Sự phát triển của trẻ từ 1 đến 3 tuổi bao gồm những cột mốc quan trọng mà các bậc cha mẹ rất cần lưu tâm. Vì, giai đoạn 1 đến 3 tuổi là khoảng thời gian trẻ phát triển khá nhanh, tạo nền tảng vững chắc cho sau này. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu những mốc quan trọng ở độ tuổi 1-3 này của trẻ, để có cách chăm sóc phù hợp và tốt nhất cho con các cha mẹ nhé.
Bạn đang đọc: Sự phát triển của trẻ từ 1 đến 3 tuổi và những cột mốc cha mẹ nên lưu ý
Contents
1. Sự phát triển của trẻ 1 tuổi đến 1 tuổi rưỡi
1.1. Về thể lý và kỹ năng
Khi được khoảng 12 đến 15 tháng, trẻ đã có thể đứng vững mà không cần hỗ trợ. Và một khi trẻ đã đứng được rồi, trẻ sẽ bắt đầu khám phá xung quanh nhiều hơn. Có nhiều trẻ ở độ tuổi này đã có thể bước đi, nhưng nếu trẻ bắt đầu bước đi khi được 15 đến 18 tháng thì điều này cũng khá bình thường. Trên thực tế, trẻ còn có thể leo cầu thang hay bàn ghế, thậm chí chạy được. Có rất nhiều bé ở độ tuổi tập đi rất hiếu động và tò mò về mọi thứ.
Những kỹ năng của trẻ trong độ tuổi này cụ thể như sau:
1.1.1. Trẻ 12 đến 15 tháng
Từ 12 đến 15 tháng tuổi, trẻ đã học được rất nhiều thứ từ môi trường xung quanh:
- Trẻ có thể lắc đồ vật, đập chúng vào nhau, xếp chồng đồ vật lại và đẩy đổ chúng.
- Trẻ có thể chỉ vào người hoặc vật mà trẻ biết khi bạn hỏi con.
- Trẻ có thể uống nước bằng ly
1.1.2 Trẻ 15 đến 18 tháng
Khi được 18 tháng hầu hết trẻ đã có thể kiểm soát tốt cử động bàn tay cũng như cánh tay và có thể giúp bạn khi bạn mặc đồ cho trẻ. Con cũng có thể thử một số kỹ năng mới như sử dụng bút chì hoặc muỗng, hoặc uống nước từ ly. Cũng với bàn tay đã khéo léo hơn, trẻ có thể nhặt những đồ vật khá nhỏ như hòn đá hay những món đồ chơi nhỏ. Vì vậy bạn cần quan sát trẻ để tránh con nuốt phải những đồ vật nhỏ này.
1.2 Về mặt cảm xúc
Trẻ 12 tháng tuổi thường đã phát triển cảm xúc gắn bó, quyến luyến với bạn và sẽ thể hiện sự ảnh hưởng của bạn đối với trẻ. Thường khi được 14 tháng , trẻ bắt đầu cảm thấy lo sợ khi bị tách rời khỏi bạn.
1.2.1 Trẻ 12 đến 15 tháng
Trẻ hiểu được cảm xúc của người xung quanh, ví dụ như trẻ sẽ tỏ vè buồn nếu ai đó gần trẻ đang buồn hoặc khóc.
1.2.2 Trẻ 15 đến 18 tháng
Trẻ đã nhận thức được bản thân và dễ dàng thấy xấu hổ khi người khác đang nhìn hoặc chờ đợi trẻ thực hiện hành động nào đó.
1.3. Về mặt nhận thức và giao tiếp
Có lẽ bạn đã nghe trẻ bập bẹ từ 12 tháng tuổi . Và bây giờ bạn sẽ nghe được trẻ nói thực sự, khoảng 1 đến 2 từ ở 12 tháng tuổi và tăng lên 6 từ hoặc hơn ở 18 tháng tuổi.
1.3.1 Trẻ 12 đến 15 tháng tuổi
Đây là giai đoạn trẻ biết làm những việc sau:
- Ôm bạn
- Chỉ vào các bộ phận cơ thể hoặc những đồ vật mà trẻ yêu thích khi bạn gọi tên
- Làm theo những chỉ dẫn đơn giản (đưa cho bạn món đồ gì đó hoặc nắm tay bạn…)
1.3.2. Trẻ từ 15 đến 18 tháng tuổi
Ở độ tuổi này trẻ có thể biết:
- Nhận ra tên của mình
- Làm theo những chỉ dẫn đơn giản như lấy một món đồ từ phòng khác mà không cần phải được dắt tay chỉ tận nơi
- Nhận ra mình trong gương
- Nhận biết được công dụng của đồ vật ví dụ như điện thoại hay bàn chải đánh răng.
