẹ ngày càng trở nên ngày càng quen thuộc. Bạn sẽ không còn ngạc nhiên vào mỗi sáng, đứa trẻ 3 tuổi của bạn dõng dạc khi bạn chọn quần áo cho bé để chuẩn bị ra ngoài hoặc đến trường: ” Con muốn tự mặc!”, “Để con mặc!”,…Một mớ lộn xộn hay những bộ đồ “lệch lạc” màu, kiểu, cỡ,…có thể khiến bạn phải bực mình.
Nhưng, bạn nên biết rằng, tự mặc quần áo là một nhiệm vụ thú vị tiêu biểu, mà các trẻ lên 3 đều muốn tự thực hiện, thể hiện tính tự lập của bản thân. Con thích được tự chọn trang phục cho mình theo cách nhìn và sở thích riêng. Và cũng một buổi sáng đẹp trời bạn đi dạo ngoài công viên cùng bọn trẻ, nếu có thấy một đứa bé tầm 3 tuổi mặc chiếc áo thung cổ lọ tươi mát của mùa hè, kết hợp chiếc quần thung dày cộm của mùa đông và đi đôi giày thật ngầu hay chói lọi, thì bạn cũng đừng ngạc nhiên hay bật cười – vì đó là do trẻ tự chọn…theo “gu” thời trang mà trẻ muốn, chứ không phải một lựa chọn “tức cười” của cha mẹ chúng.
- Mẹo cho mẹ : Để giúp trẻ nhuần nhuyễn hơn trong việc chăm sóc bản thân một cách tự lập qua việc tự mặc quần áo, mẹ hãy nhẹ nhàng hỗ trợ trẻ khi cần. Hãy xếp quân áo của trẻ ngăn nắp và hài hòa, cũng như phân tích, cung cấp thông tin thêm cho trẻ, để giúp con chọn được đồ cho mình phù hợp mà vẫn đáp ứng đúng sở thích của bé.
2. Con thích tự ăn theo ý mình
Sau việc tự chọn quần áo và tự mặc quần áo là việc muốn tự quyết định sẽ ăn bằng chiếc bát nào, hay chiếc thìa nào cũng như món ăn nào trên bàn ăn. Trẻ 3 tuổi là như thế, nếu bạn muốn đút cho trẻ để con ăn nhanh hoặc ngồi bên mỗi phút nhắc nhở về chuyện con chỉ ăn cà rốt chứ không phải bông cải xanh – thì chắc chắn trẻ sẽ phản đối bạn hoặc làm trái ý bạn.
Trẻ 3 tuổi thích được tự lập trong ăn uống và trẻ sẽ rất vui vẻ khi được chọn thức ăn mình thích. Con có thể nhanh chóng và ăn hết những gì mình chọn, hoặc ăn một cách tích cực khi được cổ vũ.
- Mẹo cho mẹ : Gợi ý cho trẻ việc chọn lựa thực phẩm, cung cấp thêm thông tin về yếu tố dinh dưỡng để hấp dẫn trẻ quan tâm hơn. Bên cạnh đó, hãy dùng một chút “mưu mẹo” trộn lẫn các thực phẩm trẻ thích và không thích, chế biến kết hợp một cách khéo léo, con sẽ ăn tốt và ăn với một thái độ vui vẻ. Mẹ cũng đừng ép trẻ mà hãy tôn trọng quyết định ăn bao nhiêu của con. Hãy khuyến khích, động viên trẻ, con sẽ có thêm “động lực” để ăn ngoan.
3. Trẻ có thể ngồi bô hoặc biết “giá trị” của….nhà vệ sinh
Có nhiều trẻ ở độ tuổi lên 3 không chỉ thích thú với việc ngồi bô, hay chú ý đến việc sử dụng toilet, mà trẻ còn biết yêu cầu khi con có nhu cầu đi tiểu hoặc đại tiện. Một số trẻ còn yêu cầu được thay tã sạch khi con vẫn đang dùng tã. Ý thức về việc đi vệ sinh đã rất rõ ràng ở trẻ 3 tuổi. Không ít mẹ đã luyện tập cho con thành công việc ngồi bô khi con cần đi vệ sinh, hoặc con có thể ngồi bồn cầu với bàn cầu rời cho trẻ mà không còn gặp khó khăn.
