Chuẩn bị tâm lý cho con khi trẻ có em là một việc làm khá quan trọng nhưng không phải cha mẹ nào cũng có kế hoạch chu đáo. Việc lơ là này có thể dẫn tới tạo tâm lý bất ổn cho trẻ, nghiêm trọng hơn là những hành động tiêu cực đối với bạn và em bé mới sinh. Vậy chúng ta nên làm những gì để giúp trẻ và mọi người trong gia đình đều được thoái mái và vui vẻ khi đón thành viên mới, hãy cùng chia sẻ nhé.
Bạn đang đọc: Chuẩn bị tâm lý cho con khi trẻ có em
Contents
1. Chuẩn bị cho trẻ như thế nào khi trẻ có thêm em
Sự xuất hiện của em bé sẽ làm thay đổi rất nhiều thứ trong gia đình, từ nếp sinh hoạt đến tình cảm của mọi người. Các bậc cha mẹ thường dành nhiều thời gian để chuẩn bị cho việc đón em bé, và sau khi em bé ra đời, hầu như mọi sự tập trung dều dành cho thiên thần bé bỏng mới. Lúc này, mọi sự thay đổi sẽ làm cho các trẻ lớn cảm thấy khó khăn và việc trẻ ghen tỵ với em bé là phản ứng rất bình thường.
Tuy nhiên, cha mẹ hoàn toàn có thể chuẩn bị tâm lý cho trẻ để đón em. Hãy thảo luận với trẻ về việc mẹ có em bé, đồng thời tiến hành sắp xếp lại những thứ cần thiết liên quan tới các trẻ. Bên cạnh đó hãy cho trẻ tham gia vào việc chuẩn bị cũng như chăm sóc em để trẻ thấy được mình vẫn là người quan trọng trong gia đình.
2. Khi mẹ đang mang thai
Để thông báo với một đứa trẻ về việc sắp có em , tùy thuộc vào sự thoải mái của bạn cũng như độ tuổi của bé mà bạn có cách nói phù hợp. Ví dụ: trẻ mẫu giáo còn khá nhỏ và khó nắm được khái niệm về thời gian nên thay vì nói với trẻ rằng trẻ sẽ được đón em trong vài tháng tới, bạn hãy cho trẻ biết em bé sẽ xuất hiện vào một mùa cụ thể như mùa đông, hay khi trời trở lạnh.
Vậy việc thông báo trẻ có thêm em cần chi tiết tới mức độ nào? Hãy để những thắc mắc của trẻ giúp bạn định hình mức độ cụ thể bạn sẽ nói với trẻ. Ví dụ: một đứa trẻ 4 tuổi có thể hỏi bạn: “Em bé đến từ đâu?” Đối với tư duy của trẻ thì điều trẻ thực sự muốn biết chỉ là em bé đến từ đâu mà thôi. Bạn không cần giải thích với con về quá trình mà chỉ cần trả lời đơn giản: “Em bé được sinh ra từ tử cung nằm trong bụng mẹ.” Nếu trẻ muốn biết nhiều hơn thì sẽ tiếp tục đặt câu hỏi.
Nếu trẻ cảm thấy hào hứng khi nói về em bé hãy khuyến khích trẻ thêm bằng cách:
- Cho con xem hình bé lúc con sơ sinh.
- Đọc sách về việc sinh con cho trẻ nghe (hãy chắc chắn rằng nội dung sách phù hợp với độ tuổi của con).
- Đưa con đến thăm những người bạn có con mới sinh.
- Cho trẻ giúp bạn đóng gói đồ đạc chuẩn bị cho việc sinh nở.
- Chọn những tên đẹp có thể đặt cho em bé.
- Đưa con cùng đi khám thai và cho con nghe nhịp tim em bé.
Bạn cũng hãy tìm hiểu và cho bé tham dự các lớp học mà các bệnh viện tổ chức dành cho các bé sắp trở thành anh, chị. Những lớp học này thường sẽ bao gồm các bài học hướng dẫn cách bế em bé, giải thích em bé được sinh ra như thế nào, đồng thời tạo cơ hội cho bé thể hiện cảm xúc của mình khi trẻ sắp có em.
3. Khi mẹ sinh em bé
Khi gần đến ngày sinh, bạn hãy thu xếp mọi thứ cho trẻ trong khoảng thời gian bạn dự kiến sẽ ở bệnh viện. Hãy cho bé biết kế hoạch của bạn để bé không bị bối rối khi thời điểm đó đến.
Sau khi bạn sinh, hãy cho trẻ được gặp em bé càng sớm càng tốt, lý tưởng nhất là khi không có vị khách nào đang ghé thăm. Như vậy sẽ giúp cho việc bạn sinh em bé trở thành một sự kiện thân mật của gia đình và làm trẻ lớn thấy thoải mái hơn.
Bạn cũng hãy cố gắng duy trì nếp sinh hoạt bình thường của gia đình (như trước khi sinh em bé) càng nhiều càng tốt. Nếu bạn dự định thay đổi sự sắp xếp trong phòng (cả của bạn và trẻ lớn) để đón em bé, hãy tiến hành trước ngày sinh ít nhất vài tuần.
