Tâm lý trẻ khi có em là một trong những vấn đề quan trọng, song không phải tất cả các bố mẹ đều quan tâm đúng mực. Điều này không chỉ ảnh hưởng nhất thời đến tình trạng của trẻ cụ thể như bị sốc, mà còn có thể ảnh hưởng lâu dài đến cuộc sống của trẻ. Thậm chí, sự ảnh hưởng đó còn là một ký ức “không đẹp”, theo trẻ đến khi con trưởng thành.
Bạn đang đọc: Tâm lý trẻ khi có em và những lưu ý nhất định bố mẹ phải biết
Thực vậy, tâm lý trẻ khi có em có lẽ không phải là câu chuyện to lớn, nếu như người lớn chúng ta không phát hiện ra rằng, đằng sau sự “thay tính đổi nết” của trẻ, chính là việc bố mẹ không hiểu con, cũng như chưa chuẩn bị sẵn sàng cho con một tâm lý ổn định, trước những thay đổi lớn mà trẻ đối mặt.
Bất cứ ở thời điểm nào trong độ tuổi của trẻ, khi có em chắc chắn là một “bước ngoặt”. Tùy vào từng trẻ, sự thay đổi của trẻ có thể ở nhiều mức độ khác nhau, có trẻ trở nên hoang mang, có trẻ trở nên lầm lì bớt hoạt bát, có trẻ cáu bẳn, và nghiêm trọng hơn, có trẻ rơi vào tình trạng trầm cảm. Vậy trước nguy cơ những tình trạng này có thể xảy ra, những bậc cha mẹ chúng ta cần phải làm gì?
Contents
1. Bố mẹ cần hiểu tâm lý trẻ khi có em
Làm cha mẹ, có rất nhiều điều chính bản thân chúng ta cũng phải học hỏi mỗi ngày, để hoàn thiện và chu toàn hơn vai trò, bổn phận của mình trong cuộc sống gia đình, cũng như chăm sóc con cái. Trong đó, hiểu tâm lý trẻ ở từng thời điểm là cách mở đường quan trọng không chỉ để bố mẹ hiểu con để chăm sóc con tốt hơn, còn là cách để bố mẹ có thể nuôi dạy giáo dục con theo chiều hướng tích cực và có hiệu quả. Việc hiểu tâm lý con không dừng ở chỗ con thích gì, tính tình con ra sao, con là đứa trẻ có cá tính đặc biệt gì hay không; bố mẹ cần phải hiểu tâm lý con đối với mỗi sự việc hay sự kiện có thể diễn ra trong gia đình, trong đó đương nhiên bao hàm cả việc khi gia đình có thêm một thành viên mới.
Việc có em với người lớn là một vấn đề đơn giản, song với trẻ nhỏ – như đã đề cập ngay từ đầu bài viết, có thể là một cú sốc, một bước ngoặt thậm chí là một ký ức khó phai mờ ảnh hưởng lâu dài đến tương lai của trẻ. Nếu như khi chưa có em, trẻ coi bản thân mình là “trung tâm vũ trụ”, ai cũng phải quan tâm cưng nựng, trẻ tin là điều này sẽ không bao giờ thay đổi; thì khi có em, từ việc mẹ không còn thường xuyên chăm sóc trẻ trọn vẹn như ban đầu, đến khi mẹ sinh em bé, việc chú ý vào trẻ giảm bớt, sự tập trung của mọi người vào trẻ cũng không còn như trước đây…khiến trẻ cảm thấy tủi thân, có khi là lạc lõng, hoang mang, tổn thương…Cảm nhận tiêu cực của trẻ âm thầm diễn ra hàng ngày, tăng lên và dẫn đến những thay đổi rõ nét về tâm trạng, tâm lý của trẻ, hơn thế còn có thể khiến hành vi tính cách của con cũng thay đổi.
2. Nắm rõ các thay đổi ở trẻ khi con có em
Người lớn chúng ta hầu như ai cũng biết trẻ sẽ có thay đổi khi biết có em và khi có em. Tuy nhiên, thực tế không thể phủ nhận rằng, chúng ta rất xem nhẹ điều này. Một số trẻ có thể sẽ có những phản ứng rõ ràng khi có em bằng cách vòi vĩnh, khóc lóc nhằm lôi kéo sự chú ý của bố mẹ và cả gia đình vào bản thân mình trở lại. Cũng có trẻ từ ngoan ngoãn bỗng trở nên “bất tuân” luôn làm trái ý người lớn. Cũng có những trẻ từ “dễ thương” bỗng trở thành lầm lì khó bảo….