Trong giai đoạn bắt đầu tăng cường học hỏi và khám phá xung quanh này, bạn nên làm gì để giúp đỡ trẻ?
1.4 Giúp trẻ phát triển tốt nhất như thế nào
Bạn có thể làm rất nhiều thứ để giúp trẻ phát triển như:
- Ôm và hôn trẻ thật nhiều để thể hiện sự ấm áp và tình yêu thương của bạn
- Hãy chơi với con thật nhiều, có thể dùng các đồ vật trong nhà hay dùng bộ phận cơ thể bạn (như các hộp giấy, hình khối, chơi ú òa…)
- Nói chuyện với trẻ: bạn hãy gọi tên đồ vật mà bạn sử dụng hoặc màu sắc, người xung quanh…
- Đọc sách, hát cho trẻ nghe
- Khuyến khích trẻ dùng các kỹ năng của mình như tự dùng muỗng, uống nước bằng ly (bạn hãy kiên nhẫn vì chắc chắn mọi thứ sẽ trở nên hơi lộn xộn đấy)
- Hãy khuyến khích trẻ bước đi và khám phá xung quanh, nhưng hãy ở gần để trẻ thấy an toàn
- Khuyến khích trẻ chơi với các trẻ khác nhưng hãy chấp nhận việc trẻ không sẵn sàng chia sẻ những món đồ của mình với trẻ khác.
Trong quá trình ở bên cạnh con trong giai đoạn này, bạn hãy quan sát con và nên tham khảo ý kiến bác sỹ nếu trẻ có những biểu hiện khác lạ nhé.
1.5 Một số biểu hiện ở trẻ bạn cần lo ngại
Bạn nên tham khảo ý kiến bác sỹ nếu ở 18 tháng tuổi trẻ không biết hoặc không hứng thú với những việc sau:
- Không thích giao tiếp mắt hoặc sự vỗ về
- Không nói
- Không thực hiện theo những chỉ dẫn đơn giản
- Không chỉ, vẫy tay hoặc dùng cử chỉ điệu bộ khác
- Không biết chơi trò “giả vờ”
- Không đi
- Không nhìn hoặc nghe rõ
- Không duy trì được một kỹ năng nào đó trẻ đã có
- Không quan tâm khi bạn rời đi hoặc trở về
Ngoài những điề trên, thêm một điều quan trọng nữa bạn cần lưu ý đó là vấn đề tiêm vaccine cho trẻ .
1.6. Tiêm vaccine
Khi được 12 tháng tuổi, trẻ nên được tiêm ngừa sởi, quai bị, rubella (MMR) cũng như phế cầu và viêm màng não mô cầu.
Ở 18 tháng tuổi, trẻ nên được hoàn thành chích nhắc các mũi tiêm trên cùng với thủy đậu.
Độ tuổi này của trẻ rất cần được bảo vệ, vì miễn dịch của trẻ còn yếu dễ mắc các bệnh nguy hiểm, vì vậy bạn nên cho con tiêm phòng đúng lịch nhé.
2. Sự phát triển của trẻ từ 1 tuổi rưỡi đến 2 tuổi
Đây là độ tuổi trẻ đã thành thạo nhiều kỹ năng cũng như muốn tự lập nhiều hơn. Chúng ta hãy cùng xem những cột mốc đáng chú ý khi trẻ được 18 đến 24 tháng nhé.
2.1 Về thể lý và kỹ năng
Dưới đây là một số kỹ năng của trẻ khi được 18 đến 24 tháng tuổi:
- Trẻ có thể đi vững, chạy và đi lên xuống cầu thang với sự giúp đỡ của bạn.
- Mặc dù trẻ có thể thích chơi gần những trẻ khác, nhưng không phải lúc nào trẻ cũng muốn chơi cùng. Lúc này trẻ cũng đã có thể ném hoặc đá một quả bóng, viết nguệch ngoạc bằng bút chì và dùng các khối xếp thành cấu trúc nào đó.
- Ở 24 tháng tuổi, trẻ thường có sở thích đặt tay này lên tay kia. Trẻ cũng muốn tự ăn, tự uống, tự sử dụng thìa, ly và có thể cả nĩa.
