Dạy trẻ kỹ năng giao tiếp là một việc quan trọng không kém so với kiến thức về văn hóa. Vậy làm thế nào để giúp trẻ hình thành và phát triển được kỹ năng một cách tốt nhất? – Ngay từ khi con còn nhỏ, các cha mẹ đã cần thực hiện 11 việc làm như dưới đây.
Bạn đang đọc: Để dạy trẻ kỹ năng giao tiếp hiệu quả – cha mẹ cần thực hiện 11 việc làm sau đây
Contents
- 1 1. Hãy phản ứng lại những cử chỉ, âm thanh và ánh mắt của trẻ
- 2 2. Hãy trò chuyện và lắng nghe trẻ
- 3 3. Hãy giúp trẻ xây dựng kỹ năng ngôn ngữ
- 4 4. Hãy dạy trẻ về ngôn ngữ cơ thể
- 5 5. Hãy nhận ra và tôn trọng cảm xúc của trẻ
- 6 6. Hãy giúp con phát triển vốn từ vựng về cảm xúc
- 7 7. Hãy đọc sách cùng trẻ – một trong những việc làm quan trọng giúp dạy trẻ kỹ năng giao tiếp tốt
- 8 8. Hãy tường thuật lại những việc bạn làm hàng ngày cho trẻ nghe
- 9 9. Hãy khuyến khích trẻ chơi trò giả vờ
- 10 10. Hãy đưa ra yêu cầu của bạn một cách rõ ràng, đơn giản, phù hợp với lứa tuổi và khả năng của trẻ
- 11 11. Hãy làm gương cho trẻ
1. Hãy phản ứng lại những cử chỉ, âm thanh và ánh mắt của trẻ
- Khi bạn thấy trẻ đưa tay về phía bạn, hãy đón trẻ, hôn con và sử dụng những từ đơn giản như: “Con muốn mẹ bế phải không?”
- Khi trẻ thủ thỉ với bạn, hãy đáp lại con.
- Khi trẻ nhìn bạn chăm chú, hãy giao tiếp bằng mắt và nói chuyện với trẻ. Những hồi đáp của bạn sẽ cho trẻ thấy rằng sự giao tiếp của trẻ là quan trọng và hiệu quả. Điều này sẽ khuyến khích con tiếp tục phát triển những kỹ năng này.
2. Hãy trò chuyện và lắng nghe trẻ
Khi bạn nói chuyện với trẻ, hãy cho con thời gian để đáp lại. Trong khi trò chuyện bạn hãy giao tiếp bằng mắt với trẻ. Điều này sẽ truyền đạt mong muốn của bạn về việc lắng nghe trẻ nói.
Ngoài ra, hãy đặt những câu hỏi mở cho trẻ. Ví dụ như: “Con nghĩ gì về thời tiết mưa ngày hôm nay?”; “Con nghĩ nước mưa sẽ chảy đi đâu?”; “Con nghĩ mưa sẽ giúp hoa lớn lên như thế nào?”; “Tại sao bầu trời lại màu xám nhỉ?”…
Khi nói chuyện với trẻ, bạn sẽ giúp con thấy mình là một người giao tiếp tốt và thúc đẩy con tiếp tục phát triển những kỹ năng giao tiếp này.
3. Hãy giúp trẻ xây dựng kỹ năng ngôn ngữ
Trong việc dạy kỹ năng cho trẻ, giúp con xây dựng kỹ năng ngôn ngữ là rất quan trọng và cần thiết. Bạn có thể cùng trẻ nói về các tình huống hoặc sự vật sự việc xung quanh, để giúp con hình thành và phát triển kỹ năng ngôn ngữ, cũng như hệ từ vựng liên quan.
Ví dụ : “Con hãy giả vờ mình là một chú sâu bướm đói đang muốn tìm đồ ăn nào. Con muốn ăn những đồ ăn gì? Con hãy đặt tên cho những món mà con muốn ăn nhé.”