Tùy vào từng trẻ, tùy tính cách và chiều sâu tâm lý của mỗi trẻ thường ngày như thế nào, biểu hiện cũng như tâm lý khi con có em sẽ có mức tương đương như vậy. Bố mẹ cần hiểu con mình, để khi con có những thay đổi khi có em, chấp nhận, thông cảm và thấu hiểu con hơn. Từ sự thấu hiểu này, bố mẹ sẽ không lên án hay quát nạt trẻ vì sự thay đổi đó, mà có cách xử lý phù hợp, để giảm thiểu những bất an cho trẻ, giúp con sớm bình tĩnh trở lại, nhanh chóng trở lại là một đứa trẻ hiểu chuyện hơn.
3. Chuẩn bị tâm lý cho trẻ
Đây là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng đối với mọi bậc phụ huynh, khi gia đình có thêm một thành viên nữa. Nếu bố mẹ sẵn sàng cho việc có thêm em bé, thì cũng cần giúp trẻ, đồng hành với trẻ để sẵn sàng đối diện với vấn đề lớn lao này.
Trẻ con rất thú vị và rất thông minh. Trẻ có thể tiếp thu và có thể tự hình dung, liên kết, sâu chuỗi sự việc theo sự hiểu biết ở mức độ của mình. Do đó, bố mẹ cần coi trọng điều này, cần suy nghĩ rằng, nếu mình giải thích, chắc chắn con có thể hiểu ở mức độ của con, để chấp nhận sự thật đang chờ ở phía trước.
Tìm hiểu thêm: Bị bỏng ở trẻ em và cách xử lý cơ bản nhất định cha mẹ nên biết
Để chuẩn bị tâm lý cho trẻ , bố mẹ có thể bắt đầu kể cho con nghe những câu chuyện liên quan về anh em – chị em, từ sách truyện hay từ những câu chuyện thực tế xung quanh. Hãy hỏi con xem, con có thích việc sẽ có thêm một em gái hay một em trai hay không. Bố mẹ cần nhẹ nhàng, kiên nhẫn cho bé tiếp cận từng tình huống, câu chuyện một, từ khi mẹ mang bầu em, cho đến khi mẹ sinh và chăm sóc em bé. Sự chuẩn bị này là bước đệm quan trọng để con sẵn sàng tiếp nhận và chấp nhận việc mình cũng sẽ sớm chuyển sang một giai đoạn khác, mà ở đó trẻ cũng có vai trò quan trọng khi thành viên mới ra đời. Nhờ được chuẩn bị như vậy, trẻ cũng giảm bớt sự ganh tị. Có những trẻ, khi được chuẩn bị tâm lý, thậm chí khi em ra đời, trẻ không chỉ nhanh chóng chấp nhận hiện thực mà còn mong chờ, nhanh thích ứng và ngoan hơn so với tưởng tượng của bố mẹ.
4. Thông báo và chia sẻ thông tin với con
Bố mẹ không nên đánh giá thấp trẻ, hay coi trẻ là “trẻ con không biết gì” dù thực sự con vẫn đang chỉ là trẻ con. Nên tôn trọng trẻ đúng như một thành viên trong gia đình, là một mắt xích quan trọng trong mọi câu chuyện hay sự kiện mà gia đình đang và sẽ trải qua.
Từ bước chuẩn bị tâm lý cho trẻ, bố mẹ nhẹ nhàng dẫn dắt trẻ vào thực tế. Khi bụng bầu của mẹ bắt đầu to lên, hay khi em bé đạp, hãy cho con tiếp cận với sự việc này và giải thích cho trẻ hiểu một phần của vấn đề. Chẳng hạn, bố mẹ có thể sử dụng hình ảnh hay video liên quan đến thai kỳ, chỉ cho con và giúp con liên tưởng em bé trong bụng mẹ bây giờ cũng đang như thế. Chắc chắn những hành động này là một bước mô phỏng quan trọng, để trẻ có hình dung tốt đẹp về “đứa em” của mình ở hiện tại và tương lai. Trẻ vì thế cũng dần hình thành suy nghĩ về ý thức vai trò làm anh làm chị của mình, ở mức độ hiểu của trẻ.
