Kể chuyện bé nghe trước khi ngủ trọn bộ audio truyện cổ tích

Rate this post

Kể chuyện bé nghe trước khi ngủ là cách để ba mẹ hâm nóng tình cảm và dạy con những bài học ý nghĩa về cuộc sống muôn màu. Những câu chuyện kể phong phú, sẽ giúp con chạm vào thế giới thần tiên nhiệm màu và dễ dàng chìm vào giấc ngủ ngon.

Bạn đang đọc: Kể chuyện bé nghe trước khi ngủ trọn bộ audio truyện cổ tích

Kể chuyện ngoài tác dụng giúp bé dễ dàng đi vào giấc ngủ, còn là một hình thức nuôi dưỡng trí tưởng tượng phong phú cho trẻ. Kể chuyện giúp trẻ mở rộng phạm vi hiểu biết về thế giới và các nền văn hóa khác nhau, gia tăng vốn từ ngữ, rèn luyện kỹ năng giao tiếp, tính logic và sớm hình thành văn hóa đọc.

Trong bài viết này, Blogtretho.edu.vn sẽ đề cập đến vấn đề kể chuyện bé nghe trước khi đi ngủ với trọn bộ audio truyện cổ tích phổ biến nhất, mà ba mẹ có thể tự thực hiện dành cho con. Bên cạnh đó, việc điểm qua những ý nghĩa cơn bản của các câu chuyện, tìm hiểu thêm các hình thức kể chuyện, cũng như cách giúp bé thích nghe chuyện, cũng là những yếu tố cần thiết để quan tâm, nhằm giúp cha mẹ dễ dàng tạo dựng, định hướng cho trẻ nhiều thói quen, đức tính, cùng nhận thức tốt, trong hành trình phát triển của trẻ, thông qua việc kể chuyện đơn giản này. 

1. Tổng hợp 20 câu chuyện kể bé nghe hay và ý nghĩa

1.1. Những chuyện cổ tích trong nước hay và đặc sắc

Kể chuyện bé nghe trước khi ngủ trọn bộ audio truyện cổ tích

Chuyện cổ tích trong nước mang nhiều ý nghĩa dân tộc – Ảnh Internet

Kể chuyện con Rồng cháu Tiên cho bé nghe

Miền đất Lạc Việt xưa kia có một vị thần nòi rồng là Lạc Long Quân sống ở dưới biển. Một lần lên bờ diệt trừ yêu quái giúp dân, Lạc Long Quân đã gặp gỡ, phải lòng và nên duyên cùng một người con gái. Nàng là Âu Cơ, sống ở vùng núi cao phương Bắc thuộc dòng họ Thần Nông. Âu cơ có mang và sinh ra một cái bọc một trăm trứng nở ra một trăm người con. Vì người quen sống trên rừng, người quen sống dưới biển. Lạc Long Quân cùng Âu Cơ mỗi người mang theo năm mươi người con trở về vùng đất sinh sống quen thuộc của mình. Người con trưởng theo Âu Cơ lên rừng làm vua và xưng là Hùng Vương đóng đô ở Phong Châu. Đất nước được mang tên là Văn Lang. Người con trai trưởng sẽ nối ngôi sau khi vua cha qua đời. Về sau cứ cha truyền con nối cho đến mười tám đời đều mang hiệu Hùng Vương.

Câu chuyện Tấm Cám

Câu chuyện kể lại cuộc đời và số phận của Tấm, là một cô gái mồ côi, đẹp người, đẹp nết. Tấm sống chung với gì ghẻ và cô con gái của bà tên là Cám. Mẹ con Cám ghen ghét và ngược đãi Tấm nhiều lần. May thay, mỗi lần bị hành hạ, ông bụt nhân từ lại hiện lên an ủi và tìm nhiều cách giúp Tấm. Trong một lần tham dự lễ hội cung đình, nhờ một cơ may mà nhà vua gặp Tấm, phải lòng và lấy cô về làm vợ. Biết tin, mẹ con cám vô cùng tức giận và ghen tỵ. Hai người quyết lập mưu giết Tấm và đưa Cám vào cung thế chân. Tấm chết hóa thân thành chim vàng anh, thành cây xoan đào, thành khung cửi, thành quả thị, nhưng đều bị Cám và gì ghẻ tìm cách hãm hại. Cuối cùng, Tấm chui ra từ quả thị và gặp lại nhà vua, hai người sống hạnh phúc bên nhau. Mẹ con Cám vì những tội ác đã gây ra, cuối cùng cũng bị trừng trị thích đáng.

Câu chuyện Cây khế

Câu chuyện kể về cuộc đời của hai anh em có cha mẹ mất sớm. Gia tài cha mẹ để lại đều bị vợ chồng người anh tham lam giành hết. Vợ chồng người em chỉ được chừa lại một khoảnh đất có trồng một cây khế. Nhờ sự chăm sóc chu đáo của người em mà đến mùa, cây khế ra từng chùm quả ngon ngọt sai cây trĩu cành. Một hôm, có một con chim đại bàng đến ăn hết trái này đến trái khác. Thấy vậy, người em buồn rầu than khóc với chim. Nghe xong đại bàng liền nói: ”  Ăn một quả khế, trả một cục vàng, may túi ba gang, mang đi mà đựng!”

