Rối loạn ăn uống ở trẻ có lẽ không phải là cụm từ quen thuộc đối với mọi phụ huynh. Có lẽ chúng ta thường thấy tình trạng trẻ lười ăn hoặc ăn quá nhiều hơn là nghe về “rối loạn ăn uống”. Tuy nhiên, ăn quá ít hay quá nhiều cũng có thể là một biểu hiện của rối loạn ăn uống. Vậy cụ thể về vấn đề này như thế nào, chúng ta hãy cùng tìm hiểu nhé.
Bạn đang đọc: Rối loạn ăn uống ở trẻ – bạn đã thực sự biết rõ về điều này?
Contents
- 1 1. Rối loạn ăn uống ở trẻ là gì
- 2 2. Nguyên nhân gây ra tình trạng rối loạn ăn uống ở trẻ
- 3 3. Một số dạng rối loạn ăn uống ở trẻ
- 4 4. Rối loạn ăn uống được chẩn đoán và điều trị như thế nào
- 5 5. Bạn nên làm gì nếu trẻ bị rối loạn ăn uống
- 6 6. Bạn có thể làm gì để phòng tránh tình trạng rối loạn ăn uống ở trẻ
1. Rối loạn ăn uống ở trẻ là gì
Rối loạn ăn uống ở trẻ là tình trạng trẻ gặp vấn đề về cách ăn uống, đây là vấn đề về mặt tâm lý không phải về thực phẩm. Trẻ có thể bị rối loạn ăn uống do bị ảnh hưởng tâm lý từ một sự kiện, sự việc nào đó. Chúng có thể gây hại cho sức khỏe, cảm xúc cũng như mối quan hệ của trẻ.
Mặc dù rối loạn ăn uống thường gặp ở tuổi thiếu niên hơn, nhưng trẻ nhỏ cũng có thể bị ảnh hưởng. Thời gian gần đây tỷ lệ trẻ nhỏ dưới 12 tuổi mắc phải tình trạng này đang có xu hướng tăng lên.
Rối loạn ăn uống đặc biệt nguy hiểm ở trẻ nhỏ, vì nó có thể ảnh hưởng lâu dài tới quá trình tăng trưởng và phát triển của trẻ. Nó không giống như quấy khóc, kén ăn hoặc khó ăn liên quan đến hội chứng rối loạn phổ tự kỳ. Nó cũng khá khó chẩn đoán ở độ tuổi nhỏ vì trọng lượng cơ thể và yêu cầu dinh dưỡng của trẻ khác nhau đối với từng giai đoạn.
Theo tốc độ phát triển của xã hội hiện đại với nhiều thông điệp trái chiều về việc ăn gì, tập thể dục như thế nào, khủng hoảng béo phì và sự ảnh hưởng của người nổi tiếng cũng như truyền thông xã hội, trẻ em dễ dàng cảm thấy bối rối và áp lực. Từ đó, hình thành những suy nghĩ không phù hợp với độ tuổi, tiêu biểu là vấn đề cân nặng. Theo thống kê, có hơn một nửa số trẻ em ở độ tuổi tiểu học của Úc muốn giảm cân, và có đến 80% các bé gái 10 tuổi ở Mỹ đã bắt đầu ăn kiêng.
Nghiên cứu cũng cho thấy 20-25% trẻ em bị ảnh hưởng bởi rối loạn ăn uống là bé trai, và cũng có thể có mối liên hệ giữa béo phì khi trẻ còn nhỏ, với rối loạn ăn uống khi ở độ tuổi trưởng thành.
Rối loạn ăn uống biểu hiện qua sự thay đổi thái độ và hành vi đối với thực phẩm của trẻ có thể là dấu hiệu cho thấy, trẻ đang gặp phải các vấn đề về cảm xúc, xã hội hoặc các vấn đề khác trong quá trình phát triển như trầm cảm, bị bắt nạt, trêu chọc và lạm dụng .
Thông thường, rối loạn ăn uống phát triển ở trẻ như một cách để làm trẻ cảm thấy mình kiểm soát được những gì xảy ra, trong cuộc sống của chúng.
