Bệnh ghẻ ở trẻ em là một căn bệnh khá quen thuộc trước đây, khi điều kiện sống của chúng ta còn ở mức thấp. Hiện tại dù bệnh ghẻ không còn quá phổ biến nhưng vẫn là loại bệnh khiến các bậc cha mẹ phải vất vả chăm sóc, nếu trẻ mắc phải. Vì, trẻ em thường chưa ý thức được vấn đề vệ sinh cá nhân, mà loại bệnh này lại đòi hỏi phải giữ gìn vệ sinh khá kỹ càng mới có thể trị dứt, cũng như phòng ngừa bệnh tái phát.
Bạn đang đọc: Bệnh ghẻ ở trẻ em – cùng mẹ tìm hiểu bệnh và phòng ngừa cho trẻ
Chúng ta hãy cùng tìm hiểu về bệnh ghẻ ngứa này, cách chăm sóc trẻ nếu bị bệnh cũng như cách phòng ngừa cho con nhé.
Contents
1. Bệnh ghẻ ngứa là gì
Ghẻ ngứa là một loại bệnh nhiễm trùng da do ký sinh trùng Sarcoptes scabiei – còn gọi là cái ghẻ gây ra. Cái ghẻ khi xâm nhập vào cơ thể sẽ liên tục đào hang và đẻ trứng ở lớp biểu bì da, tạo nên các mụn nước rất ngứa và rát.
Trẻ bị ghẻ ngứa thường xuất hiện các vết mẩn đỏ hoặc đường nổi lượn sóng tại vị trí cái ghẻ đẻ trứng, đặc biệt ở các vùng nếp gấp da như cổ tay, nách, bẹn hay kẽ ngón tay, chân.
Mức độ ngứa sẽ tăng lên khi trẻ hoạt động nhiều, trời nắng nóng, trẻ ra nhiều mồ hôi.
2. Ghẻ ngứa lây lan như thế nào
Ghẻ ngứa là một bệnh truyền nhiễm thường lây lan qua tiếp xúc da kề da với người bị bệnh hoặc thông qua các vật dụng có chứa cái ghẻ như khăn tắm, khăn tay, ra giường, quần áo,…Cái ghẻ có thể sống được 2-3 ngày trong các vật dụng trên hoặc trong đất bụi vì vậy việc dùng chung đồ dùng làm cho bệnh dễ lây hơn.
Đối với một người chưa từng mắc bệnh ghẻ thì thời gian ủ bệnh kéo dài từ 4-6 tuần trước khi các triệu chứng biểu hiện ra ngoài. Tuy nhiên nếu đã từng bị bệnh thì triệu chứng có thể bắt đầu chỉ sau vài ngày nếu bị nhiễm bệnh lại.
Trẻ em có làn da rất nhạy cảm do đó rất dễ bị nhiễm bệnh nếu có sự gần gũi với nguồn lây nhiễm. Vì vậy nếu trong gia đình, nhà trẻ hoặc lớp học của trẻ có người bị ghẻ ngứa, thì trẻ nên được điều trị dù chưa có dấu hiệu bên ngoài của việc nhiễm bệnh.
3. Dấu hiệu và triệu chứng của bệnh ghẻ ở trẻ em
Triệu chứng dễ nhận thấy nhất của ghẻ đó là trẻ bị ngứa nghiêm trọng đặc biệt vào ban đêm hoặc sau khi tắm nước ấm.
Tình trạng ngứa xảy ra là do phản ứng của cơ thể với cái ghẻ và trứng của nó. Tại vị trí cái ghẻ đẻ trứng sẽ xuất hiện các vết mụn nước hoặc vết sưng có mủ. Khi trẻ gãi, các vết mụn này sẽ vỡ ra gây rát da. Nếu bị ghẻ kéo dài, các vùng da ngứa sẽ trở nên dày, đóng vảy và lan rộng.
Các vùng trên cơ thể trẻ thường bị ảnh hưởng đó là cổ, cổ tay, kẽ ngón tay chân, nách, bẹn, mông, rốn, bộ phận sinh dục, khuỷu tay, thậm chí cả đầu và lòng bàn tay, bàn chân. Các vết mụn trên cơ thể trẻ có thể trông đỏ hơn, các mụn nước cũng có thể lớn hơn so với người lớn nếu bị bệnh.