- Trẻ cũng có thể giúp bạn khi bạn cởi đồ cho con bằng cách tự cởi vớ, giày và những loại quần áo không cài nút. Từ 18 tháng tuổi trẻ cũng thường thay đổi thói quen ăn uống , con sẽ ăn ít đi và tăng cân ít hơn. Trẻ cũng khó chịu với đồ ăn hơn và thể hiện rõ thái độ thích hoặc không và cũng thay đổi rất nhanh.
- Một điều đáng chú ý trong giai đoạn này là trẻ sẽ thể hiện dấu hiệu của việc sẵn sàng tập ngồi bô, nhiều trẻ đã có thể ngồi bô khi được 2 tuổi.
2.2 Về mặt cảm xúc
Ở độ tuổi này, trẻ đã có nhiều cảm xúc hơn như biết giận dữ, xấu hổ hay háo hức về một chuyện gì đó. Trẻ đã có thể biết suy nghĩ, cân nhắc về những gì bạn dặn trẻ không được làm. Tuy nhiên, do đã bắt đầu biết nghĩ về những cảm xúc của mình, trẻ sẽ dễ dàng bị rơi vào những “cơn giận dữ” và thể hiện nó khi đối mặt với nhiều thứ.
Những cơn cáu giận này thường bao gồm những thái độ, hành vi như:
- Giận dữ
- Khóc lóc, la hét với người khác
- Ném hoặc phá hỏng đồ đạc
- Chạy đi
- Đá chân hoặc tỏ ra hung hăng
- Gồng người
- Nín thở hoặc nôn
Để giúp trẻ tránh thường xuyên rơi vào tình trạng này, bạn nên đảm bảo con được ăn và ngủ đủ. Thông thường, trẻ ở tuổi này cần ngủ 12-13 tiếng 1 ngày (bao gồm cả ngủ đêm và ngày). Tuy nhiên, giấc ngủ ở trẻ cũng như nhu cầu ở mỗi trẻ sẽ khác nhau, một số cần ngủ 2-3 giấc ban ngày nhưng số khác lại không cần.
Khi được 24 tháng, nỗi lo sợ khi phải xa cách bạn cũng giảm bớt, không còn mạnh mẽ như khi trẻ được 18 tháng.
2.3 Về mặt nhận thức và giao tiếp
Ở 18-24 tháng, sự phát triển các dây thần kinh liên kết và phối hợp sẽ khiến trẻ bị tác động mạnh mẽ bởi những gì con học, thử và trải nghiệm. Con sẽ bắt chước và lặp lại những gì con nhìn thấy và nghe được.
Trẻ sẽ nhận thức được và có hành động phối hợp nổi bật như:
- Tìm những vật được giấu
- Sắp xếp, phân loại hình dạng và màu sắc đồ vật
- Thuộc những giai điệu quen thuộc và 1 phần của bài hát
- Nêu được tên những món đồ trong sách
Tìm hiểu thêm: 5 điều nhất định mẹ nên biết về bệnh tay chân miệng ở trẻ
Ngoài ra, kỹ năng ngôn ngữ của trẻ cũng phát triển ở giai đoạn này. Trẻ có thể dùng từ 1 đến 7 từ mới 1 tuần để mô tả những gì trẻ thấy, những bộ phận trên cơ thể mình và tiếng của động vật. Trẻ cũng biết chỉ vào những vật trẻ nhận ra trong sách ảnh.
Trẻ cũng học, hiểu, làm theo chỉ dẫn và biết nói không hoặc hỏi tại sao khi được yêu cầu làm việc gì đó. Vốn từ của trẻ 24 tháng tuổi vào khoảng 50 từ, trẻ sẽ kết hợp thành câu gồm 2 từ hoặc nhiều hơn để mô tả nhưng gì con thấy hoặc cần.
Một số trẻ còn có thể dùng từ để tả cảm xúc của mình (như “buồn”…), hoặc biểu hiện cảm xúc bằng cách ôm, hôn bạn hoặc món đồ chơi yêu thích của mình.
Trẻ từ 18 tháng đến 24 tháng tuổi đã học được khá nhiều vả về kỹ năng, sự phối hợp cũng như ngôn ngữ và cảm xúc. Vậy làm thế nào để giúp con phát triển tốt, chúng ta cùng theo dõi tiếp nhé.