2. Nguyên nhân gây ra tình trạng rối loạn ăn uống ở trẻ
Không có nguyên nhân nhất định nào gây ra tình trạng rối loạn ăn uống ở trẻ. Có nhiều yếu tố có thể đóng góp vào việc mắc phải tình trạng này ở trẻ như: yếu tố môi trường, gen di truyền, các sự kiện căng thẳng…
Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc phải rối loạn ăn uống ở trẻ như:
- Bề ngoài không thu hút
- Sự quan trọng hóa thái quá vấn đề ngoại hình và cân nặng
- Chơi các môn thể thao tập trung vào cân nặng như thể dục dụng cụ, múa ba lê, trượt băng, đấu vật…
- Có một thành viên trong gia đình bị rối loạn ăn uống
- Các vấn đề về sức khỏe tâm thần như lo lắng, trầm cảm, rối loạn phổ tự kỷ, rối loạn ám ảnh cưỡng chế, rối loạn tăng động giảm chú ý …
3. Một số dạng rối loạn ăn uống ở trẻ
Có một số dạng rối loạn ăn uống phổ biến mà chúng ta có thể tham khảo dưới đây:
3.1 Tình trạng chán ăn
3.1.1 Biểu hiện của tình trạng chán ăn
Trẻ chán ăn thường ăn rất ít (có chủ đích) dẫn đến tình trạng thiếu cân. Như đã nói ở trên, vấn đề cân nặng thường là nỗi ám ảnh của người trưởng thành, nhưng nó đang ngày càng tác động đến trẻ em nhiều hơn. Do vậy, trẻ nhỏ hoặc trẻ tuổi teen cũng có thể có một nỗi sợ hãi lớn về việc tăng cân.
Người lớn có thể kiểm soát chặt chẽ lượng calories nạp vào cơ thể để kiểm soát cân nặng, thậm chí áp dụng những biện pháp ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe như: tập thể dục quá nhiều, dùng thuốc lợi tiểu, thuốc nhuận tràng, thậm chí là thụt hậu môn. Đối với trẻ nhỏ, chúng chưa biết và chưa được phép thực hiện những cách của người lớn, nên việc đơn giản nhất chúng có thể làm là ăn thật ít.
3.1.2 Chán ăn ảnh hưởng tới trẻ như thế nào
Trẻ chán ăn thường ăn rất ít nên sẽ có nguy cơ gặp phải những vấn đề về thể chất sau:
- Suy dinh dưỡng, thiếu cân
- Huyết áp thấp
- Nhịp tim chậm hoặc không ổn định
- Mệt mỏi, chóng mặt có khi ngất xỉu
- Táo bón và đầy hơi
- Xương yếu
- Dậy thì muộn và tăng trưởng chậm
Trẻ cũng có thể khó tập trung và gặp khó khăn trong việc ghi nhớ mọi thứ cũng như gặp các vấn đề về tâm lý như:
- Cảm thấy cô đơn, buồn bã hay chán nản
- Lo lắng và sợ hãi về việc tăng cân
- Có thể có những suy nghĩ làm tổn thương bản thân
3.2 Tình trạng cuồng ăn
3.2.1 Biểu hiện của tình trạng cuồng ăn
- Khác với chán ăn, trẻ bị cuồng ăn có thể ăn uống quá nhiều, quá nhanh và mất kiểm soát trong việc dừng lại.
- Để ăn được nhiều, trẻ có thể tự làm mình nôn ra để tiếp tục ăn.
- Trẻ cũng có thể ăn nhiều ngay cả khi mình không đói hoặc ăn một mình để người khác không thấy trẻ ăn bao nhiêu.