[caption-1]

Sau khi may xong túi, người em được chim chở ra đảo lấy vàng và trở nên giàu có. Biết chuyện, người anh ranh ma gạ người em đổi cây khế với toàn bộ gia tài của hắn, rồi hai vợ chồng canh chừng ngày ngày dưới cây khế. Rồi đại bàng lại đến ăn khế, người anh kể khổ cùng đại bàng và cũng được đại bàng nói những lời như trước. Máu tham trong người nổi lên, thay vi may túi ba gang, người anh dặn vợ may cái túi đến mười hai gang. Ra đến đảo, người anh hoa mắt trước châu báu ngọc ngà, hắn cố nhét thật đầy cái túi mười hai gang. Vì chở quá nặng nên trên đường trở về, khi bay qua giữa đại dương mệnh mông, không chịu được cơn gió mạnh thổi đến nên đại bàng nghiêng cánh hất túi vàng và người anh xuống biển. Thế là, cả cái túi vàng lẫn người anh tham lam đều chìm dưới đáy đại dương bao la.

Câu chuyện Thánh Gióng

Đời vua Hùng thứ sáu, ở làng Gióng có hai vợ chồng ăn ở phúc đức, nhưng mãi vẫn không có con. Một hôm, bà vợ ra đồng ướm chân vào một vết chân to. Bất ngờ sau đó bà thụ thai và sinh ra một cậu bé khôi ngô tuấn tú. Tuy nhiên, dù đã lên ba tuổi nhưng cậu vẫn chẳng biết nói, biết cười.

Giặc Ân xuất hiện ngoài bờ cõi, đe dọa sự an nguy của nước nhà khiến triều đình lo lắng ngày đêm, cho tìm nhân tài cứu nước. Cậu bé liền cất tiếng nói đầu tiên xin được đi đánh giặc. Từ hôm đó, cậu lớn nhanh như thổi, ăn hết bảy nong cơm, ba nong cà. Cậu vươn vai thành một tráng sỹ, mặc vừa vặn áo giáp sắt, cầm roi và cưỡi ngựa sắt xông ra diệt giặc. Trong lúc đánh nhau, bỗng roi sắt gãy, cậu nhanh trí nhổ những bụi tre bên đường đánh tan quân địch. Sau đó, cậu một mình một ngựa lên đỉnh nút Sóc Sơn rồi bay thẳng về trời.

Câu chuyện Sơn Tinh -Thủy Tinh

Hùng Vương thứ mười tám có một người con gái người đẹp như hoa, tính nết hiền dịu là Mị Nương. Vua muốn kén cho nàng một người chồng thật anh hào xứng tầm thiên hạ. Sơn Tinh (chúa vùng non cao) và Thủy Tinh (chúa vùng nước thẳm) là hai vị thần tài giỏi đều xứng được làm rễ vua. Để chọn người phù hợp, vua liền đặt ra điều kiện ai mang lễ vật tới trước sẽ là người thắng cuộc và được cưới Mị Nương. Lễ vật gồm “một trăm ván cơm nếp, hai trăm nệp bánh chưng, voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hống mao, mỗi thứ một đôi.”   Sơn Tinh mang lễ vật tới trước cưới được Mị Nương, Thủy Tinh đến sau không cưới được vợ đùng đùng nổi giận đòi cướp lại Mị Nương. Hai bên giao tranh kịch liệt, Thủy Tinh hô mưa gọi gió, Sơn Tinh bốc từng quả đồi dời từng dãy núi. Thủy Tinh cuối cùng đuối sức phải chịu thua. Nhưng oán thù vẫn còn, hàng năm Thủy Tinh cho mưa gió bão lụt dâng nước lên để đòi lại Mị Nương, nhưng đều bị Sơn Tinh đánh thất bại trở về.

Câu chuyện Thạch Sanh

Thạch Sanh vốn là thái tử được Ngọc Hoàng sai xuống làm con hai vợ chồng nghèo, nhân hậu. Cha mẹ chàng mất từ lúc chàng còn nhỏ, từ đó sống lủi thủi bên gốc đa ngày đêm luyện võ nghệ cao cường. Lí Thông là một người hàng rượu thấy Thạch Sanh khỏe mạnh bèn dỗ kết nghĩa anh em. Năm ấy, Lí Thông phải đi nộp mạng cho chằn tinh, hắn bèn lập mưu để Thạch Sanh nộp mạng thay minh bằng việc nhờ Thạch Sanh đi canh miếu thờ. Thạch Sanh giết được chằn tinh đem đốt, xác liền biến thành cây cung vàng. Thấy vậy, Lí Thông lại lừa Thạch Sanh đã giết hại linh vật của vua, khuyên Thạch Sanh về sống lại ở bên gốc đa, còn mình thì cướp công giết chằn tinh. Hắn đem đầu chằn tinh vào dâng vua, được vua khen thưởng và ban chức Quận Công.