2.4 Giúp trẻ phát triển tốt nhất như thế nào
Nếu bạn khuyến khích và khen ngợi những nỗ lực và sự tiến bộ của trẻ, trẻ sẽ tự tin hơn trong việc tiếp tục phát huy những gì đang có và học hỏi những điều mới mẻ.
Bạn có thể giúp trẻ tự tin và độc lập hơn bằng cách ở gần con khi chúng tìm hiều và khám phá môi trường xung quanh.
Ngoài ra, bạn hãy thường xuyên trò chuyện và đọc sách cho trẻ nghe . Việc này sẽ khuyến khích trẻ dùng từ ngữ để giao tiếp, giúp con phát triển kỹ năng xã hội sau này.
2.5 Một số biểu hiện ở trẻ bạn cần lo ngại
Tương tự như ở giai đoạn trẻ từ 1 tuổi đến 1 tuổi rưỡi, trong quá trình chăm sóc trẻ từ 1 tuổi rưỡi đến 2 tuổi, nếu thấy con có những biểu hiện khác lạ hoặc không đạt được những kỹ năng thông thường ở độ tuổi này, bạn nên tham khảo ý kiến bác sỹ hoặc mang con đi thăm khám kiểm tra.
Những biểu hiện cụ thể của trẻ như:
- Không nói được cụm 2 từ đơn giản ví dụ như “uống sữa”
- Không biết công dụng của những vật đơn giản như bàn chải đánh răng, muỗng, nĩa, điện thoại…
- Không biết bắt chước hành động và lặp lại lời nói của bạn
- Không biết làm theo những chỉ dẫn đơn giản
- Chưa đi vững
- Mất những kỹ năng trẻ đã từng có
2.6 Tiêm vaccine
Ở 18 tháng tuổi, trẻ nên được hoàn thành chích nhắc các mũi tiêm sởi, quai bị, rubella (MMR) cũng như phế cầu và viêm màng não mô cầu cùng với thủy đậu.
3. Sự phát triển của trẻ 3 tuổi
3 tuổi là cột mốc khá quan trọng trong quá trình phát triển của trẻ. Trẻ 3 tuổi sẽ đạt được khá nhiều cột mốc đặc biệt là về cảm xúc, chúng ta hãy cùng theo dõi cụ thể nhé.
3.1 Về thể lý và kỹ năng
Khi được 3 tuổi, trẻ đã có thể thành thạo việc ngồi bô, tuy nhiên bạn cần rất kiên nhẫn khi tập cho con. Vì tập đi vệ sinh là việc cần phối hợp rất nhiều kỹ năng, trong đó có một số trẻ có thể phát triển hơn một số trẻ khác. Do đó thời gian hoàn thành “tập huấn” cũng tùy vào từng trẻ.
Bạn sẽ thấy trẻ tiến bộ trong những hoạt động sau:
- Ném, đá và bắt quả bóng
- Đi bộ lên xuống cầu thang khi vịn tay cầm hoặc nắm tay bạn
- Dùng thìa xúc đồ ăn (nhưng bạn nên kiên nhẫn và chấp nhận một chút lộn xộn nhé)
Con cũng sẽ biết làm những việc sau:
- Nhảy lên tại chỗ
- Lái xe ba bánh
- Mặc quần áo (với sự giúp đỡ của bạn)
- Vẽ lại 1 vòng tròn bằng bút chì hoặc sáp màu
- Đóng và mở nắp lọ, vặn tay nắm cửa
- Giở trang sách
- Giúp bạn khi bạn tắm cho trẻ
- Thích cùng những trẻ khác chơi trò giả vờ, hát, hoặc bắt chước những việc người lớn làm như nấu ăn, dùng điều khiển tivi…
3.2 Về cảm xúc
3 tuổi là giai đoạn phát triển quan trọng về mặt cảm xúc của trẻ. Trẻ biết thấy có lỗi hay xấu hổ và cảm nhận được cảm xúc của người khác, bao gồm cả việc hành động của chúng sẽ tác động đến người khác như thế nào và ngược lại.
Những “cơn giận dữ” sẽ tiếp tục diễn ra ở giai đoạn này. Vì cảm xúc của trẻ đã phong phú hơn nhưng trẻ lại chưa thể dùng từ để diễn tả nó, nên sẽ dễ dàng trở nên giận dữ.
Trẻ cũng sẽ bắt đầu biết quan tâm nếu như trẻ khác khóc. Con cũng thích sự cố định, đều đặn và sẽ thấy khó chịu khi có sự thay đổi.