3.2.2 Cuồng ăn ảnh hưởng tới trẻ như thế nào
Những ảnh hưởng về mặt thể chất trẻ có nguy cơ gặp phải bị cuồng ăn:
- Thường tăng cân và có nguy cơ cao mắc phải tình trạng béo phì
- Huyết áp thấp hoặc cao
- Nhịp tim không ổn định
- Mệt mỏi chóng mặt có khi ngất xỉu
- Có máu trong chất nôn hoặc phân
- Sâu răng
- Viêm tuyến nước bọt
- Cholesterol cao, gan nhiễm mỡ
- Ngưng thở lúc ngủ
Tìm hiểu thêm: Đánh giá sản phẩm “Ti ngậm & miếng cắn nướu” Pigeon của Nhật được các mẹ ưa chuộng nhất
Bên cạnh đó, trẻ có thể gặp những vấn đề về tâm lý như:
- Đánh giá thấp bản thân, lo lắng hay trầm cảm.
- Dễ có suy nghĩ làm tổn thương bản thân.
- Thường thấy cô đơn, tức giận hay mất kiểm soát.
- Gặp khó khăn trong việc đối phó với những cảm xúc mạnh mẽ hoặc các sự kiện căng thẳng.
3.3 Tình trạng rối loạn ăn uống hạn chế (ARFID)
3.3.1 Biểu hiện của ARFID
Trẻ bị ARFID thường có những biểu hiện như:
- Không hào hứng hoặc tránh né đồ ăn
- Giảm cân, hoặc không tăng cân đủ so với tiêu chuẩn chung ở độ tuổi của trẻ
- Không sợ tăng cân
- Không có vấn đề gì về hình thể
- Không có hứng thú với mùi, vị hoặc kết cấu của đồ ăn
- Sợ bị nghẹn hoặc nôn mửa
- Không bị chán ăn, cuồng ăn hay tình trạng bệnh lý khác
3.3.2 ARFID ảnh hưởng tới trẻ như thế nào
Tương tự như chán ăn, trẻ bị ARFID có thể gặp một số vấn đề về thể chất như:
- Thiếu dinh dưỡng
- Kém phát triển
- Có thể cần cho ăn bằng đường ống và bổ sung dinh dưỡng (với các loại viên bổ sung vitamin tổng hợp)
Trẻ bị ARFID cũng có nhiều khả năng mắc phải những hội chứng khác như:
- Lo lắng hoặc rối loạn ám ảnh cưỡng chế.
- Rối loạn phổ tự kỷ hoặc rối loạn tăng động giảm chú ý.
- Gặp các vấn đề ở nhà và ở trường liên quan đến hành vi ăn uống.
4. Rối loạn ăn uống được chẩn đoán và điều trị như thế nào
Trong quá trình theo dõi sự phát triển của trẻ, nếu trẻ có những biểu hiện sớm sau, bạn hãy lưu ý và trao đổi với bác sỹ:
- Thay đổi thói quen ăn uống
- Thường xuyên vào nhà vệ sinh, đặc biệt trong hoặc sau bữa ăn
- Thích ăn một mình
- Tăng cường hoạt động thể chất
Trẻ được chẩn đoán bị rối loạn ăn uống sẽ được điều trị kết hợp bởi các bác sỹ, chuyên gia về cả dinh dưỡng và tâm lý. Tùy theo tình trạng cụ thể của trẻ mà họ sẽ có phác đồ điều trị cũng như chỉ định các loại thuốc nếu cần thiết.
5. Bạn nên làm gì nếu trẻ bị rối loạn ăn uống
Nếu bạn cảm thấy lo lắng và nghi ngờ về tình trạng của trẻ, hãy thực hiện những việc sau:
- Hãy tìm sự giúp đỡ sớm nhất có thể : Rối loạn ăn uống được chẩn đoán và điều trị càng sớm thì trẻ càng có khả năng phục hồi nhanh. Nếu bạn thấy lo lắng về những biểu hiện bất thường của trẻ về ăn uống , hãy trao đổi với bác sỹ càng sớm càng tốt.
- Hãy trò chuyện với trẻ về sự lo lắng của bạn : Bình tĩnh, thẳng thắn và ân cần để trẻ có thể cởi mở chia sẻ với bạn những vấn đề trẻ đang gặp phải. Từ đó, bạn sẽ dễ dàng giúp bác sỹ xác định được nguyên nhân gây ra sự bất thường ở trẻ.