Kể chuyện bé nghe trước khi ngủ trọn bộ audio truyện cổ tích

Cứu được công chúa Lí Thông cho người lấp cửa hang hại Thạch Sanh – Ảnh Internet

Bấy giờ công chúa đã đến tuổi kén chồng, bất ngờ trong một ngày hội lớn nàng bị đại bàng khổng lồ cắp đi. Lí Thông lại nhờ Thạch Sanh cứu công chúa, Thạch Sanh không màng hiểm nguy xông vào tận hang đại bàng cứu công chúa. Nhưng không may khi vừa kéo công chúa lên, Lí Thông cho quân lính lấp luôn cửa hang nhằm giết Thạch Sanh. Ở dưới hang chàng lại cứu được con vua thủy tề và được vua thủy tề ban cho cây đàn thần.

Hồn chằn tinh và đại bàng hiện về đi ăn cắp rồi vu vạ cho Thạch Sanh để báo thù. Chàng bị nhốt vào ngục. Chàng đem đàn ra đánh, công chúa lúc bấy giờ nghe thấy tiếng đàn liền khỏi bệnh u uất, không nói không cười từ ngày được cứu về. Vua cho gọi Thạch Sanh lên, chàng thưa hết sự tình cùng nhà vua. Thấu hiểu sự tình, vua giao cho chàng xử tội mẹ con Lí Thông nhưng chàng nhân từ tha cho họ. Trên đường về quê hai mẹ con Lí Thông bị sét đánh chết hóa kiếp thành bọ hung.

Câu chuyện Cây tre trăm đốt

Ngày xưa có một anh chàng hiền lành khỏe mạnh đi ở thuê cho một phú ông giàu có. Phú ông hứa rằng nếu chàng chịu khó làm việc cho ông thì sẽ được gả con gái cho. Tin vào lời hứa, chàng ra sức làm việc giúp gia đình nhà phú ông đã giàu càng giàu thêm. Ba năm sau, nhận thấy anh đã hết giá trị lợi dụng, phú ông trở mặt đòi anh tìm cây tre trăm đốt làm của hồi môn thì mới chịu gả con gái cho. 

Muốn cưới con gái nhà phú ông nên anh quyết lên rừng tìm cây tre như vậy. Tìm hoài mà vẫn không thấy, thương cho số phận nghiệt ngã của mình anh liền ngồi ôm mặt khóc. Bụt hiện lên hỏi “Làm sao con khóc!”, anh liền kể hết sự tình của mình. Thương tình bụt bảo anh chặt đủ 100 đốt tre rồi hô câu thần chú ” khắc nhập, khắc nhập ” thì lập tức 100 đốt tre được gắn kết với nhau thành một cây tre đủ 100 đốt. Còn nếu muốn tách các đốt tre ra anh chỉ cần hô “khắc xuất, khắc xuất”. Anh mang các khúc tre về nhà và hô biến thành cây tre trăm đốt cho cha vợ tương lai xem. Không thể tin được chuyện này, ông già bước ra với vẻ mặt ngạc nhiên, nhìn chằm chằm vào cây tre. Anh liền đọc “khắc nhập khắc nhập” thế là ông dính luôn vào cây tre. Lão van xin nài nỉ và hứa sẽ gả con gái cho lúc đó anh mới hô “khắc xuât khắc xuất” để giải thoát cho ông. Cuối cùng, anh và con gái lão phú hộ cưới nhau và sống hạnh phúc đến đầu bạc răng long.

Kể chuyện bé nghe Thỏ và Rùa

Đây là một câu chuyện ngụ ngôn nổi tiếng xoay quanh cuộc thi chạy giữa Thỏ và Rùa. Ngày xưa, có một con Rùa và một con Thỏ cãi nhau xem ai nhanh hơn. Một cuộc thi chạy đua đã được mở ra để giải quyết cuộc tranh luận đó. Sau khi đã thống nhất lộ trình, chúng bắt đầu vào cuộc đua.

Khi hiệu lệnh ban ra, Rùa chậm chạp nhích từng bước một, còn Thỏ chạy thục mạng, nhanh như tên bắn. Chỉ một lúc sau Thỏ đã chạy khá xa rùa. Thấy Rùa quá chậm nên Thỏ quyết định nghỉ ngơi, hái hoa bắt bướm. Lơ đãng nên thỏ ngủ thiếp đi trên đường đua mà không hay biết Rùa đã vượt qua mình từ lúc nào. Khi Thỏ nhớ tới cuộc đua và choàng tỉnh thì Rùa đã về tới đích và dành chiến thắng.

Kể chuyện bé nghe Ai đáng khen hơn

Nhà kia có hai anh em thỏ xám, bố đi làm xa nên hai anh em sống chung với mẹ. Hai anh em lúc nào cũng tỏ ra mình là đứa biết thương mẹ nhất và đáng khen nhiều hơn. Biết mình lớn nên thỏ anh lúc nào cũng nhường nhịn em. Ngược lại, thỏ em thích được mẹ khen và muốn tỏ ra mình ngoan hơn anh. Một hôm thỏ mẹ bảo thỏ anh đi hái nấm hương còn thỏ em thì bứt mười bông hoa đồng tiền thật đẹp. Cả hai anh em đều vâng lời và hoàn thành tốt nhiệm vụ mẹ đã giao. Tuy nhiên người em vì chỉ mong được mẹ khen nên chỉ tập trung vào nhiệm vụ mà không quan tâm đến mọi người. Còn thỏ anh thì ngoài vâng lời mẹ, còn biết nghĩ và giúp đỡ những người xung quanh. Hài lòng với hai anh em, song thỏ mẹ vẫn coi trọng hành động giúp đỡ người khác của thỏ anh và phân tích cho thỏ em hiểu rõ vì sao càn giúp đỡ người khác.