- Mẹo cho mẹ : Giúp đỡ trẻ luyện tập thói quen tự đi vệ sinh theo cách chu đáo nhất. Mẹ đừng nản khi con chưa thuần thuần thục, không hợp tác hoặc chưa thể thực hiện. Việc ngồi bô hay tự đi vệ sinh cần một quá trình. Mẹ hãy kiên nhẫn để giúp con tập ngồi bô cho đến khi thành công nhé.
4. Con thích kết bạn – một trong những điểm nổi bật trong sự phát triển của trẻ 3 tuổi
Nếu trẻ dưới 3 tuổi có vẻ “bẽn lẽn” và ngại giao tiếp cùng bạn mới thì trẻ 3 tuổi đã dạn dĩ hơn rất nhiều. Con bắt đầu có xu hướng thích kết bạn, thích giao tiếp và biết rõ bản thân thích chơi với ai. Con có thể kể cho bạn cả ngày về bạn của mình, những việc bạn làm và những trò chơi mà con với bạn chơi cùng.
Theo các chuyên gia, mặc dù trẻ 3 tuổi chưa phải là những đứa trẻ có thể chia sẻ tốt, nhưng nhận thức về cảm xúc của người khác đang dần hình thành và phát triển mạnh mẽ. Kỹ năng giao tiếp của trẻ lên 3 cũng được xem là một trong những điểm nổi bật, trong sự phát triển của bé.
- Mẹo cho mẹ : Hãy cho trẻ đến các khu vui chơi có nhiều trẻ em, công viên hay nhà sách,…hoặc cho trẻ đến chơi nhà hàng xóm có bạn cùng tuổi,…Cách này giúp con mở rộng giao tiếp và có bạn cùng chơi. Tuy nhiên, mẹ cũng lưu ý về việc hãy mang theo một món đồ chơi hay một chút bánh kẹo, để làm “vũ khí” hòa giải hoặc giúp trẻ trấn tĩnh khi có những xung đột xảy ra.
Tìm hiểu thêm: Trẻ tự kỷ có nói được không và cách trẻ nói như thế nào
5. Trẻ thích làm việc lặt vặt
Những việc lặt vặt có sức hút rất lớn với trẻ 3 tuổi. Bạn sẽ thấy con rất hứng thú và tích cực thực hiện khi được sai bỏ cái chén vào bồn rửa bát, bỏ quần áo cần giặt vào sọt, hay lấy cho ba mẹ chai nước hoặc cái khăn,…
Những công việc lặt vặt khiến trẻ vui thích vì nhận thấy mình thực sự quan trọng. Con cũng muốn được chú ý hơn như một thành viên “trưởng thành” trong nhà qua những việc được cho là rất hữu ích như thế.
- Mẹo cho mẹ : Tạo cơ hội cho trẻ tham gia cùng làm việc nhà với mẹ như nhờ trẻ nhặt rau cùng, xếp bát đĩa, thu dọn quần áo, gấp quần áo, quét nhà, bỏ rác hay dọn bàn ăn,…Tất cả những việc nào có thể nhờ được, mẹ hãy nhờ trẻ và kiên nhẫn giúp trẻ hoàn thành. Cách này sẽ góp phần giúp trẻ biết chú ý hơn đến sự việc xung quanh, biết giúp đỡ và chia sẻ,..Con hoàn toàn có thể trở thành một người chu đáo trong tương lai, khi được mẹ rèn luyện, khuyến khích cộng tác cùng thực hiện những việc lặt vặt này từ nhỏ.
6. Vốn từ của trẻ được mở rộng đáng chú ý
Trẻ 3 tuổi nói rất nhiều và có thể nói nguyên ngày nếu bạn gợi chuyện. Thậm chí, có một số trẻ nói nhiều đến mức cha mẹ phải dùng “hình phạt” đứng đối diện với bức tường để “bớt nói”.
Trẻ 3 tuổi có vốn từ vựng phong phú đến khoảng 300 từ, con có thể tạo những câu 3 từ đơn giản. Bên cạnh đó, khả năng tiếp nhận ngôn ngữ và hiểu vấn đề của trẻ cũng tiến bộ hơn trước rất nhiều. Ngay cả khi bạn nói chuyện và thấy con mải thu xếp một món đồ chơi nào đó, điều này không có nghĩa là trẻ không chú ý. Thực sự từng lời bạn nói, trẻ đều tiếp nhận ngay cả khi con không nhìn bạn. Trẻ vừa xếp đồ hay chơi món gì đó nhưng hoàn toàn đang rất lắng nghe bạn nói, tiếp nhận thông tin và ngôn ngữ đấy.