Việc gãi những vết ngứa do ghẻ có thể gây trầy xước da, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập làm cho tình trạng nhiễm trùng nặng thêm. Do vậy, bạn cần rất chú ý khi chăm sóc trẻ bị bệnh ghẻ ngứa.
Tìm hiểu thêm: 14 bệnh mùa hè của trẻ mẹ nhất định phải biết để chăm sóc bé khỏe mạnh
4. Điều trị bệnh ghẻ ở trẻ như thế nào
Nếu bạn nghi ngờ trẻ bị ghẻ ngứa, bạn nên đưa con đến bác sỹ da liễu để được điều trị.
Bác sỹ sẽ kê đơn thuốc bôi dạng kem đối với trẻ nhỏ hoặc có thể là thuốc uống đối với trẻ lớn.
Khi bắt đầu trị liệu trẻ sẽ mất khoảng 1-2 ngày để hết ngứa. Trong một số trường hợp, thời gian này kéo dài đến 1-2 tuần. Đối với các trường hợp ngứa nặng, bác sỹ có thể kê đơn thuốc bôi chứa steroid như hydrocortisone. Dạng thuốc này chỉ được sử dụng theo chỉ định của bác sỹ vì nó có thể làm một số tình trạng nhiễm trùng trở nên nghiêm trọng hơn.
Để việc chữa trị được hiệu quả, bạn cần bôi kem lên khắp cơ thể trẻ kể cả phần đầu và tai, sau đó để ít nhất 8-12 giờ mới rửa sạch. Bạn cũng nên bôi thuốc cho trẻ trước khi ngủ và rửa lại vào buổi sáng.
Ngoài việc bôi thuốc đều đặn, bạn cần giúp cắt móng tay, móng chân, vệ sinh sạch sẽ cho trẻ và bôi thuốc cả lên phần đầu cũng như kẽ ngón tay chân vì cái ghẻ rất yêu thích khu vực này.
Thông thường việc điều trị cần phải được lặp lại sau 1-2 tuần, đặc biệt nếu bạn thấy dấu hiệu của ghẻ trên da trẻ sau 2 tuần sử dụng kem hoặc thuốc uống.
Việc điều trị chỉ được xem là hiệu quả nếu không có vết ngứa hoặc nổi mụn nước mới (dấu hiệu của các hang mới do cái ghẻ đào) sau 24-48 giờ.
5. Phòng ngừa bệnh ghẻ ngứa cho trẻ ra sao
Sự tiếp xúc thể lý trực tiếp (như nắm tay) là cách phổ biến và dễ dàng nhất giúp bệnh ghẻ lây lan nhanh chóng. Vì vậy, để phòng bệnh ghẻ cho trẻ, hãy hạn chế tiếp xúc với người bị ghẻ.
Nếu trong gia đình bạn có người bị ghẻ thì các thành viên khác cũng nên được trị bệnh dù chưa có biểu hiện gì.
Ngoài ra do cái ghẻ có thể sống đến vài ngày trong chăn, ra giường, khăn mặt, khăn tắm, kể cả thú bông. Vì vậy bạn nên tránh việc dùng chung các vật dụng này đồng thời nên ngâm, giặt bằng nước sôi và phơi nắng để diệt cái ghẻ. Đối với thú nhồi bông bạn nên phơi nắng trong vài ngày rồi hãy cho trẻ chơi lại.
Bạn cũng nên giữ vệ sinh sạch sẽ cho trẻ cũng như không gian trong gia đình để hạn chế nguy cơ bị nhiễm bệnh.
>>>>>Xem thêm: Khủng hoảng tuổi lên 2 và 8 cách hay giúp cha mẹ xử lý vấn đề này ở trẻ
Bạn có thể thấy bệnh ghẻ ở trẻ em không những khiến trẻ khó chịu mà còn làm cho bạn và các thành viên khác trong gia đình có nguy cơ cao bị lây nhiễm cao. Dù không phải là căn bệnh nguy hiểm nhưng nó lại có thể gây ra khá nhiều phiền phức cho tất cả mọi người, đặc biệt là trẻ nhỏ. Là người trực tiếp chăm sóc trẻ, bạn hãy tích cực phòng ngừa cho trẻ và chú ý thật kỹ khi chăm sóc trẻ để có thể nhận biết ngay nếu trẻ mắc phải, nhằm điều trị cho trẻ càng sớm càng tốt nhé.
Theo Kids Health
Lily Nguyễn lược dịch