Câu chuyện về cậu bé Tích Chu

Kể chuyện bé nghe trước khi ngủ trọn bộ audio truyện cổ tích

Tích chu sống chung với bà – Ảnh Internet

Ngày xưa có một cậu bé tên là Tích Chu, mồ côi và sống chung với bà. Được bà nuông chiều nên tích chu ham chơi, không biết để ý chăm sóc khi bà bị ốm. Bà ở nhà một mình khát cháy cổ mà không có ai ở bên lấy nước cho uống. Bà chết hóa thành chú chim, bay đi để tìm nước uống. Tích Chu hối hận, khóc lóc thảm thiết, cậu được một bà tiên chỉ đường đến suối tiên lấy nước cứu bà. Trải qua nhiều gian lao, cuối cùng Tích Chu cũng mang được nước tiên cho bà uống để hóa lại thành người sống hạnh phúc bên Tích Chu.

Câu chuyện Bông hoa cúc trắng

Có hai mẹ con sống chung với nhau trong một ngôi nhà nhỏ. Người mẹ không may bị lâm bệnh nặng, sức khỏe ngày càng yếu đi. Người con vốn thương mẹ, liền đi khắp nơi tìm cách chữa trị cho mẹ. Trên đường đi, cô gặp một cụ già tóc bạc, râu trắng. Cụ bảo cô ra chỗ gốc đa đầu rừng tìm một bông hoa màu trắng, bông hoa có bao nhiêu cánh thì mẹ cô sẽ sống được bấy nhiêu ngày. Nghe lời cụ, cô bé đội cả trời mưa gió và cũng tìm được bông hoa. Nhưng bông hoa chỉ có năm cánh, tức là mẹ chỉ có thể sống được 5 ngày vỏn vẹn. Suy nghĩ một hồi, cô liền nhẹ nhàng xé từng cánh hoa thành nhiều mảnh. Kỳ lạ thay, mỗi mảnh cô xé ra lại trở thành một cánh hoa dài và mượt, bông hoa trở nên có vô vàn cánh. Điều này cũng đồng nghĩa với việc mẹ cô sẽ khỏi lại và sống thật lâu cùng với cô. Từ đó về sau, người ta gọi bông hoa đó là hoa cúc trắng, là một biểu tượng của lòng hiếu thảo dành cho cha mẹ.

Kể chuyện bé nghe Quạ và Công

Quạ và công xưa kia là bạn thân với nhau. Cả hai đều có bộ lông xấu xí, bèn bàn nhau trộm màu rồi tô vẽ, sửa sang lại bộ cánh cho nhau. Quạ tô điểm, vẽ vời cho Công trước. Quạ khéo tay nên vẽ bộ lông cho Công nhìn rất bắt mắt. Đến lượt Công tô điểm cho Quạ thì chợt nghe tiếng ríu rít của những chú chim từ đang xa bay đến. Đàn chim báo tin đi xuống phương Nam kiếm thật nhiều đồ ăn ngon. Nghe thấy thế, cả Quạ và Công đều háo hức muốn đi theo bầy chim kia kiếm ăn. Công vốn vụng nay lại nóng vội nữa nên dốc cả đĩa mực vào mình Quạ. Bao nhiêu lông cánh giờ đây đen nhánh một màu. Quạ cũng không để ý, thấy toàn bộ lông cánh mình đã được tô vẽ, liền vội vã bay theo đàn chim kia đi kiếm ăn. Đến lúc ăn no, Quạ mới thắc mắc tại sao mọi người đều nhìn mình cười. Bay đến bên bờ một dòng sông ngắm mình thì ôi thôi …Quạ rùng mình thấy mình chỉ toàn là một màu đen xấu xí. Giờ Quạ mới thấy dại, tự dưng lại để cho một kẻ vụng về tô vẽ đôi cánh của mình. Vừa giận vừa thẹn, Quạ tìm đến Công mắng cho một trận. Từ đó Quạ và Công không chơi chung với nhau nữa.

Câu chuyện Sọ Dừa

Kể chuyện bé nghe trước khi ngủ trọn bộ audio truyện cổ tích

Sọ Dừa sinh ra không chân không tay tròn như một quả dừa – Ảnh Internet

Hai vợ chồng nọ, hiếm muộn con cái phải đi ở cho phú ông. Họ đến sau này cũng sinh được một đứa con. Nhưng đây là một đứa bé kì dị, có mắt có mũi nhưng lại tròn như quả dừa không chân không tay. Thương con nên hai vợ chồng vẫn quyết đinh giữ lại đứa bé và đặt tên là sọ dừa.