Hãy giải thích cho trẻ biết khi mẹ nhập viện và sinh em bé. Hãy giải thích cho con tình trạng sức khỏe của mẹ ở những ngày cận sinh và vừa mới sinh. Chẳng hạn, bố hay bà nội/ ngoại hoặc các cô dì có thể giải thích cho con rằng, vì em bé sắp xuất hiện nên mẹ rất mệt, con hãy xoa tay/ xoa lưng cho mẹ. Hoặc con hãy ngoan thì mẹ mau khỏe để chơi cùng con….Chúng ta có rất nhiều câu nói chia sẻ, không chỉ để trẻ chấp nhận việc mình phải chờ đợi đến khi mẹ khỏe lại và trở lại tiếp tục thuộc về mình; mà còn giúp trẻ tự nhận ra, việc mình ngoan là rất quan trọng với mẹ và cả em bé nữa.
Cũng trong mọi hoạt động của cha mẹ từ việc chăm sóc bà bầu, đến chuẩn bị đồ đạc cho em bé hay đi sinh hoặc chăm bé sau sinh, bố mẹ thỉnh thoảng cho con cùng tham gia ở những công đoạn phù hợp với trẻ. Chẳng hạn, khi mẹ pha sữa bầu, nấu thức ăn, có thể giải thích cho con một phần, nhờ con giúp đỡ lấy ly cốc, cầm thìa muỗng hay nhặt rau phụ. Những lúc gia đình mua sắm đồ cho em bé, lúc giặt, xếp đồ, hãy cho con tham gia để con thấy mình là một phần quan trọng – có ích trong sự việc này.
5. Cùng con vượt qua bước ngoặt của cuộc đời
Để việc con có em không phải là cú sốc hoặc tâm lý của con không bị xáo trộn hay khoảng thời gian này có khả năng trở thành ký ức không đẹp với con, chuẩn bị tâm lý cho con thôi chưa đủ, bố mẹ còn nên đồng hành với con. Bố mẹ cần thực hiện điều này, nhằm tránh việc trẻ dễ tủi thân, khủng hoảng và thu mình lại vì cảm thấy lạc lõng hay quá ghen tị. Nhất là khi em bé đã ra đời, trẻ còn có khả năng có những hành vi phức tạp, thậm chí là trẻ có thể tấn công em bé, mà không ý thức được việc mình làm. Do đó, bố mẹ hãy quan tâm đến con, thường xuyên vỗ về con hơn để con không phải mang cảm giác bị ra rìa hay cô độc vì tự suy nghĩ rằng, bố mẹ không thương mình nữa.
>>>>>Xem thêm: Tiêm phòng sởi cho trẻ có bị sốt không và tiêm khi nào thì hiệu quả?
Bên cạnh đó, nếu bé có chiều hướng khó tiếp nhận tình trạng thực tế, hãy tìm ngay hướng giải quyết thích hợp để tâm lý trẻ không bị xáo trộn và khiến tình hình trở nên nghiêm trọng hơn. Không dùng những câu nói “nhạy cảm” chẳng hạn như “con ra rìa”, “con hư bố/ mẹ không thương con nữa”, “bố/mẹ có em rồi không cần con nữa”….Bởi vì đôi khi chỉ cần một câu nói, cũng có thể dẫn đến tình trạng tiêu cực khó thay đổi.
Tâm lý trẻ khi có em có thể xem là một trong những tình trạng tâm lý khá phức tạp, mà đôi khi bố mẹ không thực sự hiểu hết hay có thể lường trước. Tuy nhiên, không có việc gì mà chúng ta không giải quyết được, một khi chúng ta có bước tìm hiểu, chuẩn bị kỹ lưỡng ngay từ đầu. Nếu bố mẹ đang háo hức chờ đón thêm thành viên mới trong gia đình, hãy bảo đảm sự hiện diện của em bé đầu tiên là vô cùng quan trọng trong mọi thời khắc, mà mình không thể khinh suất hay lơ là. Chỉ có như thế, việc con trẻ có em mới thực sự trở thành một ký ức tốt đẹp, một khoảng thời gian tuyệt vời con trải qua, với tâm lý ổn định và trạng thái thực sự “yên bình”.
Cát Lâm tổng hợp