Cận thị ở trẻ 3 tuổi là có những dấu hiệu tương tự như tình trạng này ở các độ tuổi khác. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh chủ quan con nhỏ sẽ không bị cận thị. Vậy, làm sao để biết trẻ cận thị? Nguyên nhân nào mà bé mới 3 tuổi đã cận thị? Có phương pháp nào để ngăn ngừa, cũng như kiểm soát cận thị của trẻ không? Bài viết dưới đây chính là câu trả lời khá đầy đủ cho quý phụ huynh.
Bạn đang đọc: Cận thị ở trẻ 3 tuổi được nhận biết và chữa trị thế nào?
Contents
1. Làm sao để biết trẻ 3 tuổi cận thị?
Nếu bác sĩ chẩn đoán một đứa trẻ bị cận thị, thì điều đó có nghĩa là, trẻ không thể nhìn rõ những vật ở khoảng cách xa, nhưng những vật ở khoảng cách gần thì vẫn nhìn thấy rõ ràng. Tình trạng cận thị ở trẻ 3 tuổi không hiếm. Nguyên nhân có thể do bẩm sinh di truyền, hoặc ảnh hưởng từ lối sống thiếu lành mạnh từ sớm.
Khi phụ huynh thấy đứa con 3 tuổi của mình có một số biểu hiện sau, thì nên đưa trẻ đến bệnh viện để kiểm tra mắt: thường xuyên nheo mắt, dụi mắt khi muốn nhìn rõ vật gì đó, trẻ ngồi gần tivi hơn khi xem, cúi mắt gần quyển sách khi đọc, bé bị nhức đầu, mắt trẻ nhạy cảm hơn với ánh sáng…
2. Nguyên nhân cận thị ở trẻ 3 tuổi là gì?
Cơ chế gây nên cận thị là do sự kéo dài bất thường của nhãn cầu hoặc cong giác mạc – khiến cho hình ảnh khúc xạ hình thành bởi giác mạc và ống kính rơi vào phía trước của của võng mạc. Nhiều trẻ cận thị là do sinh non hoặc di truyền.
Hoặc, nếu mắt hoạt động liên tục ở một khoảng cách ngắn (ngồi máy tính hoặc màn hình tivi), vệ sinh thị giác bị bỏ quên, mắt suy yếu do ăn uống không đúng cách, mắt mệt mỏi quá mức do hoạt động liên tục mà không được nghỉ ngơi…những yếu tố này đều có thể góp phần làm tồi tệ hơn tình trạng cận thị ở trẻ nhỏ.
3. Phân loại mức độ cận thị ở trẻ nhỏ
Bác sĩ nhãn khoa phân loại cận thị thành cận thị nhẹ ( từ – 0.25Diop đến – 3D), trung bình (từ – 3.25 D đến – 6 D) và cận thị nặng (hơn – 6 D). Độ cận của trẻ cận thị nặng có thể lên đến – 15D, – 20D, – 30D,…hoặc cao hơn và không có giới hạn. Trẻ em nên được kiểm tra thị giác sau 6 tháng, 3 tuổi và trước lớp một. Điều này đặc biệt quan trọng nếu gia đình có tiền sử về cận thị hoặc các bệnh về mắt khác .
4. Phương pháp ngăn ngừa, kiểm soát cận thị cho trẻ 3 tuổi
4.1. Kiểm soát cận thị
Các phương án điều trị cận thị ở trẻ con là nhằm ngăn chặn, hoặc làm chậm lại, quá trình tiến triển của cận thị. Đồng thời, giúp ngăn ngừa biến chứng của nó. Trong trường hợp trẻ 3 tuổi được xác định mắc cận thị, nên khuyến khích trẻ đeo kính mắt. Ở độ tuổi lên 3, mắt trẻ phát triển chưa hoàn thiện và độ cận thị cũng chưa ổn định. Vì vậy, không thể thực hiện các liệu pháp nguy hiểm như phẫu thuật được, hay đeo kính áp tròng dễ gây nhiễm trùng và biến chứng.
Và hãy nhớ rằng, chính cha mẹ đóng vai trò quan trọng trong việc dạy con mình quan tâm đến những thói quen tốt cho mắt. Mỗi năm, nên cho con khám cận thị ở nơi uy tín để được chẩn đoán chính xác và theo dõi phù hợp.
Tìm hiểu thêm: Tăng động giảm chú ý ở trẻ và hướng can thiệp hiệu quả
4.2. Cách ngăn ngừa cận thị ở trẻ 3 tuổi hiệu quả
Nhiều trẻ cận thị là do di truyền, và tình trạng trẻ bị cận thị bẩm sinh thì không hoàn toàn ngăn chặn được. Tuy nhiên, cha mẹ nên làm hết sức mình để ngăn chặn con cái phát triển thói quen xấu ảnh hưởng đến thị giác.
- Dạy cho trẻ ngồi đúng cách khi học bài, đảm bảo ánh sáng đầy đủ, giữ đầu và khuôn mặt của trẻ luôn thẳng. Đồng thời, đảm bảo giữ khoảng cách từ mắt đến sách khoảng 30-35 cm.
- Không cho trẻ đọc sách, viết bài khi nằm. Đồng thời, cho mắt nghỉ giải lao sau 30-35 phút (20-25 phút cho học sinh tiểu học) học tập.
- Tập các bài tập mắt cho bé, khuyến khích con thường xuyên tham gia các trò chơi ngoài trời cũng là một phương pháp để ngăn chặn sự phát triển cận thị.
- Xây dựng chế độ dinh dưỡng tốt cho mắt, để mắt không mắc các bệnh liên quan đến thiếu chất. Những chất dinh dưỡng và vitamin khoáng chất tốt cho mắt như: A, B, C, E, D, DHA, kẽm, selen…
>>>>>Xem thêm: Top 5 phương pháp giáo dục trẻ thông minh sớm bố mẹ nào cũng nên biết qua
Đến nay, vẫn không có cách chữa cận thị ở trẻ 3 tuổi khỏi hoàn toàn. Một trong những cách tốt nhất để ngăn ngừa cận thị, hoặc làm chậm sự tiến triển của nó, là đảm bảo rằng trẻ thực hiện các thói quen chăm sóc mắt tốt, cho mắt nghỉ ngơi đầy đủ, thường xuyên hoạt động ngoài trời. Đồng thời, cần luyện tư thế ngồi học chuẩn cho con để phòng ngừa các bệnh về học đường nói chung, bố mẹ nhé.
Nguyên Bình tổng hợp