Sọ dừa xin đi chăn bò cho phú ông để lấy tiền nuôi cha mẹ. Hằng ngày sọ dừa ở lại trên núi, cơm nước được ba cô con gái phú ông mang lên cho. Hai cô chị căm ghét và hắt hủi sọ dừa thậm tệ, cô út thùy mị vẫn hết lòng yêu thương, săn sóc. Sọ dừa bảo cha mẹ đi hỏi con gái phú ông. Thấy vậy phú ông thách cưới rất cao, bất ngờ là sọ dừa đáp ứng đủ các vật thách cưới của phú ông. Trong ba cô con gái phú ông chỉ có cô út là bằng lòng lấy sọ dừa. Sau đó sọ dừa biến lại thành một chàng trai tuấn tú, thông minh, thi đõ trạng nguyên. Không lâu sau vua cử sọ dừa đi sứ, sọ dừa đành phải từ giã vợ. Trước khi đi, sọ dừa đưa cho vợ hòn đá lửa, con dao và hai quả trứng gà và dặn vợ luôn mang theo những vật này bên người. Ghen tỵ với em đã lâu, hai cô chị lập mưu hãm hại và đẩy em gái xuống biển. Cô bị cá kình nuốt liền đem dao giết cá rồi dạt vào một hòn đảo. Viên đá lửa năm xưa giờ đây được cô dùng để nướng cá ăn qua ngày, còn hai quả trứng thì nở thành hai con gà. Thấy có thuyền đi ngang đảo, cô cho gà gáy làm hiệu cầu cứu. Thuyền ghé vào đảo hoang không ngờ lại là thuyền quan trạng đi sứ về. Hai vợ chồng gặp nhau mứng mừng tủi tủi. Về đến nhà quan trạng mở tiệc ăn mừng có mời hai cô chị, tiệc tan trạng dẫn vợ ra, hai cô chị xấu hổ bèn tìm cách trốn đi biệt tích.

Câu chuyện Hũ bạc của người cha 

Một nông dân người Chăm nọ rất siêng năng. Ông thường buồn phiền vì đứa con trai lười biếng suốt ngày ăn chơi, không chịu lao động. Về già ông để dành được một hũ bạc. Không yên lòng giao cho con trai, ông muốn đứa con ra đi tự lao động kiếm lấy bát cơm. Bà mẹ sợ con vất vả, dúi tiền vào túi anh. Cầm tiền ra đi, anh ăn tiêu gần hết khi còn lại vài đồng mới đem về cho cha. Người cha vứt ngay mấy đồng tiền xuống ao, thấy anh vẫn thản nhiên như không, ông biết đây không phải tiền do anh tự làm ra. Ông lại buộc người con trai ra đi lần nữa, lần này người mẹ chỉ cho một ít tiền. Khi hết tiền, anh tìm đến quan xay thóc xin làm thuê. Anh lao động cực nhọc mới kiềm được một ít gạo, anh chỉ dám ăn một phần gạo. Sau ba tháng lao động anh đem bán số gạo còn lại lấy tiền và mang về cho cha. Hôm đó ông lão đang ngồi sưởi liền ném luôn mấy đồng vào lửa, anh liền vội thọc tay vào lửa lấy tiền ra không màng đến nguy hiểm. Thấy vậy ông lão chảy nước mắt vui sướng vì người con nay đã biết quý trọng đồng tiền. Khi giao hũ bạc của mình cho con, ông nâng niu bàn tay cậu và dặn rằng, hũ bạc không bao giờ hết chính là đôi bàn tay lao động của con người.

Câu chuyện Ba lưỡi rìu

Ngày xưa có một anh tiều phu nghèo, cả gia tài chỉ có một chiếc rìu bằng sắt cũ kĩ dùng để đốn củi kiếm sống. Một hôm, lúc anh đang đốn củi thì đột nhiên lưỡi rìu theo đà văng xuống sông. Mắt đi lưỡi rìu, anh buồn khôn xiết liền ôm mặt khóc than đau khổ. Nghe thấy tiếng khóc đau khổ của anh, bụt hiện lên ôn tồn bảo: ” Làm sao con khóc!” Buồn rầu anh kể hết sự tình cho ông nghe. Nghe xong bụt liền lặn xuống sông, đem lên một cây rìu sáng óng ánh bằng bạc và hỏi: “Rìu của con đây có phải không?”  Nhìn cây rìu thật quý giá nhưng anh thật thà không nhận. Bụt lại lặn xuống sông, lần này ông mang lên một cây rìu còn sáng hơn, lưỡi rìu tỏa những tia sáng như ánh mặt trời. Bụt hỏi: “Cậy rìu bằng vàng này là của con có phải không?” Cây rìu này còn đẹp và quý giá hơn nhưng anh vẫn thật thà: “Đây vẫn không phải cây rìu của con ạ!” Lần thứ ba bụt lại lặn xuống và mang lên một cây rìu bằng sắt, trông rất cũ kĩ. Vừa nhìn thấy cây rìu trên tay cụ, anh đã reo lên” Đúng đây là cây rìu của con rồi!” Cảm động trước tính tình thẳng thắn thật thà của anh, ông liền tặng cả ba cây rìu cho anh mang về nhà.

1.2. Những câu chuyện kể bé nghe có nguồn gốc nước ngoài

Tìm hiểu thêm: Trẻ em bị cận thị nặng cần được điều trị và chăm sóc thế nào?