- Mẹo cho mẹ : Luôn nói chuyện với trẻ khi cùng con chơi hay làm việc nhà. Hỏi trẻ về những việc con đã trải qua như thế nào, chơi với bạn ra sao, nói chuyện với ông bà, hay bác hàng xóm thế nào,…Đây không đơn thuần là việc mẹ biết thêm thông tin, cách nhìn nhận hay suy nghĩ của trẻ về sự việc, còn là cách rất tốt để giúp con phát triển vốn từ vựng, câu, ngữ nghĩa. Nói chuyện là cách kích thích trẻ thể hiện bản thân qua ngôn ngữ. Nhờ đó, rất nhiều khía cạnh liên quan đến ngôn ngữ, cảm xúc, giao tiếp,…của con cũng được hoàn thiện hơn trong độ tuổi của mình.
7. Bùng nổ cơn giận dữ và bướng bỉnh
Đây là một trong những đặc điểm không thể không nói đến ở trẻ lên 3. Một đứa trẻ 3 tuổi có thể gào khóc to đến mức nhà hàng xóm cũng có thể nghe rõ. Có những đứa trẻ không ngừng la hét khi không được đáp ứng một điều gì đó. Cũng có những đứa trẻ 3 tuổi sẵn sàng lao vào một cuộc “hỗn chiến” với bạn để dành đồ chơi hay ném đồ vật đang cầm trong tay ra xa một cách giận dữ….
Trẻ 3 tuổi tuy đáng yêu vì đã lớn hơn, song bạn cũng đừng ngạc nhiên gặp phải những lúc trẻ nổi cơn thịnh nộ, hay bộc lộ những cơn giận dữ hoặc có luc trẻ bướng bỉnh không thể tả.
- Mẹo cho mẹ : Khó tránh khỏi những lúc trẻ bướng bỉnh, giận dữ hay nổi cơn thịnh nộ. Thay vì quát nạt hay roi vọt, mẹ hãy đưa trẻ vào một góc riêng tránh khỏi mọi tác động có thể khiến “dầu đổ thêm vào lửa”, xoa dịu và nhẹ nhàng để giúp trẻ sớm bình tĩnh trở lại. Khi con bình tĩnh, hãy giải thích cho trẻ về hành động hay phản ứng của con như thế là không đúng. Hãy nói với trẻ rằng, khi con bình tĩnh nói rõ cho mẹ biết điều con muốn, mẹ sẽ làm điều đó cho con nhanh chóng hơn, thay vì con la hét và khóc lóc. Vì con khóc lóc, mẹ sẽ không hiểu con đang cần gì. Và bạn hãy thử áp dụng như thế đi, bạn sẽ ngạc nhiên rằng, mọi cuộc thương lượng với trẻ trong nhẹ nhàng từ tốn, không những giúp trẻ làm dịu cơn giận dữ tức thời mà còn giúp trẻ tập được thói quen bình tĩnh, biết kiểm soát hành vi thái quá của bản thân.
>>>>>Xem thêm: 2 cách làm ví bằng giấy dễ thương và độc đáo
Bạn đã từng trải qua một quá trình vất vả để dạy trẻ 2 tuổi, và từng hay đang lo lắng đến cuộc “đối đầu” của mình với trẻ khi lên 3, thì sau khi điểm qua 7 lưu ý liên quan đến trẻ 3 tuổi như trên, hẳn phần nào bạn sẽ thở phào nhẹ nhõm.
Sự phát triển của trẻ 3 tuổi nói riêng, sự phát triển của trẻ nói dung là một tiến trình luôn gắn với một số đặc điểm rất tiêu biểu. Thông qua đó, mẹ có thể hiểu con mình hơn, tìm ra được các cách ứng phó, xử lý phù hợp, có cách giáo dục trẻ tốt hơn. Đồng thời, đây cũng chính là cách giúp con phát huy được những điểm mạnh và hạn chế được những tiêu cực xuất hiện đồng thời, trong quá trình lớn lên, bộc lộ tính cách và hình thành nhân cách của trẻ.
Nguồn tham khảo: WebMD, Parents & Daily Montessori
Cát Lâm tổng hợp