4. Hãy dạy trẻ về ngôn ngữ cơ thể
Bạn hãy dạy trẻ về ngôn ngữ cơ thể để trẻ có thể nhận biết hoặc đoán được cảm xúc của người khác khi họ không nói ra bằng lời.
Ví dụ : “Con có thấy bạn Andi giơ hai tay lên che mặt không? Bạn ấy không thích con ném bóng quá mạnh. Mẹ biết con có thể ném bóng nhẹ hơn, như vậy Andi sẽ muốn tiếp tục chơi đuổi bắt với con đấy.”
5. Hãy nhận ra và tôn trọng cảm xúc của trẻ
Trẻ sẽ dễ dàng chia sẻ ý tưởng và suy nghĩ của mình hơn nếu con biết rằng mình sẽ không bị đánh giá, trêu chọc hay chỉ trích.
Để giúp trẻ thấy mình được đồng cảm, bạn có thể nhìn nhận cảm xúc của trẻ nhưng không đồng tình với hành vi của chúng.
Ví dụ :
- Mẹ biết con sợ ngủ một mình, nhưng con vẫn cần phải đi ngủ vì đã đến giờ đi ngủ . Con có muốn nghe một vài bản nhạc êm dịu không? Hoặc:
- Mẹ biết con rất tức giận nhưng con không thể ném những khối xếp hình như vậy được. Con có thể đấm vào chiếc gối này nè.
6. Hãy giúp con phát triển vốn từ vựng về cảm xúc
Bạn hãy cung cấp những từ ngữ mô tả cảm xúc bằng những câu liên hệ đến tình huống thực tế cho trẻ dễ hình dung và tiếp nhận.
Ví dụ : “Con buồn vì bố đi công tác xa nhà phải không nào?”
Bạn hãy luôn nhớ rằng tình cảm không có tốt hay xấu, vì vậy đừng ngại nói với con về một cảm giác nào đó. Khi trẻ hiểu được cảm xúc của bản thân hay người khác và biết dùng từ ngữ chính xác để mô tả, nó sẽ giúp việc giao tiếp của trẻ với mọi người được dễ dàng hơn. Nếu trẻ nói và người khác hiểu, đồng cảm và chia sẻ, con sẽ thấy rằng cảm xúc và trải nghiệm của mình được tôn trọng. Nư vậy, con sẽ tiến bộ một cách nhanh chóng hơn.
Tìm hiểu thêm: Finger Math là gì? Có nên cho con theo học phương pháp này không?
7. Hãy đọc sách cùng trẻ – một trong những việc làm quan trọng giúp dạy trẻ kỹ năng giao tiếp tốt
Bạn hãy ôm trẻ và cùng xem một quyển sách trong một không gian yên tĩnh. Bạn hãy khuyến khích trẻ lật trang sách và chỉ vào những gì bé nhìn thấy. Bạn cũng hãy hỏi trẻ các nhân vật trong sách cảm thấy như thế nào và cùng nhau tự hỏi chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo.
Bạn nên để trẻ chọn cuốn sách mà trẻ muốn. Vì con càng hứng thú với cuốn sách thì thời gian bạn ở cùng con sẽ càng trở nên thú vị hơn.
Việc bạn đọc sách cùng trẻ không chỉ dạy trẻ về kỹ năng đọc viết và ngôn ngữ – các kỹ năng cơ bản quan trọng trong khái niệm kỹ năng sống theo UNESCO , mà còn cho trẻ thấy rằng, bạn tôn trọng sở thích và lựa chọn của trẻ, cũng như bạn rất yêu thương trẻ và muốn gần gũi với con.
Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng, những người có thói quen đọc sách thường xuyên là những người khi còn nhỏ chỉ đơn giản thấy rằng, đọc sách là một trải nghiệm thú vị (những gì được đọc dường như không quan trọng bằng những gì trẻ cảm thấy về hoạt động đọc sách cùng bạn).