Kể chuyện bé nghe trước khi ngủ trọn bộ audio truyện cổ tích

Lo Lem biến thành nàng công chúa xinh đẹp với đôi giày thủy tinh – Ảnh Internet

Kể chuyện Cô bé Lọ Lem cho bé nghe

Ngày xưa trong một vương quốc nho nhỏ có một cô gái mô côi tên là Ela. Cô phải sống chung với bà mẹ kế và hai cô chị cùng cha khác mẹ. Ela bị mẹ con bà mẹ kế bóc lột như một đứa ở trong nhà. Cô phải làm những công việc bẩn thỉu quanh xó bếp, bụi bẩn bám đầy người, dần dần mọi người gọi cô là Lọ Lem. 

Hoàng tử mở vũ hội cho phép tất cả các thiếu nữ trong nước đều được tham gia. Bà mẹ kế và hai cô chị xúm xít quần áo chuẩn bị cho buổi lễ hội. Lọ Lem thì bị bà bắt làm nhiều việc nhà không cho đi dự lễ hội. Lọ Lem buồn sầu bật khóc. Bà tiên tốt bụng nghe thấy tiếng khóc của cô, hiện lên biến Lo Lem thành một cô gái xinh đẹp. Lúc này Lọ Lem mặc quần áo sang trọng đi đôi giày thủy tinh sáng lấp lánh. Sự xuất hiện của Lọ Lem đã gây ấn tượng với Hoàng Tử, suốt buổi lễ chàng chỉ để mắt tới một mình cô. Lọ Lem ở cùng Hoàng tử quên cả thời gian, khi chuông đồng hồ bắt đầu vang lên những tiếng động báo hiệu sắp đến 12 h. Lúc này Lọ Lem sực nhớ tới lời bà tiên, vội và rời xa hoàng tử bỏ về. Trên đường về Lọ Lem đánh rơi một chiếc giày thủy tinh. Hòang tử đuổi theo kịp nhặt lại chiếc giày. Buồn bã trở lại lâu đài, Hoàng tử cho người đi khắp đất nước tìm cô gái xỏ vừa chiếc giày sẽ lấy làm vợ. Cuối cùng hoàng tử cũng tìm ra Lo Lem và sống một cuộc sống hạnh phúc với nàng đến trọn đời.

Kể chuyện Nàng Tiên Cá cho bé nghe

Nàng tiên cá út bé nhỏ sống dưới thủy cung cùng với gia đình của mình. Nàng cùng với các chị gái ai cũng nóng lòng được lên mặt biển ngắm bầu trời vào sinh nhật thứ 15. Vì là con gái út của vua thủy tề nên nàng được lên mặt biển cuối cùng. Sau bao nhiêu ngày chờ đợi, cuối cùng nàng cũng được vươn mình lên trên mặt biển. Nàng nhìn thấy cảnh hoàng hôn rực rỡ, những chiếc thuyền nhấp nhô. Mọi người trên thuyền đang nhảy múa mừng sinh nhật hoàng tử tròn mười sáu tuổi. Nàng tiên cá vừa nhìn thấy hoàng tử đã đem lòng yêu và dõi theo chàng. Mặt nước bỗng nhiên xao động, gió nổi lên dữ dội. Một cơn bão bất ngờ ập tới đánh tan cả con thuyền và hoàng tử xuống biển. Nàng tiên cá cứu hoàng tử và đưa chàng vào bờ. Từ đó lúc nào nàng cũng nhớ tới hoàng tử, nàng muốn trở thành người để mãi được ở bên chàng. Nàng tiên cá đi tìm mụ phù thủy và quyết định đổi giọng hát hay của mình lấy đôi chân. Mụ phù thủy đưa ra một điều kiện, nếu hoàng tử yêu và lấy nàng làm vợ thì nàng sẽ được ở bên hoàng tử hạnh phúc. Còn nếu hoàng tử lấy người con gái khác thì nàng phải chết và trở thành bọt biển. Trở thành người, nàng tiên cá được hoàng tử mang về cung cùng sống với chàng. Nhưng hoàng tử không nhận ra nàng là người đã cứu sống mình năm xưa. Chàng chỉ xem nàng như một người em gái dễ thương và đem lòng yêu một người con gái khác – người mà hoàng tử nghĩ là đã cứu mình năm xưa. Bị mất đi giọng nói, nàng không thể nói cho hoàng tử biết mình chính là người đã cứu hoàng tử. Vào ngày cưới của hoàng tử, lúc mọi người đã ngủ say, nàng tiên cá nhắm nghiền mắt chuẩn bị cho cái chết của mình. Lúc đó các chị của nàng từ dưới mặt nước ngoi lên, họ đưa cho nàng một con dao găm. Nếu nàng giết hoàng tử thì nàng sẽ được trở lại làm tiên cá như trước. Nàng tiên cá không thể ra tay với hoàng tử, nàng ngã mình xuống biển, linh hồn nàng bay vút lên trời.