- Hãy đến đủ và đúng hẹn : Việc đến đúng chỉ định của bác sỹ sẽ giúp quá trình điều trị cho trẻ được hiệu quả hơn. Vì vậy, bạn hãy cố gắng sắp xếp mọi thứ để đưa trẻ đến đầy đủ những cuộc hẹn của bác sỹ.
- Hãy kiên nhẫn và lạc quan : Bạn hãy tìm hiểu những việc có thể làm để giúp đỡ trẻ. Hãy dành thời gian trò chuyện, lắng nghe và làm những điều bạn và trẻ yêu thích để duy trì mối quan hệ vững chắc và tích cực với trẻ.
6. Bạn có thể làm gì để phòng tránh tình trạng rối loạn ăn uống ở trẻ
Để giúp hạn chế và phòng tránh tình trạng rối loạn ăn uống ở trẻ, bạn có thể tham khảo những cách sau:
- Hãy đừng gắn mác đồ ăn “tốt” và “xấu” vì nó sẽ dẫn tới việc trẻ dễ cảm thấy tội lỗi khi lỡ ăn đồ ăn “xấu”.
- Hãy tránh sử dụng đồ ăn để hối lộ, trừng phạt hay làm phần thưởng cho trẻ.
- Hãy đừng quá cầu toàn và kỳ vọng quá nhiều gây áp lực cho trẻ.
- Hãy khuyến khích trẻ xem trọng sự khác biệt, không quá chú trọng đến ngoại hình và dùng nó như thước đo giá trị của một người.
- Hãy chấp nhận rằng trẻ em có thói quen ăn uống khác người lớn. Chúng có thể muốn ăn nhiều lần trong ngày hoặc cũng có thể có những giai đoạn thích hoặc không thích một số loại thực phẩm nào đó.
- Hãy đừng bỏ bữa hay ăn kiêng quá mức vì trẻ sẽ bắt chước theo bạn. Bạn cũng không nên áp dụng chế độ ăn kiêng cho trẻ.
- Hãy khuyến khích trẻ bày tỏ cảm xúc một cách tự do cũng như giao tiếp cởi mở trong gia đình.
- Hãy cho phép trẻ ăn khi đói và ngừng ăn khi no, đừng ép con ăn hết mọi thứ trên đĩa của chúng.
- Hãy chấp nhận kích thước, hình dạng cơ thể khác nhau bao gồm cả chính bạn.
- Hãy đừng chỉ trích hoặc trêu chọc trẻ về ngoại hình của chúng hay so sánh trẻ với những đứa trẻ khác.
- Hãy khuyến khích trẻ tập thể dục điều độ.
- Hãy giúp trấn an trẻ rằng việc tăng cân là bình thường và cần thiết khi trẻ đến tuổi dậy thì và trong suốt tuổi niên thiếu của con.
- Hãy giúp trẻ có nhận thức đúng đắn về các hình ảnh và thông điệp được truyền tải trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng như trên mạng internet.
- Và cuối cùng nếu bạn thấy lo lắng về bất cứ vấn đề gì liên quan đến ăn uống hay cân nặng của trẻ, hãy tham khảo ý kiến bác sỹ để được tư vấn một cách đầy đủ và chính xác nhất.
>>>>>Xem thêm: Mẹo hay giúp trẻ sơ sinh ngủ ngon không cần dỗ dành, mẹ áp dụng ngay nhé!
Qua những thông tin ở trên, chúng ta có thể thấy rằng rối loạn ăn uống ở trẻ là một tình trạng bao gồm nhiều vấn đề khá phức tạp. Nó không chỉ liên quan đến biểu hiện bên ngoài, mà còn đến tâm lý của trẻ. Là cha mẹ, chúng ta hãy cố gắng luôn quan tâm đến những thay đổi của trẻ để có thể can thiệp, giúp trẻ không bị phát triển sai lệch về mọi mặt, đặc biệt là vấn đề ăn uống , vì nó ảnh hưởng trực tiếp tới sự phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần của trẻ sau này.
Lily Nguyễn lược dịch và tổng hợp
Nguồn tham khảo: Kids Health & Eating Disorders