8. Hãy tường thuật lại những việc bạn làm hàng ngày cho trẻ nghe
Việc tường thuật lại những việc làm quen thuộc hàng ngày của bạn sẽ giúp trẻ kết nối được từ ngữ với các đối tượng và hành động.
Bạn có thể thuật lại cho con nghe khi bạn đang làm việc nhà hay khi chăm sóc và chơi với con.
Ví dụ : “Mẹ đang rửa bát nè con. Mẹ vắt xà bông rửa chén màu vàng vào nước ấm.”; “Chúng ta đang đi vào bồn tắm nè con. Cánh tay, chân và bụng con ướt hết rồi này. Bạn vịt (đồ chơi) cũng ướt này.” hay “Con đang chải tóc cho búp bê này. Tóc búp bê dài nhỉ. Có đoạn tóc nào bị rối không con?
Bạn cũng có thể cùng với các thành viên trong gia đình chia sẻ về ngày của mỗi người. Hãy đặt câu hỏi cho trẻ về ngày của con và khuyến khích con đặt câu hỏi cho bạn.
9. Hãy khuyến khích trẻ chơi trò giả vờ
Trẻ em thường thể hiện bản thân một cách tự do hơn khi chơi trò giả vờ. Trẻ sẽ cảm thấy an toàn hơn khi nói về nỗi sợ hãi hay những vấn đề của mình dưới vai của người khác.
Trò chơi giả vờ cũng là cơ hội cho trẻ đảm nhận các vai trò khác nhau và thực hiện những gì người khác có thể nói, nghĩ hoặc làm. Điều này sẽ giúp trẻ phát triển ngôn ngữ cũng như các kỹ năng xã hội như sự đồng cảm chẳng hạn.
10. Hãy đưa ra yêu cầu của bạn một cách rõ ràng, đơn giản, phù hợp với lứa tuổi và khả năng của trẻ
Đối với trẻ 1 tuổi , bạn có thể đưa ra mệnh lệnh 1 bước như: “đi lấy quả bóng”. Đối với trẻ 18 tháng tuổi thì mệnh lệnh 2 bước là phù hợp, ví dụ như: “Con vào phòng và lấy giày của con nhé!”
Hãy chắc chắn rằng bạn thu hút được sự chú ý của trẻ trước tiên bằng cách gọi tên hoặc chạm vào trẻ và nhìn vào mắt con.
Bạn có thể yêu cầu trẻ lớn hơn lặp lại lời bạn để đảm bảo rằng trẻ nghe và hiểu được cuộc trò chuyện.
11. Hãy làm gương cho trẻ
Con trẻ thường rất để ý và dễ bắt chước theo lời nói và hành động của người lớn. Vì vậy trong giao tiếp bạn cũng hãy làm gương cho trẻ. Nếu bạn trò chuyện với người khác với thái độ tôn trọng và tử tế, thì trẻ cũng sẽ học theo cách cư xử đó khi giao tiếp với bạn hay người khác. Và khi bạn mong đợi kiểu giao tiếp tôn trọng này từ người khác, bạn cũng giúp trẻ hình thành sự mong đợi tương tự.
>>>>>Xem thêm: 5 bài tập thể dục giúp tăng chiều cao cho trẻ hiệu quả
Để việc dạy kỹ năng giao tiếp cho trẻ được hiệu quả, bạn hãy thực hiện những việc trên ngay từ nhỏ để giúp trẻ hình thành nền tảng về ngôn ngữ, cử chỉ, thái độ cũng như cách cư xử . Có như vậy, cùng với sự phát triển về thể chất, trẻ cũng phát triển về khả năng giao tiếp, và có thể trở nên tự tin hơn trong cuộc sống, học tập và công việc sau này.
Theo Zero To Three
Lily Nguyễn lược dịch