Câu chuyện Hoàng Tử Ếch

Một nàng công chúa nọ lỡ tay ném quả cầu yêu thích của mình xuống giếng. Nàng liền òa lên khóc. Một chú ếch xấu xí yêu cầu nếu được làm bạn tri âm với công chúa thì sẽ giúp nàng tìm quả cầu dưới mặt nước. Công chúa muốn có lại quả cầu liền đồng ý và chú ếch tìm lại được quả cầu cho cô. Công chúa vớ lấy quả cầu và vội vả chạy về nhà chẳng thèm để ý gì đến chú ếch nữa. Hôm sau ếch đến tận cửa gõ cửa đòi vào nhưng công chúa đóng sầm của lại. Nàng kể lại mọi chuyện cho vua nghe, vua tức giận vì công chúa đã không biết giữ lời đã hứa với người đã giúp mình. Ngài ra lệnh cho công chúa phải làm theo những gì chú ếch yêu cầu. Công chúa đành phải làm theo một cách miễn cưỡng. Cuối cùng khi chú ếch đòi nằm lên giường ngủ của mình, công chúa tức giận ném chú ếch thật mạnh xuống giường. Khi rơi xuống chú ếch liền biến thành một vị hoàng tử có đôi mắt xinh đẹp. Hoàng tử kể chuyện mình bị một mụ phù thủy phù phép và không ai ngoài công chúa có thể cứu chàng ra khỏi giếng. Theo ý muốn của vua cha, hoàng tử và công chúa kết hôn và sống hạnh phúc trọn đời cùng nhau.

Câu chuyện Alibaba và bốn mươi tên cướp

Kể chuyện bé nghe trước khi ngủ trọn bộ audio truyện cổ tích

Hang động chứa toàn vàng bạc châu báu của bốn mươi tên cướp – Ảnh Internet

Có một tiều phu nghèo, chăm chỉ và không tham lam tên là Alibaba. Chàng có một người anh trai là Kasim. Một hôm Alibaba tình cờ phát hiện một cái hang bí mật của một băng cướp gồm bốn mươi tên, chứa đầy ngọc ngà châu báu. Để đóng hay mở của hang cần sử dụng câu thần chú ” vừng ơi mở ra ” và ” vừng ơi đóng lại “. Kasim được Alibaba kể hết sự tình bèn nổi lòng tham tự tìm đến cửa hang. Bị choáng ngợp trước bao nhiêu là châu báu vàng bạc, hắn ta quên mất câu thần chú để mở cửa hang đi về. Khi bọn cướp trở về thấy Kasim liền giết chết vứt xác ở cửa hang. Alibaba mang xác anh trai về, khéo léo thu xếp cho anh một cái chết bình thường. Biết bí mật về của hang bị lộ, bọn cướp ráo riết truy tìm Alibaba. Nhờ sự giúp đỡ của những người thân tín, Alibaba đã lần lượt tiêu diệt cả bốn mươi tên cướp và sống cuộc đời còn lại hạnh phúc.

Câu chuyện Cô bé quàng khăn đỏ

Ngày xưa có một cô bé ngoan ngoãn hiền lành, luôn quàng một chiếc khăn màu đỏ. Biết tin bà bị ốm, cô bé được mẹ dặn mang đồ ăn bồi bổ sức khỏe cho bà. Trước khi đi, mẹ cô đã dặn phải đi đường thẳng không đi đường vòng nguy hiểm. Nhưng Cô bé quàng khăn đỏ thích đi đường vòng hơn để hái hoa bắt bướm thỏa thích. Sói muốn ăn thịt cả hai bà cháu nên lừa cô đi vào rừng sâu, còn mình thì đến nhà ăn thịt bà ngoại trước. Khi cô bé đến được tới nhà bà, Sói lúc đó đã nuốt chửng lấy bà ngoại và đang đóng giả bà nằm ở trên giường. Sói chờ cho cô bé đến tận giường và nuốt chửng luôn vào bụng. Sói no nê nằm ngủ kêu o o. Bác thợ săn đi qua, nghe tiếng kêu của sói liền đóan biết được sự tình. Nhân lúc sói đang nằm ngủ bác rạch bụng cứu hai bà cháu ra và giết chết chú sói. Từ đó về sau cô bé quàng khăn đỏ không còn dám làm trái lời mẹ dặn nữa.

2. Bài học và ý nghĩa rút ra từ các câu chuyện

Các câu chuyện kể cho bé nghe ngoài nội dung phong phú và hấp dẫn còn chứa đựng nhiều ý nghĩa tốt đẹp. Từ mỗi một câu chuyện, trẻ có thể sẽ tự rút ra cho mình những bài học hoặc chính người kể sẽ giúp trẻ trong việc này, để định hướng những điều tích cực và tốt đẹp cho cuộc sống về sau. 

Cụ thể, các câu chuyện cổ tích Việt Nam thường phản ảnh khát vọng ở hiền gặp lành của cha ông ta. Phản ánh khát khao xây dựng hạnh phúc và niềm tin vào cái thiện chiến thắng cái ác.

Qua câu chuyện Thỏ và Rùa trẻ có thể hiểu mình không nên tự cao tự đại, khoác lác và chủ quan khi nhìn nhận một vấn đề. Câu chuyện Tích Chu và nhiều câu chuyện khác giáo dục bé có tấm lòng hiếu thảo, biết quan tâm, yêu thương mọi người, biết vâng lời người lớn, không ham chơi.

Nhiều những câu chuyện khác dạy bé biết trân trọng giá trị của lao động, biết thật thà trong cuộc sống. Có những truyện định hướng cho trẻ biết xây dựng hạnh phúc từ những điều bình dị nhất, giúp trẻ tránh xa những cảm dỗ của cuộc đời.