Nếu trẻ lớn của bạn đang gần đến thời điểm cần thực hiện những cột mốc quan trọng như chuyển từ nằm nôi, cũi sang giường ngủ hoặc tập bỏ tã, bạn hãy thực hiện chúng trước khi sinh hoặc sau khi đón em bé một thời gian. Làm như vậy, bạn sẽ giúp trẻ tránh được các xáo trộn về tâm lý.
Tìm hiểu thêm: Mách mẹ 20 cách hạ sốt nhanh cho trẻ theo dân gian
4. Khi đón em bé về nhà
Một khi em bé đã được đón về nhà, bạn hãy giúp trẻ lớn của mình thích nghi với sự thay đổi. Hàng ngày, hãy cho bé tham gia càng nhiều càng tốt vào việc chăm sóc em mình để bé không cảm thấy bị “ra rìa” khi trẻ có em .
Rất nhiều trẻ anh, chị muốn được chăm sóc em. Phụ thuộc vào độ tuổi của trẻ mà bạn có thể cho trẻ giúp bạn thay tã cho em, đẩy nôi, nói chuyện, thay quần áo, tắm hay dỗ em.
Mặc dù mỗi lần giúp đỡ của trẻ có thể khiến “công việc” kéo dài và mọi thứ trở nên bề bộn, tuy nhiên chúng sẽ giúp các anh, chị nhí có cơ hội tiếp xúc với em bé. Như vậy, mối quan hệ mới mẻ này sẽ dễ dàng phát triển theo hướng tích cực hơn.
Nếu trẻ không thấy hứng thú với em bé thì bạn cũng đừng quá lo lắng và ép buộc trẻ, bé có thể cần thêm thời gian.
Một số hoạt động mà trẻ lớn không thể giúp được như khi em bé bú mẹ. Trong những khoảng thời gian này, bạn hãy chuẩn bị một món đồ chơi trên tay để việc bạn cho em bé bú không bị quấy rầy và trẻ lớn cũng không cảm thấy bị bỏ rơi.
Bạn cũng hãy tận dụng cơ hội để ở một mình với trẻ khi em bé đang ngủ. Hãy hiểu tâm lý trẻ ở thời điểm khó khăn này, cố gắng thiết lập một khoảng thời gian cố định và không bị phân tâm dành cho trẻ lớn mỗi ngày. Việc biết rằng có thời gian đặc biệt dành cho mình sẽ giúp xoa dịu trẻ, và làm giảm sự tức giận, ghen tỵ của trẻ đối với em bé.
>>>>>Xem thêm: Làm gì khi trẻ biếng ăn – 3 cách hay và lưu ý để mẹ giúp con cải thiện thành công
Ngoài ra, bạn nên nhắc nhở người thân và bạn bè về việc trẻ lớn có thể muốn trò chuyện về chủ đề khác ngoài em bé mới sinh. Nếu họ có thể giúp, bạn hãy đề nghị dành một hoạt động vui nhộn hoặc một thứ gì đó đặc biệt cho trẻ.
Bạn cũng hãy tiếp tục cho trẻ đi học, nếu vẫn sắp xếp được. Việc bạn cảm thấy áy náy khi gửi con đi học trong khi ở nhà với em bé là bình thường. Bạn hãy nhớ rằng giữ nếp sinh hoạt như cũ sẽ rất có lợi cho tâm lý của con. Như vậy bạn có thể có khoảng thời gian một mình với cả em bé và cả trẻ lớn. Khi trẻ lớn đi học về, bạn hãy lên kế hoạch để tạo không khí đầm ấm cho cả gia đình.
5. Đương đầu với sự thay đổi cảm xúc của con
Đối mặt với tất cả những thay đổi khi em bé xuất hiện, trẻ lớn sẽ phải rất cố gắng để thích nghi. Vì vậy bạn hãy động viên, khuyến khích trẻ thể hiện cảm xúc của mình về em bé. Khi trẻ không nói lên được cảm nhận của mình, bạn đừng ngạc nhiên nếu trẻ trở lại giọng điệu của một em bé. Nếu trẻ bắt đầu cư xử sai quấy, đừng quá khắt khe cũng đừng chiều trẻ, bạn nên hiểu nguồn gốc của những hành vi đó. Đó có thể là dấu hiệu cho thấy bé cần nhiều thời gian một mình với bạn hơn. Tuy nhiên bạn cũng nên phân định rõ ràng và giúp trẻ hiểu dù cảm giác của trẻ cũng rất quan trọng, nhưng chúng phải được thể hiện một cách thích hợp.
Như vậy, việc chuẩn bị tâm lý cho các con lớn khi trẻ có em cũng quan trọng không kém việc gia đình đón thêm thành viên mới. Tất cả đều cần có thời gian, vì vậy bạn và chồng hãy cố gắng lên kế hoạch càng sớm càng tốt để có thể cân bằng mọi thứ. Có như vậy, mọi người trong gia đình mới sớm thích nghi được và không khí gia đình cũng trở nên vui vẻ thoải mái hơn.
Theo KidsHealth
Lily Nguyễn lược dịch