3.3 Về nhận thức và sự phát triển ngôn ngữ
Trẻ 3 tuổi đã có vốn từ khoảng 300 từ và có thể kết hợp chúng thành câu đơn giản gồm 3 từ hoặc nhiều hơn. Trẻ bắt đầu biết dùng đại từ nhân xưng như “con”, “chúng ta” và có thể đối thoại qua lại với bạn. Hầu hết những câu nói của trẻ lúc này đã có thể hiểu được.
Trẻ cũng giải thích được với bạn là trẻ đã ở đâu, làm gì. Người lạ đã hiểu được hầu hết những gì trẻ nói. Trẻ cũng thực hiện được những chỉ dẫn gồm 2 đến 3 bước.
Trẻ sẽ có tiến bộ trong việc dùng từ như:
- Biết dùng động từ (như chơi, chạy…), danh từ (như sữa, tắm…), từ mô tả sự so sánh (như đủ, nhất…), từ chỉ nơi chốn (như trong, sau…)
- Biết dùng từ để chỉ quá khứ
- Biết dùng từ hoặc câu để tả đúng ngữ cảnh hoặc thời gian
Đối với sự tiến bộ nhanh chóng của trẻ ở độ tuổi lên 3 bạn nên ở bên cạnh con thật nhiều để quan sát và giúp đỡ con nhé.
3.4 Giúp trẻ phát triển tốt nhất như thế nào
Bạn có thể giúp con phát triển một cách tốt nhất bằng những việc sau:
- Cho phép trẻ tham gia những hoạt động vui chơi khác nhau. Việc này sẽ giúp con hòa đồng được với người khác, cải thiện kỹ năng vận động cũng như khả năng phối hợp tay-mắt.
- Khuyến khích và khen ngợi nỗ lực của con ở những kỹ năng hiện có cũng như kỹ năng mới học được để con tự tin tiếp tục học hỏi và tìm hiểu những điều mới.
- Đọc sách, lắng nghe và nói chuyện với trẻ để khuyến khích sự đối thoại, giúp trẻ xây dựng kỹ năng giao tiếp và làm cho con thấy được mình có giá trị và được tôn trọng.
3.5 Một số biểu hiện ở trẻ bạn cần lo ngại
Cũng giống như các giai đoạn khác, nếu thấy trẻ có những biểu hiện không giống trẻ cùng độ tuổi, bạn nên tham khảo ý kiến bác sỹ nhé. Những biểu hiện cụ thể của trẻ như sau:
- Té ngã thường xuyên hoặc thường gặp rắc rối với các bậc thang
- Không thể giữ thăng bằng trên 1 chân
- Nói không rõ ràng
- Không vẽ được đường thẳng hoặc dấu thập, không dùng được kéo
- Không nói được câu
- Không hiểu được chỉ dẫn gồm 2- bước
- Không biết chơi trò giả vờ
- Không muốn chơi với trẻ khác hoặc đồ chơi
- Không giao tiếp bằng mắt
- Mất đi kỹ năng đã từng có
3.6 Tiêm vaccine
Một số loại vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng của quốc gia thường hoàn thành các mũi chích nhắc vào 18 tháng tuổi. Nếu trẻ vì lý do nào đó (ốm, sốt…) mà chưa được tiêm đủ, bạn nên cho con tiêm càng sớm càng tốt.
>>>>>Xem thêm: Tiêm phòng lao cho trẻ khi nào để đạt hiệu quả cao nhất?
Ngoài ra, một số loại vaccine khác như cúm mùa, hay một số loại phòng các bệnh viêm não…thì sẽ có tùy theo khu vực. Bạn hãy tham khảo ý kiến của cơ sở y tế địa phương để có lựa chọn tốt nhất cho con nhé.
Bạn có thể thấy sự phát triển của trẻ từ 1 đến 3 tuổi bao gồm rất nhiều sự thay đổi cũng như nhiều cột mốc quan trọng. Đây là giai đoạn trẻ cần toàn bộ sự quan tâm chăm sóc của bạn. Bạn hãy cố gắng ở bên con nhiều nhất có thể để có thể quan sát, động viên, giúp đỡ trẻ đúng lúc. Vì như vậy, trẻ sẽ được tạo điều kiện để phát triển một cách tốt nhất tạo nền móng vững chắc cho quá trình phát triển sau này của con.
Theo Pregnancy Birth Baby
Lily Nguyễn lược dịch