Dũng cảm, có kỷ luật, có tinh thần đồng đội, mưu trí, nhường nhịn nhau,… là những đức tính tốt đẹp được nhiều câu chuyện ngợi ca. Qua đó, trẻ hiểu được tầm quan trọng của những đức tính này và chú trọng xây dựng, rèn giũa để có một nhân cách tốt.

3. Hình thức kể chuyện cho bé

Kể chuyện bé nghe trước khi ngủ trọn bộ audio truyện cổ tích

Kể cho bé những câu chuyện có hình ảnh minh họa – Ảnh Picsea

Xã hội ngày cáng phát triển, kéo theo đó là sự ra đời của nhiều hình thức kể chuyện cho bé hấp dẫn khác nhau. Ba mẹ có thể tận dụng các thiết bị công nghệ kết hợp vào việc kể chuyện cho bé nghe:

  • Cho bé nghe online trực tiếp các câu chuyện
  • Cho bé xem các video, nghe kênh youtube kể chuyện cho bé
  • Cho bé nghe các câu chuyện qua mp3
  • Cho bé xem phim hoạt hình về những câu chuyện cổ tích hấp dẫn
  • Tải phần mềm kể chuyện bé nghe

Khi tận dụng các thiết bị công nghệ, ba mẹ có thể linh hoạt chọn các giọng đọc (giọng bắc hoặc giọng nam). Điều này hẳn sẽ làm tăng hứng thú nghe kể chuyện của bé. Có nhiều trẻ chỉ thích ngồi nghe ba mẹ kể chuyện, một số trẻ khác lại thích được xem nhiều tranh, nhiều hình ảnh. Vì vậy, ngoài các truyện chữ không hình, thì ba mẹ có thể kết hợp kể chuyện cho bé nghe có hình ảnh minh họa kèm theo.

Ngoài ra, truyện kể là một hình thức giúp trẻ học một ngôn ngữ khác rất tốt. Vì vậy, ba mẹ có thể kể cho trẻ những câu chuyện bằng nhiều thứ tiếng khác nhau. Nếu trẻ có khả năng thì cha mẹ có thể tạo điều kiện cho trẻ kể lại các câu chuyện bằng tiếng Anh hay một thứ tiếng khác phù hợp.

4. Cách giúp bé thích nghe kể chuyện

Kể chuyện bé nghe trước khi ngủ trọn bộ audio truyện cổ tích

>>>>>Xem thêm: Top 11 thực phẩm giữ ấm cho cơ thể trẻ vào mùa đông, mẹ đừng quên bổ sung mỗi ngày

Linh hoạt trong cách kể làm cho bé bị câu chuyện thu hút – Ảnh Internet

Ở mỗi lứa tuổi khác nhau sẽ phù hợp với nhiều câu chuyện khác nhau. Với các bé 2 đến 3 tuổi, vì đầu óc còn đang non nớt, nên ba mẹ chỉ nên kể những câu chuyện có nội dung đơn giản kèm theo nhiều hình ảnh minh họa. Các trẻ lớn hơn thì mẹ có thể nâng dần độ phức tạp cũng như thông điệp mà câu chuyện muốn truyền tải cho bé.

Để con nghe kể chuyện mà không bị nhàm chán, ba mẹ cần đa dạng các hình thức kể chuyện cho bé nghe. Vì vậy, khi gặp đoạn hội thoại trong chuyện, người kể có thể giả giọng theo các nhân vât càng sinh động trẻ các hứng thú. Cũng nên chuẩn bị nhiều sách, truyện đa dạng để thay đổi khi trẻ không muốn nghe các câu chuyện cũ.

Cần tạo không gian phòng ngủ thoải mái để ba hay mẹ có thể ngồi cạnh kể chuyện cho con. Đèn ngủ cần phải đủ độ sáng để ba mẹ có thể đọc được sách cho con. Bé thường thích thú với màu sắc, do đó nên chuẩn bị các quyển sách có nhiều tranh ảnh, vừa đọc vừa chỉ cho con xem.

Những câu chuyện quá dài và khô khan sẽ khiến cho con không hứng thú nghe. Vì vậy, ba mẹ có thể sáng tạo, biến hóa câu chuyện kể theo cách của mình, làm sao để câu chuyện nghe hấp dẫn và ngắn gọn hơn. Đồng thời, sau mỗi câu chuyện, nếu con còn chưa buồn ngủ, cha mẹ có thể tranh thủ cùng thảo luận với con về nội dung, các nhân vật và bài học con rút ra được từ câu chuyện con vừa nghe.

Kể chuyện bé nghe trước khi ngủ để được cùng con có những giây phút thật thoải mái là niềm vui không chỉ của con, mà của chính các ông bố bà mẹ. Ngoài những lợi ích cho sự phát triển của bé, những câu chuyện, cùng cách kết hợp kể chuyện phong phú đa dạng của cha mẹ còn là chiếc cầu nối tuyệt vời. Chiếc cầu này giúp bé được chìm vào những giấc mơ lung linh muôn màu, phát triển trí tưởng tượng, cũng như thêm sự gắn kết với mật thiết với cha mẹ hơn.

Oanh Nguyễn tổng hợp

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *